Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng, giữ vững lời thề Tuyên ngôn độc lập

Ngày đăng: 01.09.2024

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Những tư tưởng lớn của bản Tuyên ngôn độc lập đến nay vẫn giữ nguyên những giá trị và tầm vóc thời đại.

 

 

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập - Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

 

HÀNH TRÌNH ĐI TỚI TƯƠNG LAI TƯƠI SÁNG

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra bước ngoặt vĩ đại cho cách mạng Việt Nam trên hành trình đi tới tương lai tươi sáng. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và nhân dân thế giới về nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Tuyên ngôn độc lập là văn kiện lịch sử vô giá kết tinh thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta; hội tụ tầm nhìn, trí tuệ, tư tưởng Hồ Chí Minh, là bản hùng ca mở đầu kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám với sự ra đời của bản Tuyên ngôn độc lập là thành quả của cuộc đấu tranh vĩ đại của toàn thể dân tộc Việt Nam, từ cao trào cách mạng 1930 - 1931; cao trào dân chủ 1936 - 1939, đến cao trào giải phóng dân tộc 1939 - 1945. Đó là kết quả của 15 năm ròng đấu tranh đầy gian khổ hy sinh, với sự chuẩn bị chu đáo về đường lối, tổ chức, tinh thần và lực lượng, với nghệ thuật chuẩn bị thời cơ, thúc đẩy thời cơ và chớp thời cơ mau lẹ, với khát vọng và ý chí kiên quyết giành độc lập, tự do của toàn thể dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, “dù có phải hy sinh tới đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập dân tộc”.

Ôn lại những chặng đường oanh liệt và vẻ vang của dân tộc Việt Nam, chúng ta càng thấy nổi bật những giá trị bất diệt, những tư tưởng lớn của Tuyên ngôn độc lập, của dân tộc ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đó cũng là những tư tưởng lớn của cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân thế giới”(1). Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những người đã làm nên lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đã đánh giá về bản Tuyên ngôn độc lập của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là kết quả “vừa giành được độc lập bằng cuộc chiến đấu suốt tám mươi năm của dân tộc. Đây còn là những lời lẽ tâm huyết, đầy cảm kích của đội tiên phong giác ngộ nhất của giai cấp cách mạng nhất, có những con người tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp và dân tộc, trước máy chém, trước miệng súng quân thù, đã từng giật tấm băng đen bịt mắt, hô lớn: “Việt Nam độc lập muôn năm!... Bản án chế độ thực dân Pháp (2) đã có từ ba mươi năm trước đây. Nhưng hôm nay mới chính thức là ngày chế độ thực dân Pháp bị đưa ra cho toàn dân Việt Nam công khai xét xử. Lịch sử đã sang trang. Một kỷ nguyên mới bắt đầu! Bản đồ thế giới phải sửa đổi lại vì sự ra đời của một Nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa!”(3).

 

 

GIÁ TRỊ TẦM VÓC VÀ THỜI ĐẠI

Khi khởi thảo dòng đầu tiên của Tuyên ngôn độc lập, tại ngôi nhà số 48, phố Hàng Ngang, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong niềm sung sướng, tự hào tột độ. Sau này, Người kể lại rằng: Trong đời mình, chưa bao giờ Người lại cảm thấy xúc động và phấn khởi như trong những giờ phút ấy. Bởi lẽ, Người sẽ tuyên bố với quốc dân đồng bào và toàn thế giới biết rằng: sau bao nhiêu năm chiến đấu quên mình và bao nhiêu tính mạng của những người con ưu tú đã hy sinh, dân tộc Việt Nam cuối cùng đã đạt được mục đích thiêng liêng: “đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm”. Tuyên ngôn độc lập đã nói lên ý chí của hàng triệu đồng bào cả nước, đã thể hiện thành quả của mấy mươi năm đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, mà đỉnh cao của cuộc đấu tranh đó là Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, đem lại cho dân tộc Việt Nam quyền độc lập, tự do.

Tuyên ngôn độc lập kết tinh tư tưởng Hồ Chí Minh; kết tinh những văn kiện của Đảng và “là kết quả của những tuyên ngôn của các bậc tiền bối khác như Thủ khoa Huân, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu và của nhiều người khác, của bao nhiêu sách báo, truyền đơn bí mật viết bằng máu và nước mắt của những nhà yêu nước từ hơn tám mươi năm nay”, “là hoa là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường”, “là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam”, “là một trang vẻ vang trong lịch sử Việt Nam. Nó chấm dứt chính thể quân chủ chuyên chế và chế độ thực dân áp bức. Nó mở kỷ nguyên mới dân chủ cộng hòa”(4).

