Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh vị tướng huyền thoại (25/8/1911 - 25/8/2021), Cổng thông tin điện tử Học viện trân trọng giới thiệu bài viết: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Mãi xứng danh Người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam" của Thiếu tá, Tiến sĩ Trần Hữu Huy, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
Tổ chức, xây dựng Quân đội cách mạng không ngừng lớn mạnh
Để kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự, thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tháng 12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp sớm tổ chức một đội quân vũ trang tập trung. Thực hiện nhiệm vụ được giao, sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam chính thức được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình, Cao Bằng) gồm 34 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp phụ trách. Sau khi thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân tiến công diệt hai đồn địch ở Phai Khắt (25/12/1944) và Nà Ngần (26/12/1944) gây tiếng vang lớn, mở đầu truyền thống đánh tiêu diệt, đánh chắc thắng của Quân đội ta.
Đến đầu năm 1945, dưới sự lãnh đạo của các cấp bộ Đảng, lực lượng vũ trang phát triển mạnh mẽ, nhưng hoạt động còn phân tán giữa các địa phương. Trước tình hình đó, thực hiện nghị quyết Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ (tháng 4/1945), được sự ủy quyền của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, ngày 15/5/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp công bố quyết định thống nhất các tổ chức vũ trang cách mạng trên phạm vi cả nước thành Việt Nam Giải phóng quân.
Trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Việt Nam Giải phóng quân là lực lượng nòng cốt giải phóng Thái Nguyên, Tuyên Quang và hỗ trợ nhân dân các địa phương nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền, dẫn đến sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945) - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới độc lập, tự do cho dân tộc.
Nhưng không lâu sau ngày giành độc lập, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Chúng hy vọng đội quân xâm lược nhà nghề được trang bị vũ khí hiện đại sẽ nhanh chóng tiêu diệt quân đội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, sớm kết thúc chiến tranh, lập lại chế độ cai trị như cũ. Trong tình thế ngặt nghèo, đồng chí Võ Nguyên Giáp tiếp tục được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, giao đặc trách vấn đề quân sự, sau đó cử làm Tổng Tư lệnh Quân đội, và vinh dự được phong quân hàm Đại tướng đầu tiên của Quân đội ta (1948).
Với trọng trách được giao, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng tập thể Trung ương Quân ủy (sau đổi thành Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng trực tiếp tổ chức, giáo dục, rèn luyện, xây dựng Quân đội cách mạng không ngừng lớn mạnh. Thấm nhuần đường lối quân sự của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội cách mạng kiểu mới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn nhấn mạnh ba yếu tố cơ bản bảo đảm sức mạnh Quân đội nhân dân Việt Nam là: Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng; sự gắn bó máu thịt với nhân dân và tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc; trong đó, sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định, làm cho Quân đội ta mang tính nhân dân sâu sắc, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, càng đánh càng mạnh, bách chiến bách thắng.
Từ năm 1945 đến 1954, Quân đội ta có sự phát triển vượt bậc, từ chỗ chỉ có 5.000 người, biên chế chủ yếu là các đại đội, chi đội trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, nhanh chóng phát triển lên đến 80.000 người (12/1946), 230.000 người (1949), tổ chức biên chế thành các đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn; ngoài ra còn hàng triệu dân quân du kích trên phạm vi cả nước.
Từ năm 1949 đến năm 1952, theo đề xuất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các đại đoàn chủ lực (mệnh danh "quả đấm thép") lần lượt được thành lập (308, 304, 312, 320, 316, 325 và 351), đánh dấu sự trưởng thành mới của Quân đội nhân dân Việt Nam, mở ra khả năng tác chiến tập trung quy mô lớn, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp.
Ngay sau khi thực dân Pháp bại trận, đế quốc Mỹ liền nhảy vào tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, âm mưu biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới. Mỹ dựng lên chính quyền, quân đội tay sai ra sức đàn áp phong trào cách mạng. Từ năm 1965, Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh, quân một số nước đồng minh vào trực tiếp tham chiến tại miền Nam Việt Nam, đồng thời mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc Việt Nam. Trong bối cảnh đó, để đáp ứng yêu cầu cuộc kháng chiến đặt ra, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề xuất với Trung ương Đảng và chỉ đạo khẩn trương xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tiến lên chính quy, hiện đại, bao gồm ba lực lượng cơ bản: Lục quân, Phòng không-Không quân, Hải quân; gửi cán bộ sang học tập tại Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em để nâng cao trình độ chỉ huy tác chiến.
