Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Xây dựng lực lượng công an xã chính quy, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giải quyết các vấn đề An ninh, trật tự ngay từ cơ sở

Ngày đăng: 30.12.2023

         Xây dựng lực lượng Công an xã chính quy toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ… đây là một chủ trương lớn, mang tầm chiến lược của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an để lực lượng Công an cấp xã đủ sức giải quyết các vấn đề về an ninh, trật tự ngay từ đầu và tại cơ sở, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị.

 

Thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Luật Công an Nhân dân năm 2018. Trong thời gian từ năm 2018 đến nay (2024), qua hơn 05 năm thực hiện, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương quyết liệt thực hiện công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, nhất là đẩy mạnh triển khai xây dựng Công an xã chính quy trên phạm vi toàn quốc. Đây là một chủ trương hết sức đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Bộ Công an, góp phần bảo đảm an ninh trật tự ngay từ cấp xã, lấy “chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở” là chính, lấy cơ sở là địa bàn trung tâm để tập trung các biện pháp phòng, chống tội phạm.

Theo Thông tư số 45/2022/TT-BCA ngày 01/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Công an xã: Công an xã thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Trưởng Công an huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã về bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn  xã hội; tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã theo quy định; trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự; xây dựng lực lượng Công an xã cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Công an xã là một cấp Công an thuộc hệ thống tổ chức của lực lượng Công an nhân dân, được bố trí tại địa bàn cơ sở là các xã. Tổ chức, hoạt động của Công an xã tương đối độc lập trong phạm vi khu vực địa bàn được phân công phụ trách, đặt dưới sự quản lý, chỉ đạo của lãnh đạo Công an cấp huyện. Quá trình thực hiện nhiệm vụ được phân công, lãnh đạo, chỉ huy và các lực lượng nghiệp vụ của Công an xã phải tuân theo pháp luật, các quy định về hệ thống tổ chức, bộ máy và quy định về hoạt động nghiệp vụ của Bộ Công an. Trong khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, Công an xã được sử dụng đồng bộ các biện pháp quản lý nhà nước và các biện pháp nghiệp vụ của ngành, trong đó một số biện pháp thường xuyên được khai thác sử dụng trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm như: biện pháp tổ chức vận động quần chúng, biện pháp pháp luật, nghiệp vụ, kinh tế, biện pháp vũ trang.

Công an xã ngoài việc thực hiện các mặt công tác nghiệp vụ của ngành, lãnh đạo, chỉ huy và các lực lượng nghiệp vụ còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác có liên quan đến việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân thuộc địa bàn xã. Công an xã là một cấp Công an hoạt động theo các quy định chung, nhưng trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ tương đối độc lập, có nét đặc thù riêng. Khác với các lực lượng nghiệp vụ khác, Công an xã phải thực hiện nhiều nhiệm vụ mang tính xã hội như: tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật cho Nhân dân; phối hợp với các cơ quan, ban ngành, tổ chức xã hội, đoàn thể quần chúng thực hiện chính sách, pháp luật; tham gia các mặt công tác xã hội, tham gia xây dựng các tổ chức Đảng, Chính quyền, các tổ chức quần chúng.

Như vậy có thể khái quát Công an xã như sau: Công an xã thuộc hệ thống tổ chức của lực lượng Công an nhân dân, là cấp Công an trực tiếp chiến đấu ở địa bàn cơ sở, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự tại các địa bàn xã, thị trấn của huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh, đặt dưới sự chỉ đạo và quản lý của Công an cấp huyện. Có thể nói, theo tinh thần Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị, việc xây dựng Công an cấp xã theo hướng “xã bám cơ sở” là việc xây dựng lực lượng Công an xã chính quy, đặc biệt là tại các xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự; có chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, kịp thời nắm bắt tình hình, tham mưu, giải quyết hiệu quả những vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh trật tự, không để phát sinh điểm nóng tại cơ sở.

Nghị định số 42/2021/NĐ-CP đã được Chính phủ ban hành ngày 31/3/2021 quy định xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy, trong đó xã định mục tiêu hoàn thành việc tổ chức Công an xã, thị trấn chính quy trong toàn quốc hoàn thành trước ngày 30/6/2022. Theo thống kê từ năm 2018 đến nay, Công an 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã bố trí hơn 48.000 cán bộ Công an xã, thị trấn chính quy tại 100% xã, thị trấn trên toàn quốc, các xã đã được bố trí ít nhất 05 đồng chí Công an chính quy. Công an các địa phương đã tham mưu thành lập Chi bộ Công an xã, thị trấn; trong đó có hơn 8.200 đồng chí Trưởng Công an xã, thị trấn tham gia Ban Chấp hành Đảng ủy xã, có hơn 1.500 đồng chí tham gia Ban Thường vụ Đảng ủy xã[1].

