Không chỉ “tự mình” rèn luyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải bền bỉ hằng ngày rèn luyện đạo đức cách mạng, như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người ở căn cứ Việt Bắc - Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, sự cao quý và lòng dũng cảm. Như lời thơ dưới đây đã ngợi ca, ý chí của Người là niềm tin và sức mạnh, là chân lý, là mùa xuân của sự sống, là nguồn tinh thần cao đẹp nuôi dưỡng mọi người, là sự bất chấp mọi thời gian:
"Hồ Chí Minh
Người là hiện thân sức mạnh niềm tin
Trong nụ cười của Người có tất cả những mùa xuân
Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh
Người là con người bất chấp thời gian"([1])
Sáng ngời bản lĩnh và ý chí cách mạng Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước, ở một làng quê thuộc vùng hạ lưu sông Lam của xứ Nghệ. Vùng quê ấy, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, thường xuyên đương đầu với muôn vàn giặc giã, thiên tai, trong gian khổ, thử thách vẫn gan góc, trong mất mát vẫn kiên cường. Truyền thống yêu nước của gia đình, quê hương và sự nhận thức của bản thân đã sớm làm nảy nở ở Hồ Chí Minh tấm lòng yêu nước, thương dân thiết tha. Người quan niệm: "Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức…" [2]. Người nói như vậy và Người dành trọn cuộc đời để thực hiện. Từ quá trình thực hiện mục tiêu, lý tưởng cao đẹp đó, Hồ Chí Minh đã trở thành một tấm gương điển hình cho những phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cộng sản: "Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất" (Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, quyền uy không thể khuất phục).
Ở tuổi thanh niên, Hồ Chí Minh đã chọn con đường dấn thân vào tận sào huyệt của chủ nghĩa thực dân để tìm cho được một hướng đi đúng đắn nhất, một cách đi thích hợp nhất và bảo đảm nhất cho dân tộc mình trên con đường đấu tranh để tự giải phóng. Hành trình dài gian khó với biết bao thử thách cả về mặt vật chất (thân thể) lẫn tinh thần, tư tưởng nhưng Người luôn trung thành tuyệt đối với khát vọng được giải phóng, được độc lập tự do của dân tộc mình và của nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc. Khoảng thời gian 1934-1938, sau khi được ra khỏi nhà tù Victoria ở Hồng Kông thì Hồ Chí Minh bị hiểu lầm về một số hoạt động thực tế và quan điểm cách mạng, khiến cho Người ở vào tình trạng "không hoạt động", "sống ở bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng"[3]. Vượt qua được thử thách khổ ải, tù đày đã rất khó, nhưng vượt qua được thử thách do bị hiểu lầm, nghi kị còn day dứt hơn nhiều. Đó là một "tình cảnh đau buồn" trong cuộc đời cách mạng sôi nổi của Người. Nhưng chính khoảng lặng đó càng sáng ngời bản lĩnh kiên cường, trí tuệ và tấm lòng son sắt của Hồ Chí Minh với sự tồn tại và phát triển của Đảng, như chính người đồng chí - học trò của Người, Lê Hồng Phong đã nhận xét năm 1935: "Tôi biết rằng đồng chí Quốc rất tích cực trong hoạt động cách mạng và các vấn đề sự nghiệp của Đảng luôn được đồng chí đặt cao hơn cuộc sống cá nhân. Có thể nói rằng đồng chí ấy luôn sống và làm việc vì Đảng"[4].
Một bài học khác về khả năng tự rèn luyện cùng ý chí vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt, vươn tới chế ngự bản thân, chế ngự hoàn cảnh đó là khoảng thời gian Hồ Chí Minh trải qua "Mười bốn trăng tê tái gông cùm"[5] (từ ngày 29/8/1942 đến ngày 10/9/1943) tại gần 30 nhà lao của chính quyền Tưởng Giới Thạch ở Quảng Tây, Trung Quốc. Cảnh sinh hoạt khắc nghiệt trong tù khiến thể chất tổn hao không hề nhỏ, nhưng nặng nề hơn nữa là tinh thần phải chịu đựng những "ngày dài" vô vị trong khi phong trào cách mạng nước nhà đang ở vào những giai đoạn phát triển quan trọng. Nhưng "cảnh tù đày không hề làm giảm lòng tin của Người với tương lai, không làm thương tổn một chút nào đến tâm hồn cao thượng của Người, không hề hạn chế đến tình cảm yêu thương của người chiến sĩ cách mạng với cuộc đời xung quanh, mà lại càng như rèn luyện thử thách thêm ý chí và tình cảm của Người"[6]. Tập thơ Nhật ký trong tù đã ghi lại cuộc sống khổ cực, tẻ nhạt trong tù nhưng cũng đồng thời là một bản anh hùng ca chứa chan khí phách cách mạng của người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh. Những bài thơ giàu chất thép và tinh thần nhân văn của Người đã bay khỏi bốn bức tường đá xám lạnh lẽo, động viên đồng chí giữ vững khí tiết. Có thể khẳng định rằng, không có ý chí chiến đấu của người chiến sĩ cách mạng, của giai cấp vô sản, không thể có được tinh thần kiên cường bất khuất đó.
