Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ con cháu đối với công đức của tổ tiên.
Từ bao đời nay, trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, các Vua Hùng đã có công dựng nên Nhà nước đầu tiên trong lịch sử, là tổ tiên chung của toàn dân tộc.
Mọi người dân Việt Nam đều tự hào mang trong mình dòng máu “Lạc Hồng.”
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ con cháu đối với công đức của tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
|
Theo các tư liệu lịch sử và thống kê của các nhà nghiên cứu, trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam hiện có 1.417 địa điểm có di tích thờ cúng các Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Trong đó, tỉnh Phú Thọ có 183 di tích thờ cúng Hùng Vương (122 di tích đang thờ tự và 61 di tích đã thất truyền).Khơi nguồn sức mạnh đoàn kết dân tộc
Mỗi địa điểm di tích lại gắn liền với một tín ngưỡng thờ cúng và tri ân công đức của tiên tổ.
Đây thực sự là một minh chứng khẳng định tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một di sản văn hóa độc đáo, trường tồn cùng lịch sử dân tộc.
Lễ Giỗ tổ Hùng Vương là dịp quan trọng để giới thiệu ra thế giới một di sản đã thấm đẫm vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của mỗi người dân Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có sức sống mãnh liệt, trường tồn với thời gian, bởi đức tin và sự linh thiêng. Đó chính là hai yếu tố cơ bản tạo thành sợi dây cố kết cộng đồng.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, trong tâm thức của người dân Việt Nam, vua Hùng là vị vua dựng nước, là tổ tiên của dân tộc Việt Nam.
Người dân đất Việt tôn vinh Vua Hùng là Thánh Tổ và dựng lên các ngôi đền trên núi Nghĩa Lĩnh để thờ tự từ bao đời nay.
Thái độ tôn kính Hùng Vương theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của các thế hệ người dân Việt Nam đã khiến cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng linh thiêng và sức lan tỏa sâu rộng trên mọi miền đất nước và kiều bào ta ở nước ngoài.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn thể hiện ở đức tin trong lòng dân. Đó là niềm tin về một sức mạnh thiêng liêng, có thể giúp người dân vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống trước thiên tai, địch họa.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xuất phát từ mạch nguồn dân tộc, từ sự tôn vinh những nhân vật lịch sử có công dựng nước đã tạo lập ra một quốc gia, dân tộc...
Trong thời đại ngày nay, đất nước đang trên đà hội nhập và phát triển, thời cơ thuận lợi có nhiều, nhưng khó khăn, thách thức không hề nhỏ. Để đưa đất nước đi lên sánh vai cùng các cường quốc năm châu, chúng ta cần có sự đồng tâm hiệp lực của đồng bào cả nước, trong đó có những người con đất Việt đang sinh sống ở nước ngoài.
Nếu biết phát huy sức mạnh cội nguồn - sức mạnh của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, chúng ta sẽ tập hợp được sự đoàn kết đối với tất cả người dân đất Việt, cùng chung sức, chung lòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó cũng chính là thực hiện được lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào cả nước.
Ngày 6/12/2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được Ủy ban Liên chính phủ theo Công ước năm 2003 của Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
|
Trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, ngày Giỗ tổ Hùng Vương hằng năm là ngày lễ trọng đại mang bản sắc văn hóa sâu sắc và độc đáo của dân tộc Việt Nam, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tưởng nhớ và biết ơn công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước.Giỗ Tổ - Ngày kết nối cộng đồng
Đây cũng là dịp quan trọng để quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.”
Ông Lê Trương Giang, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết hằng năm, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ được giao chủ trì phối hợp với 3-5 tỉnh, thành trong cả nước tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng.
Phần lễ được tổ chức trang nghiêm, thành kính theo các nghi lễ truyền thống với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành, kiều bào nước ngoài và đông đảo nhân dân.
Phần hội diễn ra vui tươi, lành mạnh với nhiều hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc vùng Đất Tổ cội nguồn. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương giờ đây trở thành ngày hội văn hóa của toàn dân tộc, có ý nghĩa vô cùng sâu sắc trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng.
Thành công lớn nhất trong việc phát huy giá trị di sản chính là từ Đền Hùng - Trung tâm thực hành nghi lễ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, nơi hội tụ sâu sắc nhất nghĩa “Đồng bào," nơi thể hiện cho ý thức về nguồn cội của hàng triệu triệu người dân đất Việt đã có sự lan tỏa mạnh mẽ không chỉ đến các di tích thờ Hùng Vương, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, mà còn lan rộng ra các di tích thờ Hùng Vương trong và ngoài nước.
Ngày 10 tháng 3 âm lịch, vào thời khắc tại Đền Thượng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh linh thiêng thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hùng tổ chức nghi lễ Giỗ Tổ thì tại các di tích thờ cúng Hùng Vương trong cả nước đều đồng loạt tổ chức nghi lễ Giỗ Tổ.
Đồng thời, cũng vào ngày này, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ những năm gần đây đã khuyến khích mỗi gia đình làm mâm cơm dâng cúng lên ban thờ tổ tiên tại gia để cùng tưởng nhớ, tri ân tổ tiên ông bà, cha mẹ trong mỗi gia đình mình theo phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt.
Đó cũng chính là bản thể, cội nguồn sự hình thành, kết nối của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, từ gia đình đến dòng họ, đến quốc gia, dân tộc. Sự cố kết chặt chẽ ấy chính là sức mạnh bền vững để tạo nên giá trị bản sắc riêng có của dân tộc Việt Nam và của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Nhằm tiếp tục bảo tồn Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương một cách thiết thực, trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều giải pháp và tạo mọi điều kiện để hỗ trợ cộng đồng bảo tồn các tập quán Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại địa phương.
Tỉnh chú trọng việc truyền dạy cho thế hệ trẻ việc kết nối và thực hành di sản để sáng tạo, tiếp nối và duy trì bản sắc văn hóa truyền thống trong cuộc sống đương đại; đồng thời chú trọng tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng - chủ thể văn hóa nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị to lớn, độc đáo và ý nghĩa sâu sắc của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Nhiều chương trình văn hóa, giáo dục và truyền thống đa dạng được xây dựng để giới thiệu, phổ biến, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của xã hội đối với việc bảo vệ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương...
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không có biên giới riêng mà là biên giới cộng đồng. Đó là điều căn bản triết lý để hình thành một quốc gia thống nhất. Ở đó tất cả mọi người đều có chung một vị Thánh Tổ - Vua Hùng.
Trong tâm thức nguồn cội của người Việt - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Giỗ Tổ Hùng Vương là điểm đồng quy về ý thức cộng đồng-quốc gia-dân tộc, đã kết tinh thành dòng chảy bất tận trong đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam.
B.S
Nguồn tin: cand.com.vn/
- Chỉ đạo khẩn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Bộ GDĐT (12.05.2021)
- Lực lượng Công an toàn tâm, toàn lực bảo vệ tuyệt đối Ngày bầu cử (10.05.2021)
- Phê phán các quan điểm sai trái về bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp (09.05.2021)
- Tạm hoãn học tập đối với các lớp đào tạo hình thức vừa làm vừa học (06.05.2021)
- Một số chính sách mới của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 5/2021 (06.05.2021)
- Đeo khẩu trang phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi công cộng: Các địa điểm phải đeo khẩu trang (06.05.2021)
- Ứng phó với diễn biến mới của dịch COVID -19 (Thông báo số 12) (05.05.2021)
- Công điện của Thủ tướng chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 (04.05.2021)
- Thông báo tạm hoãn học tập phòng chống dịch bệnh COVID - 19 (04.05.2021)