Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Cục Cảnh sát hình sự (22/2/1973 - 22/2/2023), ngày 22/2, Đại tướng GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đã có bài viết quan trọng: “Tự hào truyền thống 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Cục Cảnh sát hình sự”. Trang Thông tin điện tử trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Bộ trưởng.
Trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, lực lượng Công an nhân dân (CAND) luôn đóng vai trò nòng cốt trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự của đất nước. Cục Cảnh sát hình sự là một bộ phận quan trọng của lực lượng CAND, luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; vượt qua mọi khó khăn, gian khổ; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành với biết bao thăng trầm của lịch sử, bao thử thách khó khăn, Cục Cảnh sát hình sự đã lập nhiều chiến công hiển hách, viết nên những trang sử rất đáng tự hào, xứng đáng với vai trò nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ và giữ vững nền an ninh, trật tự của Tổ quốc.
Đại tướng GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền non trẻ mới thành lập tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước tiến hành thắng lợi cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Chính quyền cách mạng được thiết lập từ Trung ương xuống địa phương, theo đó các tổ chức đầu tiên của lực lượng CAND ra đời. Ở Bắc Bộ, chính quyền cách mạng thành lập Sở Liêm phóng Bắc Bộ; ở Trung Bộ, thành lập Sở Trinh sát và ở Nam Bộ thành lập Quốc gia tự vệ cuộc thực hiện nhiệm vụ đấu tranh giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân.
Giữa bộn bề khó khăn của những buổi sơ khai thành lập nước, vừa phải tiếp tục đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài, vừa xây dựng kinh tế trong điều kiện nghèo nàn, thiếu thốn; để tạo cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh củng cố, gìn giữ chính quyền cách mạng non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành các sắc lệnh nhằm trấn áp các tổ chức phản cách mạng, phần tử chính trị phản động, phá hoại công sản. Việc xử lý tội phạm, quán triệt phương châm trấn áp địch ngay từ khi hoạt động mới nhen nhóm, nghiêm trị bọn cầm đầu xúi giục, đối với người lao động vì hoàn cảnh mà phạm pháp thì xử lý có tình có lý, nặng về giáo dục cải tạo đã góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp “kháng chiến, kiến quốc”.
Ngày 21/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23/SL thống nhất các lực lượng Liêm phóng, Cảnh sát, Trinh Sát, Quốc gia tự vệ cuộc trong toàn quốc thành “Việt Nam Công an vụ”. Đến ngày 18/4/1946, Bộ Nội vụ ban hành Nghị định số 121/NgĐ về tổ chức Việt Nam Công an vụ, quy định tổ chức bộ máy của Công an có 3 cấp: Nha Công an Trung ương, Công an kỳ và Công an tỉnh; nhiệm vụ là: “Giữ gìn trật tự trong địa hạt, đề phòng những hành động trái phép, điều tra truy tìm thủ phạm, những hành vi trái phép giao Toà án trừng trị”. Thực hiện Nghị định số 121/NgĐ, trong tổ chức CAND ở các địa phương đã hình thành các lực lượng tiền thân của Cảnh sát hình sự, với nhiều tên gọi khác nhau như: Đội trinh sát địa bàn, Ban trị an hành chính, Ban trị an dân cảnh… trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng vừa thành lập ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam; điều tra, xử lý, trấn áp bọn trộm, cướp, lừa đảo, giết người và bọn lưu manh chuyên nghiệp để giữ gìn trật tự trị an. Để phục vụ hiệu quả cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường và củng cố về tổ chức của lực lượng CAND, ngày 16/02/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 141/SL-LCT đổi tên Nha Công an Việt Nam thành Thứ Bộ Công an trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Tại kỳ họp từ ngày 27-29/8/1953, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết đổi tên Thứ bộ Công an thành Bộ Công an. Đây là sự kiện đánh dấu bước trưởng thành, lớn mạnh của CAND Việt Nam.
