Sáng 30/6/2022, tại Hà Nội, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến tất cả các tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị, nhằm chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực Phan Đình Trạc đồng chủ trì Hội nghị.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì hội nghị. Ảnh: TTXVN
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ Công an có các đồng chí trong Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công an.
Phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm
Trình bày báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nêu rõ: Trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý... Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, kiến nghị xử lý hơn 2.000 văn bản có sơ hở pháp luật.
Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ/5.841 bị can, truy tố 2.628 vụ/6.199 bị can, xét xử sơ thẩm 2.439 vụ/5.647 bị cáo.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc trình bày báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can). Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ. Trong đó, Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 180 vụ án, 133 vụ việc; các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 120 vụ án/1.083 bị cáo, có 37 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Đặc biệt thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, xảy ra trong lĩnh vực y tế, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...
Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực; cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt 34,7% (năm 2013, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 10%). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng, đạt 41,3%. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Số địa phương không phát hiện, khởi tố vụ án tham nhũng mới hàng năm có xu hướng giảm dần. Riêng năm 2021, 100% các địa phương đã khởi tố các vụ án mới về tham nhũng.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được quan tâm hơn, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng, tiêu cực”. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng; Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 2.000 nghị định, quyết định; các bộ, ngành, địa phương đã ban hành hàng ngàn văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hóa và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả.
Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, dân chủ, công khai, minh bạch. Nhiều vấn đề tồn tại trước đây trong công tác cán bộ đã được chỉ đạo giải quyết. “Chống chạy chức, chạy quyền” đã trở thành tuyên ngôn mạnh mẽ. Kiểm soát tài sản, thu nhập, thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, đã góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Cấp ủy, tổ chức đảng ở Trung ương và địa phương đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở giáo dục, đào tạo. Các cơ quan chức năng đã chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí thông tin kịp thời kết quả các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo; chủ động thông tin, công khai, minh bạch về kết quả xử lý kỷ luật của Đảng, kết quả thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tăng cường giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện và nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp. Từ năm 2013 đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành 26 cuộc giám sát chuyên đề về phòng, chống tham nhũng và có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng.
đại biểu dự Hội nghị.
Dưới sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo, hoạt động của Ban Chỉ đạo có nhiều đổi mới, nền nếp, bài bản, khoa học, quyết liệt và hiệu quả; vừa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; vừa quyết liệt chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, với nhiều cơ chế, giải pháp, cách làm bài bản, hiệu quả và không chịu tác động không trong sáng của tổ chức, cá nhân nào; vừa chọn những khâu yếu, việc khó trong công tác phòng, chống tham những, tiêu cực để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, chú trọng tổng kết thực tiễn, kịp thời sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ngày 16/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 32-QĐ/TW bổ sung, mở rộng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương để chỉ đạo cả công tác phòng, chống tham nhũng và công tác phòng, chống tiêu cực.
Các cơ quan nội chính, kiểm tra của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được củng cố, kiện toàn, phối hợp ngày càng chặt chẽ, kịp thời, thực sự phát huy vai trò nòng cốt trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện kết luận của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Ban Bí thư đã ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Các tỉnh ủy, thành ủy đang khẩn trương quyết định thành lập và triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở. Đến ngày 27/6/2022, cả nước đã có 34 tỉnh, thành phố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.
