Tết đến, Xuân về, nhìn lại một năm với đầy khó khăn, thách thức đan xen thuận lợi, tác động đến nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND, cũng là lúc toàn lực lượng CAND quyết tâm, ra sức thực hiện thắng lợi mục tiêu, yêu cầu của cả nhiệm kỳ. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Báo CAND nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
PV: Xin Bộ trưởng đánh giá về những kết quả nổi bật của lực lượng CAND trong năm 2023?
Bộ trưởng Tô Lâm: Năm 2023 vừa qua, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, một số vấn đề vượt ra ngoài dự báo; trong nước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi rất cơ bản, đất nước ta cũng phải đối mặt với những khó khăn lớn hơn, đặt ra nhiều yêu cầu mới, nhiệm vụ mới, thách thức mới đối với công tác bảo đảm ANTT và xây dựng lực lượng CAND. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, sát sao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của QĐND, các bộ, ban, ngành, địa phương; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp và sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân và bạn bè quốc tế, lực lượng CAND đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo đảm ANTT và đạt nhiều thành tựu, kết quả, thành tích, dấu ấn nổi bật, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại của đất nước. Nổi bật là:
Đã nhận định, đánh giá, dự báo đúng, nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những chủ trương, giải pháp chiến lược, sách lược quan trọng góp phần giữ vững thế chủ động chiến lược, bảo vệ lợi ích, an ninh quốc gia, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng, nâng cấp quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước (Có hơn 1.900 báo cáo lên Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về tham mưu các chủ trương, giải pháp trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh). Tập trung thực hiện các giải pháp “đột phá” xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND, kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong của 4 cấp Công an tinh, gọn, mạnh (giảm 300 đơn vị cấp phòng, 1.300 đơn vị cấp đội, đi đôi với xây dựng Công an xã). Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ huy bám sát thực tiễn, gắn với tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, sâu sát đến từng nhiệm vụ cụ thể từ Bộ đến cơ sở, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
An ninh quốc gia được củng cố, giữ vững; chỉ đạo các giải pháp chủ động trong nhận diện tội phạm, triển khai quyết liệt các biện pháp kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, xử lý ngày càng hiệu quả hơn những nguy cơ, thách thức từ không gian mạng và hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, ma tuý, môi trường... được tập trung chỉ đạo sát sao, đạt nhiều kết quả nổi bật. Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về ANTT; phát huy vai trò gương mẫu đi đầu, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các bộ, ngành, địa phương trong chuyển đổi số quốc gia; công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được triển khai quyết liệt, tạo được nhiều chuyển biến mới, lan toả trong xã hội.
Bộ trưởng Tô Lâm
Gương mẫu, sáng tạo, quyết liệt trong tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, nhất là trong công tác bảo đảm ANTT và xây dựng lực lượng CAND. Công tác xây dựng pháp luật về ANTT là “điểm sáng” trong năm 2023, vượt chỉ tiêu pháp lệnh của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ giao, đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp bách, phục vụ sự nghiệp bảo vệ ANTT (Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 5 dự Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 1 Nghị quyết...). Công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ được triển khai hiệu quả, gắn với thực hiện chính sách an sinh xã hội, thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo. Không để ai bị bỏ lại phía sau” (Năm 2023, Bộ Công an đã huy động các nguồn lực xã hội hóa xây dựng 5.220 căn nhà cho người nghèo, tương đương 261 tỷ đồng).
Công tác đối ngoại CAND được triển khai mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định vai trò là một trong những trụ cột chính của chính sách đối ngoại Việt Nam. Các mặt công tác Công an khác có bước phát triển, cách làm mới, đi vào nền nếp, đạt nhiều kết quả quan trọng, gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ để nâng cao chất lượng công tác.
Có thể khẳng định, năm 2023 mặc dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, song toàn lực lượng CAND đã nỗ lực, cố gắng, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, “năm sau cao hơn năm trước, năm 2023 cao hơn, tốt hơn năm 2022” theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương năm 2022, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ XHCN, bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo vệ lợi ích, an ninh quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn để xây dựng và phát triển đất nước.