Cách mạng Tháng Tám và Tuyên ngôn độc lập trở thành mốc son trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam và trở thành động lực to lớn cho cuộc đấu tranh của nhân dân các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới vì tự do, độc lập. Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định với thế giới thành quả của cuộc cách mạng dân tộc điển hình trong thế kỷ XX, có ý nghĩa dân tộc và quốc tế sâu sắc. 79 năm trôi qua, thời gian càng lùi xa, thì những giá trị cao quý đó vẫn tiếp tục soi đường cho sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của dân tộc Việt Nam ngày nay.

Giáo sư Aleksandr Sokolovsky, Trưởng Khoa nghiên cứu các nước Nam Á và Đông Nam Á, Trường Đại học Tổng hợp Viễn Đông, Giám đốc Trung tâm văn hóa Việt Nam ở Liên Bang Nga, đã phân tích: “Khi cuộc cách mạng thắng lợi, những từ chính yếu nhất trong bản Tuyên ngôn độc lập chính là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”… Tôi không hình dung điều gì sẽ đến với Việt Nam nếu không có cuộc cách mạng này, thậm chí khái niệm Việt Nam thống nhất cũng sẽ không tồn tại… Có thể nói, cách mạng Tháng Tám đã mở ra một trang sử mới, một kỷ nguyên mới trong lịch sử Việt Nam”(5).

Cách mạng Tháng Tám và Tuyên ngôn độc lập là điển hình thắng lợi ở một nước thuộc địa của đế quốc Pháp - Nhật, trong khi lực cách mạng vô sản ở chính quốc Pháp và Nhật chưa giành thắng lợi. Đặt trong bối cảnh thế giới năm 1945, cách mạng Tháng Tám và Tuyên ngôn độc lập đã cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa và phụ thuộc ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh; tăng cường lực lượng, mở rộng địa bàn cho cách mạng thế giới; chứng minh học thuyết Mác - Lê-nin có thể áp dụng thành công vào cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa nếu biết vận dụng một cách đúng đắn, sáng tạo. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử phong trào giải phóng dân tộc, đảng cộng sản ở một nước thuộc địa đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành được thắng lợi và nắm chính quyền trong cả nước.

Đánh giá về tầm vóc, ảnh hưởng của cuộc cách mạng này đối với phong trào cách mạng thế giới, Thomas Hodgkin đã nhận định: “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là một sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử thế giới từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga. Đó là một cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, một Đảng chỉ mới ra đời 15 năm. Đó là cuộc cách mạng đầu tiên thành công trong việc lật đổ chính quyền thuộc địa. Nó đã nổ ra trong một thời điểm lịch sử kết thúc cuộc chiến tranh thế giới thứ hai... Như vậy, cuộc cách mạng Tháng Tám đã đánh dấu sự bắt đầu của một thời kỳ mới, nó vạch đường ranh giới của thời đại thực dân bắt đầu nhường chỗ cho thời đại phi thực dân hóa”(6).

Cuộc cách mạng này còn mang ý nghĩa quốc tế hết sức to lớn, vượt tầm ảnh hưởng ra khỏi biên giới quốc gia, khi đã có tác động to lớn đối với cuộc đấu tranh giành độc lập của các nước thuộc địa Pháp lúc đó, trong đó có nhiều nước châu Phi. Khi cuộc cách mạng ở Việt Nam thành công, cũng là lúc các nước như: Cameroon, Algeria, Tanzania… đang chuẩn bị những cuộc cách mạng lớn. Nhờ có bài học từ Việt Nam, họ đã có những kinh nghiệm quý trong đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Với nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và sử gia người Pháp, cách mạng Tháng Tám và Tuyên ngôn độc lập là những sự kiện đặc biệt ấn tượng. Một trong những học giả nổi tiếng người Pháp - Nhà sử học Alain Ruscio - người đã có rất nhiều tác phẩm biên khảo về lịch sử Việt Nam, đã nhấn mạnh rằng: Việt Nam là dân tộc đầu tiên trong số các dân tộc trên thế giới bị thực dân Pháp đô hộ đã thành công trong cuộc kháng chiến của mình. Thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào đấu tranh đòi độc lập của các nước thuộc địa trên thế giới lúc bấy giờ, nhất là các nước ở châu Phi. Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có vai trò quan trọng, là người đầu tiên tuyên bố độc lập của một nước thuộc địa”(7). Alain Ruscio còn phân tích, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa thực dân vẫn còn tồn tại, khi đó, 1/3 các dân tộc trên thế giới phải sống dưới sự chiếm đóng của thực dân Pháp, Anh và Bồ Đào Nha, trong bối cảnh như vậy, Việt Nam là một tấm gương, là biểu tượng của quá trình đấu tranh giành độc lập; các dân tộc bị đô hộ cần phải lên tiếng.

