Nhiều chính sách tạo thuận lợi cho người có HIV được điều trị và chăm sóc tốt hơn. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Việt Nam cũng đã trải qua 30 năm đương đầu với đại dịch HIV/AIDS. Từ đầu đại dịch đến nay, có khoảng 102.000 người đã tử vong do AIDS; ước tính, cả nước hiện có khoảng 250.000 người nhiễm HIV đang còn sống.
Trong thời gian qua. Việt Nam đã triển khai toàn diện và hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS từ giải pháp xã hội đến chuyên môn, từ các can thiệp truyền thông, dự phòng đến chăm sóc, điều trị HIV/AIDS. Một số thành tựu cơ bản về phòng, chống HIV/AIDS và đã đạt được.
Việt Nam có hệ thống văn bản pháp quy về phòng, chống HIV/AIDS đầy đủ, các hướng dẫn chuyên môn luôn được cập nhật, sửa đổi, phát triển mới phù hợp với tình hình thực tiễn. Để thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan luôn quan tâm ủng hộ xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách, hướng dẫn chuyên môn triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS đảm bảo tính chặt chẽ, nhân văn và thuận lợi cho triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Đến nay Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành 2 Chỉ thị gồm Chỉ thị 52-CT/TW và Chỉ thị 54-CT/TW về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS và Nghị quyết số 20-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương về việc tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong đó có vấn đề phòng, chống HIV/AIDS.
Người có HIV/AIDS hiện nay đã được bảo hiểm y tế chi trả. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Năm 2006, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Phòng, chống vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và sẽ tiến hành sửa đổi Luật này trong năm 2020. Chính phủ cũng đã ban hành 3 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 8 Quyết định và 2 Chỉ thị. Cùng với đó có khoảng 200 Thông tư; Chỉ thị; Quyết định; Hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế và các Bộ, ngành có liên quan về phòng, chống HIV/AIDS.
Các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV được mở rộng về địa bàn và nâng cao về chất lượng. Các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi được thực hiện với sự phối hợp đa ngành bằng nhiều hình thức, như thông tin đại chúng, truyền thông qua mít tinh, thi tuyên truyền về HIV, hoặc thông qua các nhóm tuyên truyền viên đồng đẳng đi triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại.
Gần đây là việc ứng dụng mạng xã hội và truyền thông xã hội đáp ứng được nhu cầu tiếp cận thông tin phòng, chống HIV/AIDS trong thời đại công nghệ thông tin. Các biện pháp can thiệp giảm hại như cung cấp bơm, kim tiêm sạch cho người nghiện chích ma túy, cấp phát bao cao su cho phụ nữ bán dâm từ chỗ bị cấm thì đến nay đã triển khai rộng rãi toàn quốc. Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone và Buprenorphine đang được triển khai cho 54.000 người. Việt Nam cũng là nước triển khai sớm các sáng kiến mới trong dự phòng lây nhiễm HIV như điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc (PrEP). Việt Nam cũng triển khai Chiến dịch quốc gia về “Không phát hiện = Không lây truyền” (K=K) tại tất cả các tỉnh, thành phố và là nước đầu tiên tại châu Á triển khai sáng kiến này.
Việt Nam đã mở rộng nhanh dịch vụ tư vấn xét nghiệm phát hiện HIV để thực hiện mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết tình trạng HIV. Các mô hình xét nghiệm HIV tại cộng đồng, tự xét nghiệm HIV, xét nghiệm HIV cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV, tìm người nhiễm HIV dựa vào địa bàn trọng điểm, dựa vào các mạng lưới của các nhóm nguy cơ cao đã được triển khai rộng rãi và có hiệu quả cao. Các phòng xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV được mở rộng đến tuyến huyện, đặc biệt tại các huyện xa miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Nhờ đó, thời gian trả kết quả xét nghiệm khẳng định HIV dương tính được rút ngắn, cải thiện tình trạng mất dấu người nhiễm HIV sau khi xét nghiệm HIV, tăng cường chuyển gửi thành công người nhiễm HIV đến cơ sở điều trị ARV. Hiện nay, toàn quốc có trên 1.300 cơ sở y tế có khả năng xét nghiệm sàng lọc HIV và 144 phòng xét nghiệm khẳng định HIV tại tất cả 63 tỉnh, thành phố. Mỗi năm, có khoảng 3 triệu lượt người được xét nghiệm sàng lọc HIV, phát hiện mới khoảng 10.000 người nhiễm HIV.
Việt Nam đã mở rộng điều trị HIV/AIDS và chuyển đổi thành công mô hình điều trị HIV/AIDS chủ yếu dựa vào viện trợ sang điều trị do Quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế chi trả. Hiện nay, điều trị HIV/AIDS được triển khai tại tất cả 63 tỉnh/thành phố, với 429 phòng khám điều trị ngoại trú, 652 trạm y tế triển khai cấp phát thuốc ARV, 32 trại giam và 2 trại tạm giam. Tính đến hết tháng 9 năm 2019, toàn quốc có trên 140.000 bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị bằng thuốc kháng vi-rut (ARV). Việt Nam cũng đang triển khai các sáng kiến và khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới như điều trị ARV ngay khi chẩn đoán nhiễm HIV, không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4 hoặc giai đoạn lâm sàng. Chúng ta cũng đã triển khai điều trị ARV ngay trong ngày bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm HIV; triển khai cấp thuốc ARV ba tháng một lần; triển khai phát thuốc ARV tại tuyến xã để giảm thời gian đi lại cho bệnh nhân.
Những loại thuốc ARV mới nhất, hiệu quả cao (như TLD) cũng đã được Việt Nam cấp phép để sử dụng cho người bệnh. Chất lượng điều trị cũng được đảm bảo với trên 88% bệnh nhân tuân thủ điều trị ARV sau 12 tháng và trên 95% bệnh nhân điều trị ARV đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế (<1.000 copy/ml máu) và 92% đạt tải lượng vi-rút ở mức không phát hiện (<200 copy/ml máu). Việt Nam là một trong những nước hàng đầu đạt được tỷ lệ tuân thủ điều trị và là nước đạt tỷ lệ cao nhất trong những nước được PEPFAR hỗ trợ về đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện.
Cơ chế tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS ngày càng thay đổi theo hướng tăng dần ngân sách trong nước. Trước kia, các nguồn tài chính trong nước chi chiếm khoảng 15-20% tổng kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS hàng năm, còn lại chủ yếu là từ các nguồn viện trợ nước ngoài. Hiện nay, các nguồn tài chính trong nước đã chiếm đến trên 50%, gồm có nguồn ngân sách nhà nước trung ương, ngân sách các địa phương và nguồn bảo hiểm y tế. Bảo hiểm y tế (BHYT) bắt đầu chi trả thuốc ARV cho điều trị HIV/AIDS từ tháng 3/2019. Tính đến tháng 10-2019, đã có 40.000 bệnh nhân HIV/AIDS được nhận thuốc ARV từ quỹ BHYT.
Với những nỗ lực triển khai phòng, chống HIV/AIDS trong những năm qua, Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với mức 10 năm trước đây, giữ vững mục tiêu khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3% (hiện đạt 0,26%), giảm tác động của HIV/AIDS đối với sức khỏe và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo ước tính, nhờ triển khai tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS nên Việt Nam đã tránh được cho khoảng 450.000 không bị nhiễm HIV và cứu được khoảng 150.000 người không tử vong do AIDS. Việt Nam được đánh giá là điểm sáng của Thế giới trong phòng, chống HIV/AIDS.
Mặc dù công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên nhiều khó khăn thách thức trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS vẫn đang chờ phía trước. HIV/AIDS đã giảm nhiều, nhưng chưa đảm bảo tính bền vững, vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát dịch nếu không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả. Theo ước tính, muốn chấm dứt đại dịch AIDS thì Việt Nam cần giảm số người mới nhiễm HIV hàng năm xuống dưới 1.000 trường hợp (hiện nay đang ở mức 10.000 trường hợp mỗi năm). Đáng chú ý là các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV ngày càng phức tạp, đan xen giữa nhóm nghiện ma túy, nhóm bán dâm, nhóm nam quan hệ tình dục với nam (MSM), nhóm chuyển giới nữ (TG)... Độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn rất hạn chế. Kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV tuy đã giảm, nhưng vẫn còn phổ biến, khiến những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV không dám tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS gặp khó khăn do các tổ chức quốc tế cắt giảm nhanh, trong khi kinh phí trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là kinh phí cho các hoạt động dự phòng, truyền thông, theo dõi giám sát và xét nghiệm HIV. Hệ thống tổ chức phòng, chống HIV/AIDS đang có sự thay đổi lớn tại tuyến tỉnh, ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến đội ngũ nhân lực chuyên môn cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS.
