Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội với tốc độ phát triển nhanh chóng trên mọi lĩnh vực; được xem là một trong những trung tâm phát triển kinh tế - xã hội lớn nhất cả nước, điều này cũng đã tạo ra môi trường thuận lợi để các loại tội phạm lợi dụng hoạt động.
Báo cáo tổng kết giai đoạn 2018 – 2022 của PV05 Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, những năm gần đây, trên địa bàn Thành phố thường xảy ra các vụ khiếu kiện, tranh chấp đất đai kéo dài, phức tạp, cùng với đó là các hoạt động trái pháp luật như tàng trữ, mua bán, sử dụng ma túy; hoạt động mê tín dị đoan; tổ chức mại dâm; các đối tượng truy nã và các đối tượng xấu lợi dụng ẩn náu, hoạt động phạm tội… Ngoài ra nhiều khu vực nhà dân mất cảnh giác để các đối tượng trộm cắp tài sản, cướp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản lợi dụng hoạt động; tình hình hoạt động của thanh thiếu niên liên kết thành băng, nhóm vi phạm pháp luật, gây nhiều bức xúc trong dư luận nhân dân.
Trước tình hình đó, Thành phố Hồ Chí Minh xác định xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc (ANTQ) nói chung, xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến về An ninh trật tự (ANTT) nói riêng là một trong những giải pháp trọng tâm để kiềm chế gia tăng tội phạm, trong đó không thể thiếu sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân - nhân tố quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Hiện nay trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng được 84 mô hình (trong đó: 45 mô hình đoàn thể; 04 mô hình trong doanh nghiệp, trường học; lực lượng Công an xã, phường, thị trấn xây dựng được 35 mô hình), tổ chức quần chúng, tự quản, tự phòng về ANTT trong nhân dân. Giai đoạn 2018 – 2022, lực lượng Công an xã, phường, thị trấn đã vận động quần chúng (CĐQC) tham gia xây dựng được 18 mô hình với 55.337 thành viên, mắt camera, dây xích và gậy dân phòng[1]. Thực tế nghiên cứu công tác VĐQC tham gia xây dựng mô hình tự quản, tự phòng của Công an xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy đã đạt được những kết quả cụ thể như sau:
Một là, trong giai đoạn 2018 - 2022, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động, tích cực tham mưu cho Thành ủy, UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo 138 Thành phố đề ra nhiều chủ trương, giải pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào như ban hành Quyết định số 982/QĐ-UBND ngày 22/3/2021 phê duyệt Đề án Chiến lược phát triển ngành văn hoá Thành phố giai đoạn 2020 – 2035, gắn kết và phát huy vai trò Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”[2],... đồng thời chủ động phối hợp với Ủy ban MTTQVN Thành phố và các tổ chức thành viên kiểm tra sơ kết tổng kết việc thực hiện các chương trình, kế hoạch liên tịch, quy chế phối hợp đã ký kết với Công an Thành phố. Qua đó đánh giá được kết quả và rút ra những kinh nghiệm, cách làm hay trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, nhất là trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao nhận thức, đề cao cảnh giác, chủ động phòng, chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội góp phần đảm bảo tình hình ANTT trên địa bàn Thành phố.
Hai là, công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ luôn được cấp ủy chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với các ban ngành đoàn thể triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện, Công an Thành phố cũng thường xuyên quan tâm chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an quận, huyện rà soát củng cố, chấn chỉnh, duy trì hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản, tự phòng về ANTT, đặc biệt là các mô hình đã phát huy tích cực và được nhân rộng thực hiện thời gian qua như: Mô hình “Nhà trọ tự quản”; “Xe ôm tự quản”; “Dân phòng tự quản”; “Ngành hàng tự quản”; “Nhóm hộ tự quản về ANTT”... Công tác sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng về xây dựng nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào luôn được thực hiện kịp thời đã góp phần động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân phát huy vai trò trách nhiệm, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Số vụ phạm pháp do nhân dân phát hiện, cung cấp tin và cùng lực lượng Công an tham gia ngăn chặn, truy bắt ngày càng nhiều góp phần giữ vững ANTT trên địa bàn Thành phố.
Ba là, công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ ở các xã, phường, thị trấn luôn có sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng ủy, sự điều hành sâu sát của ủy ban nhân dân nên đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các ngành, đoàn thể và nhân dân về xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
Bốn là, mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể trong công tác đảm bảo ANTT, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn. Lực lượng nòng cốt ở cơ sở không ngừng được củng cố, nâng cao số lượng, chất lượng, hoạt động rộng khắp trên địa bàn, gắn kết với các phong trào, cuộc vận động khác của Đảng và Nhà nước, đem lại sự ổn định về ANTT, góp phần kéo giảm tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn Thành phố.
Ảnh minh họa phối hợp tuần tra, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Ảnh: hcmcpv.org.vn
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực trạng công tác VĐQC tham gia xây dựng mô hình tự quản, tự phòng của Công an xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn một số hạn chế như sau:
Thứ nhất, vai trò tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương của một số đơn vị còn hạn chế, chưa chủ động đề ra các chương trình, kế hoạch phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, cũng như xây dựng nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào.
