Gia đình là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội. Gia đình là nơi đầu tiên, cũng là nơi cuối cùng thực hiện chức năng về tình cảm và giáo dục đạo đức, lối sống cho con người. Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình năm 2020 cũng đã đề ra 4 Tiêu chí ứng xử vàng trong gia đình gồm Tôn trọng - Bình đẳng - Yêu thương - Chia sẻ. Đây được xem là tiêu chí vận hành mô hình gia đình, tế bào xã hội đảm bảo hài hòa giữa các giá trị gia đình truyền thống với những chuẩn mực tiêu biểu của văn hóa gia đình thời kỳ mới.
Khảo sát hộ gia đình năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ ly hôn của các gia đình Việt Nam tăng lên so với cùng kỳ năm 2009 (tỷ lệ này tăng lên từ 1,4% lên 2,1%); Còn theo báo cáo của Tòa án, trung bình hàng năm Việt Nam có 600.000 vụ ly hôn. Đã có nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn được chỉ ra như ngoại tình; bạo lực gia đình; mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu..., trong đó sự thiếu lắng nghe, chia sẻ, gắn kết được đánh giá là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến gia đình tan vỡ. Đặc biệt trong bối cảnh đất nước ta đang trên đà hội nhập và phát triển, ảnh hưởng của văn hóa ngoại, công nghệ số, mạng xã hội... đã làm cho các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình lỏng lẻo, truyền thống tốt đẹp trong gia đình bị phá vỡ, đạo đức, lối sống xuống cấp.
Gia đình bao gồm sự yêu thương, đoàn kết và chứa đựng cả những mâu thuẫn. Sống trong một xã hội phát triển, việc điều chỉnh thời gian cần thiết cho công việc với thời gian quý báu dành cho cuộc sống riêng tư quả thực là thách thức lớn đối với mọi người. Tại sao chúng ta có thể dành hẳn ngày cuối tuần chỉ để tụ tập, cụng ly với bạn bè nhưng không thể bớt chút thời gian cùng con đi công viên, sở thú, chiều chuộng chút sở thích nhỏ bé của con...
“Bố bận, mẹ bận” – hàng trăm lí do để bố mẹ thoái thác việc gần gũi, chơi cùng con. Cứ thế, những đứa trẻ cũng không còn trông chờ sự quan tâm, sẻ chia cảm xúc từ bố mẹ, chúng bơ vơ ngay trong chính ngôi nhà của mình. Gia đình xa cách, mỗi người một việc, nhiều người cho rằng như vậy là rèn cho con tính tự lập, họ biện hộ cho sự bận rộn của bản thân mà quên rằng, bất cứ đứa trẻ nào cũng cần sự chăm sóc, thấu hiểu, định hướng và hơn cả, cần một điểm tựa để đứng lên mỗi lần vấp ngã, để không cảm thấy lạnh lẽo ở nơi người ta gọi là “mái ấm”.
Xã hội phát triển mang đến nhiều của cải vật chất, làm cho cuộc sống hưởng thụ ngày càng phong phú hơn, tuy nhiên, đời sống tinh thần và quan hệ gia đình lại trở nên nghèo nàn đi. Đa số chúng ta hy sinh phần lớn thời giờ của mình để đầu tư cho việc tiến thân, phát triển sự nghiệp riêng, nhưng vô tình đánh mất đi những khoảng thời gian quý báu của gia đình. Nhiều người đã không tìm thấy hạnh phúc thật sự trong cuộc sống cho dù đã thành đạt hay đã trở nên giàu có. Bởi vì thời gian cho một cuộc sống có giới hạn, nó là một trong những thứ hiếm hoi duy nhất mà khi đã mất đi rồi chúng ta không thể nào tìm lại được. Vì vậy, con người càng phải trân trọng những giây phút gia đình được sum vầy bên nhau.
Khoảng thời gian ngắn ngủi sum họp gia đình vào buổi cơm tối và việc sắp xếp hiệu quả những công việc của gia đình vào ngày lễ, cuối tuần là vô cùng quan trọng. Cả gia đình cùng nhau chuẩn bị mâm cơm, chồng nhặt rau, vợ nấu nướng, con cái nô đùa, hồ hởi kể những câu chuyện ở trường, ở lớp. Giản đơn thật đấy, nhưng những khoảnh khắc ấy chính là sợi dây gắn kết tình thân, không vướng bận công việc, tiền tài, danh vọng, chúng ta được thoải mái là chính mình. Những bữa cơm gia đình dù đạm bạc, thiếu thốn về vật chất nhưng tình cảm vẫn luôn được đong đầy, bởi mọi người có thời gian để lắng nghe, chia sẻ và cảm thông cho nhau. Đó là thứ gia vị không thể thiếu để duy trì hạnh phúc một gia đình.
Sống chậm lại để yêu thương, sống chậm lại để biết được hôm nay, gia đình ta như thế nào? Con đi học có vui không? Chồng làm việc có chịu nhiều áp lực và vợ - có mệt mỏi khi vừa tất bật việc nhà, vừa phải hoàn thành việc cơ quan? Sau một ngày làm việc căng thẳng, những câu hỏi thăm, những lời động viên khiến người ta ấm áp đến lạ thường, là động lực để ngày mai bắt đầu thật nhiều năng lượng tích cực.
Gia đình là tổ ấm vật chất và tinh thần thiêng liêng, là nơi mọi thành viên đều tìm thấy sự bình yên, niềm hạnh phúc, lòng kính trọng và đức hi sinh. Lắng nghe, cảm thông và chia sẻ, đó là sợi dây kết nối để giữ lửa gia đình luôn ấm áp. Những món ăn ngon vợ nấu đúng sở trường từng thành viên, một món quà nhỏ chồng tặng vợ dù không phải ngày lễ, dành chút thời gian dạy con học bài, chơi thể thao, thi thoảng gia đình lại ra ngoài “đổi gió”, sẻ chia hạnh phúc hay cùng nhau vượt qua những buồn tủi... Làm bất cứ việc gì, đi bất cứ nơi đâu, cùng sốc lại tinh thần để đón chào ngày mai, chỉ cần “cùng nhau”, đó là gia đình.
---------------------------
Tài liệu tham khảo:
- https://vass.gov.vn/nghien-cuu-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van/gia-dinh-va-vai-tro-cua-gia-dinh-trong-viec-giao-duc-dao-duc-loi-song-thoi-ky-cong-nghiep-hoa-va-hoi-nhap-quoc-te-144
- https://thanhnien.vn/tai-sao-co-toi-70-vu-ly-hon-do-phu-nu-de-don-post998223.html
- Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình năm 2020 - Vụ Gia đình - BVHTTDL
Tác giả: Văn Long
- “Hành trình người lái đò” (17.11.2023)
- 30 năm - một mái Trường (03.11.2022)
- Khóa ĐK2 kỷ niệm 30 năm ngày tựu trường – Mãi mãi nghĩa tình đồng đội (24.10.2022)
- Các bài thuốc dân gian áp dụng chữa hậu Covid - 19 (05.04.2022)
- Tô sắc “thắm” cho những đóa hồng xanh Trường Đại học CSND (29.12.2021)
- Đất nước tôi thật kỳ lạ! (16.12.2021)
- Nơi thanh xuân sẽ gửi (14.12.2021)
- Tuổi trẻ Đại học CSND xung kích trên tuyến đầu chống dịch (14.12.2021)
- Nơi tuyến đầu (14.12.2021)