Kiên trì, liên tục, bền bỉ
Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rõ rệt, đột phá, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; khẳng định những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Cùng với đó là sự kế thừa, tiếp nối của quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kiên trì, liên tục, bền bỉ qua nhiều nhiệm kỳ; sự cộng hưởng của những kết quả tích cực, rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; sự đồng lòng, nhất trí của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của báo chí, truyền thông và toàn xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe tham luận của các đơn vị, địa phương chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn sau 10 năm thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Thay mặt Đảng uỷ Công an Trung ương tham luận tại Hội nghị với chủ đề: “Lực lượng Công an chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, góp phần vào công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, ổn định kinh tế - xã hội”, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an nêu rõ: Thời gian qua, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và toàn lực lượng Công an nhân dân luôn nhận thức sâu sắc, quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong nội bộ, Đảng ủy Công an Trung ương đã quyết liệt chỉ đạo đồng bộ, toàn diện nhiều giải pháp và đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ nét. Trong đó, đã gương mẫu đi đầu trong thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về sắp xếp lại tổ chức bộ máy, giảm các tầng nấc trung gian, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”; thực hiện tốt chủ trương bố trí 100% Giám đốc Công an tỉnh, thành phố, Trưởng Công an cấp huyện không là người địa phương; 100% các xã có Công an chính quy. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chức năng của Công an nhân dân đã được triển khai trên nhiều phương diện, từ phòng ngừa đến phát hiện, điều tra, xử lý, qua đó đã có nhiều đóng góp quan trọng vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, góp phần ổn định, phát triển kinh tế, xã hội, ngăn chặn 4 nguy cơ đối với sự tồn vong của chế độ. Trong 10 năm qua, cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân đã khởi tố mới trên 16.000 vụ án, 26.800 bị can về các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; trên 2.600 vụ án, 5.800 bị can về các tội phạm tham nhũng, chức vụ. Công tác điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng đã được đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo đánh giá là một “điểm sáng”, có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh rất lớn.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc tham luận tại Hội nghị.
Về yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, trong phạm vi trách nhiệm của mình, Đảng ủy Công an Trung ương sẽ tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc và xuyên suốt các nguyên tắc, quan điểm, phương châm mà Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Làm tốt công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước về những vấn đề liên quan; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp vụ, chủ động nhận diện, phát hiện xử lý tham nhũng, tiêu cực với phương châm “ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn”, “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”... tạo sự răn đe, chuyển biến lan tỏa toàn quốc. Củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ nòng cốt có chức năng phòng, chống tham nhũng trong Công an nhân dân, xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, bản lĩnh, trí tuệ... gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 16 3-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng được các đại biểu dự Hội nghị nêu lên như: công tác tuyên truyền, giáo dục có mặt còn hạn chế, nhất là giáo dục liêm chính, xây dựng văn hóa tiết kiệm không tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức. Cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực. Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ nét. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu. Công tác giám định, định giá tài sản vẫn còn khó khăn; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp; hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa cao.
Các đại biểu dự Hội nghị đề nghị thời gian tới, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cấp ủy đảng, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật; tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để không thể tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới...
Bài học quý, có giá trị lý luận và thực tiễn
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần phải nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để từ đó có quyết tâm chính trị rất cao, biện pháp rất trúng và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung, thống nhất của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị; Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng. "Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Nói phải "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" cơ chế là với ý nghĩa như vậy”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: TTXVN
Theo đồng chí Tổng Bí thư, phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, "không nghỉ", "không ngừng" ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng"; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng"; và một cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng".
Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng không thể chủ quan, nóng vội, thỏa mãn; không được né tránh, cầm chừng; trái lại, phải rất kiên trì, không "ngừng", không "nghỉ"; vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa, răn đe, không để xảy ra tham nhũng, vừa phải cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh phòng, chống tham nhũng để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Phải kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tham nhũng; trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là đột phá, quan trọng. Để chủ động, tích cực phòng ngừa, cần phải tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về kinh tế - xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, trong phát hiện, xử lý, phải quán triệt nguyên tắc: Có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó; xử lý cả hành vi tham nhũng và hành vi dung túng, bao che cho tham nhũng; can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng. Có dấu hiệu phạm tội thì phải khởi tố, điều tra; kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật. Vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng, Nhà nước, đoàn thể. Phải tiến hành đồng bộ giữa kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự. Kỷ luật của Đảng thực hiện trước, tạo tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính của Nhà nước, của đoàn thể và xử lý hình sự. Việc xử lý phải lấy giáo dục, răn đe, phòng ngừa làm chính, kết hợp giữa trừng trị với khoan hồng; đồng thời bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.
Bên cạnh đó, phải gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng...
“Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; của nhân dân, cơ quan truyền thông và báo chí, doanh nghiệp, doanh nhân trong phòng, chống tham nhũng; phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dân là gốc"; dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc, tiếp thu cái đúng, nhưng không đơn giản "theo đuôi", chạy theo dư luận. Triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước; tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý, các giải pháp phòng, chống tham nhũng phải phù hợp với bối cảnh yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và truyền thống văn hóa của Dân tộc; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài. Đồng thời, mỗi ngành, cơ quan, đơn vị phải xây dựng được văn hóa công vụ. Văn hóa công vụ sẽ bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ.
Nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn, phương pháp phải đúng
Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
“Đây là nhiệm vụ không mới, nhưng rất quan trọng. Bởi tuyên truyền, giáo dục là một trong những biện pháp căn bản để nâng cao nhận thức, tinh thần, ý thức, đạo đức, xây dựng liêm chính, chống tha hóa, biến chất. Phải quán triệt, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về sự nguy hại của tham nhũng, tiêu cực,... tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, phải kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm khiết, chính trực; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực. Mọi cán bộ, đảng viên phải ghi nhớ sâu sắc lời căn dặn của Bác Hồ rằng: Đảng ta là đảng cầm quyền; Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân. Đảng phải luôn luôn dựa vào Dân, lắng nghe Dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; việc gì có lợi cho Dân thì phải hết sức làm và làm cho bằng được; ngược lại, việc gì có hại cho Dân thì phải hết sức tránh. Việc gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm. Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, phải tăng cường phối hợp, chủ động công khai, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng; chú trọng thông tin tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt; khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động, gây hoang mang. Những người làm báo tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng phải được bảo vệ, khen thưởng, động viên kịp thời; đồng thời kiên quyết vạch trần, phê phán, bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước ta; xử lý nghiêm việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt, gây hậu quả xấu.
Thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện đồng bộ; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, tiêu cực".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phân tích: “Thể chế nói chung, thể chế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng, cùng với chuẩn mực đạo đức trên các lĩnh vực và cơ chế kiểm soát quyền lực là yếu tố cơ bản, nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng, tiêu cực. Phải xây dựng các quy chế nội bộ của Đảng, các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của "nhóm lợi ích", "sân sau", "tư duy nhiệm kỳ"; ngăn chặn nguy cơ nẩy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, luật pháp. Khẩn trương hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ người tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt"; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.
“Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện và công khai, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Đấu tranh chống tham nhũng phải gắn liền với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Bởi vì hai mặt này có quan hệ chặt chẽ với nhau; phải kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu các hành vi sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm đều phải bị xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh, công khai”, Tổng Bí thư nêu rõ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Tổ chức bộ máy phải tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và các cơ quan nội chính từ Trung ương đến địa phương.
“Xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định để ngăn ngừa có hiệu quả sự tác động tiêu cực, không lành mạnh vào hoạt động của các cơ quan này. Đặc biệt, phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch; không chịu bất cứ sức ép không trong sáng nào của tổ chức, cá nhân; bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào của những kẻ phạm tội. Có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc. Tôi đã nhiều lần nói: Phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trước hết và ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực!”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Bày tỏ tin tưởng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và đạt hiệu quả cao hơn nữa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi; góp phần xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và xứng đáng với niềm tin yêu, sự mong đợi của nhân dân. Điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là: Nhận thức phải chín; tư tưởng phải thông; quyết tâm phải lớn, phương pháp phải đúng; góp phần từng bước làm chuyển biến tình hình, thực sự có kết quả rõ ràng, cụ thể.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn tất cả các đồng chí, những cán bộ "rường cột" của Đảng và Nhà nước, những "Bao Công" của thời đại ngày nay, hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm và dũng khí trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, gương mẫu, đi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ban Biên tập
http://bocongan.gov.vn/
- Việt Nam đóng góp tích cực cho hội nghị chống tham nhũng của Liên hợp quốc (30.08.2022)
- Quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng (22.08.2022)
- Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Công an nhân dân (20.08.2022)
- Từng bước hình thành khuôn khổ pháp lý vững chắc để không thể tham nhũng tiêu cực (18.08.2022)
- Việt Nam nỗ lực triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn, đạt được những kết quả quan trọng (15.08.2022)
- Tập trung phòng, chống 19 hành vi tiêu cực (12.08.2022)
- 110 năm ngày sinh Chủ tịch hội đồng nhà nước Võ Chí Công – kỳ II (07.08.2022)
- 110 năm ngày sinh chủ tịch hội đồng nhà nước Võ Chí Công – Kỳ 1 (06.08.2022)
- Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (22.07.2022)