Sáng 27/11/2023, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Căn cước với 87,25% đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia biểu quyết tán thành.
Tên gọi Luật Căn cước và thẻ căn cước phù hợp với mục đích quản lý và phục vụ nhân dân
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới cho biết, về tên gọi của dự thảo Luật và tên thẻ căn cước, có ý kiến cho rằng, trong thời gian vừa qua đã có nhiều thay đổi về hình thức, nội dung và tên gọi của thẻ căn cước, vì vậy, đề nghị cân nhắc về tên gọi của Luật; đề nghị không đổi tên Luật và tên thẻ thành thẻ căn cước.
Về vấn đề này, UBTVQH xin được báo cáo như sau: Qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 và phiên họp UBTVQH giữa 2 đợt của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, hầu hết ý kiến ĐBQH đều đồng ý với tên gọi của dự thảo Luật và tên thẻ căn cước đã được giải trình tại Báo cáo số 666 ngày 24/10/2023 của UBTVQH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước.
UBTVQH cho rằng, việc sử dụng tên gọi Luật căn cước thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số. Với việc tích hợp đầy đủ thông tin một cách khoa học trong thẻ căn cước, cùng với hình thức, phương thức quản lý số bảo đảm tính đại chúng, thì việc đổi tên thành thẻ căn cước sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước có tính khoa học hơn, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số của Chính phủ; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho người dân trong tham gia các hoạt động xã hội cũng như giao dịch về hành chính, dân sự ngày càng tiện lợi.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự phiên họp
"Từ những vấn đề trên, UBTVQH nhận thấy, việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước và thẻ căn cước là phù hợp với mục đích quản lý và phục vụ nhân dân. Vì vậy, UBTVQH trân trọng đề nghị Quốc hội cho giữ tên gọi là Luật Căn cước và thẻ căn cước", Chủ nhiệm UBQPAN lý giải.
Thu thập mống mắt làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân
Về Trung tâm dữ liệu quốc gia (quy định tại khoản 4 Điều 8, khoản 5 Điều 10, khoản 5 Điều 11 và khoản 3 Điều 12), có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chưa xác định vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm dữ liệu quốc gia nên quy định việc kết nối với các cơ sở dữ liệu là chưa phù hợp. Đề nghị bổ sung quy định cụ thể khi Luật đã giao nhiệm vụ.
UBTVQH xin tiếp thu ý kiến của ĐBQH và báo cáo giải trình thêm như sau: Sau khi được cấp có thẩm quyền đồng ý, Chính phủ đã chỉ đạo hoàn thiện Đề án và ban hành Nghị quyết số 175 ngày 30/10/2023 phê duyệt Đề án xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Trong dự thảo Luật chỉ quy định về Trung tâm dữ liệu quốc gia với ý nghĩa là một hệ thống kỹ thuật được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chia sẻ, khai thác, xử lý thông tin phù hợp với chủ trương của Đảng và Đề án của Chính phủ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung biểu quyết
Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung khoản 19 Điều 3 quy định về Trung tâm dữ liệu quốc gia như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
Về thu thập, cập nhật, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước (Điều 16), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt vào điểm d khoản 1 tương tự như đối với việc thu thập thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với điều kiện triển khai trong thực tiễn.
"UBTVQH xin báo cáo như sau: Khoa học hiện nay đã chứng minh, cùng với vân tay, mống mắt của một người có cấu trúc đường vân phức tạp và duy nhất đối với mỗi người, không thay đổi nhiều theo thời gian. Vì vậy, bên cạnh việc thu thập vân tay, dự thảo Luật đã bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua", Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới thông tin.
Mở rộng đối tượng cấp giấy chứng nhận căn cước sẽ tác động phức tạp đến an ninh, trật tự
Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới phát biểu tại phiên họp
Về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước (Điều 30), có ý kiến đề nghị nghiên cứu cấp giấy chứng nhận căn cước cho tất cả những người không quốc tịch đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam.
UBTVQH cho biết, thực tế cho thấy, ở Việt Nam có nhiều người có quốc tịch nước ngoài nhưng cố tình giấu hoặc vứt bỏ các giấy tờ chứng minh quốc tịch của mình nhằm mục đích ở lại Việt Nam bất hợp pháp. Nếu mở rộng đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước có thể sẽ có nhiều đối tượng là người không quốc tịch di cư đến Việt Nam để sinh sống, tác động phức tạp đến tình hình ANTT ở nước ta. Do vậy, UBTVQH đề nghị không mở rộng đối tượng cấp giấy chứng nhận căn cước đối với toàn bộ người không quốc tịch.
Thẻ căn cước bảo mật cao, không ai có thể truy cập để lấy thông tin trong thẻ
Về cấp, quản lý căn cước điện tử (Chương IV), có ý kiến nhất trí sự cần thiết quy định về căn cước điện tử trong dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị báo cáo thêm về vấn đề bảo mật của thẻ căn cước gắn chip vì dễ bị xâm nhập, theo dõi.
Toàn cảnh phiên họp
Tuy nhiên, theo UBTVQH, thẻ căn cước hiện nay được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng bảo mật cao, bảo đảm chống lại việc làm giả thẻ. Trong chip điện tử trên thẻ căn cước có công nghệ xác thực thông qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ thẻ. Theo đó, khi một người sử dụng thiết bị đọc thông tin lưu trữ trong chip điện tử phải được sự đồng ý của chủ thẻ thông qua phương thức xác thực vân tay, khuôn mặt để được quyền truy cập vào ứng dụng đọc, truy xuất dữ liệu, nếu không có thao tác này thì không ai có thể truy cập để lấy thông tin trong thẻ căn cước.
“Bên cạnh đó, để khai thác được các thông tin trong chip điện tử phải sử dụng thiết bị chuyên dụng và các thiết bị này phải được Bộ Công an cung cấp mã bảo mật để xác thực, bảo đảm an ninh, an toàn bảo mật thông tin. Trường hợp các cơ quan nhà nước khác cung cấp thiết bị chuyên dụng để đọc thông tin trong thẻ căn cước thì các thiết bị này đều phải được cơ quan chuyên môn của Bộ Công an kiểm tra và cung cấp mã bảo mật", Chủ nhiệm UBQPAN nhấn mạnh.
Về quy định chuyển tiếp (Điều 46), có ý kiến cho rằng, quy định của dự thảo Luật về giá trị sử dụng của thẻ căn cước công dân tại khoản 1 Điều 46 là phù hợp. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu trường hợp thẻ căn cước công dân hết hạn sử dụng sau ngày Quốc hội thông qua Luật thì cho phép tiếp tục được sử dụng đến hết năm 2024, tránh gây phiền hà cho người dân phải đổi nhiều lần khi có nhu cầu đổi từ thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước khi luật này có hiệu lực.
Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung quy định về chuyển tiếp đối với căn cước công dân và chứng minh nhân dân tại khoản 3 Điều 46 như sau: "Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024."; theo đó, bổ sung khoản 2 Điều 45 quy định về hiệu lực thi hành như sau: "Quy định tại khoản 3 Điều 46 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2024"; đồng thời chỉnh lý một số nội dung của Điều 45 và Điều 46 bảo đảm cụ thể, rõ ràng và phù hợp với thực tế.
Nguyễn Ngọc - Quỳnh Vinh
- Lan toả tình yêu với Biên cương Tổ quốc (17.12.2021)
- Đại hội đại biểu Phụ nữ Bộ Công an lần thứ IX (16.12.2021)
- Phát huy vai trò đối ngoại CAND, góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng (16.12.2021)
- Giữ vững vai trò Đảng bộ kiểu mẫu, tiêu biểu về phẩm chất, năng lực lãnh đạo (16.12.2021)
- Chung tay tiếp bước các em đến trường (13.12.2021)
- Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn – Vì chúng tôi là chiến sỹ (12.12.2021)
- Trường Đại học CSND được trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất (11.12.2021)
- Bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui Xuân, đón Tết (11.12.2021)
- Quán triệt, triển khai Kết luận số 21 và Quy định số 37 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (11.12.2021)