 

Công an xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì giúp dân thu hoạch mùa vụ (https://baohagiang.vn/)

 

Ngay từ khi được điều động về địa bàn cơ sở, lực lượng Công an xã chính quy đã vượt lên những khó khăn, thách thức, tích cực, nhanh chóng triển khai bám địa bàn, bám dân, tổ chức trực ban 24/24 giờ, tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự, nhất là vào ban đêm tại các khu vực trọng điểm. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện các mặt công tác, đổi mới phương pháp làm việc theo phương châm “Công an tìm đến dân”, “gần dân, hiểu dân”, “lúc dân cần, lúc dân khó có Công an”, qua đó đã tạo nên một luồng gió mới về công tác bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở. Chất lượng công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở ngày một nâng lên, góp phần quan trọng trong việc kiềm chế tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự xã hội.

Trong đợt đại dịch COVID-19 năm 2020 ở nước ta, đã xuất hiện cụm từ “Đi từng ngõ, đến từng nhà, rà soát từng hộ” cũng đã gắn liền với lực lượng Công an, nhất là lực lượng Công an ở cơ sở. Đối với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, lực lượng Công an xã chính quy đã khẩn trương thực hiện phương châm: “Đi từng ngõ, đến từng nhà, rà soát từng hộ” để rà soát, phát hiện những người đã nhập cảnh nhưng chưa được cách ly; lập danh sách những người đã tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với người mắc bệnh để phân loại, sàng lọc, kịp thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền áp dụng biện pháp cách ly phù hợp.

Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Kế hoạch 56/KH-BCA-C06 ngày 11/02/2022 của Bộ Công an (Kế hoạch 56) về thực hiện Đề án 06 trong lực lượng Công an nhân dân; Thực hiện Thông tư số 24/2022/TT-BCA ngày 19/5/2022 của Bộ Công an quy định về biểu mẫu công tác của Cảnh sát khu vực và Thông tư số 25/2022/TT-BCA ngày 19/5/2022 của Bộ Công an quy định về Cảnh sát khu vực… lực lượng Công an xã chính quy là nguồn nhân lực chính, đóng vai trò rất quan trọng trong việc rà soát, kiểm tra, phúc tra, cập nhật, xây dựng Dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp căn cước công dân có gắn chíp cho Nhân dân bảo đảm đúng tiến độ. Bên cạnh đó, lực lượng Công an xã chính quy còn hỗ trợ Nhân dân kích hoạt mức độ 2 trên ứng dụng VNeID.

Trong Hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện chủ trương xây dựng công an xã chính quy trên toàn quốc, lãnh đạo Bộ Công an đã đánh giá sau hơn 03 năm thực hiện đã đạt được những kết quả to lớn: Lực lượng Công an xã, thị trấn đã tiếp nhận hơn 82.000 vụ việc liên quan đến an ninh trật tự; trực tiếp giải quyết hơn 49.000 vụ, chuyển cơ quan khác hơn 6.000 vụ và phối hợp với các lực lượng giải quyết hơn 7.000 vụ; xử lý hành chính hơn 26.000 vụ, việc; đã vận động đầu thú hơn 700 đối tượng truy nã... Công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự được thực hiện bài bản hơn, bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật. Lực lượng công an xã, thị trấn chính quy đã đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thu thập, cấp căn cước công dân có gắn chíp trên toàn quốc. Từ đó cho thấy giá trị của việc tăng cường Công an chính quy về xã tạo nên một hình ảnh đầy ấn tượng của lực lượng Công an nhân dân gần dân, sát dân, hiểu dân và giúp đỡ dân”[2].

Lực lượng Công an xã chính quy còn để lại hình ảnh đẹp trong lòng Nhân dân, những cán bộ, chiến sĩ ngày đêm rà soát, kiểm tra, phúc tra, cập nhật, xây dựng Dữ liệu quốc gia về dân cư, hình ảnh thật cảm động của những cán bộ, chiến sĩ Công an xã đến tận nhà để cõng người dân lớn tuổi, khuyết tật đến làm Căn cước công dân gắn chíp điện tử, hay những hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Công an xã chính quy không quản ngại khó khăn, nguy hiểm để đi đến từng ngõ ngách nhà dân ở những nơi vùng sâu, vùng xa để vận động Nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19; hình ảnh giúp dân trong các đợt phòng chống thiên tai, lũ lụt; hình ảnh tổ chức tuyên truyền, phòng chống tội phạm ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng Nhân dân.

