Tại Hội thảo khoa học "Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ" do Bộ Công an tổ chức chiều 14/3/2022 với hơn 6000 đại biểu tham gia, các ý kiến phát biểu tham luận đã tập trung phân tích cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn để làm rõ sự cần thiết phải xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Hội thảo được tổ chức trực tuyến từ Bộ Công an tới Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do Trung tướng TS Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân đồng Chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo ở điểm cầu chính có: đồng chí Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; đồng chí Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban an toàn giao thông quốc gia; đồng chí Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Vụ chức năng của các Ban đảng, các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, cơ quan có liên quan, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an.
Về phía các nhà khoa học, có: PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học giao thông vận tải; TS Nguyễn Hoàng Long, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải; TS Phạm Hồng Công, Giám đốc Trung tâm tin học và tinh toán, Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam; cùng các chuyên gia của Tổng cục đường bộ Việt Nam; Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông; Viện chiến lược và phát triển giao thông vận tải; các tướng lĩnh trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và các chuyên gia trên lĩnh vực pháp luật và các đại biểu có bài tham luận đăng Kỷ yếu Hội thảo.
Tại điểm cầu Công an các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có các đồng chí lãnh đạo đại diện Tỉnh ủy/thành ủy, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, đoàn đại biểu quốc hội, ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; các Sở, ngành có liên quan; đại diện lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã; các đồng chí Giám đốc Công an tỉnh/thành phố Trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các Phòng chức năng thuộc Công an tỉnh/thành phố và lãnh đạo Công an cấp huyện.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Trình bày báo cáo đề dẫn hội thảo, đồng chí Trung tướng TS Lê Quốc Hùng cho biết: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, phối hợp với các ngành, các cấp, chính quyền địa phương, với vai trò nòng cốt lực lượng Công an nhân dân đã làm tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trong hoạt động giao thông đường bộ. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy số vụ tai nạn giao thông diễn ra trên tuyến giao thông đường bộ đã giảm nhưng chưa bền vững, các vụ tai nạn giao thông gây thiệt hai nghiêm trọng về người và tài sản, để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng cho cả gia đình và xã hội. Các hoạt động phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự an toàn xã hội diễn ra ngày càng phức tạp hơn, trong đó có những vụ, việc rất phức tạp, nghiêm trọng. Xu hướng lợi dụng việc tác động hoạt động giao thông đường bộ để chống phá Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống; phạm tội trên tuyến giao thông và nhiều loại tội phạm khác đang được các đối tượng khai thác, sử dụng gây thách thức không nhỏ đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Điều này cho thấy, bảo đảm trật tự, an toàn trên tuyến giao thông đường bộ là một nhiệm vụ cấp bách đặt ra trong tình hình hiện nay.
Trước tình hình đó, Ban Bí thư đã ban hànhChỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 vềtăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu rõ: Xây dựng hệ thống pháp luật, thể chế pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai minh bạch, ổn định, với tư duy mới, phù hợp với thực tiễn; đảm bảo an ninh xã hội, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn; kiềm chế gia tăng tai nạn giao thông đồng bộ; hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương và chỉ đạo xây dựng 02 dự án luật liên quan đến giao thông đường bộ, bao gồm: Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Sự phát triển của cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng trong bối cảnh đổi mới, mở cửa hội nhập quốc tế, các tuyến giao thông đã trở thành những tuyến, địa bàn trọng điểm về an ninh, trật tự.
Việc hoàn thiện cơ sở pháp luật góp phần bảo vệ cơ sở hạ tầng quốc gia; phòng, chống các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trên lĩnh vực giao thông đường bộ là hết sức cần thiết, là sự thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, sự cụ thể hóa quy địnhcủa Hiến pháp, sự phúc đáp yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Chuẩn bị cho Hội thảo này, Ban tổ chức đã nhận được 33 báo cáo khoa học rất tâm huyết, trách nhiệm, chất lượng của các đồng chí lãnh đạo, chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn và biên tập thành Kỷ yếu Hội thảo. Tại Hội thảo diễn ra có 10 ý kiến phát biểu tại điểm cầu chính và các điểm cầu.
Đánh giá tính khả thi của Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ từ góc độ của người tham gia giao thông, đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, việc xây dựng dự án Luật TTATGT đường bộ thể hiện sự quan tâm và quyết tâm giải quyết triệt để, mạnh mẽ hơn TTATGT giao thông đường bộ - một trong những vấn đề nổi cộm trong thực tiễn hiện nay.
Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về TTATGT đường bộ, dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, đồng bộ, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về ANTT và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật...