PV: Nghị quyết số 12, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới” qua 2 năm đi vào cuộc sống, công tác, chiến đấu của toàn lực lượng CAND đã đạt được những kết quả rất tích cực. Bộ trưởng có thể chia sẻ thông tin thêm về nội dung này?
Bộ trưởng Tô Lâm: Trước hết, phải khẳng định rằng: Nghị quyết số 12 là một chủ trương đúng đắn, mang tầm chiến lược của Đảng, Nhà nước nhằm xây dựng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại - xứng đáng là lực lượng vũ trang trọng yếu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, duy trì ổn định ANTT, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Qua 2 năm, lực lượng CAND đã tập trung, có lộ trình phù hợp để triển khai thực hiện nhiều mục tiêu trong Nghị quyết. Bảy nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết đã được Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an, cấp uỷ các cấp trong hệ thống chính trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và quyết liệt triển khai, đạt nhiều kết quả tích cực, đều là những “điểm sáng”: Lần đầu tiên, một Nghị quyết của Bộ Chính trị được Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức sơ kết sau 1 năm ban hành; dự kiến trong năm 2024, Đảng ủy Công an Trung ương sẽ tổ chức sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 12.
Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an và Công an các đơn vị, địa phương đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, tính chiến đấu cao, quyết liệt, có cách làm đổi mới, sáng tạo trong tham mưu và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 12: Phân công rõ trách nhiệm của Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Đảng ủy Công an Trung ương, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, các tỉnh uỷ, thành uỷ; thậm chí chỉ rõ các chi bộ Đảng phải làm gì, đảng viên phải làm gì trong việc thực hiện Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị. Thể hiện sự sát sao, trách nhiệm với công việc; nhiều nhiệm vụ lớn, mục tiêu khó, chưa có điều kiện thực hiện ở các nhiệm kỳ trước đây, đã được triển khai bài bản, có hiệu quả, nổi bật là: Đã huy động cả hệ thống chính trị quyết liệt triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị bảo đảm đồng bộ, vững chắc từ Trung ương đến cơ sở, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương (28 Đề án thành phần và các dự án đầu tư đến năm 2030 của Bộ Công an; 63/63 Đề án xây dựng lực lượng Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới được ban hành, triển khai với kế hoạch, lộ trình thực hiện rất cụ thể).
Tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là hiện đại con người trước, theo quan điểm: “Xây dựng con người là trung tâm, hiện đại trước, kết hợp với hiện đại về phương tiện, hậu cần, kỹ thuật bảo đảm đồng bộ, phù hợp - Người trước - Súng sau”; tổ chức bộ máy bên trong của Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục được nghiên cứu điều chỉnh, sắp xếp tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ bảo đảm ANTT theo Đề án số 19/ĐA-BCA, ngày 10/7/2023, Phương án số 01/PA-BCA, ngày 10/7/2023 của Bộ Công an, gắn với xây dựng Công an xã, thị trấn đủ khả năng giải quyết vấn đề ANTT từ sớm, ngay tại cơ sở (đã bố trí hơn 53.000 CBCS công tác tại Công an xã, thị trấn).
Huy động hiệu quả các nguồn lực, trang bị phương tiện, đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của lực lượng CAND (Bộ Công an đã bố trí tổng kinh phí hơn 5.831 tỷ đồng để đầu tư mua sắm, trang bị cho Công an xã, thị trấn; Cấp ủy, chính quyền địa phương đã bố trí tổng kinh phí hơn 11.304 tỷ đồng để đầu tư, mua sắm, trang bị cho lực lượng Công an các cấp). Có thể khẳng định, Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị đã được triển khai toàn diện trong cả hệ thống chính trị, trên tất cả các mặt công tác, đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi để tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết đặc biệt quan trọng này trong thời gian tới.
