Lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Cảnh sát nhân dân (CSND) luôn gắn liền với lịch sử vẻ vang của Công an nhân dân Việt Nam và những trang sử hào hùng của dân tộc từ ngày lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay...
Lực lượng CSND giữ vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống tổ chức của lực lượng Công an nhân dân, là lực lượng nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh - một trong những điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng CSND luôn gắn liền với lịch sử vẻ vang của Công an nhân dân Việt Nam và những trang sử hào hùng của dân tộc từ ngày lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cùng với thiết lập chính quyền Cách mạng, các tổ chức đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân, trong đó có lực lượng CSND ra đời làm nhiệm vụ trấn áp bọn phản cách mạng, bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, công sở; trấn áp bọn lưu manh côn đồ, khắc phục tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự, trị an ở các thành phố, thị xã.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng CSND đã bảo vệ vững chắc trật tự, trị an ở vùng căn cứ, mở nhiều chiến dịch truy quét tội phạm, bài trừ lưu manh, thực hiện các biện pháp hành chính quản lý hộ khẩu, kiểm tra quản lý vũ khí và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác chiến đấu diệt địch, phá tề, bảo vệ an toàn các chiến dịch, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta.
Cùng với sự phát triển của Cách mạng, lực lượng CSND cũng không ngừng được Đảng, Nhà nước quan tâm xây dựng. Ngày 20/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của CSND và Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc hàm sỹ quan, hạ sỹ quan CSND. Đây là mốc son lịch sử, đánh dấu sự lớn mạnh, trưởng thành của lực lượng CSND, đồng thời là cơ sở pháp lý để xây dựng lực lượng CSND trở thành lực lượng vũ trang nòng cốt, xung kích trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Ngày 20/7 hằng năm chính thức là Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân.
|
Trải qua các chặng đường lịch sử của dân tộc, lực lượng Cảnh sát nhân dân luôn tuyệt đối trung thành với Đảng với Tổ quốc, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. |
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, lực lượng CSND đã làm tốt công tác đấu tranh trấn áp tội phạm, nhất là trấn áp bọn lưu manh chuyên nghiệp, khám phá các vụ tham ô, đầu cơ, buôn lậu, trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng, truy bắt gián điệp biệt kích... góp phần giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, lực lượng CSND đã cùng các lực lượng khác vừa chiến đấu vừa hướng dẫn nhân dân đi trú ẩn, sơ tán; tổ chức cứu thương, chữa cháy, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân; đồng thời tích cực góp phần cùng với hậu phương miền Bắc phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, lực lượng CSND đã chi viện cho miền Nam gần 3000 cán bộ, chiến sỹ để phối hợp với lực lượng tại chỗ chiến đấu tiêu diệt địch; đồng thời tiếp quản, tổ chức quản lý hành chính, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự, góp phần xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng vùng mới giải phóng. Chỉ trong một thời gian ngắn sau giải phóng, lực lượng CSND đã hoàn thành công tác đăng ký quản lý hộ khẩu, cấp chứng minh nhân dân thống nhất cho nhân dân 2 miền Nam - Bắc, khẳng định vững chắc sự thống nhất của đất nước; đẩy mạnh trấn áp các băng nhóm trộm, cướp chuyên nghiệp, truy quét các tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự, trị an, củng cố thêm lòng tin của nhân dân vào chế độ xã hội mới.
Trong 10 năm sau giải phóng, lực lượng CSND đã sát cánh cùng các lực lượng chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc; truy quét tàn quân ngụy, trấn áp hàng trăm tổ chức phản động; đấu tranh chống FULRO ở Tây Nguyên... Dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Hội đồng Bộ trưởng và Bộ Công an, lực lượng CSND đã chú trọng phát động quần chúng và liên tiếp mở hàng chục đợt tấn công, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên toàn quốc; trấn áp, bắt giữ hàng chục nghìn bọn lưu manh chuyên nghiệp, triệt phá hàng nghìn băng ổ nhóm tội phạm, góp phần làm giảm hẳn tình hình tội phạm, lập lại một bước trật tự kỷ cương xã hội.