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu phát biểu tham luận qua điểm cầu trực tuyến
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu cho rằng, vấn đề kỹ thuật, hạ tầng, kinh tế và vấn đề an ninh, an toàn cần thiết có luật riêng. Ở Việt Nam, tai nạn giao thông hiện nay diễn ra rất phức tạp, đặc biệt là trong lĩnh vực đường bộ. Bên cạnh đó, ùn tắc giao thông xảy ra phức tạp tại các thành phố lớn do lưu lượng phương tiện giao thông tăng đột biến, trong khi quy hoạch, tổ chức và hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, gây tắc nghẽn trên diện rộng tại các đô thị lớn và trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm. Dự thảo luật đã xác định Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ quản lý nhà nước về TTATGT, xây dựng lực lượng Cảnh sát giao thông là lực lượng chuyên trách bảo đảm TTATGT đường bộ và chịu trách nhiệm tham mưu với cấp có thẩm quyền tổ chức. Điều này cũng phù hợp với thực tiễn Cảnh sát giao thông đang là lực lượng chính trong quản lý TTATGT đường bộ.
Dưới góc nhìn của người tham gia giao thông, việc tập trung giải quyết vấn đề này, trước hết là khía cạnh xây dựng pháp luật là phù hợp và cần thiết. Trong đó, Luật TTATGT giao thông đường bộ hướng đến mục tiêu lớn nhất là bảo vệ quyền con người, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ cho người tham gia giao thông. Đây là điều cần được ghi nhận vì mục tiêu và lợi ích tốt đẹp cho người dân và xã hội - đồng chí Ngọ Duy Hiển nêu rõ.
Thống nhất xây dựng 02 Luật là Luật Đường bộ và Luật TTATGT đường bộ, củng cố luận cứ khoa học, lý luận, thực tiễn để báo cáo với Chính phủ trình Quốc hội.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ phát biểu tham luận tại Hội thảo
Đồng chí Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải phát biểu tại Hội thảo cho biết, từ những luận cứ khoa học và những vấn đề thực tiễn, Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất xây dựng 02 Luật là Luật Đường bộ và Luật TTAGT đường bộ, củng cố luận cứ khoa học, lý luận, thực tiễn để báo cáo với Chính phủ trình Quốc hội.
“Chúng tôi thấy rằng cần thiết phải có Luật TTATGT, trong đó nêu rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm, cơ quan nào phối hợp. Chính phủ yêu cầu trình 02 Luật song hành nhau để nêu rõ chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các ngành, người nào chịu trách nhiệm ở giai đoạn nào, nhiệm vụ nào. Trong Luật Đường bộ, ngoài Bộ Giao thông vận tải thì Bộ Công an và các bộ, ban ngành khác cũng phải tham gia” – Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.
Tiếp cận quyền con người trong xây dựng Luật TTATGT đường bộ ở Việt Nam hiện nay.
PGS.TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, khoản 1, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
PGS.TS Tường Duy Kiên phát biểu tham luận tại Hội thảo
Từ góc độ này, tiếp cận quyền con người trong xây dựng Luật TTATGT đường bộ là sự vận dụng các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế, quy định về quyền con người trong Hiến pháp, Pháp luật quốc gia vào quá trình xây dựng các quy định về bảo đảm TTATGT đường bộ.
Đây là vấn đề lớn nhất, phức tạp nhất trong bảo vệ quyền con người của người tham gia giao thông. Bảo vệ quyền con người trong vụ việc/vụ án tai nạn giao thông, phải tiếp cận bảo vệ quyền cho cả người gây hại và đặc biệt là người bị nạn. Cần có các quy định cụ thể quy trình giải quyết vụ việc/vụ án tai nạn giao thông, từ khi nhận được tin báo vụ tai nạn giao thông, đến tổ chức cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản, hạn chế thiệt hại…
PGS.TS Tường Duy Kiên cũng nêu một số kiến nghị tiếp cận quyền con người trong xây dựng Luật TTATGT đường bộ, trong đó, cần quy định cụ thể hơn về quyền và nghĩa vụ của người tham gia giao thông; cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình trong hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, quán triệt và vận dụng đúng quy định về hạn chế quyền con người theo khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013…
Đồng chí Khuất Việt Hùng phát biểu tham luận tại Hội thảo.
Tham luận tại Hội thảo, đồng chí Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nêu rõ, trong những năm qua, công tác bảo đảm TTATGT được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, từ kết quả thực tiễn kết hợp trong phạm vi quốc tế cho thấy Luật pháp về an toàn giao thông đường bộ hiện nay nhìn chung về tên gọi khá đầy đủ nhưng nội dung vẫn còn nhiều bất cập và chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn, đặc biệt là chưa quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, chủ thể liên quan trong bảo đảm TTATGT.