PV: Thời gian qua, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương, góp phần thực hiện 3 đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đồng thời, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp. Với vai trò Thường trực thực hiện Đề án 06, Bộ Công an đã có những giải pháp gì để triển khai mạnh mẽ “Chính phủ số” vào cuộc sống, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Tô Lâm: Bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ là chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và hướng tới hình thành công dân số, xã hội số. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Một trong những giải pháp mang tính đột phá là Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an triển khai và hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (tháng 7/2021). Về kết quả nhóm tiện ích hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư, đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối với 15 bộ, ngành, 63/63 địa phương, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông. Đã tiếp nhận trên 1,3 tỷ yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính và làm sạch dữ liệu, giúp tiết kiệm trên 500 tỷ đồng cho các bộ, ngành, địa phương.
Đồng thời, đã đồng bộ trên 537 triệu thông tin công dân từ nguồn dữ liệu của các bộ, ngành để thường xuyên bổ sung, làm giàu cho dữ liệu dân cư. Về kết quả thực hiện dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, đã có 3 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu của Đề án 06 được tôn vinh là dịch vụ công xuất sắc trong năm 2023, gồm: Đăng ký thi trực tuyến; Thông báo lưu trú và Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông của Bộ Công an; hằng năm, đã tiết kiệm cho nhà nước 2.505 tỷ đồng.
Riêng Bộ Công an đã hoàn thành cấp hơn 84,7 triệu Căn cước công dân cho 100% công dân đủ điều kiện trên toàn quốc, thu nhận trên 70 triệu hồ sơ định danh điện tử; duy trì dữ liệu dân cư đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”; đã hoàn thành cung cấp 100% (224/224) dịch vụ công trực tuyến phục vụ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp trên môi trường điện tử, tỷ lệ hồ sơ xử lý qua dịch vụ công trực tuyến đạt trên 85%, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, công khai, minh bạch, góp phần phòng ngừa tiêu cực, hướng tới mục tiêu năm 2024 là Năm “Ngành Công an bắt đầu chuyển đổi trạng thái làm việc từ môi trường truyền thống sang môi trường điện tử”. Đây là kết quả hết sức ấn tượng, góp phần thực hiện đột phá chiến lược theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là “chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”, góp phần phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
PV: Việc điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng có quy mô lớn, tính chất đặc biệt nghiêm trọng đã khẳng định quyết tâm cao của Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Xin Bộ trưởng đánh giá rõ những kết quả đạt được của lực lượng CAND về vấn đề này trong thời gian qua?
Bộ trưởng Tô Lâm: Từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng, tiêu cực tiếp tục có những bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả rất quan trọng. Các vụ án lớn, tính chất đặc biệt nghiêm trọng được Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, quyết liệt đấu tranh mở rộng, xử lý nghiêm minh “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, dù bất kể đó là ai”; bảo đảm đúng yêu cầu, có vụ án vượt kế hoạch đề ra, đúng phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, đúng tinh thần đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quán triệt: Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh lâu dài, phải kiên quyết, kiên trì, đẩy mạnh hơn nữa, làm tốt hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, phải làm triệt để, có hiệu quả, góp phần bảo đảm ANTT, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Kết quả đó được thể hiện ở số lượng các vụ án kinh tế, tham nhũng được khởi tố mới năm sau cao hơn năm trước, một số vụ án lớn khởi tố hàng trăm bị can; số tài sản thu hồi được từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay cao gấp 2 lần của cả nhiệm kỳ Đại hội XII, cụ thể: 1. Vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á - điển hình sai phạm trong lĩnh vực y tế, chuyên môn sâu, Cơ quan điều tra đã khởi tố, điều tra 33 vụ án, 133 bị can. 2. Vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC - điển hình sai phạm trong lĩnh vực thao túng thị trường chứng khoán, chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, khởi tố 21 bị can. 3. Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh - điển hình sai phạm trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp, đến nay đã kết luận điều tra, ban hành cáo trạng truy tố 15 bị can. 4. Vụ án “đưa và nhận hối lộ” liên quan đến tổ chức chuyến bay giải cứu - điển hình tội phạm lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, Cơ quan điều tra đã khởi tố 37 bị can, trong đó khởi tố nhiều lãnh đạo liên quan của 8 bộ, ngành và địa phương. 