Trang thông tin điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), tổ chức trọng thể tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, sáng 7/5.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đọc Diễn văn kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
"Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam!
Kính thưa các bậc lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động!
Thưa quý vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài!
Hôm nay, trong không khí vui mừng, phấn khởi, tự hào của cả nước, tại thành phố Điện Biên Phủ tươi đẹp, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - một chiến thắng vĩ đại “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa của thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.
Trước hết, tôi xin được thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệt liệt chào mừng và xin gửi tới quý vị đại biểu, khách quý, đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài cùng Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên lời chào trân trọng, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất!
Nhân buổi Lễ long trọng này, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thân ái gửi đến toàn thể quý vị, đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước lời chúc mừng, những tình cảm chân thành, thân thiết nhất và chúc Lễ kỷ niệm của chúng ta thành công tốt đẹp!
Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta thành kính nghiêng mình tưởng nhớ công lao vĩ đại và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Vị Lãnh tụ thiên tài của Cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới - Người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân và hòa bình, tiến bộ của nhân loại.
Chúng ta tưởng nhớ và tri ân sâu sắc Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng - Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chúng ta khắc ghi và biết ơn công lao to lớn của các bậc tiền bối, các anh hùng liệt sỹ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các thế hệ cán bộ, tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ cùng toàn thể các lực lượng vũ trang và Nhân dân ta trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã tận tâm, tận lực, anh dũng chiến đấu, hy sinh quên mình, cùng góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Sau 70 năm ngày Chiến thắng, chúng ta vẫn băn khoăn, trăn trở, ngậm ngùi khi còn đó nhiều liệt sỹ chưa xác định được đủ thông tin; nhiều cựu chiến binh vẫn đau đáu nỗi niềm tìm kiếm đồng đội; nhiều gia đình vẫn ngày đêm trông ngóng thông tin về người thân đã hy sinh trên chiến trường; máu xương của các anh hùng liệt sỹ đã hòa quện vào lòng đất Điện Biên - Tây Bắc, để góp phần cho ngày hôm nay đất nước ta được độc lập, tự do và Nhân dân được sống trong ấm no, hạnh phúc.
Với truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, thủy chung của dân tộc, chúng ta chân thành biết ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu, chí tình, chí nghĩa của Trung Quốc, các nước Liên Xô cũ, các nước xã hội chủ nghĩa, bạn bè quốc tế, các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, đặc biệt là các nước Lào, Campuchia anh em trong liên minh đoàn kết chiến đấu Ba nước Đông Dương đối với Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân Việt Nam nói chung.
Thưa các vị khách quý và đồng bào, chiến sĩ cả nước!
Thừa hưởng những thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và niềm vui độc lập chưa lâu, Nhân dân ta lại phải bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã đoàn kết một lòng, với tinh thần “Nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, nhất tề đứng lên kháng chiến và lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp.
Cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị đã đánh giá tình hình và quyết định thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, giữ vững quyền chủ động đánh địch trên các mặt trận, phối hợp chặt chẽ trên phạm vi cả nước và trên toàn Đông Dương với phương châm “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”; dẫn đến sự đảo lộn của Kế hoạch Na-va, buộc địch bị động chống đỡ và ngày càng lún sâu vào thất bại trên khắp các chiến trường. Trước sự tăng cường hoạt động của ta trên hướng Tây Bắc và các chiến trường khác, địch vội cho quân đánh chiếm Điện Biên Phủ với âm mưu biến nơi đây thành “một tập đoàn cứ điểm mạnh”, “một pháo đài khổng lồ không thể công phá”.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, nhận định đúng và rõ tình hình chiến trường, thế và lực của ta, ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bác Hồ kính yêu đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho bằng được”. Điện Biên Phủ đã trở thành “điểm quyết chiến chiến lược” giữa ta và địch, trong đó Trung ương Đảng đã hạ quyết tâm: "Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh".
Để tạo thuận lợi cho trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, chúng ta đã mở các đợt tiến công chiến lược trên khắp các chiến trường. Những chiến công vang dội của quân và dân ta trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, vừa tiêu diệt nhiều sinh lực địch, vừa giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, làm phá sản kế hoạch Na-va, buộc địch phải chia cắt, phân tán lực lượng để đối phó.