Cũng tại Hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện xây dựng Công an xã chính quy trên toàn quốc, đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã nhấn mạnh: Qua hơn 03 năm triển khai thực hiện đã cho thấy, ch trương xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy là rất đúng đắn, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài trong công tác bo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở, ngày càng nhận được sự đồng tình, ủng hộ rt cao của các ban, bộ, ngành ở Trung ương, các cấp ủy đảng, chính quyn địa phương và đông đảo quân chúng Nhân dân”[3].

Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc trong đó có Việt Nam. Những vấn đề toàn cầu như bảo vệ hoà bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, an ninh mạng, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp, trước hết là địa bàn cơ sở; tình hình an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở vẫn còn có nhiều diễn biến phức tạp, các loại hình tội phạm, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng; mặt trái của nền kinh tế thị trường như sự phân hóa giàu - nghèo trong xã hội; tội phạm, tham nhũng, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, lối sống chạy theo đồng tiền bất chấp đạo lý; các tổ chức, thế lực thù địch trong và ngoài nước đang ra sức chống phá Đảng, Nhà nước bằng những âm mưu, phương thức, thủ đoạn và đặc biệt là chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt nguy hiểm nhất hiện nay là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà có xu hướng ngày càng gia tăng...

Thực hiện chủ trương Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới” đã xác định: Đẩy nhanh xây dựng công an xã, thị trấn chính quy toàn diện về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tổ chức cán bộ; cơ chế lãnh đạo, chỉ huy; phân công, phân cấp; cơ sở vật chất, hậu cần, trang bị, phương tiện… đủ sức giải quyết các vấn đề về an ninh, trật tự ngay từ đầu và tại cơ sở.

 

Công an xã tới nhà dân tuyên truyền, phát động quần chúng tham gia thực hiện tốt Phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc. Ảnh: CA huyện Phú Xuyên (https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/)

 

Một số nội dung cơ bản cần thực hiện hiện nay:

Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của lực lượng Công an xã chính quy trong các mặt công tác, chủ động phòng ngừa, nâng cao năng lực phát hiện và giải quyết các dấu hiệu, vụ việc phức tạp “từ xa, từ sớm, từ cơ sở” hoàn thành tốt mục tiêu, các nhiệm vụ được giao theo tinh thần Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị, việc xây dựng Công an cấp xã theo hướng “xã bám cơ sở” là việc xây dựng lực lượng Công an xã chính quy, đặc biệt là tại các xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; có chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, kịp thời nắm bắt tình hình, tham mưu, giải quyết hiệu quả những vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh trật tự, không để phát sinh điểm nóng tại cơ sở. Để đạt được những mục tiêu trên, trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau đây:

Một là, tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng mà trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để làm cơ sở tiếp tục đổi mới toàn diện các mặt công tác Công an; triển khai thực hiện nghiêm túc có hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”; Nghị quyết số 12-NQ/ĐUCA ngày 25/7/2022 của Đảng ủy Công an Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an xã, thị trấn chính quy đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.

Hai là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò trách nhiệm của Ban chỉ đạo Đề án số 06-ĐA/ĐUCA và các Đề án thành phần, Công an cấp tỉnh, cấp huyện tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên đối với cấp xã. Thực hiện phương châm “cầm tay, chỉ việc” đồng thời kịp thời phát hiện những sai sót để khắc phục, sửa chữa, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, để nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng Công an xã, Công an các địa phương cần rà soát và xây dựng kế hoạch phối hợp với các trường Công an nhân dân mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, phổ biến quán triệt các văn bản mới như: hướng dẫn việc thu thập thông tin, tài liệu, sử dụng dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành Công an trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công Bộ Công an, các dịch vụ công thiết yếu thuộc Đề án 06 như: Đăng ký lưu trú; đăng ký phương tiệp giao thông đến Công an cấp xã; cấp Căn cước công dân gắn chip điện tử cho Nhân dân, đồng thời đưa vào hoạt động hệ thống định danh và xác thực điện tử; tích hợp thông tin thiết yếu của người dân trong Căn cước công dân gắn chip, ứng dụng VNEID…

 Ba là, cần quán triệt, nâng cao nhận thức cho lực lượng Công an xã chính quy về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của Công an xã trong việc nắm tình hình, tiếp nhận, giải quyết ban đầu, tại chỗ các vấn đề an ninh, trật tự ở cơ sở, trực tiếp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, hướng dẫn cho các tổ chức quần chúng tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Đây là cơ sở triển khai hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia của đối tượng và chủ động trong giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự ở cơ sở. Nếu không làm tốt công tác này, sẽ ảnh hưởng đến các mặt công tác khác, ảnh hưởng ngay đến hiệu quả công tác bảo đảm an ninh trật tự ngay từ đầu, ngay từ cơ sở. Bên cạnh đó, Công an các đơn vị, địa phương phải xác định mục tiêu chung là xây dựng Công an xã chính quy thực sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, sát tình hình, đủ sức bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị.