5. Vụ án liên quan đến Công ty AIC - điển hình sai phạm trong đấu thầu, đấu giá, khởi tố 4 vụ án, 71 bị can, trong đó đã xử lý hình sự nhiều cán bộ diện Trung ương, tỉnh ủy quản lý. Bên cạnh đó, lần đầu tiên điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt cả đối tượng đang bỏ trốn (bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và một số đồng phạm). 6. Vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm địa phương - điển hình cho sai phạm có tính hệ thống, kéo dài, Cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 114 vụ án, 808 bị can tại 49 địa phương. 7. Gần đây nhất là “đại án” xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB - điển hình sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng, dùng ngân hàng để làm “sân sau” cho các doanh nghiệp trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát; Cơ quan điều tra đã điều tra, mở rộng điều tra, khởi tố 3 vụ án, 103 bị can với 8 tội danh, trong đó có 23 bị can là lãnh đạo cấp vụ, cục, cán bộ các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thanh tra giám sát ngân hàng và cán bộ lãnh đạo thanh tra, ngân hàng một số địa phương. Đặc biệt, lần đầu tiên đã khởi tố, điều tra, truy tố tội tham ô tài sản ngay cả đối tượng là chủ doanh nghiệp ngoài Nhà nước là bị can Trương Mỹ Lan và đồng phạm.
Có thể thấy tội phạm về tham nhũng, kinh tế trong các lĩnh vực đều được nhận diện, chủ động phát hiện. Các sai phạm kể cả ở bộ, ngành Trung ương và địa phương, trong khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước, cả trong lĩnh vực được coi là bí mật, khép kín, cả các vụ việc tồn đọng, kéo dài đều bị xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, qua mỗi vụ án, các “điểm nghẽn” trong điều tra, xử lý được tập trung tháo gỡ. Đồng thời, cũng đã nhận diện rõ những sơ hở, thiếu sót trong các cơ chế, chính sách pháp luật đối với các lĩnh vực, kịp thời kiến nghị những giải pháp quan trọng, chiến lược để khắc phục, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
PV: Bước sang năm 2024, thời gian “tăng tốc” để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII nói chung và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII nói riêng, toàn lực lượng CAND cần triển khai những nội dung trọng tâm gì để đạt được mục tiêu đề ra, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Tô Lâm: Năm 2024, lực lượng CAND tiếp tục bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu, đi đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; luôn khắc ghi và thực hiện thật tốt Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “còn Đảng thì còn mình”, “danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”; quyết tâm, nỗ lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao: “Năm 2023 vừa qua đã nỗ lực cố gắng rồi, đã tốt rồi thì năm 2024 và những năm tiếp theo phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa, đạt kết quả tốt hơn nữa”; triển khai thực hiện hiệu quả khẩu hiệu hành động: “Xây dựng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”; đoàn kết đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách; nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Đề cao vai trò nêu gương, tính tiền phong, gương mẫu của cấp ủy, thủ trưởng Công an các cấp theo phương châm “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”.
Trong đó, tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị: “Xác định đây là mục tiêu, yêu cầu chính để “soi chiếu” toàn bộ chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ của cấp ủy, tổ chức đảng, đơn vị trong CAND. Coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của cả nhiệm kỳ và những năm tiếp theo”. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới gắn với các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng về bảo vệ an ninh quốc gia và các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng kinh tế trên cả nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kiên quyết, kiên trì, nhất quán và thống nhất thực hiện thắng lợi mục tiêu cao nhất, mục tiêu bao trùm, đó là: “Giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia trong mọi tình huống; kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân”. Tiếp tục gương mẫu, đi đầu, phát huy vai trò nòng cốt thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, góp phần xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, cải cách tối đa thủ tục hành chính, giảm thiểu tiêu cực, phục vụ tốt nhất cho tổ chức, cá nhân, xây dựng xã hội hiện đại, công khai, minh bạch, công bằng, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - văn hóa- xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT; triển khai có hiệu quả, đưa 5 Luật vừa được Quốc hội thông qua năm 2023 vào cuộc sống. Xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân, nền an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, nền quốc phòng toàn dân trên cơ sở thế trận lòng dân vững chắc…
PV: Thưa Bộ trưởng, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, đón Tết Nguyên đán đang rất gần, hàng vạn CBCS Công an trên khắp cả nước vẫn ứng trực sẵn sàng chiến đấu để bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân vui Tết, đón Xuân, đặc biệt là lực lượng Công an xã, phường, thị trấn đã không quản ngày đêm bám làng, bám bản, vì nhân dân phục vụ ở cơ sở. Bộ trưởng có điều gì nhắn nhủ, giao nhiệm vụ đối với lực lượng này?