Đối với miền Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiến nghị và ra chỉ thị thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (năm 1961). Giai đoạn cuối chiến tranh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề xuất với Bộ Chính trị và chỉ thị cho Bộ Tổng Tham mưu thành lập các quân đoàn chủ lực (1, 2, 3, 4) và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn) nhằm đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn, bảo đảm phục vụ tốt cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Trong thời kỳ này, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục phát triển từ hơn 400.000 người (năm 1955), tăng lên 800.000 người (năm 1968) và đạt 1.230.000 người (năm 1975).
Lập nên những chiến công vang dội mang tầm vóc thời đại
Với tư duy quân sự sắc sảo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn phân tích, đánh giá đúng hình thái chiến trường, tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch; đồng thời nhận diện chính xác quá trình phát triển biện chứng quy luật chiến tranh, từ đó đưa ra những tham mưu, chỉ đạo chiến lược hết sức sáng tạo làm xoay chuyển cục diện chiến tranh có lợi cho cách mạng như: Phương châm "Đại đội độc lập - Tiểu đoàn tập trung" (1947 - 1948); kế hoạch tác chiến chiến lược "xé nát" khối chủ lực của quân đội Pháp (Đông Xuân 1953 - 1954); mở tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn (1959); thành lập những sư đoàn thép đánh Mỹ ngay tại miền Nam (năm 1965); thành lập liên binh đoàn chiến dịch - chiến lược (B70) đập tan cuộc hành quân quy mô lớn của địch ra Đường 9-Nam Lào (năm 1971); chỉ đạo Quân chủng Phòng không-Không quân sớm nghiên cứu "cách đánh B.52" đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ vào Hà Nội - Hải Phòng (12/1972); tiến công giải phóng Đà Nẵng và quần đảo Trường Sa (năm 1975); thành lập cánh quân hướng Đông và ra Mệnh lệnh "Thần tốc" giải phóng Sài Gòn-Gia Định trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975)...
Đúng như nhà sử học Mỹ Peter Macdonald nhận xét: "Với tư duy sáng tạo, tầm nhìn chiến lược đúng đắn, tướng Giáp đã tỏ rõ những đức tính xuất chúng trong tất cả mọi lĩnh vực lớn nhất của chiến tranh. Về chiến lược, ông đã có một tầm quan sát sâu sắc các sự kiện và đã khoanh vùng những vấn đề chủ yếu".
Không chỉ tham mưu, chỉ đạo chiến lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn trực tiếp "cầm quân ra trận", chỉ huy thành công nhiều chiến dịch lớn như: Việt Bắc (năm 1947), Biên giới (năm 1950), Tây Bắc (năm 1952), Thượng Lào (năm 1953)..., đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva (21/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ ba nước Đông Dương, cam kết rút quân về nước. Nguyên tắc bất di, bất dịch trong chỉ đạo và chỉ huy của Đại tướng là: "bảo đảm chắc thắng - hiệu quả", cố gắng đạt được thắng lợi cao nhất, nhưng đồng thời hạn chế hy sinh xương máu cán bộ, chiến sĩ đến mức thấp nhất có thể ("đau với từng vết thương của người lính, tiếc từng giọt máu của chiến binh").
Bằng tài năng kiệt xuất và chủ nghĩa nhân văn sâu sắc, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp có công lao to lớn chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy vai trò nòng cốt, từng bước vượt qua mọi khó khăn, đánh bại những đội quân xâm lược hùng mạnh của chủ nghĩa thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cùng các thế lực phản động tay sai, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975), kết thúc thắng lợi vẻ vang quá trình 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc kể từ cách mạng tháng Tám 1945; đồng thời hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế trong sáng, cao cả trên đất bạn Lào và Campuchia, góp phần cổ vũ, thúc đẩy phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới. Đó đều là những chiến công mang tầm vóc thời đại, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh (22/12/1964): "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".
Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021), chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn về những đóng góp to lớn của vị tướng huyền thoại đối với sự nghiệp cách mạng. Tên tuổi Đại tướng mãi gắn liền với những mốc son lịch sử trọng đại của đất nước, gắn liền với sự thành lập, quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Bệnh viện 30/4 Bộ Công an đến hướng dẫn công tác phòng chống dịch Virut Corona (13.01.2020)
- Phun thuốc Tẩy trùng hai cơ sở phòng virus corona (04.01.2020)
- Thủ tướng quyết định công bố dịch Corona (24.12.2019)
- TPHCM ra Chỉ thị về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (20.12.2019)
- Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (19.11.2019)
- Thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (30.05.2019)
- Thông báo về việc công bố điểm thi và nhận đơn Phúc khảo tuyển sinh Đại học CSND hệ Văn bằng 2 VLVH (17.05.2018)
- Trường Đại học CSND tổ chức làm thủ tục cho thí sinh dự thi đợt 2, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 (28.05.2010)