Bản lĩnh và ý chí cách mạng của Hồ Chí Minh càng sáng ngời hơn nữa trong suốt 24 năm liền Người giữ cương vị là người công dân số 1 của nước Việt Nam độc lập, giữ các cương vị chủ chốt cao nhất: Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Chính phủ, có thời gian kiêm cả Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đứng trên đỉnh tháp quyền lực nhưng Hồ Chí Minh không ham quyền lực mà coi việc mình làm Chủ tịch là do nhân dân ủy thác cho. Người tự cho mình là "người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận", là "người đày tớ trung thành của đồng bào". Người sống một đời sống cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư. Người làm việc, lãnh đạo cách mạng bằng một tác phong dân chủ, khoa học, quần chúng, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu. Trong tình hình kinh tế và chính trị của đất nước ta hồi đó, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh hoạt bình thường như cán bộ và nhân dân chứng tỏ Người hiểu rất rõ, rất sát tình hình đời sống vật chất thực tế của nhân dân, đồng thời thể hiện tấm lòng cao đẹp của một lãnh tụ muốn "đồng cam cộng khổ" với dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt lên trên những ham muốn vật chất thông thường, không nhận quyền hưởng thụ vật chất theo vị thế tối cao của mình.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng kể lại: Khi chuẩn bị viết tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân", Bác nhấn mạnh rằng: Cán bộ đảng viên là cái gương để quần chúng soi vào, cho nên dân ta mới có câu nói "đảng viên đi trước, làng nước theo sau!". Muốn làm được điều đó thì cán bộ, đảng viên phải tu dưỡng rèn luyện để khổ mấy cũng chịu được, nhưng sướng mấy cũng phải chịu được, có như thế mới giữ vững được đạo đức cách mạng. Người còn nói tiếp: Bác rất lo khi đã có chính quyền rồi, có điều kiện kinh tế khác thời kháng chiến rồi cán bộ dễ bị sa ngã, dễ quan liêu, tham nhũng, hư hỏng, đó là những cán bộ đảng viên không chịu được "sướng" đấy. Vì vậy, kinh tế càng phát triển, đời sống càng được nâng cao thì càng phải chống chủ nghĩa cá nhân, càng phải rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng. Càng phải tôn trọng và gắn bó máu thịt với nhân dân, phải giữ gìn và xứng đáng là những tấm gương để quần chúng nhân dân soi vào.
Giữ vững được bản lĩnh, đạo đức cách mạng trong mọi hoàn cảnh
Với Bác, càng ngẫm càng thấy thật là sáng suốt vô cùng. Vì sao khi đất nước đã hòa bình, Người sống giữa Thủ đô Hà Nội và là người đứng đầu Đảng và Nhà nước mà trong tủ quần áo chỉ có mấy bộ ka-ki, có chiếc đã sờn cổ, sờn tay, dùng để hội họp và tiếp khách, vài bộ quần áo lụa nâu để đi thăm đồng bào? Vì sao vị Chủ tịch không chịu diện những đôi giầy da bóng lộn mà quen với đôi dép cao su vẹt gót? Vì sao Người không dùng ô, lọng mà đi đâu cũng với chiếc mũ cát quen thuộc? Người không ưa khẩu hiệu, không đồng ý đón rước linh đình mỗi khi xuống địa phương, cơ sở, đến đâu Người cũng quan tâm xuống tận bếp ăn, chỗ ở, nơi vệ sinh... để thấm tận tâm chứ không qua loa, hình thức, sáo rỗng? Vì sao trọn đời cống hiến hi sinh mà Người vẫn một mực không nhận những tấm huân chương rất xứng đáng của Quốc hội và của các quốc gia khác trao tặng? Vì Tổ quốc chưa được độc lập hoàn toàn, nhân dân còn đói khổ, đất nước ta còn nghèo lắm thì không ai được tự cho mình cái đặc quyền đặc lợi, không ai được tự cho mình cái quyền sống trên sự đau khổ của đồng bào mình.
