Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách của trẻ em. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Luôn đề cao vai trò của gia đình đối với sự phát triển chung của xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Hưởng ứng lời dạy đó của Bác, ngày 28/6/2000, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Chỉ thị coi việc xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc là một mục tiêu quan trọng, yêu cầu đề cao vai trò và trách nhiệm của gia đình, giúp đỡ và tạo điều kiện cần thiết để các gia đình thực hiện trách nhiệm đối với thế hệ trẻ, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển của trẻ em.
Gần một năm sau, ngày 4/5/2001, Thủ tướng ký quyết định số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28/6 hàng năm làm Ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định này có mục đích thúc đẩy, duy trì và phát triển những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam trong bối cảnh xã hội hiện đại.
Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước.
Mặc dù cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi qua nhiều thời kỳ phát triển, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn còn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ảnh minh hoạ (internet)
Ngày Gia đình Việt Nam là một sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây cũng là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có bố mẹ, cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc.
Ngoài ra, ngày Gia đình Việt Nam còn là ngày để những con người đất Việt hướng về cội nguồn, về người thân, qua đó nuôi dưỡng những tình cảm đẹp, những giá trị văn hoá cao quý của dân tộc. Cho dù có đi đâu, làm gì, gia đình vẫn là nơi để nhớ, để yêu thương và để quay trở về.
Ngày Gia đình Việt Nam còn có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của gia đình trong việc xây dựng một cộng đồng phát triển và bền vững. Các chương trình, sự kiện, hội thảo liên quan đến gia đình được tổ chức vào ngày này giúp mọi người nhận diện rõ hơn về các vấn đề gia đình hiện đại và tìm ra các giải pháp hữu hiệu.
Gia đình là một yếu tố không thể thiếu để xây dựng nên một xã hội vững bền và hạnh phúc. Một gia đình có sự nuôi dưỡng tốt sẽ tạo nên những con người với nhân cách tốt để cống hiến cho đất nước. Góp phần tạo dựng một xã hội tiến bộ, lành mạnh và tốt đẹp hơn. Việc mỗi năm có một chủ đề gia đình sẽ giúp mọi người có thể cùng nhau hướng đến một giá trị quan trọng nhất trong năm. Năm 2025, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 với chủ đề “Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng” càng trở nên ý nghĩa và sâu sắc hơn trong bối cảnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều thách thức tác động đến cấu trúc và chức năng của gia đình truyền thống. Trước những biến động của xã hội, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức trong mỗi gia đình không chỉ là trách nhiệm của từng thành viên, mà còn là nền tảng vững chắc để hình thành nên những con người mới – nhân tố cốt lõi cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Hưởng ứng Ngày gia đình Việt Nam 28/6 hằng năm, tại Trường Đại học CSND, Ban Giám hiệu đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vị trí, vai trò của gia đình; ý nghĩa, chủ đề của Ngày gia đình Việt Nam; phòng chống bạo lực gia đình… qua hệ thống loa phát thanh, treo băng rôn, khẩu hiệu, đăng tải tin, bài trên Trang thông tin điện tử của Nhà trường (dhcsnd.edu.vn). Bên cạnh đó, Nhà trường cũng đã tặng quà cho con em cán bộ, chiến sỹ nhân dịp Tết thiếu nhi 1/6 và khen thưởng các em có thành tích xuất sắc trong học tập; luôn quan tâm, hỗ trợ kịp thời gia đình cán bộ, giảng viên, công nhân viên có hoàn cảnh khó khăn…
H.P (tổng hợp)
- Một số quy định về công tác lưu trữ tài liệu hình thành phổ biến trong Công an nhân dân (14.07.2025)
- Quyền và trách nhiệm của Người bị bạo lực gia đình (14.07.2025)
- Nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới (12.07.2025)
- Nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình và chính sách của Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình (11.07.2025)
- Đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy các môn Lý luận chính trị góp phần tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới (08.07.2025)
- Nội dung quản lý học sinh trung học phổ thông trong Công an nhân dân (08.07.2025)
- Tìm hiểu một số điểm mới của Hiến pháp sửa đổi, bổ sung năm 2025 (07.07.2025)
- Tìm hiểu một số điểm mới của Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2025 (04.07.2025)
- Nhận diện và đấu tranh với thông tin xấu,độc trên mạng xã hội hiện nay (02.07.2025)