Tương đồng với quan điểm của các nhà sử học Pháp, nhà sử học Na-uy Stein Tonnesson đã viết: “Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Việt Nam nằm trong những nguồn cảm hứng chủ yếu về một đường lối đấu tranh lớn khác sau chiến tranh: đó là quá trình phi thực dân hóa. Trong các cuộc cách mạng cộng sản, cuộc cách mạng của người Việt Nam nổi lên như là một trong những cuộc cách mạng có sức sống và làm đảo lộn nhiều nhất”(8).

Chương trình giao lưu nghệ thuật

Chương trình giao lưu nghệ thuật "Lời Người để lại" do Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo thực hiện tối ngày 30/8/2024.

GIỮ VỮNG LỜI THỀ TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta giành được những thắng lợi ngày càng to lớn trong các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Từ một dân tộc bị nô lệ, lầm than, Việt Nam đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (lời thơ Tố Hữu), đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội... Đó là những minh chứng hùng hồn về sức mạnh của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Trải qua gần 40 năm đổi mới toàn diện, phát huy tinh thần cách mạng Tháng Tám và Tuyên ngôn độc lập, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều, “chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với những triển vọng tốt đẹp.

Âm hưởng hào hùng của Tuyên ngôn độc lập năm 1945 mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên đọc trước Quảng trường Ba Đình: “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(9), vẫn vang vọng núi sông, vẫn tiếp lửa và thôi thúc dân tộc Việt Nam vươn mình trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, toàn Đảng, toàn dân ta cần nắm vững thời cơ, tranh thủ và phát huy mọi thuận lợi, tỉnh táo, sáng suốt trong nhận diện và vượt qua nguy cơ, thách thức, phát huy truyền thống vinh quang, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, tự tin, tự tôn dân tộc, kết hợp sức mạnh trong nước và quốc tế, quyết chí phấn đấu thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì mục tiêu “xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”(10)./.

PGS. TS. Đỗ Xuân Tuất

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

-------------------------------------------------

(1) (3) Vũ Kim Yến: Sự ra đời của bản Tuyên ngôn độc lập, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2015, tr. 68, 69

(2) Năm 1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết tác phẩm nổi tiếng: “Bản án chế độ thực dân Pháp” (TG)

(4) Xem: Trần Dân Tiên: “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1970, tr. 110

(5) Xem: “Cách mạng Tháng Tám và Tết Độc lập (2-9) qua con mắt người nước ngoài”, Tạp chí Cộng sản Điện tử, ngày 1-9-2010, https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/hoat-ong-cua-lanh-ao-ang-nha-nuoc/-/2018/4240/cach-mang-thang-tam-va-tet-doc-lap-%282-9%29-qua-con-mat-nguoi-nuoc-ngoai.aspx

(6) Thomas Hodgkin: Cách mạng Việt Nam và một vài bài học. Dẫn theo: Thế giới bàn về Việt Nam, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1976, t. II, tr. 224

(7) Xem: “Cách mạng Tháng Tám và Tết Độc lập (2-9) qua con mắt người nước ngoài”, Tlđd

(8) Stein Tonnesson: “The Vietnamese Revoulution of 1945. Roosevelt, Ho Chi Minh and De Gaulle in a World at war”, Sage Publications, 1991, London, New Burry Park, New Delhi, pp. 425 - 426

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 1, tr. 3

(10) Nguyễn Phú Trọng: “Nghiêm túc, khẩn trương hoàn thiện đề cương và xây dựng dự thảo các văn kiện Đại hội XIV; chỉ đạo thật tốt việc thực hiện Chỉ thị về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV; phấn đấu hoàn thành thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, Tạp chí Cộng sản, số 1038 (5-2024), tr. 7

Nguồn: tuyengiao.vn

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN
  • Ngày: 2656
  • Tuần: 100001
  • Tháng: 100001
  • Tổng: 100001