Sáng ngày 9/8/2022, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 09-NQ/ĐUCA ngày 29/3/2022 của Đảng ủy Công an Trung ương về tiếp tục hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự (ANTT) đến năm 2026, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 11-NQ/ĐUCA ngày 01/7/2022 của Đảng ủy Công an Trung ương về lãnh đạo thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030 trong Công an nhân dân (CAND) và Thông tư số 27/2022/TT-BCA ngày 09/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiêu chí cải cách hành chính và xác định chỉ số cải cách hành chính trong CAND.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ Hội trường Bộ Công an đến Hội trường Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị. Đoàn Đại biểu Trường Đại học CSND do đồng chí Đại tá, PGS, TS. Nguyễn Thành Phúc làm trưởng đoàn tham gia tại điểm cầu trực tuyến của Công an thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng chí Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe Đại diện lãnh đạo Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp phổ biến, quán triệt các nội dung cơ bản của Nghị quyết số 09-NQ/ĐUCA, Nghị quyết số 11-NA/ĐUCA và Thông tư số 27/2022/TT-BCA. Trong đó, Nghị quyết số 09-NQ/ĐUCA của Đảng ủy Công an Trung ương thay thế Nghị quyết số 08-NQ/ĐUCA ngày 01/8/2017 là Nghị quyết quan trọng thể hiện các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo mới của Đảng ủy Công an Trung ương đối với công tác xây dựng pháp luật, là yếu tố tiên quyết để lực lượng CAND triển khai nhiệm vụ xây dựng pháp luật về ANTT. Đồng thời, đảm bảo chất lượng, đồng bộ, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu trực tuyến tại Công an Thành phố Hồ Chí Minh
Nghị quyết số 11-NQ/ĐUCA của Đảng ủy Công an Trung ương là Nghị quyết chuyên đề về cải cách hành chính, là văn bản quan trọng định hướng tổng thể công tác cải cách hành chính trong CAND nhằm bảo đảm mục tiêu xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số của Đảng và Nhà nước, đồng thời đổi mới công tác bảo đảm ANTT trong thời kỳ mới.
Nhằm thể chế hóa, đáp ứng yêu cầu hiện nay về công tác cải cách hành chính, đưa ra chỉ tiêu, quy trình đánh giá kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 27/2022/TT-BCA quy định tiêu chí cải cách hành chính và xác định chỉ số cải cách hành chính trong CAND để theo dõi, tổng hợp, đánh giá một cách thực chất, khách quan, công bằng kết quả công tác cải cách hành chính hàng năm của Công an các đơn vị, địa phương. Đây là cơ sở để Công an các đơn vị tổ chức phổ biến, xác định trọng tâm đánh giá của công tác cải cách hành chính tại địa phương, triển khai đồng bộ đến công an các cấp cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả.
Toàn cảnh điểm cầu Công an Thành phố Hồ Chí Minh
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, đây là các văn bản rất quan trọng định hướng công tác xây dựng pháp luật về ANTT, cải cách hành chính của Bộ Công an hiện nay và những năm tiếp theo; đồng thời yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 09, Nghị quyết số 11 và Thông tư số 27; trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về ANTT, cải cách hành chính và xác định tiêu chí cải cách hành chính, chỉ số cải cách hành chính bảo đảm chất lượng, tiến độ theo Chương trình.
Công an các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành; các sở, ban, ngành, Hội đồng nhân dân, đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về ANTT, cải cách hành chính. Tiếp tục phối hợp với Hội đồng phổ biến, giáo dục các cấp và các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình ở Trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản quan trọng này.
Các đơn vị cần xây dựng Kế hoạch phổ biến, triển khai các văn bản trên, xác định đối tượng là cán bộ tiến hành công tác pháp chế, cán bộ phổ biến giáo dục pháp luật, giảng viên các khoa nghiệp vụ trong các học viện, trường CAND.
Cùng với đó, các học viện, trường CAND tổ chức nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo trình bộ môn nghiệp vụ, pháp luật và tài liệu giảng dạy liên quan đến định hướng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về ANTT, cải cách hành chính phù hợp với tình hình hiện tại.
Nguyễn Văn Hậu
- Bế giảng Khóa LTCĐ1T-T05 (13.04.2023)
- Trao tặng các phần quà hỗ trợ cho cán bộ, học viên có hoàn cảnh khó khăn (11.04.2023)
- “Quyết tâm chinh phục thử thách mới” (10.04.2023)
- Sôi động cùng cuộc thi Nhảy flashmod “Sứ mệnh thanh niên” (10.04.2023)
- Ký kết quy chế phối hợp giữa Phòng HCTH Trường Đại học CSND với phòng HCTH Trường Cao đẳng CSND II (08.04.2023)
- Trường Đại học CSND khai giảng hệ đào tạo sau đại học (07.04.2023)
- Lan toả khí thế thi đua trong toàn khối học viên (07.04.2023)
- “Trường Đại học CSND với văn hóa đọc - Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo” (06.04.2023)
- Khóa D32S kết thúc huấn luyện đầu khoá (06.04.2023)