Chiều ngày 07/6/2024, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thượng tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an thay mặt Cơ quan soạn thảo trình bày tờ trình về dự án luật.
Bổ sung khái niệm "mua bán người", chế độ hỗ trợ nạn nhân
Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012, quá trình triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực.
Bộ trưởng Lương Tam Quang trình bày tờ trình dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Tuy nhiên, sau 12 năm đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung để thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế; đồng thời, giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống mua bán người hiện nay và trong thời gian tới.
"Mục đích sửa đổi luật nhằm hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới; nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người, góp phần ổn định tình hình ANTT, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người" - Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh.
Dự thảo luật gồm 8 chương, 66 điều; so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 giữ nguyên số chương; sửa đổi, bổ sung nội dung 52/58 điều; xây dựng mới 9 điều, bỏ 01 điều. Trong đó, bổ sung quy định về khái niệm "mua bán người"; sửa đổi, bổ sung quy định về căn cứ xác định nạn nhân và quy định về các nguồn tài liệu, chứng cứ để xác định nạn nhân cùng một số căn cứ khác để xác định nạn nhân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận
Bên cạnh đó, bổ sung quy định về khái niệm "người đang trong quá trình xác định là nạn nhân" và bổ sung quy định về chế độ hỗ trợ, bảo vệ đối với người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; gồm: Hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ chi phí phiên dịch trong quá trình xác định nạn nhân.
Bộ trưởng Lương Tam Quang cho rằng, thực tiễn thời gian qua cho thấy đây là nhóm đối tượng rất cần được hỗ trợ, bảo vệ; việc bổ sung những quy định này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng khi tiếp nhận những đối tượng này thực hiện các chế độ hỗ trợ nhu cầu thiết yếu (ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế, ổn định tâm lý… ) cho họ.
Dự thảo luật cũng bổ sung những quy định nâng cao chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân so với quy định của luật hiện hành, gồm: Tất cả nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú được hỗ trợ các khoản chi phí đi lại và tiền ăn để trở về nơi cư trú; được hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh; được hỗ trợ để ổn định tâm lý; tất cả nạn nhân được trợ giúp pháp lý; khi trở về nơi cư trú được xem xét hỗ trợ học nghề, tạo điều kiện để có việc làm, ổn định cuộc sống.
Đồng thời, tất cả nạn nhân được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu; nếu có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh được xem xét cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo các chính sách tín dụng ưu đãi theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ chi phí phiên dịch trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân. "Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền của nạn nhân, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới" - Bộ trưởng Lương Tam Quang lý giải.
Mở rộng hơn hành vi mua bán người là phù hợp
Qua thẩm tra, Ủy ban Tư pháp tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người với những lý do được nêu trong Tờ trình của Chính phủ; đánh giá hồ sơ dự án luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ tài liệu theo quy định tại khoản 1, Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra
"Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với dự thảo luật và cho rằng, việc bổ sung khái niệm "mua bán người" là một trong những điểm mấu chốt của lần sửa đổi này và là cơ sở để đổi mới căn bản về chính sách trong công tác phòng, chống mua bán người" - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ. Theo đó, việc làm rõ khái niệm "mua bán người" làm căn cứ để: xác định rõ các hành vi vi phạm cụ thể, các hành vi cần phòng ngừa; xác định rõ "nạn nhân", "người đang trong quá trình xác định là nạn nhân", trên cơ sở đó đề xuất chính sách, chế độ hỗ trợ cụ thể.
Đồng thời, định hình các chính sách phòng ngừa, biện pháp, công cụ đấu tranh, xử lý phù hợp; làm cơ sở để hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự để xử lý loại tội phạm này. Từ những yêu cầu đặt ra nói trên, khái niệm "mua bán người" trong dự thảo luật được mở rộng hơn so với quy định của Bộ luật Hình sự (Điều 150. Tội mua bán người và Điều 151. Tội mua bán người dưới 16 tuổi).
Quang cảnh hội trường
"Ủy ban Tư pháp cho rằng, với tư cách là một đạo luật chuyên ngành về phòng, chống mua bán người thì việc mở rộng hơn hành vi mua bán người so với quy định của Bộ luật Hình sự là phù hợp. Điều này phúc đáp yêu cầu thực tiễn trong phòng ngừa và đấu tranh đối với nạn mua bán người, vừa bảo đảm tiệm cận quy định tại các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên", Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận định.
Về hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại và hỗ trợ y tế, tại Điều 39, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành quy định nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân cần được chăm sóc y tế để phục hồi sức khỏe thì được hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, nạn nhân bị mua bán, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân thường là những người thuộc đối tượng yếu thế, nhiều trường hợp thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Do đó, Uỷ ban Tư pháp đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung quy định về việc hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được mua bảo hiểm y tế năm đầu tiên và năm liền kề (tương tự như hỗ trợ tiền học phí, tiền mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập) vào dự thảo luật, đồng thời có báo cáo đánh giá tác động về chính sách này để bảo đảm tính khả thi trên thực tế...
Điều 2 dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) quy định, mua bán người là việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác bằng cách sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác. Việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác được coi là mua bán người ngay cả khi việc này được thực hiện mà không sử dụng các thủ đoạn nêu trên. |
Quỳnh Vinh - Lê Hòa
- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam (19.05.2021)
- Trên 69 triệu cử tri sẽ thực hiện quyền bầu cử (19.05.2021)
- Tiêm vắc xin, lấy mẫu xét nghiệm tầm soát - Lá chắn thép giữa đại dịch COVID-19 (16.05.2021)
- Thông tin quan trọng về Luật Bầu cử bạn cần biết (14.05.2021)
- Quy trình bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp tại phòng bỏ phiếu (14.05.2021)
- Lực lượng Công an bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV (12.05.2021)
- Quy định mới về thời gian cách ly, theo dõi sức khoẻ trong phòng chống dịch Covid 19 (12.05.2021)
- Chỉ đạo khẩn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Bộ GDĐT (12.05.2021)
- Lực lượng Công an toàn tâm, toàn lực bảo vệ tuyệt đối Ngày bầu cử (10.05.2021)