Trước nhiệm vụ mới của cách mạng, lực lượng CAND nói chung, lực lượng Trị an hành chính nói riêng đã đẩy mạnh các biện pháp quản lý hành chính, đấu tranh chống bọn phản cách mạng và tội phạm hình sự, giữ vững an ninh, trật tự. Ngày 28/7/1956, Thủ tướng Chính phủ ban Nghị định số 982/TTg về việc thành lập Cục Cảnh sát nhân dân thuộc Bộ Công an, theo đó lực lượng Trị an hành chính các cấp đổi tên thành Cảnh sát nhân dân. Tổ chức bộ máy Cục Cảnh sát nhân dân có 5 Phòng trực thuộc là: Phòng Kinh tế, Phòng Hình cảnh, Phòng Quản lý trị an, Phòng Tổng hợp chính trị và Phòng Cảnh sát giao thông (trong đó Phòng Hình cảnh là đơn vị tiền thân của Cục Cảnh sát hình sự). Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng Cảnh sát nhân dân về mặt tổ chức, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với việc xây dựng lực lượng CAND chính quy, xứng đáng là công cụ chuyên chính, sắc bén của Đảng.
Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 225/NQ-TW ngày 20/02/1973 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khóa III) về công tác cán bộ trong giai đoạn mới của cách mạng, ngày 22/2/1973, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 32-CP quy định tổ chức bộ máy của Bộ Công an, bao gồm 36 đơn vị Cục, Vụ, Viện, Ban Thanh tra, Văn phòng, Trường sỹ quan an ninh và Trường sỹ quan Cảnh sát, trong đó có Cục Cảnh sát hình sự. Đây là mốc son, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng “kiện toàn hệ thống tổ chức Cảnh sát hình sự từ Cục đến địa phương” đối với sự trưởng thành, lớn mạnh của lực lượng Cảnh sát hình sự; trở thành một đơn vị mũi nhọn, nòng cốt, xung kích trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc hậu phương miền Bắc, đồng thời là tiền đề quan trọng để phân công lực lượng, tăng cường cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ở các tỉnh phía Nam sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.
Bộ trưởng Tô Lâm cùng các đại biểu dự Hội nghị tổng kết công tác đấu tranh chuyên án của lực lượng Cảnh sát hình sự giai đoạn 2015 - 2020, ngày 15/4/2021
Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi, miền Nam hoàn toàn giải phóng; bộ máy ngụy quân, ngụy quyền tan rã. Lợi dụng tình hình phức tạp những ngày đầu giải phóng, các đối tượng tội phạm hình sự, côn đồ nguy hiểm một thời câu kết với bộ máy Cảnh sát ngụy gây nhiều tội ác với Nhân dân vẫn tiếp tục hoạt động, cướp tài sản, phá hoại cuộc sống yên lành của Nhân dân. Trước tình hình đó, để bảo vệ thành quả cách mạng, Bộ Công an tiếp tục điều động gần một vạn cán bộ, chiến sĩ tăng cường cho An ninh miền Nam, trong đó có một số đồng chí thuộc Cục Cảnh sát hình sự cùng lực lượng an ninh tại chỗ khẩn trương tiếp nhận, phân loại tài liệu địch để lại, truy tìm gián điệp cài lại, khai thác làm rõ những đối tượng tình báo viên, mật báo viên để vô hiệu hóa, làm trong sạch nội bộ; truy bắt số đối tượng tình báo, gián điệp, cảnh sát, ngụy quân, ngụy quyền, đảng phái phản động có nợ máu trốn trình diện, cải tạo; đồng thời làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với bọn lưu manh, côn đồ và tội phạm hình sự khác, giữ vững và cơ bản quản lý tốt an ninh, trật tự ở miền Nam mới giải phóng.
Từ sau ngày đất nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội, Cục Cảnh sát hình sự tiếp tục bước vào trận chiến đấu mới, không kém phần gian khổ, hy sinh và đầy khó khăn, phức tạp. Phát huy truyền thống vẻ vang và để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, Cục Cảnh sát hình sự từng bước được củng cố cả về lực lượng và kinh nghiệm trong phòng chống tội phạm. Tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác, tham mưu lãnh đạo Bộ mở hàng chục đợt tấn công, trấn áp tội phạm trên toàn quốc; bắt giữ hàng chục nghìn bọn lưu manh chuyên nghiệp, triệt phá hàng nghìn băng ổ nhóm tội phạm, góp phần làm giảm tình hình tội phạm, lập lại một bước trật tự kỷ cương xã hội, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Thời kỳ đổi mới và hội nhập, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Cục Cảnh sát hình sự từng bước được đổi mới toàn diện theo hướng tập trung và chuyên sâu về nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; chủ động tham mưu với Bộ Công an đề xuất Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương chiến lược trong công tác phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội; liên tiếp mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm hàng năm, đồng loạt triển khai toàn diện các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm về hình sự, bắt, tiêu diệt các băng nhóm sử dụng vũ khí quân dụng cướp tài sản ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá; các băng nhóm tổ chức tội phạm do những tên tội phạm cộm cán như Dương Văn Khánh “Khánh trắng”; Trương Văn Cam “Năm Cam”, Minh Samasa; Phạm Chí Tin, Hà Lê… góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là tiền đề để lực lượng Cảnh sát hình sự hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo.
Ngày 20/8/2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự, mô hình tổ chức Cơ quan Cảnh sát điều tra được thay đổi, công tác điều tra trinh sát và điều tra tố tụng được gắn chặt, hoạt động điều tra được tổ chức theo hướng tập trung, thống nhất, chuyên sâu. Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự đã đánh dấu bước chuyển quan trọng của Cảnh sát hình sự về chức năng, nhiệm vụ, công tác trinh sát và điều tra tố tụng được gắn chặt, biên chế được tăng lên.
Trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước, Cục Cảnh sát hình sự đã bám sát các chủ trương của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, chủ động tham mưu đề xuất và tập trung triển khai quyết liệt nhiều kế hoạch, biện pháp phòng, chống tội phạm hình sự. Đặc biệt coi trọng công tác tham mưu chiến lược, xây dựng nhiều kế hoạch, biện pháp và giải pháp vĩ mô mang tính chất đột phá để giải quyết những vấn đề về tội phạm đang nổi lên, không để hình thành các tổ chức tội phạm nguy hiểm theo kiểu "xã hội đen"; ngăn chặn sự liên kết tội phạm, làm giảm phạm pháp hình sự, các băng nhóm tội phạm lưu manh chuyên nghiệp. Nhiều băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” như: băng nhóm “Tùng gà” ở Bình Dương; “Hưng Vườn điều” và “Long Thanh” ở Đồng Nai; “Oanh Hà” ở Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai; Phương “Ninh hột”, Dũng “Mặt sắt” ở Quảng Ninh; Tú “khỉ” ở Hưng Yên; Hùng “máu”, Vi “ngộ” ở Thanh Hoá... bị triệt phá, tạo sức răn đe mạnh mẽ, chuyển biến tình hình tội phạm có tổ chức từ hoạt động công khai, liều lĩnh chuyển sang hoạt động “núp bóng”, cầm chừng, một số băng nhóm có biểu hiện “nằm im”, tự tan rã, góp phần lấy lại thế chủ động trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Sau khi phê duyệt Đề án “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Đề án số 106), Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15-3-2018 về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đây là một Nghị quyết quan trọng, là cơ sở, căn cứ để Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an.
Ngay sau khi Nghị định số 01/NĐ-CP ngày 06/8/2018 của Chính phủ ban hành, Bộ Công an ban hành Quyết định số 3992/QĐ-BCA ngày 06/8/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, gọi tắt là Cục Cảnh sát hình sự (phiên hiệu là C02), trực thuộc Bộ Công an. Cục Cảnh sát hình sự là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ổn định tổ chức, xây dựng quy chế làm việc, phối hợp xây dựng chức năng, nhiệm vụ các đơn vị trong Cục duy trì thực hiện các mặt công tác nền nếp, liên tục, không bị đứt quãng. Chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng Cảnh sát hình sự cả nước tập trung đấu tranh mạnh, có trọng tâm, trọng điểm vào một số loại tội phạm, nhất là tội phạm hình sự có tổ chức, triệt phá 2.721 băng nhóm tội phạm (tăng 11,06% so với năm 2017), qua đó không để hình thành các băng nhóm tội phạm hoạt động lộng hành theo kiểu “xã hội đen”, không để tồn tại các “điểm nóng" về tội phạm hình sự gây bức xúc trong Nhân dân; chỉ đạo hướng dẫn và phối hợp hệ lực lượng; điều tra, khám phá các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, những loại tội phạm nổi gây bức xúc dư luận.