Bộ trưởng Tô Lâm: Đúng vậy, trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, khi nhà nhà sum họp, người người yên vui bên gia đình để đón chào năm mới nhưng lực lượng CAND vẫn thường trực làm nhiệm vụ khắp các mục tiêu, trên những nẻo đường, vừa tuần tra kiểm soát, vừa nắm bắt tình hình, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho nhân dân vui Xuân, đón Tết Nguyên đán an lành, hạnh phúc. Nhất là lực lượng Công an xã, phường, thị trấn càng vất vả hơn vì thường trực để bảo đảm ANTT tại cơ sở - nơi khởi nguồn của nhịp sống xã hội. Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Công an các cấp rất thấu hiểu và chia sẻ điều đó, đây là sự hy sinh vì mục tiêu chung, để phục vụ nhân dân được tốt hơn.
Thay mặt Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an, tôi ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực của toàn thể CBCS trong lực lượng CAND đang ngày đêm làm nhiệm vụ thường trực, ứng trực bảo vệ Tết Nguyên đán, đặc biệt là những cán bộ gần dân, đi sâu, đi sát cơ sở, làm nhiều việc tốt giúp đỡ nhân dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm, kiên quyết tấn công, trấn áp tội phạm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đề nghị cấp uỷ, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương quán triệt, chỉ đạo CBCS thực hiện tốt các phương án, kế hoạch đề ra, nhất là cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên phạm vi toàn quốc, mục tiêu cao nhất là bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các sự kiện lớn của đất nước, bảo vệ nhân dân đón năm mới thật sự vui tươi, an toàn, hạnh phúc, tiết kiệm, tạo nền tảng thực hiện tốt các nhiệm vụ năm 2024 ngay từ những tháng đầu năm. Đồng thời, các đơn vị, địa phương cần có hình thức phù hợp để kịp thời thăm hỏi, động viên tinh thần CBCS thường trực, ứng trực bảo đảm ANTT dịp này.
Chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc, Xuân Giáp Thìn 2024, tôi xin gửi tới toàn thể tướng lĩnh, sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân CAND bước sang năm mới hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, dồi dào sức khoẻ, gia đình hạnh phúc và thành công. Năm mới có nhiều niềm vui mới, thắng lợi mới!
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí Bộ trưởng!
Theo báo cand.com.vn
- Ban Giám hiệu gặp mặt động viên đoàn giảng viên tham gia Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Bộ (17.05.2022)
- Khai giảng khóa LT9T-T05 (16.05.2022)
- Hiệu trưởng Trường Đại học CSND đối thoại với sinh viên (13.05.2022)
- Khai giảng khóa D19T – C10 (13.05.2022)
- Trao bằng cho 73 tân Thạc sĩ Đại học CSND (12.05.2022)
- Trường Đại học CSND giành Giải Ba toàn đoàn Bảng số 7 - Hội thi điều lệnh, bắn súng, võ thuật CAND (10.05.2022)
- Sinh viên các trường, học viện CAND kết thúc huấn luyện đầu khóa (09.05.2022)
- Trường Đại học CSND phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc trong Công an nhân dân 2022 (09.05.2022)
- Vòng loại Bảng Số 7 – Hội thi điều lệnh, bắn súng, võ thuật CAND (08.05.2022)