Ngày 13/6/2024, tiếp tục phiên họp thứ 34, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đại diện Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu.
Tạo hành lang pháp lý vững chắc cho phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm
Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nêu rõ, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 được sửa đổi để tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các giấy tờ không cần thiết nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân; tạo hành lang pháp lý vững chắc trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm.
Về khai báo vũ khí thô sơ (Điều 32, dự thảo Luật), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, vũ khí thô sơ là phương tiện đặc biệt, liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ con người và công tác bảo đảm an ninh, trật tự cần được quản lý chặt chẽ. Trong hoạt động trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo có những loại vũ khí thô sơ vẫn có khả năng gây sát thương; hiện nay có nhiều bảo tàng có số lượng hiện vật rất lớn. Do đó, quy định khai báo vũ khí thô sơ cần thiết để quản lý chặt chẽ, làm cơ sở để xác minh, xác định trách nhiệm khi xảy ra hành vi vi phạm. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ quy định này như dự thảo Luật Chính phủ trình.
Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chỉnh lý tên Điều 32 thành “Khai báo vũ khí thô sơ dùng làm hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo”; đồng thời, bổ sung quy định giới hạn việc khai báo chỉ đối với “vũ khí thô sơ quy định tại điểm a khoản 4 Điều 3” như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.
Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trình bày Báo cáo tại phiên họp.
Phòng ngừa sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích vi phạm pháp luật
Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ trợ (sửa đổi) đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội tại tổ và hội trường; khẳng định, Cơ quan chủ trì soạn thảo và Cơ quan thẩm tra đã tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp, giải trình đầy đủ các ý kiến.
Báo cáo giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, Cơ quan chủ trì soạn thảo nhất trí cao với báo cáo tiếp thu, giải trình của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh và ý kiến các đại biểu, sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến các đại biểu để bổ sung, chỉnh lý dự án Luật chặt chẽ, khoa học, phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trước khi trình Quốc hội thông qua.
Về quy định dao có tính sát thương cao, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, quy định này đã được chỉnh lý trong dự thảo Luật theo hướng: dao có tính sát thương cao được phân định rõ gắn với mục đích sử dụng. “Nếu sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, kinh doanh hàng ngày thì không phải vũ khí. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 32a quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh, xuất - nhập khẩu, sử dụng, vận chuyển dao có tính sát thương cao phải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh và cho biết, Chính phủ sẽ quy định các biện pháp đảm bảo an toàn đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất - nhập khẩu, sử dụng, vận chuyển hoặc mang dao có tính sát thương cao. Việc quy định này để quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất - nhập khẩu, sử dụng, vận chuyển loại vũ khí thô sơ này. Đồng thời, phòng ngừa nguy cơ sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích vi phạm pháp luật. “Quan điểm này chúng tôi nhất quán xuyên suốt quá trình xây dựng Luật đến nay” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu nêu
Dự thảo Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra. Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) được chỉnh lý trên cơ sở thảo luận của đại biểu Quốc hội tại tổ và hội trường; cơ bản nhất trí với dự thảo, cũng như báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, đây là Luật khó, tuy sửa không nhiều nhưng nội dung rất khó để thiết kế trong kỹ thuật lập pháp. Mặc dù Luật được thông qua theo quy trình một kỳ họp, nhưng Chính phủ cũng đã chỉ đạo chuẩn bị nghiên cứu kỹ lưỡng, vì liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, Cơ quan soạn thảo, Cơ quan chủ trì thẩm tra và đến nay cơ bản bảo đảm trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý giao cho Ủy ban Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Quốc phòng An ninh, các cơ quan khác rà soát về nội dung dao có tính sát thương cao để bảo đảm thống nhất với Bộ luật Hình sự. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền về quá trình xây dựng dự án luật, các nội dung mới, quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, đánh giá kỹ tác động; hoàn chỉnh Báo cáo giải trình, tiếp thu có tính thuyết phục; sớm xây dựng, ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện luật… “Tuyên truyền tốt về quá trình xây dựng dự án luật, quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật để tăng tính đồng thuận của người dân” - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp; phối hợp với Ủy ban Tư pháp và các cơ quan đầu tư công sức để làm rõ những vấn đề có liên quan đến Bộ luật Hình sự, cũng như hoàn thiện dự thảo Luật và báo cáo giải trình, tiếp thu, bảo đảm khách quan và có tính thuyết phục cao. Sau đó, gửi xin ý kiến lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản như theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội; gửi lại đại biểu Quốc hội theo quy định để bảo đảm thông qua tại cuối đợt họp thứ hai của Kỳ họp thứ 7 này.
Nguyễn Dịu - Phương Thủy
- Nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới (09.07.2024)
- Tăng cường dân chủ xã hội chủ nghĩa - căn cốt để thực hiện thắng lợi sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới (09.07.2024)
- Trường Đại học CSND tăng cường quán triệt, thực hiện quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng, phát triển nền văn hoá Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (08.07.2024)
- Không bắt buộc đổi căn cước công dân gắn chíp thành thẻ căn cước (07.07.2024)
- Một số điểm mới quan trọng của Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) (03.07.2024)
- Phòng ngừa lây nhiễm HIV từ mẹ sang con (03.07.2024)
- Các mối quan hệ lớn trong đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng hiện nay (02.07.2024)
- Từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng (02.07.2024)
- “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030” (01.07.2024)