Sau một ngày làm việc, học tập vất vả của mỗi người thì bữa ăn chính là thời gian dành cho gia đình yêu thương, các thành viên quây quần bên mâm cơm nóng hổi, cùng nhau chuyện trò, chia sẻ, gắn kết yêu thương. Bởi thế, ngoài việc nạp thêm năng lượng, bữa cơm gia đình luôn mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt. Nó đi sâu vào tiềm thức và là ký ức ấm áp mà dù chúng ta có đi bao xa, bao lâu cũng luôn nhớ về.
Thế nhưng, cuộc sống xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu hưởng thụ của con người cũng ngày càng tăng lên. Họ thích đến những nhà hàng sang trọng, thưởng thức những món ăn đắt tiền của nhiều quốc gia, vùng miền. Thậm chí, có nhiều gia đình xem ăn ngoài như một thói quen. Và cứ thế, gian bếp nhà dần trở nên lạnh lẽo, họ hòa vào âm thanh hỗn độn của phố phường, quán xá. Họ là thượng đế, có người phục vụ và khi trở về nhà, một ngày dài đã kết thúc thật thảnh thơi, nhẹ nhõm.
Cha mẹ tất bật theo công việc và những mối quan hệ bên ngoài, con cái bận rộn với chuyện học hành, bè bạn. Bắt đầu ngày mới, mỗi người đi làm một giờ, thế là ra hàng bún, hàng phở, đồ ăn nhanh tha hồ chọn lựa. Tan ca chiều, giờ học, lại bận nhậu nhẹt, tập gym, yoga, bao thú vui chờ đón để giải tỏa áp lực cả ngày. Những mâm cơm gia đình đầy đủ thành viên càng trở nên thưa dần, người ăn trước, kẻ ăn sau,... Thậm chí, có những gia đình 3 thế hệ nhưng lại xuất hiện 2 cái bếp, 2 mâm cơm và nhiều giờ ăn.
Đặc biệt ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của những loại hình dịch vụ, con người càng “lười” hơn từ suy nghĩ đến hành động. Những người phụ nữ không cần phải vắt óc suy nghĩ “Tối nay nấu món gì”, chỉ cần lên mạng, với vài cái lướt tay, họ đã có ngay thực đơn đa dạng, giao đến tận nhà. Thay vì phải tất bật chợ búa, cơm nước, họ có thể nấn ná làm đẹp ở spa, hẹn hò với bạn bè... Chính tình trạng ấy làm cho sự gắn kết trong gia đình giữa các thành viên trở nên lỏng lẻo, mọi sự chia sẻ chia hầu như không còn. Nhưng có bao giờ họ để ý gương mặt phụng phịu của đứa con khi thưởng thức bữa ăn công nghiệp mà mẹ “oder”; hay sự thất vọng của người chồng vốn đang háo hức vì nghĩ sẽ được ăn cơm vợ nấu. Hoàng tráng thật đấy, ngon thật đấy, nhưng thiếu đi hương vị của tình yêu thương, thiếu đi mồ hôi, sự chăm chút của người mẹ, người vợ.
Gia đình đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển một xã hội lành mạnh. Bởi vì gia đình là nơi nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách ta lúc tuổi còn thơ, là nơi khuyên bảo và hướng dẫn những cách ứng xử đúng đắn trong giao tiếp, tránh sai lầm do lúng túng lần đầu ở tuổi trưởng thành, là nơi đào tạo ra những con người hữu ích cho xã hội. Đa số chúng ta hy sinh phần lớn thời giờ của mình để đầu tư cho việc tiến thân, phát triển sự nghiệp riêng, nhưng vô tình đánh mất đi những khoảng thời gian quý báu của gia đình.
Nhưng có lẽ đấy chỉ là một phần đâu đó trong cuộc sống bộn bề này, bởi tôi tin rằng phần lớn trong tâm thức của người Việt Nam, tất cả đều hướng về gia đình. Đặc biệt trong những ngày này, khi dịch bệnh Covid 19 đang hoành hoành khắp nơi, con người ta lại càng trân quý hơn những phút giây của cuộc sống. Những ngày giãn cách xã hội đã giúp các thành viên trong gia đình xích lại gần nhau hơn, cùng nhau chăm chút cho tổ ấm, cho bữa cơm gia đình, người nấu nướng, kẻ nhặt rau, người cổ vũ, pha trò… giản đơn nhưng ấm áp đến lạ. Hãy trân trọng khoảnh khắc thiêng liêng ấy, khi nhìn vào những y bác sĩ, chiến sỹ Công an nhân dân đang ngày đêm căng mình chống dịch, chỉ được nhìn con qua màn hình điện thoại, cánh cửa, họ cũng nhớ lắm những bữa cơm gia đình thân thương, nhưng vì nghĩa vụ, trách nhiệm với nhân dân mà phải rời xa mái ấm với lời hứa hẹn “hết dịch bố, mẹ sẽ về”…
Thời gian cho một cuộc sống có giới hạn, nó là một trong những thứ hiếm hoi duy nhất mà khi đã mất đi rồi chúng ta không thể nào tìm lại được. Vì vậy, con người càng phải trân trọng hơn nữa những giây phút gia đình được sum vầy bên nhau, những bữa cơm gia đình dù đạm bạc nhưng tình cảm vẫn luôn được đong đầy, đó là giây phút ta được sống chậm lại để thưởng thức hương vị của cuộc sống, của tình thân!
Văn Long
- Tổng kết hoạt động thực tập tốt nghiệp của học viên Nhà trường từ năm 2015 đến nay (30.11.2022)
- Chung kết cuộc thi “Tìm hiểu về chủ quyền biển đảo, biên giới” (26.11.2022)
- Những điều thí sinh cần lưu ý khi tham dự kỳ thi tuyển sinh VB2 chính quy tuyển mới năm 2022 (24.11.2022)
- Bế mạc Hội thao chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (23.11.2022)
- Đại hội các Chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở phòng Hậu cần (23.11.2022)
- Nhà giáo CAND với sự nghiệp xây dựng CAND trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại (21.11.2022)
- Đoàn viên thanh niên Đại học CSND tham gia Giao lưu văn nghệ (18.11.2022)
- Kỷ niệm 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 (16.11.2022)
- Hội diễn võ thuật sinh viên Đại học CSND (16.11.2022)