Đồng chí Khuất Việt Hùng nêu rõ, chúng ta đang xây dựng hai dự án Luật Đường bộ và Luật bảo đảm TTATGT đường bộ, qua đó cũng thu nhận được nhiều điểm mới, phần nào khắc phục được những khoảng trống còn thiếu sót, nhằm bảo đảm TTATGT cũng như những nhiệm vụ mới, yêu cầu mới. Tuy nhiên, đồng chí cũng chỉ ra nhiều điều còn hạn chế và cần hoàn thiện, bổ sung trong thời gian tới, trong đó cần thống nhất rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT…
Quản lý TTATGT là một lĩnh vực quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, trong đó lực lượng Công an là nòng cốt, cụ thể là lực lượng Cảnh sát giao thông, đồng chí Trần Việt Cường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ khẳng định.
Đồng chí cũng đã nêu khái quát công tác đảm bảo TTATGT ở Cần Thơ trong những năm qua; khẳng định cần thiết phải xây dựng Luật TTAGT đường bộ để xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hoá giao thông hiện đại, mang tính ổn định lâu dài, khắc phục được những tồn tại, yếu kém hiện nay, hướng tới tiếp cận văn hoá giao thông của các nước phát triển, trên thế giới, đề cao bảo vệ tính mạng cho con người.
Bên cạnh đó, phải xây dựng Luật Đường bộ để phát triển hạ tầng giao thông, quản lý vận tải, thích ứng với sự thay đổi, phát triển nhanh của kinh tế, xã hội. “Mục đích là đảm bảo quy định chi tiết, cụ thể, tạo điều kiện cho việc quản lý chuyên sâu, hiệu quả, giảm thiểu số vụ tại nạn giao thông, số người chết, bị thương cũng như tạo thuận lợi cho việc phân công, phân cấp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý trên lĩnh vực an toàn giao thông - kết cậu hạ tầng giao thông - vận tải đường bộ” - đồng chí Trần Việt Trường nhấn mạnh.
Phân định rõ nội hàm giữa an toàn giao thông đường bộ trong Luật Giao thông đường bộ với nội hàm bảo đảm TTATGT đường bộ trong pháp luật về đảm bảo TTATGT để tránh chồng chéo khi xây dựng.
Đồng chí Trần Văn Tiến, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đã phân tích tình hình TTATGT hiện nay, trong đó nêu rõ tai nạn giao thông phức tạp, số người chết, số người bị thương còn nhiều; phân tích nguyên nhân tai nạn, kiến nghị cần xây dựng, hoàn thiện thể chế và chính sách pháp luật về an toàn giao thông. Đại biểu Trần Văn Tiến đã đề xuất 8 nhóm giải pháp đảm bảo TTATGT trong thời gian tới. Cụ thể, cần hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật đảm bảo TTATGT đường bộ. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, xử lý kịp thời các điểm đen, xung đột, các điểm tiềm ẩn gây tai nại giao thông; phương tiện vận tải; người điều khiển phương tiện giao thông; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông; tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm; phát triển nguồn nhân lực; bố trí nguồn vốn. “Trong đó, cần tập trung nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện pháp luật về đảm bảo TTATGT đường bộ theo chủ trương của Đảng, cụ thể hoá Hiến pháp, thực hiện quyết tâm của Chính phủ” – đồng chí Trần Văn Tiến kiến nghị.
Đồng chí nêu rõ, nội dung TTATGT đường bộ là một bộ phận của trật tự, an toàn xã hội, tôi đồng tình chức năng này thuộc thẩm quyền Bộ Công an; kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý phương tiện giao thông thuộc chức năng Bộ Giao thông vận tải, bảo đảm an toàn giao thông thuộc chức năng của Bộ Công an", đề nghị nghiên cứu, phân định rõ nội hàm giữa an toàn giao thông đường bộ trong Luật Giao thông đường bộ với nội hàm đảm bảo TTATGT đường bộ trong pháp luật về đảm bảo TTATGT đường bộ để tránh chồng chéo khi xây dựng.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến phát biểu tham luận qua điểm cầu trực tuyến.
Hoàn thiện cơ sở pháp luật về TTATGT đường bộ góp phần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong thực hiện các chủ trương của Đảng về TTATGT đường bộ ở nước ta hiện nay.
Từ điểm cầu Thanh Hóa, đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, Thanh Hóa là một trong những địa phương có hệ thống giao thông đường bộ lớn, mật độ người tham gia giao thông đông. Thực tiễn ở địa phương nhận thấy, để triển khai hiệu quả chính sách của Đảng, Nhà nước về TTATGT đòi hỏi sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và quần chúng nhân dân; ngoài lực lượng CAND phải có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành.