Bước vào thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an, lực lượng CSND từng bước được đổi mới toàn diện theo hướng tập trung thống nhất về bộ máy tổ chức và chuyên sâu về nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đến nay, lực lượng CSND đã hình thành tổ chức chuyên sâu tại 4 cấp Công an (cấp bộ, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã), bảo đảm thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Bám sát các nhiệm vụ chính trị của đất nước trong giai đoạn này, lực lượng CSND đã làm tốt công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương chiến lược trong công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Trong đó, đã đề xuất với Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, các văn bản quy phạm pháp luật, các chiến lược, chương trình quốc gia tạo cơ chế phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng CSND đã liên tiếp mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm hàng năm, đồng loạt triển khai toàn diện các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, công nghệ cao, trực tiếp giữ vững trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong những năm gần đây, mỗi năm lực lượng CSND điều tra, khám phá trên 40.000 vụ phạm tội về hình sự, triệt phá 1.200 băng nhóm tội phạm các loại; phát hiện, xử lý 16.000 vụ phạm tội về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; 20.000 vụ phạm tội về ma túy; 19.000 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về môi trường và hàng trăm vụ tội phạm sử dụng công nghệ cao phạm tội.
Trong cuộc đấu tranh gian khổ, quyết liệt, đầy nguy hiểm chống bọn tội phạm, lực lượng CSND đã thể hiện tinh thần mưu trí, dũng cảm, sắc bén về nghiệp vụ, kiên quyết tấn công tội phạm với nhiều chiến công được Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp ghi nhận, để lại sự ngưỡng mộ, cảm phục trong nhân dân và sự đánh giá cao của bạn bè quốc tế. Điều đó thể hiện qua việc các băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” đều bị nhanh chóng triệt phá; tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” bị đẩy lùi; các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhất là các vụ giết người, cướp ngân hàng, tiệm vàng đều được nhanh chóng điều tra khám phá trong thời gian ngắn nhất, có nhiều vụ chính đối tượng phạm tội còn ngỡ ngàng không hiểu vì sao mình lại bị bắt nhanh đến như vậy.
Trong đấu tranh với tội phạm ma túy, lực lượng CSND đã triệt phá hàng trăm đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, ngăn chặn không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy đi nước thứ ba; triệt xóa hàng nghìn điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy tại địa bàn cơ sở, qua đó ngăn chặn sự gia tăng của hiểm họa ma túy, góp phần bảo vệ giống nòi và sự bình yên của mỗi gia đình.
Điểm sáng trong đấu tranh với tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu là lực lượng CSND đã điều tra, khám phá hàng trăm vụ án lớn, ngăn chặn thất thoát và thu hồi lại tài sản cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng; khẩn trương điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội theo đúng phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, góp phần củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Trên lĩnh vực đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, lực lượng CSND đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc lớn, góp phần cảnh báo, răn đe tội phạm.
Trên các lĩnh vực công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, lực lượng CSND đã phát huy vai trò nòng cốt, chủ động, tích cực trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, góp phần kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí; tăng cường phòng cháy, chữa cháy; bảo đảm an toàn các mục tiêu chính trị - kinh tế; chủ động phương án xử lý các tình huống bạo loạn, biểu tình, khắc phục hậu quả thiên tai; bảo đảm công tác thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng; thực hiện tốt công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, nhất là đổi mới phương thức quản lý dân cư từ thủ công sang quản lý điện tử, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần tạo nền tảng để phát triển Chính phủ điện tử.
