Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình và chính sách của Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình

Ngày đăng: 11.07.2025

Theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4, ngày 14/11/2022, có 07 nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 4) và 5 chính sách của Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 6). 

 

Bạo lực gia đình là gì?

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022, bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

 Nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình

Nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình theo Điều 4 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 như sau:

- Phòng ngừa là chính, lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm.

- Tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có liên quan; bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em; ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình là phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; thực hiện bình đẳng giới.

- Chú trọng hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình.

- Hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình phải được kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em thì trong quá trình xử lý phải có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em hoặc người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em.

- Nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và người đứng đầu; chú trọng phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình.

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng.

- Thực hiện trách nhiệm nêu gương trong phòng, chống bạo lực gia đình đối với cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

 

ảnh minh họa (Nguồn: internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Chính sách của Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình

Chính sách của Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình theo Điều 6 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 như sau:

- Nhà nước bố trí ngân sách để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình; ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân viện trợ, tài trợ, tặng cho, đóng góp, hỗ trợ, ủng hộ, đầu tư kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất, nhu yếu phẩm cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình; hợp tác quốc tế về phòng, chống bạo lực gia đình; phát triển các mô hình tư vấn xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng ngừa bạo lực gia đình và hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; phát triển mạng lưới cộng tác viên dân số tham gia công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng.

- Khuyến khích sáng tác văn học, nghệ thuật về phòng, chống bạo lực gia đình; ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin trong phòng, chống bạo lực gia đình.

- Biểu dương, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong phòng, chống bạo lực gia đình; có chế độ hỗ trợ để bù đắp tổn hại về sức khỏe, tính mạng và thiệt hại về tài sản cho cá nhân tham gia phòng, chống bạo lực gia đình.

- Hỗ trợ việc bồi dưỡng nâng cao năng lực đối với người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

 

H.P (Tổng hợp)

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN