Từ năm 2020 đến nay, cả nước ta đã trải qua 04 đợt dịch Covid-19[1]. Theo Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Quyết định số 219/QĐ-BYT ngày 29/01/2020 của Bộ Y tế, đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A, tức là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao. Vì vậy, việc phòng, chống dịch Covid-19 cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân. Trước hết, với vai trò của mình, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, văn bản pháp luật nhằm lãnh đạo, chỉ đạo một cách quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch.
Thời gian qua, trong khi đại bộ phận người dân chấp hành tốt các quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch, thì vẫn còn có những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Những hành vi này không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự, mà còn gây hoang mang, lo lắng và bất bình trong xã hội. Do đó, cần phải xử lý nghiêm để răn đe đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, cũng như những ai có ý định vi phạm. Thực tiễn cho thấy, các hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19 phần lớn là các hành vi vi phạm hành chính, bên cạnh các hành vi vi phạm có dấu hiệu của tội phạm.
Trong phạm vi của mình, bài viết sẽ chỉ đề cập đến những hành vi vi phạm hành chính (VPHC) liên quan phòng, chống dịch Covid-19 và trách nhiệm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi vi phạm đó.
1. Một số hành vi vi phạm pháp luật hành chính trong phòng, chống dịch Covid-19
Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, cũng như căn cứ vào tình hình thực tế, có thể thấy các hành vi VPHC liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 sẽ có thể xâm hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ trong những lĩnh vực như y tế; an ninh, trật tự; công nghệ thông tin; môi trường; thương mại… Do vậy, các hành vi VPHC đó sẽ được quy định trong các Nghị định của Chính phủ về xử phạt VPHC ở các lĩnh vực nêu trên. Theo đó, các nhóm hành vi vi phạm hành chính chủ yếu trong phòng, chống dịch Covid-19 bao gồm:
- Thứ nhất, nhóm các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực y tế.
Đây là nhóm hành vi vi phạm hành chính phổ biến và thường xuyên xảy ra. Các hành vi vi phạm thuộc nhóm này chủ yếu được điều chỉnh bởi Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực y tế. Nghị định này ra đời trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; thay thế cho Nghị định số 176/2013/NĐ-CP với các quy định chưa bao quát, chế tài xử phạt còn chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm. Một số hành vi vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch được quy định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP có thể kể đến như sau:
+ Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân (như không đeo khẩu trang nơi công cộng; không giữ khoảng cách theo quy định khi tiếp xúc...) đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế. (điểm a, khoản 1, Điều 12)
+ Không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát dịch bệnh Covid-19. (điểm a, khoản 2, Điều 7)
+ Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh Covid-19; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh Covid-19. (điểm a, b, khoản 3, Điều 7)
+ Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cuỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh Covid-19. (điểm b, khoản 2, Điều 11)
+ Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh Covid-19 tại vùng có dịch. (điểm a, khoản 3, Điều 12)
+ Không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khấn cấp về dịch Covid-19. (điểm b, khoản 5, Điều 12)
- Thứ hai, nhóm các hành vi vi phạm về cung cấp, chia sẻ nội dung thông tin sai sự thật, xuyên tạc liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Nhóm hành vi này chủ yếu được quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Trong đó, hành vi vi phạm phổ biến đó là “sử dụng dịch vụ mạng xã hội cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 (điểm a, khoản 1, Điều 101 Nghị định này).
Ngoài ra, trong nhóm này còn có hành vi phổ biến sau: “Đưa tin không chính xác hoặc không kịp thời về tình hình dịch bệnh Covid-19 sau khi công bố dịch hoặc công bố hết dịch theo nội dung do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế cung cấp”. Tuy nhiên, hành vi này lại được quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 5 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực y tế.
- Thứ ba, nhóm các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực an ninh, trật tự.
Đối với nhóm hành vi này, văn bản quy định chủ yếu là Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó bao gồm các hành vi vi phạm sau:
+ Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát; có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch Covid-19. (khoản 2, Điều 20)
+ Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ hoặc gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ phòng, chống dịch Covid-19 mà chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. (khoản 3, Điều 20)
+ Giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người nước ngoài vào Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép. (điểm a, khoản 5, Điều 17)
- Thứ tư, nhóm các hành vi vi phạm khác liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Những hành vi vi phạm thuộc nhóm này có thể ở các lĩnh vực như lĩnh vực bảo vệ môi trường, lĩnh vực thương mại, sản xuất, kinh doanh…, cụ thể như:
+ Vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định tại nơi công cộng; hoặc vứt ra vỉa hè, đường phố. (Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực môi trường; Điều 1 Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP)
+ Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật hoặc niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.
+ Bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 do tổ chức, cá nhân định giá không thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.
Cả 02 hành vi vi phạm trên được quy định tại Điều 12 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 49/2016/NĐ-CP.
+ Lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính. (Điều 46 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng)
2. Trách nhiệm pháp lý hành chính đối với các vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19
a. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính
Hiện nay, các hình thức xử phạt theo quy định của Luật Xử lý VPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) bao gồm: cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng chứng chỉ, giấy phép hành nghề có thời hạn; đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện VPHC; trục xuất.
- Trong số các hình thức xử phạt trên, phạt tiền là hình thức được áp dụng chủ yếu và phổ biến nhất đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi VPHC trong phòng, chống dịch Covid-19.
Chẳng hạn, một người có hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (điểm a, khoản 1, Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP); hay một cơ sở kinh doanh ăn uống không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19 sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 40.000.000 đồng (điểm c, khoản 3, Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).
Đối với hình thức này, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi VPHC là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng thì cần phải xem xét. Việc ghi nhận tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng phải đảm bảo đúng, đầy đủ theo quy định tại Điều 9, 10 Luật Xử lý VPHC và quyền giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm phải phù hợp theo quy định tại Điều 61 Luật này. Ngoài ra, trong hoàn cảnh dịch bệnh khó khăn, người bị xử phạt có thể thực hiện các thủ tục giảm, miễn tiền phạt theo Điều 77 Luật xử lý VPHC. Thẩm quyền áp dụng hình thức phạt tiền được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.
- Bên cạnh hình thức phạt tiền, đối với một số hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch, còn có thể áp dụng thêm các hình thức xử phạt khác đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm đó như đình chỉ hoạt động có thời hạn; trục xuất.
Chẳng hạn, đối với các cá nhân là người nước ngoài có hành vi vào Việt Nam và ở lại trái phép, thì tùy theo mức độ vi phạm, ngoài bị phạt tiền, còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất. Hay đối với các cơ sở dịch vụ ăn uống không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, thì tùy theo hành vi, mức độ vi phạm có thể ban hành quyết định tạm đình chỉ các cơ sở đó bên cạnh việc phạt tiền.
- Đặc biệt, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, trong một số trường hợp vi phạm, ngoài xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch, cũng cần phải xử lý các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
Chẳng hạn, đối với các trường hợp tụ tập để đánh bạc, ngoài xử lý hành vi tụ tập đông người vi phạm quy định về phòng, chống dịch theo điểm b, khoản 5, Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, thì có thể xử lý thêm hành vi đánh bạc trái phép theo điểm a, khoản 2, Điều 26 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
- Ngoài ra, đối với việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC và thi hành quyết định cưỡng chế phải được thực hiện theo quy định tại Điều 86, 88 Luật Xử lý VPHC và Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC.
Mặt khác, trong quá trình xem xét vụ việc, người có thẩm quyền xử phạt nếu xét thấy hành vi vi phạm đó có dấu hiệu của tội phạm thì phải chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền. Trình tự, thủ tục, thời hạn xem xét, chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm giữa các cơ quan có thẩm quyền xử phạt và cơ quan tố tụng được thực hiện theo quy định tại Điều 62, 63 của Luật Xử lý VPHC.