Việt Nam đã cam kết thực hiện Mục tiêu 90-90-90 (tức là 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% người điều trị bằng thuốc kháng vi rút đạt được tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế), hướng đến chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030. Để đạt được các mục tiêu này, trong thời gian tới, công tác phòng, chống HIV/AIDS cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Thứ nhất, tiếp tục kiện toàn hệ thống văn bản pháp quy trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là việc sửa đổi Luật phòng, chống HIV/AIDS để trình Quốc hội; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030; xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật và các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật khác.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động dự phòng, can thiệp giảm tác hại bao gồm thông tin giáo dục truyền thông thay đổi hành vị, các hoạt động chống kỳ thị phân biệt đối xử tại cộng đồng, gia đình và các cơ sở y tế. Duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone và Buprenorphine; mở rộng điều trị trước phơi nhiễm HIV (PrEP); mở rộng cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su cho các đối tượng nguy cơ cao.
Thứ ba, mở rộng xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV tại cộng đồng, tự xét nghiệm HIV, tập trung xét nghiệm HIV ở các khu vực trọng điểm và các nhóm nguy cơ cao, xét nghiệm bạn tình, bạn chích... Tư vấn, kết nối điều trị ARV cho >90% người mới phát hiện nhiễm HIV.
Thứ tư, mở rộng và đảm bảo chất lượng điều trị HIV/AIDS. Lồng ghép điều trị HIV/AIDS vào hệ thống y tế; mở rộng việc cấp phát thuốc tại xã; cấp thuốc ba tháng một lần. Triển khai điều trị sớm ARV trong ngày để tăng tuân thủ và hiệu quả điều trị. Mở rộng điều trị ARV thông qua bảo hiểm y tế. Đảm bảo chất lượng điều trị HIV/AIDS, đảm bảo trên 95% bệnh nhân điều trị ARV đạt ngưỡng tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế. Điều trị đồng nhiễm HIV với lao, viêm gan, STI; hướng đến loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Thứ năm, tiếp tục tăng nhanh nguồn kinh phí trong nước cho phòng, chống HIV/AIDS. Ưu tiên ngân sách nhà nước cho các hoạt động dự phòng, can thiệp giảm tác hại và xét nghiệm HIV; tăng cường điều trị ARV thông qua quỹ bảo hiểm y tế theo lộ trình. Bên cạnh đó, tích cực huy động các nguồn tài trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS.
Với những thành tựu và kinh nghiệm qua 30 năm phòng, chống HIV/AIDS, với sự quyết tâm của Đảng, Chính phủ và toàn hệ thống, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được các mục tiêu 90-90-90 và tiến tới chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030./.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long
Cục trưởng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế
Cục trưởng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế
Tác giả: Tin: Thạch Minh Tuấn; Ảnh: Đăng Khoa
Tin liên quan
- Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về con đường đi lên CNXH (17.05.2021)
- Ký kết Quy chế phối hợp giữa Công an TP.HCM với 3 trường CAND trên địa bàn Thành phố (15.05.2021)
- Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng (06.05.2021)
- Sôi động Hội thao Công đoàn Đại học CSND (29.04.2021)
- Bế mạc Hội thao chào mừng 45 năm Ngày truyền thống (27.04.2021)
- Trường Đại học CSND giành Giải Nhất toàn đoàn nội dung lực lượng vũ trang Giải Việt dã lần thứ 45 (26.04.2021)
- Nhóm Notime Crew Trường Đại học CSND tham gia Bán kết (25.04.2021)
- “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động, vì lợi ích đoàn viên” (22.04.2021)
- Chung kết Rung chuông vàng Đại học CSND (12.04.2021)