Trong những năm gần đây, đặc biệt là thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; mức độ “ẩn” của tội phạm ngày càng cao, phương thức, thủ đoạn tinh vi, dưới nhiều vỏ bọc, lợi dụng “kẽ hở” của pháp luật để hoạt động, tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng hoạt động để thực hiện hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc và đánh bạc... Cục đã chủ động tham mưu Bộ Công an ban hành phương án nghiệp vụ về xử lý, giải quyết một số tình huống cấp bách, phức tạp khi xảy ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm trật tự xã hội, đồng thời tập trung đổi mới phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, nói đi đôi với làm, bản lĩnh, trách nhiệm, đổi mới, sâu sát địa bàn, đối tượng. Cục Cảnh sát hình sự đã trực tiếp chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với Công an các đơn vị, địa phương trên các lĩnh vực phòng, chống tội phạm hình sự và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Số vụ phạm pháp hình sự hằng năm đều kéo giảm, tỷ lệ điều tra khám phá tăng cao, đã điều tra khám phá, bắt giữ nhanh đối tượng gây ra các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, gây dư luận xấu, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Trong bối cảnh tình hình tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài liên quan đến Việt Nam diễn biến hết sức phức tạp, khó lường với thủ đoạn đa dạng, tính chất và mức độ nguy hiểm, Cục Cảnh sát hình sự đã tăng cường hợp tác đối ngoại; chủ trì tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề, diễn đàn về phòng, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mua bán người, tội phạm sử dụng công nghệ cao... đảm bảo chất lượng và hiệu quả, được các đối tác đánh giá cao về vai trò của lực lượng Cảnh sát hình sự Việt Nam. Bên cạnh đó, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật, công nghệ để phục vụ công tác tổng hợp tình hình và chỉ đạo hệ lực lượng.
Qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, được Nhân dân hết lòng thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cục Cảnh sát hình sự đã khắc phục những khó khăn, từng bước xây dựng lực lượng ngày càng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và ngày càng vững mạnh, lập nhiều thành tích, chiến công xuất sắc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và xây dựng lực lượng CAND Anh hùng.
Là lực lượng vũ trang cách mạng từ Nhân dân mà ra, Cục Cảnh sát hình sự đã ý thức sâu sắc, vị trí, trách nhiệm của mình. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Cục Cảnh sát hình sự luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu “Công an của ta là CAND, vì Nhân dân mà phục vụ và dựa vào Nhân dân mà làm việc”, luôn nhận thức đầy đủ vai trò lịch sử to lớn của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, coi đây là một trong những nhân tố quyết định sức mạnh của CAND.
Trong quá trình chiến đấu, Cục Cảnh sát hình sự luôn nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn, tận tụy, trách nhiệm cao trong công việc, hết lòng phục vụ Nhân dân. Với khẩu hiệu hành động “Thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui, hạnh phúc của Nhân dân làm lẽ sống của mình”; “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”... lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cục Cảnh sát hình sự đã không ngừng tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, rèn đức, luyện tài, chiến đấu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Bác Hồ, Nhân dân đã lựa chọn. Thực tiễn đã chứng minh những chiến công của Cục Cảnh sát hình sự đều có sự đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp của Nhân dân, sự đóng góp đó đã tạo nên thành công của lực lượng Cảnh sát hình sự nói chung, Cục Cảnh sát hình sự nói riêng qua các giai đoạn lịch sử.
Với những thành tích, chiến công và sự hy sinh thầm lặng của mỗi cán bộ, chiến sĩ Cục Cảnh sát hình sự, trong suốt chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành; Đảng, Nhà nước, ngành Công an và các bộ, ban, ngành, địa phương luôn ghi nhận, đánh giá cao, tập thể Cục Cảnh sát hình sự được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; nhiều tập thể, cá nhân Cục Cảnh sát hình sự được tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công các hạng, trong đó có 4 Huân chương Chiến công hạng Nhất các năm: năm 2011, 2012, 2016, 2021; 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì năm 1995; 1 Huân chương Chiến công hạng Ba năm 1994. Nhiều lượt tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, các bộ, ban, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Giấy khen của Cục Cảnh sát hình sự, Công an các đơn vị, địa phương. Nhiều cán bộ Cục Cảnh sát hình sự đã trưởng thành và được bố trí giữ cương vị lãnh đạo quan trọng trong và ngoài ngành Công an.
Cán bộ, chiến sĩ Cục Cảnh sát hình sự tổ chức Lễ báo công dâng Bác tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu Di tích K9 (huyện Ba Vì, TP Hà Nội)
Trong thời gian tới, tình hình quốc tế và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, tội phạm hình sự ngày càng gia tăng với phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh, diễn biến khó lường, đặt ra những nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với lực lượng lực lượng Cảnh sát hình sự nói chung, Cục Cảnh sát hình sự nói riêng. Để thực hiện tốt và hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự trong thời gian tới, đề nghị Cục Cảnh sát hình sự nghiêm túc thực hiện tốt một số nội dung chính sau đây:
Một là, tập trung thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm; trọng tâm Kết luận số 13-KL/TW ngày 16-8-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Kết luận số 15-KL/TW ngày 30-9-2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới và các Chương trình quốc gia về phòng, chống tội phạm của Thủ tướng Chính phủ... Tiếp tục thực hiện các Kế hoạch của Bộ Công an về xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và Đề án xây dựng Cơ quan điều tra CAND đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Phương án tăng cường phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, trong và sau dịch COVID-19; giải quyết một số tình huống cấp bách, phức tạp khi xảy ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm trật tự xã hội...
Hai là, kiên trì thực hiện các giải pháp nhằm kéo giảm bền vững 5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội; tham mưu lãnh đạo Bộ xác định địa bàn phức tạp về trật tự xã hội để tập trung lực lượng tổ chức đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả và thực chất hơn các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản để chủ động nhận diện, phát hiện những phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm để phòng ngừa, đấu tranh. Chủ động rà soát, đấu tranh mạnh với các băng nhóm tội phạm; đối tượng hình sự hoạt động lưu động; sử dụng công nghệ cao, đối tượng người nước ngoài; đối tượng là “đầu vào” của tội phạm như: số người nghiện ma túy, đặc biệt là người nghiện có biểu hiện loạn thần “ngáo đá”, tệ nạn cờ bạc, đối tượng truy nã, đối tượng phạm tội liên quan hoạt động “tín dụng đen”...
Ba là, nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm ngay từ cơ sở nhất là đối với Công an cấp xã; công tác điều tra, xử lý, không để lọt tội phạm, nhất là số đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Đối với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, dư luận quan tâm, vụ án do băng nhóm tội phạm gây ra, cần tập trung điều tra, bắt giữ đối tượng trong thời gian sớm nhất.
Bốn là, chú trọng chuyển đổi trạng thái các mặt công tác của hệ lực lượng từ “truyền thống” sang “hiện đại”, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng, chống tội phạm; vận động các tổ chức, cá nhân lắp đặt Camera giám sát an ninh; triển khai thực hiện có hiệu quả các phần mềm nghiệp vụ của ngành...; kết nối, khai thác có hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ phòng, chống tội phạm hình sự.
Năm là, quán triệt và thực hiện quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân ngay từ cơ sở, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Quán triệt phương châm “lấy phòng ngừa là chính”, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chủ động phòng ngừa và tích cực phát hiện, đấu tranh, xử lý trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Bảo đảm xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, nhân văn.
Sáu là, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy; coi trọng công tác bồi dưỡng và rèn luyện phẩm chất, đạo đức, tác phong theo 6 Điều Bác Hồ dạy; không ngừng bồi đắp tri thức, kinh nghiệm; tuyệt đối thượng tôn pháp luật, năng động, sáng tạo làm chủ tình hình, làm chủ khoa học - công nghệ; trong bất cứ tình huống nào cũng luôn vững vàng, không bị sa ngã trước sự mua chuộc, lôi kéo, tác động của các phần tử xấu, tội phạm, "lợi ích nhóm"; sẵn sàng nhận và quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã tin cậy giao phó.
50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, truyền thống của Cục Cảnh sát hình sự thật vẻ vang, vinh dự và đáng tự hào. Trong mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước, hoạt động của lực lượng Cảnh sát hình sự đều có những khó khăn, thử thách riêng, có những nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách riêng. Nhưng dù trong hoàn cảnh khó khăn và thử thách nào thì các thế hệ Cục Cảnh sát hình sự cũng kiên cường, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn gian khổ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và ngành Công an giao phó, xứng đáng là “Quả đấm thép” của lực lượng CAND trên lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Ban Biên tập
- Phát huy sức mạnh toàn dân tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy (04.10.2022)
- Tập huấn công tác quản lý tài sản công trong CAND (04.10.2022)
- Chung tay vì một môi trường không có khói thuốc (03.10.2022)
- Chỉ đạo, điều hành nổi bật của Bộ Công an trong tuần từ 25/9 - 30/9/2022 (01.10.2022)
- Bộ trưởng Tô Lâm gửi Thư chúc mừng lực lượng Công nghệ thông tin CAND (30.09.2022)
- Hoàn thiện xây dựng chuẩn đầu ra các ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ đại học CSND (28.09.2022)
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra mở tại công an tỉnh Bình Phước (28.09.2022)
- Bộ Công an sơ kết công tác Quý III và 9 tháng đầu năm 2022 (27.09.2022)
- Các đơn vị Trường Đại học CSND triển khai công tác năm học mới (21.09.2022)