Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Nhận diện tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống

Ngày đăng: 25.07.2016

Văn kiện Đại hội XII của Đảng một lần nữa chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn”. Vấn đề đặt ra là, vì sao tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống vẫn tiếp tục diễn biến nghiêm trọng, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi? Phải chăng chúng ta chưa đánh giá chính xác mức độ, tính chất của tình hình, chưa chỉ rõ nguyên nhân, chưa đề ra được hệ thống giải pháp đồng bộ và đủ mạnh hay thiếu các điều kiện để thực hiện các giải pháp? Về thực trạng, sự suy thoái về tư tưởng chính trị trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay có những biểu hiện sau: Thứ nhất, không tích cực học tập, nghiên cứu lý luận chính trị, thỏa mãn với những nhận thức giản đơn, chung chung về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thứ hai,dao động về lý tưởng, mục tiêu và con đường phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc. Thứ ba, phủ nhận các thành quả cách mạng và giá trị truyền thống của dân tộc. Thứ tư, thiếu thống nhất với các quan điểm, chủ trương của Đảng, từ đó nói và làm không theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cơ hội chính trị dưới những biểu hiện khác nhau. Thứ năm, không chấp hành nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Thứ sáu, lơ là, mất cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, đồng thời không kiên quyết phê phán, đấu tranh với những quan điểm sai trái, những luận điệu xuyên tạc lịch sử, thực tế đất nước, bôi nhọ Đảng, chế độ, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta. Thứ bảy, tán phát tài liệu, truyền bá các quan điểm trái với Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước. Tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã và đang diễn ra với mức độ nghiêm trọng, có xu hướng lan rộng ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng. Biểu hiện trước hết là chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, vụ lợi, vị kỷ trong cán bộ, đảng viên chưa được ngăn chặn và đẩy lùi. Hai là, tệ tham nhũng, hối lộ, bòn rút, lãng phí của công không giảm. Ba là,sự suy thoái về đạo đức biểu hiện ở lối sống cơ hội, buông thả ngày càng nhiều. Bốn là, trong thái độ với công việc được giao, tình trạng lời nói không đi đôi với việc làm còn phổ biến. Năm là, tệ quan liêu, xa dân, thích nghe thành tích, ngại nghe và nói sự thật. Sáu là, đạo đức nghề nghiệp không được đề cao, kể cả trong những lĩnh vực rất nhạy cảm, như giáo dục, y tế; giáo dục nhân cách con người không được quan tâm đúng mức. Bảy là, lối sống thực dụng, sự toan tính vụ lợi, ích kỷ đang tác động trực tiếp đến quan hệ đạo đức trong gia đình, đến nền nếp gia phong của gia đình truyền thống Việt Nam. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chính. Về nguyên nhân khách quan, do tác động từ sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội trên thế giới và các mặt tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa, sự lợi dụng các phương tiện truyền thông hiện đại bởi các thế lực phản động, thù địch để xuyên tạc, bóp méo tình hình thực tế của Việt Nam, cổ xúy cho lối sống hưởng lạc, thực dụng, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa, vị đồng tiền. Thứ hai,tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường. Thứ ba, âm mưu, chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Về chủ quan, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chưa được coi trọng đúng mức, hoạt động kém hiệu quả. Có biểu hiện xem nhẹ giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xem nhẹ giáo dục đạo đức cách mạng. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn nhiều bất cập, hiệu quả thấp. Công tác quản lý cán bộ, đảng viên bị buông lỏng. Nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng chưa được chấp hành nghiêm túc. Bản thân một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện và học tập, để chủ nghĩa cá nhân phát triển, chi phối, làm xói mòn bản chất tốt đẹp của người đảng viên cộng sản. Những yếu kém trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Với cách nhìn biện chứng và nghiêm túc, phải coi đây là nguyên nhân chính. Để phòng, chống tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay, cần triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ một hệ thống các nhóm giải pháp. Trong đó có các nhóm giải pháp trong công tác xây dựng Đảng; nhóm giải pháp tăng cường quản lý nhà nước; nhóm giải pháp phát huy vai trò của nhân dân, các đoàn thể chính trị - xã hội, báo chí và dư luận xã hội; nhóm giải pháp hạn chế tác động tiêu cực từ bên ngoài. Đối với nhóm giải pháp hạn chế tác động tiêu cực từ bên ngoài, cần tổ chức đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch xung quanh vấn đề tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về tình hình, nhiệm vụ cách mạng và nhận rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với nước ta trong quá trình hội nhập quốc tế. Tăng cường củng cố trận địa tư tưởng của Đảng, ngăn chặn hiệu quả những kênh thông tin bất hợp pháp. Thực hiện tốt phương châm kết hợp “chống” và “xây”, trong đó xác định chống quyết liệt và xây tích cực. Rà soát, bổ sung, sửa đổi, ban hành mới các văn bản để thể chế hóa quy định của Đảng và Nhà nước. Xây dựng quy chế, quy định bảo đảm quyền của các cơ quan nhà nước. Đồng thời, hạn chế tác động của lối sống thực dụng phương Tây trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế...

Tác giả: PGS, TS Vũ Văn Phúc

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN