Lực lượng Cảnh sát nhân dân (CSND) – một bộ phận quan trọng trong hệ thống tổ chức của lực lượng Công an nhân dân (CAND). Trong suốt quá xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng CSND luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân, lực lượng CSND đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, làm tốt vai trò nòng cốt, xung kích trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trải qua 59 năm xây dựng và trưởng thành, những thành tích, chiến công xuất sắc của lực lượng CSND, xứng đáng với 16 chữ vàng của Cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công trao tặng: "Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước, vì dân, quên thân phục vụ".
Nhân dịp kỷ niệm 59 năm ngày truyền thống của lực lượng CSND (20/7/1962 – 20/7/2021), cùng nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang mà lực lượng CSND đã đi qua trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mùa thu năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai diễn biến có nhiều thuận lợi cho Cách mạng Việt Nam. Hồng Quân Liên Xô và đồng minh tiến công tiêu diệt phát xít Đức. Ngày 9/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật, ngày 10/8/1945, Nhật chấp nhận đầu hàng mà các nước đồng minh đưa ra tại Hội nghị Pốt-xđam. Ở Đông Dương, bộ máy thống trị của Nhật và thế lực Trần Trọng Kim tê liệt, tan rã. Đại bộ phận các thế lực phản cách mạng hoảng sợ và hoang mang cực độ. Đó là điều kiện cho cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, các tổ chức đầu tiên của lực lượng CAND cũng đã được thành lập. Ở Bắc Bộ có Sở Cảnh sát và Sở Liêm phóng; ở Trung Bộ có Sở Trinh sát và ở Nam Bộ có Quốc gia tự vệ cuộc. Ngay sau khi được thành lập, các tổ chức Cảnh sát đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Liêm phóng trấn áp các đối tượng và tổ chức phản ánh cách mạng, lưu manh côn đồ, cướp của giết người, khắc phục tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự trị an ở các thành phố, thị xã, triệt phá các tổ chức do bọn phản động sử dụng bọn lưu manh lập ra như “Thần lôi đoàn”, “Thiết huyết đoàn”, “Bàn tay máu” chuyên bắt cóc, tống tiền cướp của, giết người để phục vụ mưu đồ chống phá cách mạng, góp phần bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan, công sở.
Ngày 12/5/1951, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 5-CT/TW về nhiệm vụ và tổ chức Công an, quy định Nha Công an ở trong Bộ Nội vụ, trong đó có: “Bộ phận phụ trách công việc trị an hành chính” - đây là tổ chức tiền thân của tổ chức CSND ngày nay.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, theo chủ trương của Đảng, Chính phủ để bảo vệ trật tự trị an vùng căn cứ, vùng tự do, ngành Công an đã chỉ đạo lực lượng Trị an hành chính (tiền thân lực lượng Cảnh sát) các địa phương mở nhiều chiến dịch truy quét tội phạm, bài trừ lưu manh, lập danh sách phân loại đối tượng để theo dõi xử lý, truy bắt những tên cầm đầu nguy hiểm. Ngoài ra, lực lượng Trị an hành chính tích cự thực hiện chủ trương “bao vây kinh tế địch”; đẩy mạnh hoạt động đấu tranh chống các loại tội phạm; thực hiện các biện pháp quản lý hành chính như: cấp giấy thông hành cho nhân dân đi lại, kiểm soát hàng cơm, quán trọ, kiểm tra quản lý vũ khí, vật liệu nổ, giám sát, quản lý giáo dục các đối tượng trong diện quản chế,... công tác của lực lượng trị an trong giai đoạn này đã góp phần ngăn ngừa, phát hiện tội phạm và từng bước xây dựng phát triển công tác quản lý trật tự xã hội.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ngành Công an đã thành lập Ban Công an tiền phương nằm trong Hội đồng cung cấp mặt trận để trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ chiến dịch. Các tổ chức tiền thân của lực lượng CSND ngày nay như: Trị an hành chính, Cảnh sát xung phong, Công an trật tự... đã cùng các lực lượng vũ trang khác thực hiện tốt nhiệm vụ chiến đấu chống càn, diệt tề trừ gian, bài trừ các tệ nạn xã hội... đồng thời, khám phá, đập tan nhiều âm mưu phá hoại của các thế lực phản động, thù địch, bảo vệ trật tự, trị an vùng căn cứ kháng chiến và bảo đảm an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, phục vụ bảo vệ an toàn các chiến dịch, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, một thời kỳ cách mạng mới mở. Ngày 28/7/1956, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 982/TTg về việc thành lập Cục CSND thuộc Bộ Công an. Lực lượng Trị an hành chính các cấp từ đây đổi tên là lực lượng CSND, đánh dấu mốc quan trọng trưởng thành về mặt tổ chức của lực lượng CSND Việt Nam. Để tăng cường lực lượng giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ quyền lợi của nhân dân, ngành Công an đã nghiên cứu, xây dựng và đề xuất Nhà nước ban hành Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc của sĩ quan và hạ sĩ quan lực lượng CSND nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Khi cách mạng Việt Nam chuyển sang thời kỳ mới: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ở miền Bắc, lực lượng Cảnh sát đã đẩy mạnh các biện pháp quản lý hành chính như: Phát động quần chúng nhân dân giao nộp, thu gom vũ khí, vật liệu nổ; đăng ký hộ khẩu; tổ chức điều tra khám phá hàng trăm vụ tham ô, trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa góp phần bảo vệ kinh tế, phát triển sản xuất phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác đấu tranh chống âm mưu và hoạt động dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào miền Bắc di cư vào nam của địch; trấn áp bọn phản động gây rối, bạo loạn ở một số địa phương; triệt phá các tổ chức phản động, thổ phỉ; điều tra khám phá những tổ chức gián điệp do địch cài lại, góp phần làm thất bại âm mưu và hoạt động chống phá cách mạng của địch.
Ngày 20/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CSND và Pháp lệnh quy định cấp bậc sĩ quan, hạ sĩ quan CSND. Đây được coi là sự kiện đặc biệt quan trọng, là mốc son đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh của lực lượng CSND. Việc ban hành hai pháp lệnh này là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc toàn diện về mọi mặt của lực lượng CSND và tạo nền tảng pháp lý xây dựng lực lượng CSND trở thành lực lượng vũ trang cách mạng, là công cụ tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đóng vai trò nòng cốt, xung kích trong cuộc đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, từng bước tiến lên chính quy, đáp ứng nhiệm vụ giữ gìn trật tự xã hội. Từ đó, ngày 20/7 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của lực lượng CSND Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân
Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Bộ Công an đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ lên đường chi viện cho miền Nam, trong đó lực lượng CSND có 2.751 đồng chí. Những cán bộ, chiến sĩ CSND chi viện cho miền Nam đã anh dũng đấu tranh tiêu diệt địch, đồng thời tiến hành công tác tiếp quản, thực hiện công tác quản lý hành chính, phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự, góp phần xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng tại những vùng mới giải phóng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào chiến thắng lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, cả nước ta bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để đáp ứng yêu cầu cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới; thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 30, lực lượng CSND ở các sở, ty miền Bắc tiếp tục được điều chuyển tăng cường cho Công an các sở, ty miền Nam; hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ được điều động tăng cường cho các đơn vị nghiệp vụ như: Quản lý hành chính, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát trại giam,... đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự vùng mới giải phóng. Lực lượng CSND đã sát cánh, hiệp đồng chặt chẽ cùng lực lượng An ninh, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, liên hệ mật thiết với nhân dân, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, tích cực đổi mới các mặt công tác, các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tạo môi trường ổn định, thuận lợi để đất nước ta thực hiện công cuộc đổi mới, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, cùng với quá trình phát triển đi lên của đất nước, công tác xây dựng lực lượng CSND ngày càng được củng cố lớn mạnh về tổ chức, chuyên sâu về nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, lực lượng CSND đã chủ động nghiên cứu, tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng về phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Triển khai có hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ, tấn công, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm về kinh tế, ma túy, tham nhũng, buôn lậu; tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Điều tra, khám phá nhiều vụ trọng án, nhiều vụ án kinh tế nghiêm trọng, quy mô lớn, đảm bảo môi trường lãnh mạnh cho nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân. Bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, được nhân dân tin tưởng và bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Để có được những chiến công xuất sắc, thành tích vẻ vang như ngày hôm nay, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ lực lượng CSND đã “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, hàng ngàn đồng chí đã anh dũng hy sinh. Những cống hiến, hy sinh to lớn đó đã tô thắm truyền thống vẻ vang của lực lượng Cảnh sát nói riêng và lực lượng CAND nói chung. Trong giai đoạn hiện nay, cuộc đấu tranh bảo vệ trật tự an toàn xã hội sẽ còn nhiều gian nan, thử thách, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ giúp đỡ của nhân dân, lực lượng CSND sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, không ngừng nỗ lực rèn luyện, phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao phó, xứng đáng với niềm tin yêu, sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Trần Thị Huyền Anh
- Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Đề án về Xây dựng lực lượng Công an nhân dân (03.08.2021)
- Công điện của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 (01.08.2021)
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi phòng, chống đại dịch COVID-19 (30.07.2021)
- Bộ trưởng Tô Lâm là Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh (29.07.2021)
- Những liệt sĩ chưa tìm được hài cốt để lại sự khắc khoải khôn nguôi (27.07.2021)