Cho nên, không chỉ "tự mình" rèn luyện, Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải bền bỉ hằng ngày rèn luyện đạo đức cách mạng, như "ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong". Yêu cầu này Người đã sớm đặt ra từ năm 1927, trong tác phẩm "Đường kách mệnh" để đào tạo lý luận Marx-Lenin cho lớp cán bộ trẻ ở Quảng Châu, Trung Quốc. Ở chương đầu của tác phẩm, Người đề cập đến "Tư cách một người cách mệnh", trong đó đòi hỏi người cách mạng phải "giữ chủ nghĩa cho vững", đặc biệt là "Ít lòng tham muốn về vật chất". Một cán bộ, đảng viên, cán bộ quản lý, lãnh đạo vừa phải thực hiện đạo đức công dân, vừa thực hiện đạo đức của người cán bộ. Cán bộ của từng lĩnh vực khác nhau lại có những phẩm chất đạo đức khác nhau, thậm chí cấp bậc khác nhau, chức vụ khác nhau, cũng phải có những tiêu chí đạo đức khác nhau. Nhưng tựu chung lại, đều phải luôn ý thức về trách nhiệm với dân, với nước để từ đó giữ vững được bản lĩnh, đạo đức cách mạng, chiến thắng được bản năng hưởng thụ thường có của con người, nhất là khi có trong tay chức lớn, quyền to.
Nói chuyện tại lớp chỉnh huấn trung, cao cấp của Bộ Quốc phòng và các lớp trung cấp của các tổng cục tổ chức vào tháng 5-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: "Người ta ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp, như vậy là không có đạo đức"[7]. Cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo phải "xứng đáng với nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người, xứng đáng với lòng tin cậy của Chính phủ, xứng đáng với lịch sử, với đồng bào, với Tổ quốc"[8].
Những bài học ý nghĩa và giá trị về khí phách, bản lĩnh và ý chí quả cảm của người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự ngày hôm nay. Chúng ta tin tưởng rằng, tấm gương vô cùng đẹp đẽ và thanh cao của Bác sẽ truyền sức mạnh cho tất cả những ai còn đang trên hành trình vượt qua thử thách, nuôi dưỡng niềm tin, rèn luyện ý chí, tinh thần vượt qua khó khăn, thử thách để đấu tranh cho những mục tiêu, lý tưởng cao cả của đất nước, của dân tộc.
Vũ Thị Kim Yến
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
[1] Nhà thơ Liên Xô Nikolai Kunaep
[2] Hồ Chí Minh: Nhà nước và pháp luật, Nxb. Pháp lý, H.1990, tr.174
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.3, tr.117
[4] Tạp chí Lịch sử Đảng, tháng 5-2009, tr.50
[5] Thơ Tố Hữu
[6] Hà Minh Đức: Chủ tịch Hồ Chí Minh nhà thơ lớn của dân tộc, Nxb Khoa học xã hội, H.1979, tr.29
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.10, tr.589
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.5, tr.537
Theo chinhphu.vn
- Tập huấn nghiệp vụ tại Công an tỉnh Ninh Thuận (30.03.2024)
- Bế giảng khóa LT8T-T05 và VB7T – T05 (ĐTHS1) (29.03.2024)
- Sách hay: “Mắt đọc - Tai nghe” (29.03.2024)
- Khai mạc Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Trường năm học 2023-2024 (28.03.2024)
- Bế giảng các lớp bồi dưỡng kiến thức cho lãnh đạo, chỉ huy cấp phòng và tương đương khối cảnh sát (27.03.2024)
- Nâng cao kiến thức nghiệp vụ công tác thanh niên cho cán bộ đoàn Nhà trường (26.03.2024)
- Khai giảng lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ Nghiệp vụ điều tra mở tại Công an tỉnh Tiền Giang (25.03.2024)
- Cán bộ, giảng viên, học viên Nhà trường tham gia Ngày Chạy OLympic vì sức khỏe toàn dân năm 2024 (24.03.2024)
- Khai mạc Hội thi điều lệnh, quân sự, võ thuật CAND lần I (23.03.2024)