Bốn là, các trường Công an nhân dân cần chủ động xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu dạy học về Công an xã, trong đó cập nhật những quy định mới của lực lượng Công an xã chính quy. Giảng viên cần phải tích cực đổi mới các nội dung, phương pháp giảng dạy gắn với đối tượng đặc thù là cán bộ Công an công tác tại địa bàn cơ sở. Nội dung giảng dạy cần điều chỉnh theo hướng tăng cường các hoạt động thực hành, thực tập, giảm tải các nội dung lý thuyết; điều chỉnh nội dung giảng dạy phù hợp với tính chất, đặc điểm riêng của từng địa bàn cấp cơ sở. Cần tập trung vào giảng dạy các chuyên đề liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an xã như: Công tác quản lý cư trú; công tác cấp, quản lý thẻ căn cước công dân, số định danh và xác thực điện tử; công tác xây dựng dữ liệu quốc gia về dân cư; Công tác tuần tra nhân dân; Công tác đảm bảo an ninh nông thôn; Công tác phòng cháy, chữa cháy; Công tác nắm tình hình, tiếp nhận, xử lý, tố giác, tin báo về tội phạm; Công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng Công an nhân dân… Bên cạnh đó, giảng viên cần phải đổi mới phương pháp dạy học, tập trung đi sâu vào việc hướng dẫn các kỹ năng, quy trình thực hiện các mặt công tác... để học viên có thể vận dụng trong thực tiễn được ngay sau khi kết thúc chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Tăng cường hơn nữa triển khai công tác luân chuyển, thực tế đối với giảng viên giảng dạy các môn nghiệp vụ theo hướng phân công về các địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội trong đó có cấp xã, phường, thị trấn; tạo điều kiện tối đa để giáo viên được trực tiếp tham gia thực hiện các mặt công tác chuyên môn nghiệp vụ tại địa phương.

Năm là, phải thường xuyên quan tâm, động viên lực lượng Công an xã về tinh thần và vật chất; tiếp tục ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, khu tập luyện thể dục thể thao, nhà ở công vụ, hệ thống thông tin liên lạc, mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ hoạt động thường xuyên của Công an xã; thực hiện các chế độ, chính sách ưu tiên đối với lực lượng Công an xã nhất là tại các địa bàn xã biên giới trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, vùng đặc biệt khó khăn về kinh tế, xã hội, dân tộc và tôn giáo… Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn nữa đến công tác thi đua khen thưởng để kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ yên tâm tư tưởng công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Tóm lại, trong giai đoạn hiện nay, để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, với chính sách đổi mới toàn diện của Đảng, Nhà nước, đòi hỏi các lực lượng Công an xã chính quy cần phải chú trọng đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, văn hoá ứng xử của Công an xã, xây dựng đội ngũ Công an xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất tốt, ý thức kỷ luật cao, phải nắm vững kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật, am tường về kiến thức xã hội, ngôn ngữ, phong tục tập quán của từng địa phương, từng dân tộc, tôn giáo, nắm chắc tình hình địa bàn mà mình phụ trách, phải trọng dân, gần dân, sát dân, có tư duy sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ các yêu cầu công tác. Bên cạnh đó, với yêu cầu của tình hình mới, lực lượng Công an xã chính quy phải thường xuyên cải tiến nội dung, biện pháp công tác, phát huy vai trò nòng cốt trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Đó chính là những điều kiện quan trọng, giúp cho lực lượng Công an xã chính quy hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị./.

                                                                                     

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban chấp hành Trung ương khoá XIII (2022), Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Hà Nội.

2. Bộ Công an (2021), Kế hoạch số 314/KH-BCA về điều động cán bộ đang công tác tại các đơn vị trực thuộc Bộ về công tác tại Công an xã biên giới trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, Hà Nội.

3. Bộ Công an (2021), Thông tư số 46/2021/TT-BCA ngày 05/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Công an xã, Hà Nội.

4. Bộ Công an (2022), Báo cáo số 859/BC-BCA ngày 01/6/2022 về sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy trên toàn quốc, Hà Nội.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

 


[1] Báo cáo số 859/BC-BCA ngày 01/6/2022 về sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy trên toàn quốc.

[2] Báo cáo số 859/BC-BCA ngày 01/6/2022 về sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy trên toàn quốc.

[3] Báo cáo số 859/BC-BCA ngày 01/6/2022 về sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy trên toàn quốc.

Tác giả: Thiếu tá, TS Nguyễn Văn Đường - Giảng viên Khoa LLCT&KHXHNV T05

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN
  • Ngày: 41
  • Tuần: 41
  • Tháng: 2744
  • Tổng: 1100200