Các ứng dụng OTT (Over-the-top) đã khá quen thuộc với người dùng Việt Nam do đã được cài sẵn hoặc được tải về từ cửa hàng ứng dụng. Đây là các ứng dụng giúp truyền, chia sẻ dữ liệu (âm thanh, hình ảnh, nội dung video,…) trên Internet bởi một bên thứ 3 không thuộc nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nào.
Người dùng phổ thông tại Việt Nam thường biết đến OTT nhiều nhất qua các ứng dụng cho phép nhắn tin, thực hiện cuộc gọi miễn phí trên Internet như Zalo, Facebook Messenger, Viber, LINE, Skype.… Với quyền truy cập danh bạ, bộ nhớ của thiết bị, các ứng dụng này cho phép người dùng nhận diện được người quen, bạn bè dùng chung ứng dụng để kết nối với nhau, giúp giảm chi phí liên lạc. Bên cạnh đó, các ứng dụng OTT còn cho phép đồng bộ điện thoại, máy tính bảng, PC, laptop, TV,… nên người dùng có thể dễ dàng gửi, nhận tin nhắn mọi lúc mọi nơi một cách rất thuận tiện. Chính vì thế, ứng dụng OTT thu hút số lượng lớn người dùng cá nhân.
Hiện nay, khá nhiều doanh nghiệp, tổ chức cũng phổ biến hiện tượng thường xuyên gửi tệp tin qua các ứng dụng OTT. Kể cả trong một số đơn vị hành chính cấp phường tại Hà Nội, việc truyền đạt thông tin/mệnh lệnh hành chính, gửi văn bản, hình ảnh hoạt động,… vẫn được thực hiện qua ứng dụng OTT phổ biến là Zalo và Facebook Messenger. Trong khi đó, với giới văn phòng và doanh nghiệp, Skype vẫn là ứng dụng được sử dụng nhiều cho việc gửi file, thực hiện cuộc gọi trên Internet.
Tại Việt Nam, Zalo và Facebook là 2 ứng dụng OTT đang được nhiều người sử dụng nhất. Cụ thể, Zalo hiện có khoảng hơn 60 triệu người dùng, Facebook có hơn 30 triệu người dùng; tiếp đó là Viber với khoảng 23 triệu người dùng. Trong đó, đối tượng chiếm tỉ lệ cao nhất là giới trẻ từ 18 – 25 tuổi. Cũng theo bảng xếp hạng này, Skype đứng thứ tư với khoảng 4 triệu người dùng, nhưng chủ yếu dành cho giới văn phòng và doanh nhân trong độ tuổi từ 30 – 39.
Thực tế cho thấy, các ứng dụng OTT là ứng dụng miễn phí nên vẫn tồn tại một số vấn đề. Cụ thể, theo khảo sát người dùng không hài lòng về các yếu tố như: kết nối không ổn định, độ bảo mật và riêng tư kém, nhiều quảng cáo chưa/không phù hợp với người dùng. Tuy nhiên, để giữ liên lạc với cộng đồng, hoặc cho rằng đây là sự tất yếu của việc miễn phí, nên nhiều người sẵn sàng chấp nhận sử dụng.
Khi được hỏi, đa số người dùng đều cho rằng đây là những ứng dụng “chấp nhận được” hoặc tiện lợi dễ dùng, mà không ý thức được các nguy cơ tiềm ẩn. Cụ thể, đối với cá nhân, đó là vấn đề rò rỉ thông tin cá nhân (tiết lộ vị trí theo thời gian thực, thu thập thông tin hành vi người dùng cùng danh bạ, các liên hệ thường xuyên,…) hoặc bị lợi dụng để phát tán mã độc khi thiết bị bị lây nhiễm.
Nghiêm trọng hơn, đây chính là phương thức có thể rò rỉ thông tin của doanh nghiệp/tổ chức. Theo các chuyên gia bảo mật, từ những thông tin tưởng như vô hại, các tin tặc có thể phân loại, phân tích dữ liệu, mở rộng phạm vi thu thập với các mục đích không tốt. Thực tế cũng cho thấy, tại Việt Nam, hiện chưa có nhà cung cấp trong nước nào có ứng dụng OTT chính thức cho doanh nghiệp. Nếu muốn sử dụng các ứng dụng OTT, nhóm đối tượng người dùng này có rất ít lựa chọn như Slack hay Skype for business (phải trả phí)…. Do đó, người dùng nên cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân và thông tin của doanh nghiệp/tổ chức qua các ứng dụng OTT.
Tác giả: Đinh Văn Long
Tin liên quan
- Những điểm mới đáng chú ý trong quy chế tuyển sinh đại học 2022 (01.07.2022)
- Tổng kết Hội thi chủ nhiệm trung đội giỏi năm 2022 (02.06.2022)
- Bế giảng khóa D16T – C10 (17.05.2022)
- Đề thi đánh giá tuyển sinh đại học chính quy CAND năm 2022 có dạng thức như thế nào? (27.04.2022)
- Trang thông tin về những đóng góp mới của Luận án NCS Trần Minh Luân (14.04.2022)
- Trang thông tin về những đóng góp mới của Luận án NCS Nguyễn Tiến Nam (14.04.2022)
- Trang thông tin về những đóng góp mới của Luận án NCS Lê Trần Bảo Khoa (14.04.2022)
- Trang thông tin về những đóng góp mới của Luận án NCS Huỳnh Văn Hiếu (14.04.2022)
- Chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh vào các trường CAND năm 2022 (06.04.2022)