- Lưu ý: Khi thực hiện xử phạt VPHC phải đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn, thời hiệu, mức phạt và các nội dung khác theo quy định của Luật Xử lý VPHC, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản pháp luật có liên quan. Trong quá trình lập biên bản VPHC phải áp dụng đúng mẫu biên bản theo quy định; ghi nhận đầy đủ, chính xác các nội dung trong biên bản.
b. Các biện pháp khắc phục hậu quả
Trong thực tiễn, rất nhiều các trường hợp vi phạm, ngoài việc áp dụng các hình thức xử phạt thì còn phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. Trong đó có các biện pháp phổ biến như:
- Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.
- Buộc xử lý y tế phương tiện vận tải.
- Buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết, trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách nhà nước.
- Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.
Tóm lại, những quy định của pháp luật nêu trên đã cơ bản tạo ra một hành lang pháp lý tương đối đầy đủ làm căn cứ cho các cơ quan chức năng trong việc xử lý đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính liên quan phòng, chống dịch Covid-19. Chẳng hạn, trong những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể từ ngày 9/7/2021 đến 12/7/2021, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã tổ chức 7.305 cuộc kiểm tra, lập biên bản xử phạt hành chính 12.433 vụ; tổng số tiền xử phạt là hơn 3,3 tỷ đồng[2]. Những kết quả trên đã góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, cũng như góp phần đảm bảo hiệu quả cho các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 mà Chính phủ đang thực hiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong phòng, chống dịch vẫn còn thể hiện một số bất cập, vướng mắc, từ đó dẫn đến những phản ứng bất bình trong dư luận xã hội. Có thể kể đến như việc các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn liên quan đến hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong phòng, chống dịch còn tồn tại những nội dung chưa rõ, chưa bao quát, lại chưa có hướng dẫn cụ thể nên đã dẫn đến tình trạng nhiều nơi, nhiều chủ thể có cách hiểu và áp dụng khác nhau, thậm chí là hiểu không đúng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trong khi áp dụng; hay việc một bộ phận cán bộ có thẩm quyền, nhất là cán bộ ở cấp cơ sở, vẫn còn hạn chế về năng lực, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của việc xử lý vi phạm. Cho nên, trong việc ban hành, áp dụng các quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 cần phải có sự rà soát để bổ sung, điều chỉnh những quy định còn thiếu hoặc chưa rõ, chưa cụ thể; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền để mọi cán bộ, cũng như người dân hiểu đầy đủ, chính xác các quy định của pháp luật./.
[1] Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của nCoV
[2] Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh online (2021), TPHCM: Phạt hơn 12.000 vụ vi phạm Chỉ thị 16 với số tiền 3,3 tỷ đồng, Nguồn: Website Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh online: https://congan.com.vn/doi-song/tphcm-phat-hon-12000-vu-vi-pham-chi-thi-16-voi-so-tien-33-ty-dong_116102.html (truy cập ngày 06/11/2021).
Tác giả: Nguyễn Huy Thông - Khoa Luật
- Người chính ủy mẫu mực (08.08.2021)
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi Thư thăm hỏi các nạn nhân chất độc da cam/dioxin (08.08.2021)
- Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo: Tấm gương ngời sáng về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội (08.08.2021)
- Bộ Y tế ban hành công điện khẩn chỉ đạo các biện pháp cấp bách để chống dịch hiệu quả (08.08.2021)
- Ra quân đợt 3 hỗ trợ phòng chống dịch bệnh Covid-19 (06.08.2021)
- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thắp hương tưởng niệm đồng chí Lê Quang Đạo (06.08.2021)
- Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Đề án về Xây dựng lực lượng Công an nhân dân (03.08.2021)
- Công điện của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 (01.08.2021)
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi phòng, chống đại dịch COVID-19 (30.07.2021)