Tiến hành Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách, từ công tác bảo đảm bí mật, hậu cần, quân số cho đến vũ khí, khí tài, trang thiết bị kỹ thuật; trong khi đó địch “binh hùng, tướng mạnh” với vũ khí, trang thiết bị hiện đại. Phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, hàng chục vạn cán bộ, chiến sỹ, dân công hoả tuyến cùng nhân dân các địa phương đã ngày đêm xẻ núi, bạt rừng, xuyên đèo, lội suối, mở hàng nghìn km đường giao thông cho bộ đội hành quân, vận chuyển vũ khí, lương thực, hậu cần cho Chiến dịch. Với thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, với ý chí cứu nước dâng cao như “triều dâng, thác đổ”, chúng ta đã hội tụ được sức mạnh tổng hợp vô song, sẵn sàng cho Chiến dịch.
Quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh”, Đảng ủy Mặt trận, trực tiếp là Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, với tư duy quân sự độc đáo, sự mưu lược, quyết đoán của một vị tướng tài ba, đã sáng suốt quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” ngay trước giờ mở màn Chiến dịch.
Trải qua “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn…”, với “đôi chân đất”, tinh thần thép và ý chí chiến đấu quật cường, bền bỉ, anh hùng của quân và dân ta, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã giành thắng lợi vang dội - “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”, giáng đòn quyết định, đánh bại nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đây là đỉnh cao thắng lợi của cuộc kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính”, là thắng lợi của tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, là sự kết tinh sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (21/7/1954) về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam; tạo cơ sở, tiền đề cho việc giải phóng, xây dựng miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội và nền tảng vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thưa các vị khách quý và đồng bào, chiến sĩ cả nước!
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một sự kiện trọng đại, không chỉ có ý nghĩa đối với Cách mạng Việt Nam, mà còn trở thành bản anh hùng ca bất hủ thôi thúc các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đó là thắng lợi vĩ đại của Nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay: Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công”.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là kết tinh của sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là chiến thắng của chính nghĩa, của lòng dân, của lương tri và phẩm giá con người, được dẫn dắt bởi đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo; bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ kính yêu, từ truyền thống yêu nước nồng nàn và tinh thần đoàn kết đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, được Nhân dân các dân tộc Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước phát huy cao độ và tận tâm, tận lực dốc sức, đồng lòng, đóng góp sức người, sức của cho Chiến dịch. Đặc biệt, góp phần trực tiếp làm nên chiến thắng là sự cống hiến, hy sinh to lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng - một đội quân “từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu” với trên 4 vạn cán bộ, chiến sỹ đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Những tấm gương chiến đấu dũng cảm, hy sinh anh dũng trên chiến trường là minh chứng sinh động cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, tạo tiền đề cho những chiến công, thắng lợi tiếp theo của Nhân dân ta trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và Đảng ta, Nhân dân ta đã lựa chọn. Đến nay, 70 năm đã trôi qua, nhưng những bài học kinh nghiệm đó vẫn vẹn nguyên giá trị cho các thế hệ hôm nay và mai sau:
Một là, xác định đường lối kháng chiến đúng đắn, tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.
Hai là, phát huy tinh thần yêu nước và ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Ba là, phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, xác định đúng đường lối chiến tranh cách mạng và nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Việt Nam.
Bốn là, xây dựng và củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nòng cốt là liên minh công nhân - nông dân - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.
Năm là, kết hợp chặt chẽ, hài hòa, hiệu quả giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sự ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn quốc tế.
Thưa các vị khách quý và đồng bào, chiến sĩ cả nước!
Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, dân tộc ta đã giành được nhiều thắng lợi to lớn, viết tiếp bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh, lập nên những chiến công hiển hách như Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 và đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau khi đất nước thống nhất, chúng ta vừa tập trung khôi phục kinh tế - xã hội, vừa chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc, vừa làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp Nhân dân Campuchia lật đổ và thoát khỏi chế độ diệt chủng.
Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, chịu nhiều đau thương, mất mát nhất sau Chiến tranh thế giới thứ II, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; GDP bình quân đầu người tăng 58 lần so với thời kỳ đầu đổi mới, đạt 4.300 USD năm 2023; thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhóm 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất toàn cầu. Việt Nam được Liên hợp quốc công nhận là một trong những nước đi đầu trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) và đang nỗ lực cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 nước, mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại với 230 quốc gia, vùng lãnh thổ và là hình mẫu của hàn gắn và khôi phục vết thương sau chiến tranh. Tình hình chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; gìn giữ được môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho hợp tác phát triển.
Thưa các vị khách quý và đồng bào, chiến sĩ cả nước!
Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; xu hướng phân tách, phân mảnh và cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt; xung đột vũ trang, căng thẳng ở một số khu vực trên thế giới. Sau đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới phục hồi chậm, các yếu tố rủi ro gia tăng. Trong khi đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo ra cả cơ hội và thách thức đối với toàn thế giới; những yếu tố an ninh truyền thống và phi truyền thống như cạn kiệt tài nguyên, già hoá dân số, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... ngày càng phức tạp, khó dự báo, đe doạ nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trước tình hình đó, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, say sưa với những thành tựu, kết quả đã đạt được; nhưng cũng không bi quan, hoang mang, dao động trước những khó khăn, thách thức; ngược lại càng áp lực, càng phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn; khơi dậy, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa; càng phấn khởi, tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, của các thế hệ đi trước, càng củng cố niềm tin và thấy rõ trách nhiệm với đất nước trong hiện tại và tương lai; vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm phấn đấu cao nhất để tiếp tục lập nên những kỳ tích “Điện Biên phủ mới” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thưa các vị khách quý và đồng bào, chiến sĩ cả nước!
Tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, về dân tộc Việt Nam anh hùng, nghìn năm văn hiến, phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, thời gian tới chúng ta nguyện tiến bước dưới lá cờ vẻ vang của Đảng chung sức, đồng lòng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập trung: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện thật tốt chủ trương: Phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt, công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc; trong đó tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:
1. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả. Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, liên kết vùng, đô thị hóa...
2. Phát triển văn hóa, xã hội đồng bộ, hài hòa, ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị với quan điểm xuyên suốt là: lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển nhanh, bền vững; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng; phát huy mạnh mẽ truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm và khát vọng cống hiến, vươn lên, nhất là đối với thế hệ trẻ. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tiếp tục củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo; ưu tiên bố trí nguồn lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; trong đó có tỉnh Điện Biên, vùng Tây Bắc “phên giậu” thân yêu của Tổ quốc.
3. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không” (không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế). Tập trung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc. Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó một số quân, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
4. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại, là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển; góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
5. Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên. Kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; lan tỏa gương người tốt, việc tốt; tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo đồng thuận xã hội, phát triển nhanh, bền vững.
Thưa các vị khách quý và đồng bào, chiến sĩ cả nước!
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội lần thứ XIII của Đảng; đồng thời tích cực chuẩn bị tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi xin kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài cùng chung sức, đồng lòng, đồng tâm, hiệp lực; tận dụng mọi thời cơ, vận hội mới; nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức; quyết tâm phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Chúng ta tin tưởng và tự hào rằng, những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc ta với tinh thần Điện Biên Phủ bất diệt, những khó khăn được tháo gỡ, những thách thức sẽ vượt qua để viết tiếp những bản hùng ca chiến thắng với tất cả sự quyết tâm, sự kiên trì, bền bỉ, nhiệt huyết, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước của các thế hệ hôm nay và mai sau, như lời dạy của Bác Hồ kính yêu:
“Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền,
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên”.
Tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại và Dân tộc Việt Nam anh hùng, tiếp tục trên chặng đường vinh quang dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, toàn thể chúng ta, với tất cả trách nhiệm, lý trí và nghị lực, hãy sống, làm việc, cống hiến hết sức mình; hãy nỗ lực vươn lên bằng trí tuệ, niềm tin, lòng yêu nước nồng nàn trong từng nhịp đập của mỗi trái tim; hãy góp sức, nỗ lực nhiều hơn nữa cho Tổ quốc, cho xã hội, cho cộng đồng, cho gia đình và bản thân; hãy cùng nhau kề vai, sát cánh, quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu ngày càng hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Tinh thần Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ muôn năm!
Vinh quang đời đời thuộc về các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân!
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!
Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!
Xin trân trọng cảm ơn!"./.
Nguồn: tuyengiao.vn
- Phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị (12.04.2021)
- Khoa kỹ thuật hình sự ký kết giao ước kết nghĩa với phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Phước (12.04.2021)
- Thúc đẩy bình đẳng giới và quyền của phụ nữ là chủ trương nhất quán của Việt Nam (12.04.2021)
- Làm căn cước công dân gắn chip trước 01/7/2021, những điều người dân cần biết (12.04.2021)
- Công bố phương thức tuyển sinh các trường CAND năm 2021 (12.04.2021)
- Điều kiện tham gia xét tuyển vào các trường CAND năm 2021 (11.04.2021)
- Thăng cấp bậc hàm trước niên hạn cho đồng chí PGS, TS. Nguyễn Ngọc Sơn (08.04.2021)
- Hướng tới cộng đồng APEC phát triển bao trùm, bền vững và thịnh vượng (26.02.2021)
- Những điểm mới cần chú ý trong Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 04/4/20 (14.02.2021)