Tuy nhiên, quá trình phối hợp thực hiện công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa các lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn, vướng mắc, mà nguyên nhân cụ thể do tồn tại, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008…
Từ những đánh giá trên, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thanh Hóa kiến nghị, Bộ Công an tiếp tục tham mưu Chính phủ, Quốc hội sớm hoàn thiện và ban hành Luật TTATGT đường bộ nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh về công tác bảo đảm TTATGT đường bộ; quy định rõ trách nhiệm của các bộ ngành, chính quyền địa phương các cấp theo nguyên tắc "một cơ quan thực hiện nhiều việc và 1 việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm chính", đúng tinh thần Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Xây dựng Luật TTATGT đường bộ để xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, mang tính ổn định lâu dài, khắc phục được những tồn tại, yếu kém hiện nay, hướng tới tiếp cận văn hóa giao thông của các nước phát triển trên thế giới, đề cao bảo vệ tính mạng cho con người.
Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, đại biểu Quốc hội, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam tham luận nêu công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn, cho biết, tai nạn giao thông có thời điểm giảm nhưng chưa thực sự bền vững, nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng còn xảy ra, gây thiệt hại về người và tài sản, để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng cho cả gia đình và xã hội; nguyên nhân chủ yếu là do: Ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông của một bộ phận người dân tham gia giao thông còn rất hạn chế, đôi lúc còn mang tính đối phó; công tác tuyên truyền còn chưa có chiều sâu, phong phú, trọng tâm, trọng điểm; số lượng phương tiện tham gia giao thông đường bộ tăng đột biến.
Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam phát biểu tham luận
Đại tá Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh và đề nghị cần được quy định cụ thể, chi tiết các chế định có liên quan để đảm bảo TTATGT như: điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông; tuần tra kiểm soát đảm bảo TTATGT; giải quyết các vấn đề an ninh, trật tự, sự kiện trên các tuyến giao thông; cưỡng chế chấp hành pháp luật về TTATGT... trong Luật TTATGT đường bộ để bảo đảm tính chuyên sâu, thuận lợi cho quá trình áp dụng, hạn chế ban hành nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn, dễ dẫn đến chồng chéo.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Trung tướng, TS Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, các ý kiến nêu ra tại Hội thảo đã phân tích, làm sâu sắc luận cứ khoa học cho việc xây dựng dự án Luật TTATGT đường bộ; đồng thời phân tích, làm sâu sắc luận cứ thực tiễn phản ánh sự cần thiết và cấp thiết của việc xây dựng dự án Luật TTATGT đường bộ trong tình hình hiện nay ở Việt Nam.
Nhiều tham luận đã đánh giá thực tiễn TTATGT đường bộ ở một số địa phương cũng như yêu cầu khách quan thực tiễn đòi hỏi phải hoàn thiện cơ sở pháp luật về TTATGT đường bộ, trong đó có đề xuất xây dựng, ban hành dự án Luật. Các tham luận đã thể hiện rõ sự nghiên cứu công phu, tâm huyết và đầy trách nhiệm, sự trăn trở trước một lĩnh vực mà lâu nay được lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như quần chúng nhân dân, các cơ quan báo chí quan tâm...
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu kết thúc Hội thảo
Đồng chí Thứ trưởng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tổng hợp, chắt lọc các ý kiến tham gia, chú ý những vấn đề mới, lạ, khó, đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm mà dư luận cả nước hiện nay đang quan tâm để hoàn thiện kết luận, gửi đến đại biểu, cũng như thực hiện các quy trình về xây dựng luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn, các đại biểu đã tham gia viết bài tham luận và tới dự Hội thảo; ghi nhận các ý kiến sâu sắc và đóng góp quý báu, nhất là đã đề xuất giải pháp thiết thực góp phần vào thành công của Hội thảo.
Thành Luân
http://bocongan.gov.vn/
- Nghiệm thu đề tài KH&CN cấp tỉnh “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về phòng, c (12.04.2021)
- Lời Bác dặn trước lúc đi xa (01.03.2021)
- Chỉ còn 1.192 chỉ tiêu vào các trường CAND, giảm mạnh điểm thưởng (01.11.2020)
- Những đóng góp mới của luận án nghiên cứu sinh Nguyễn Thanh Minh (01.11.2020)
- Đảng phụng sự và liêm chính! (01.11.2020)
- Tạo đột phá chiến lược trong phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới, sáng tạo ở Việt Nam (23.09.2020)
- Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị Trung ương 10 (23.09.2020)
- Chính thức tăng lương cơ sở từ 1/7/2019 (23.09.2020)
- Máy giám định tài liệu VSC 8000 FOSTER+FREEMAN (08.01.2020)