Trên lĩnh vực hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm, lực lượng CSND Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (INTERPOL) vào năm 1991; gia nhập Hiệp hội Cảnh sát các quốc gia Đông Nam Á (ASEANAPOL) vào năm 1995 và mở rộng quan hệ hợp tác với cơ quan Cảnh sát các nước láng giềng và đối tác lớn trên thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, lực lượng CSND là một trong những lực lượng tuyến đầu, thực hiện tốt phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp”, góp phần quan trọng cùng cả nước phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Trên chặng đường hơn 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành cùng với toàn lực lượng Công an nhân dân (19/8/1945-19/8/2021) và 59 năm Ngày truyền thống (20/7/1962-20/7/2021), lực lượng CSND đã lập nên vô vàn những chiến công xuất sắc, khẳng định được vị thế, bản lĩnh và là chỗ dựa vững chắc trong công cuộc bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ sự bình yên của đất nước và cuộc sống yên bình của nhân dân. Trong cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt và vô cùng phức tạp với tội phạm, chỉ tính riêng trong thời kỳ đổi mới đến nay đã có gần 200 cán bộ, chiến sỹ CSND hy sinh được công nhận là liệt sỹ và hơn một ngàn cán bộ, chiến sỹ bị thương hoặc phơi nhiễm HIV trong khi làm nhiệm vụ. Lực lượng CSND vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Sao Vàng, 9 Huân chương Hồ Chí Minh và hàng trăm tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác; đồng thời, được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tặng 16 chữ vàng: “Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước vì dân, quên thân phục vụ”.
Trong thời gian tới, tình hình thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến đan xen cả thời cơ và thách thức, những yếu tố an ninh phi truyền thống sẽ tiếp tục tác động trực tiếp đến công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, toàn lực lượng CSND phải luôn phát huy truyền thống vẻ vang và những bài học quý báu với nhận thức sâu sắc quan điểm “Cảnh sát nhân dân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ”, với tinh thần “Thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống của mình”; tiếp tục đổi mới toàn diện các mặt công tác, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, kéo giảm tội phạm một cách bền vững, lâu dài, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tập trung tăng cường bản chất cách mạng, bản lĩnh chính trị, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân của cán bộ, chiến sỹ CSND. Do đặc thù công tác phải thường xuyên đương đầu với tội phạm hoạt động tinh vi, xảo quyệt, vì vậy mỗi cán bộ, chiến sỹ phải có lập trường chính trị vững vàng, tận tâm, tận tụy trong công tác, mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu, không dao động trước những khó khăn, cám dỗ trong cuộc sống. Các cấp ủy Đảng trong CAND và thủ trưởng các đơn vị cần chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, lấy giáo dục truyền thống, giáo dục chính trị là yếu tố then chốt để mỗi cán bộ, chiến sỹ luôn tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của Ngành và của lực lượng, để hun đúc thêm ý chí, niềm tin và bản lĩnh trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự của đất nước, vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Tiếp tục xây dựng lực lượng CSND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và mục tiêu tiến lên hiện đại vào năm 2030; điều chỉnh, bố trí lực lượng theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Tăng cường ứng dụng các thành tựu của khoa học - công nghệ và mở rộng hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.
- Trường Đại học CSND hỗ trợ tiêu thụ 5.6 tấn cam sành Vĩnh Long (23.02.2023)
- Tự hào truyền thống 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Cục Cảnh sát hình sự (22.02.2023)
- Khai giảng Khoá D2S-VB2A (22.02.2023)
- Giải bóng bàn chào mừng kỷ niệm 47 năm ngày truyền thống Nhà trường (21.02.2023)
- Khai giảng Khóa D7T - K02 (18.02.2023)
- Xây dựng lực lượng Cảnh vệ CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại (16.02.2023)
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi Thư chúc mừng lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân (16.02.2023)
- Tuổi trẻ Trường Đại học CSND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy (10.02.2023)
- Tọa đàm KH giá trị lý luận, thực tiễn cuốn sách về phòng chống tham nhũng của TBT Nguyễn Phú Trọng (10.02.2023)