Kế hoạch triển khai thi hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Dự thảo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Đề xuất quy trình thanh tra hành chính trong Công an nhân dân…là những nội dung nổi bật trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác công an được ban hành và tổ chức lấy ý kiến trong tháng 9/2024.
Ban hành các kế hoạch triển khai thi hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (Luật số 38/2024/QH15) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 ngày 27/6/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Để triển khai thi hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (CNQP, AN và ĐVCN) kịp thời, thống nhất, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 7/9/2024 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhằm mục tiêu xác định cụ thể nội dung công việc, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật, bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.
Đoàn khảo sát kiểm tra các sản phẩm động viên công nghiệp của Công ty Nghĩa Thành
Theo đó, Kế hoạch đưa ra 05 nội dung chính mà các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương cần thực hiện, gồm: 1- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tập huấn chuyên sâu về Luật CNQP, AN và ĐVCN; 2- Rà soát các văn bản pháp luật; 3- Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật; 4- Xây dựng văn bản triển khai thi hành Luật; 5- Tổ chức kiểm tra việc thi hành Luật và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật…
Kế hoạch xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 ngày 27/6/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
Để triển khai thi hành kịp thời, thống nhất, hiệu quả trên phạm vi toàn quốc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1043/QĐ-TTg ngày 25/9/2024 ban hành Kế hoạch triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật, bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.
Xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật trên phạm vi cả nước. Nâng cao nhận thức về Luật và trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân trong việc thi hành Luật…x
Dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)
Cán bộ Công an hướng dẫn phạm nhân tìm hiểu về công tác đặc xá
Bộ Công an đang dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) gồm 17 chương, 225 điều (tăng 01 chương và 17 điều so với Luật Thi hành án hình sự năm 2019), trong đó, sửa đổi, bổ sung 86 điều, xây dựng mới 17 điều. Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung những quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019, điểm mới nhất của dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) là đã dành riêng 01 Chương (Chương IV) quy định về Giám sát điện tử. Trong đó, quy định cụ thể về phương thức giám sát điện tử; thực hiện giám sát điện tử; trung tâm giám sát điện tử; trách nhiệm của người bị giám sát điện tử; trường hợp không thực hiện giám sát điện tử.
Theo đó, về phương thức giám sát điện tử, dự thảo Luật quy định: Người bị giám sát điện tử được gắn 01 thiết bị giám sát điện tử lên cơ thể của người này để theo dõi vị trí trong quá trình bị giám sát. Khi đi khỏi phạm vi địa bàn cư trú, làm việc thiết bị sẽ phát cảnh báo đến cơ quan, người quản lý. Việc giám sát thực hiện qua Trung tâm giám sát điện tử được thiết lập ở Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an, Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Quốc phòng, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện. Hệ thống máy chủ giám sát điện tử đặt tại Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an, Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Quốc phòng...
Dự thảo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú
Bộ Công an đang dự thảo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú gồm 13 chương, 93 điều (tăng 20 điều so với Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam), trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 53 điều, xây dựng mới 22 điều, bỏ 02 điều. Theo đó, dự thảo Luật quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự gồm: Tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú; quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người bị cấm đi khỏi nơi cư trú; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Đoàn khảo sát kiểm tra tại Trại tạm giam Công an tỉnh Tiền Giang
Trên cơ sở kế thừa những quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, dự thảo Luật này đã sửa đổi, bổ sung những nội dung mới nhằm giải quyết những tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong công tác thi hành tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú. Trong đó, dự thảo Luật đã dành 02 chương mới, gồm: Chương VII quy định về “Thi hành biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú” và Chương IX quy định về “Cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú”…
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân
Ảnh minh họa
Nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân của nước ta, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân cho các tổ chức, cá nhân trong nước tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực; đẩy mạnh sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, Bộ Công an dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân gồm 07 chương, 68 điều; quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Dự thảo Luật đã quy định cụ thể các nội dung về nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân; xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân; quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu; các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình xử lý dữ liệu cá nhân; sử dụng dữ liệu cá nhân trong hoạt động kinh doanh; biện pháp, điều kiện bảo đảm bảo vệ dữ liệu cá nhân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ dữ liệu cá nhân...
Đề xuất quy trình thanh tra hành chính trong Công an nhân dân
Bộ Công an dự thảo Thông tư quy định quy trình thanh tra hành chính trong Công an nhân dân gồm 3 Chương, 30 Điều. Trong đó, có một số nội dung đáng chú ý quy định về thẩm quyền ra quyết định thanh tra; quy định thu thập thông tin để chuẩn bị thanh tra.
Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình và lực lượng Thanh tra Công an tỉnh tiếp công dân định kỳ
Theo đó, Chánh Thanh tra Bộ ra quyết định thanh tra các lĩnh vực, cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Công an theo kế hoạch công tác thanh tra hằng năm của lực lượng Công an nhân dân; Thanh tra đột xuất khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Công an có dấu hiệu vi phạm pháp luật; theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc các lĩnh vực, vụ việc do Bộ trưởng Bộ Công an giao. Thanh tra lại vụ việc đã được Chánh Thanh tra Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Chánh Thanh tra Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng và Chánh Thanh tra Công an cấp tỉnh kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua xem xét, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Chánh Thanh tra Công an cấp tỉnh ra quyết định thanh tra các lĩnh vực, cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của Giám đốc Công an cấp tỉnh được giao trong kế hoạch công tác thanh tra hằng năm của lực lượng Công an nhân dân; Thanh tra đột xuất khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của Giám đốc Công an cấp tỉnh có dấu hiệu vi phạm pháp luật; theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc các lĩnh vực, vụ việc do Giám đốc Công an cấp tỉnh giao…
Duy Thanh
https://bocongan.gov.vn/pbgdpl/
- Niềm vui của “Mẹ đỡ đầu” (14.07.2022)
- Sẵn sàng tiếp sức cho mùa thi mới (11.07.2022)
- Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Lào thăm, làm việc tại Trung tâm thông tin chỉ huy Bộ Công an (08.07.2022)
- Tổng kết và trao giải thưởng các cuộc thi về đề tài hình tượng người chiến sĩ CSND (08.07.2022)
- Thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Lào (08.07.2022)
- Bế mạc Chung kết Hội thi Điều lệnh, bắn súng, võ thuật CAND khu vực phía Nam (07.07.2022)
- Lan tỏa pháp luật đến những nẻo đường quê (06.07.2022)
- Khai mạc chung kết hội thi điều lệnh, bắn súng, võ thuật khu vực phía Nam (04.07.2022)
- “Sẵn sàng chinh phục thử thách” (30.06.2022)