Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (nay là học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh) đã triển khai được 18 năm (từ 2006). Đó là quãng thời gian đủ dài để đánh giá về hiệu lực, hiệu quả trong đời sống chính trị, văn hóa, xã hội.
Quá trình học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cùng với những kết quả, thành tích đạt được, trong dư luận cũng có những ý kiến băn khoăn. Có ý kiến cho rằng, bấy lâu nay, cả đất nước đã đi theo Bác với khẩu hiệu “sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”, ở mỗi ngành, mỗi lực lượng đều đã có phong trào học tập, làm theo lời Bác, vậy thì đưa ra cuộc vận động như hiện nay liệu có thừa?
Thực tế, khẩu hiệu “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” vốn rất đầy đủ, bao trùm. Song, một bài học ta học từ bé không có nghĩa học rồi là đủ, không phải nhắc lại, học lại, học thêm, học nâng cao, bổ sung. Sự vận động của thực tiễn đời sống luôn nảy sinh những vấn đề mới, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ đòi hỏi được giải quyết. Năm 2006, Đại hội X của Đảng đã nhận định: “Thoái hoá, biến chất về chính trị tư tưởng, về đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đó là nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ”.
Mười năm sau, Trung ương Đảng khóa XII đánh giá hiện trạng, nguy cơ đó là cấp bách và ra Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Do đó, học tập, làm theo Bác là công việc thường xuyên, với mọi người, trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ tháng 5/2016, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Quãng thời gian đó đủ để đánh giá “độ thấm” cả về nhận thức và hành động, kết quả và mặt hạn chế, những kinh nghiệm, bài học để hoạch định bước đi tiếp theo.
Cũng có ý kiến đặt vấn đề: Bác là lãnh tụ, là vĩ nhân, tư tưởng, đạo đức của Bác mang tầm dân tộc, thời đại, liệu có học tập, làm theo được không?
Sự thực, học tập đức tính của một vĩ nhân không phải là những điều “cao xa vời vợi”, ngoài tầm với của người dân. Tư tưởng của Bác Hồ về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, về quốc tế vô sản... là vấn đề lớn của thời đại, chúng ta đang đi theo tư tưởng đó và tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hóa trong mỗi chặng đường cách mạng. Còn đạo đức, phong cách Bác rất gần gũi bởi sinh thời, Người là lãnh tụ nhưng luôn sống cuộc sống đạm bạc, chan hòa, gần gũi với nhân dân. Có rất nhiều câu chuyện về Bác mà bất cứ ai cũng có thể học tập, làm theo. Ngày nay, không ít cán bộ chưa làm to đã lộ tính hách dịch, xa dân, tham ô, hủ hóa. Do đó, hơn lúc nào hết, người cán bộ “công bộc của dân” hãy đọc lại những mẩu chuyện về đức liêm chính, tiết kiệm của Bác để biết răn mình, đừng hủ hóa trác táng trên mồ hôi xương máu của nhân dân.
Một sử gia từng nói rằng, ngẫm từ xưa tới nay thì thấy người mình vốn dĩ có bệnh hình thức, thích khoe, được đề cao. Bệnh hình thức mà phổ biến trong đời sống thành nếp sống, thói quen nhưng thực tai hại vì những báo cáo sẽ xa rời bản chất. Học Bác, nhưng ai sẽ học? Nếu mỗi người đều chờ ai đó học, ai đó làm chứ không phải mình, mình chỉ lên mạng chê bai mà phán “chỉ hình thức thôi” thì cuộc vận động sẽ đi đến đâu? Thế nên, để tránh bệnh ỉ lại, hình thức, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị xác định rõ cách làm: Lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc triển khai thực hiện theo phương châm trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau; học đi đôi với làm theo, chú trọng việc làm theo bằng những hành động và việc làm cụ thể. Đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm theo trước để nêu gương của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp... Tâm lý xã hội thường nghe ngóng, chờ đợi “xem thế nào”. Thế nên việc học tập, làm theo Bác gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng rất thiết thực, chúng ta đang làm “trên trước, dưới sau” (Trung ương trước, địa phương, cơ sở sau), “trong trước, ngoài sau” (trong Đảng trước, xã hội sau)... Cách làm đó đang phát huy hiệu quả và tạo hiệu ứng xã hội tích cực.
Sáng 2/11/2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp mặt thân mật đoàn đại biểu điển hình tiêu biểu toàn quốc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023. Đây là những tập thể, cá nhân tiêu biểu đại diện các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mang lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực. Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng ta không chỉ thấy ở Bác là tấm gương sáng về đạo đức, phong cách, mà còn thấy hệ thống chỉnh thể, toàn vẹn các giá trị, sức sống và ý nghĩa của tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Chúng ta không chỉ cố gắng nỗ lực học tập để nâng cao nhận thức, bồi đắp sự hiểu biết về cuộc đời và sự nghiệp của Người mà còn ra sức làm theo những chỉ dẫn, những lời căn dặn của Người theo đúng phong cách giản dị, thiết thực, hiệu quả. Người thường xuyên nhắc nhở chúng ta, lý luận phải gắn liền với thực tiễn, học phải đi đôi với hành, nói phải đi đôi với làm; nhất quán giữa lời nói với việc làm, tư tưởng và hành động. Theo chỉ dẫn của Người, chúng ta phải gắn liền học tập với làm theo; học tập là tiền đề, là điều kiện; làm theo là thực hành và vận dụng sáng tạo, tích cực và tự giác. Đồng thời đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, từ đó cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân ra sức thi đua xây dựng và phát triển đất nước, tạo ra sự tiến bộ và phát triển thực chất, bền vững”.
Rõ ràng, học tập, làm theo Bác, nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nội dung quan trọng, là nhiệm vụ chủ yếu, cũng là phương thức căn bản để tạo ra sức lan tỏa, ảnh hưởng và hiệu ứng xã hội rộng lớn, đưa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người vào cuộc sống. Đó cũng chính là chủ trương lớn của Đảng, một lần nữa được khẳng định tại Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII. Việc học tập và làm theo Bác cần được đổi mới để trở thành một nhu cầu tự thân của mỗi người và toàn xã hội, một nhu cầu văn hóa đầy tính nhân văn, sáng tạo về cách thức tổ chức giáo dục, tuyên truyền, đủ sức lôi cuốn, hấp dẫn, truyền cảm hứng cho mỗi người, mỗi tổ chức, đoàn thể. Nhiều năm nay, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nhu cầu văn hóa tinh thần bền bỉ, là nét đẹp của giá trị và lối sống văn hóa của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Vượt lên quy mô một cuộc vận động từ năm 2006, đến nay, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành nhu cầu văn hóa, thành giá trị trong đời sống tinh thần của mỗi người, mỗi tổ chức, trước hết là trong đời sống chính trị của Đảng.
Mới đây, ngày 15/5, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Quy định số 09 của Đảng ủy Công an Trung ương về chế độ học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy CAND. Báo cáo tại hội nghị cho thấy, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành ý thức thường xuyên với quyết tâm chính trị cao trong các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên; nâng cao nhận thức cho từng cán bộ, đảng viên, chiến sĩ về nội dung, ý nghĩa sâu sắc của Sáu điều Bác Hồ dạy CAND. Từ đó, tạo chuyển biến trong hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ công an, góp phần xây dựng tổ chức đảng, đơn vị, đoàn thể trong toàn lực lượng công an ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm ghi nhận, biểu dương những kết quả, thành tích của lực lượng công an toàn quốc đã đạt được. Đồng thời nhấn mạnh, thời gian tới, cấp ủy, lãnh đạo công an các cấp tiếp tục triển khai sâu, rộng hơn nữa việc thực hiện Kết luận số 01 và Quy định số 09 để phát huy giá trị to lớn, trường tồn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, xem đây là kim chỉ nam, phương hướng phấn đấu, rèn luyện để đội ngũ cán bộ, đảng viên CAND thật sự “vừa hồng, vừa chuyên”, nhất là chuyên đề học tập năm 2024 “CAND gương mẫu đi đầu, học tập, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên cần, kiệm, liêm, chính”.
“Mỗi CBCS dù ở cương vị công tác nào cũng phải thường xuyên tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng, rèn luyện; phải luôn nhận thức sâu sắc, nỗ lực cao nhất để thực hiện thật tốt Sáu điều Bác Hồ dạy, đặc biệt là lời huấn thị: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính” để giữ mình cho thật sự trong sạch, thật vững vàng, không bị sa ngã trước mọi cám dỗ, luôn luôn tâm niệm và coi trọng danh dự, xác định rõ “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất” và thực hiện phương châm hành động: “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an”” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Đăng Minh
Nguồn: cand.com.vn