Thứ hai, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia xây dựng mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, công tác kiểm tra, khảo sát, đánh giá hoạt động của các mô hình chưa thật sự thường xuyên, sâu sát.
Thứ ba, bên cạnh các mô hình hoạt động có hiệu quả thiết thực, thì cũng còn một số mô hình được xây dựng đại trà theo phong trào, hoạt động chỉ mang tính hình thức đối phó, không phù hợp với đặc điểm tình hình ở cơ sở, không phát huy hiệu quả trong thực tế. Một số cán bộ chủ chốt, thành viên các đoàn thể với vai trò chủ thể trực tiếp thực hiện mô hình nhưng chưa làm tròn trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát chất lượng hoạt động của mô hình do mình phụ trách. Lực lượng Công an phường, CSKV, Công an viên phụ trách ấp ở một vài nơi cũng chưa làm tốt vai trò nòng cốt, hướng dẫn, kịp thời phối hợp, hỗ trợ tích cực cho các đoàn thể, khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện các mô hình ở địa phương. Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân có lúc có nơi chưa đi vào chiều sâu; nội dung, hình thức thiếu đa dạng và chưa phong phú, chưa thu hút được Nhân dân tích cực tham gia các mặt sinh hoạt hội họp ở địa phương nên không kịp thời nắm bắt được chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như tình hình ANTT, tệ nạn xã hội, phương thức thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm, dẫn đến còn hạn chế trong việc nhận thức về vai trò trách nhiệm của công dân đối với việc tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
Thứ tư, các điển hình tiên tiến trong phong trào ở cơ sở có nhưng không nhiều, chưa tạo được sức lan tỏa rộng trong nhân dân. Các mặt công tác phòng ngừa xã hội, phối hợp quản lý, giáo dục, giúp đỡ các loại đối tượng nhất là những đối tượng có nguy cơ phạm tội của các mô hình, các ban ngành đoàn thể và của lực lượng Công an cũng còn có mặt hạn chế, chưa phát huy hết hiệu quả, dẫn đến số người phạm tội là người cư trú tại địa phương vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Những hạn chế trong quá trình thực hiện công tác VĐQC tham gia xây dựng mô hình tự quản, tự phòng của Công an xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh xuất phát từ những nguyên nhân sau:
- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa quan tâm đúng mức; việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước thành kế hoạch vận động của các cấp chính quyền, đoàn thể quần chúng chưa sâu sát với thực tế ở cơ sở, xa dân, thậm chí còn sai phạm. Sự liên kết phối hợp giữa các chủ thể của công tác vận động chưa chặt chẽ. Triển khai các quy chế phối hợp chậm...
- Một số cán bộ còn yếu về năng lực dân vận, thoái hóa biến chất về đạo đức, lối sống, hệ thống chính quyền cơ sở hoạt động yếu kém... làm cho quần chúng mất tín nhiệm, mất lòng tin. Một số cán bộ mới tốt nghiệp trình độ trung cấp, mới học xong lớp trung cấp chính trị hay là chiến sỹ nghĩa vụ chưa được bồi dưỡng những kiến thức chuyên sâu liên quan đến ngành, đến lĩnh vực hoạt động công tác. Chính vì chưa nắm rõ, chưa được bồi dưỡng kịp thời dẫn đến hiệu quả thực tế trong việc thực hiện phong trào chưa cao.
- Lực lượng nòng cốt ở cơ sở tuy đông nhưng có nơi hoạt động chưa mạnh nên hiệu quả chưa cao; chưa phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình trong công tác VĐQC tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác VĐQC trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ nên chưa phát huy được ưu điểm, khắc phục thiếu sót, từ đó hiệu quả hoạt động chưa cao. Cơ chế phối hợp trong việc xây dựng, chỉ đạo công tác chưa được các cấp ủy Đảng, tổ chức trong hệ thống chính trị thực sự quan tâm, còn nhiều hạn chế, vai trò của UBND chưa được phát huy.
- Các điều kiện đảm bảo cho hoạt động tham gia xây dựng mô hình tự quản, tự phòng chưa được quan tâm đúng mức, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của phong trào như kinh phí hoạt động, trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ còn gặp nhiều khó khăn; chế độ chính sách khen thưởng chưa đảm bảo động viên, khuyến khích tạo động lực thúc đẩy CBCS thực sự tích cực trong VĐQC tham gia xây dựng mô hình tự quản, tự phòng của Công an xã, phường, thị trấn…
- Hoạt động trấn áp các đối tượng chưa có hiệu quả. Tội phạm hoạt động manh động, tàn bạo khống chế, đe dọa quần chúng; nhiều đối tượng hoạt động có thủ đoạn, phương thức tinh vi, xảo quyệt làm cho quần chúng khó nhận biết.
- Một bộ phận quần chúng nhận thức chưa đầy đủ về âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch và tội phạm khác cũng như chưa nhận thức được đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong tham gia các hoạt động phòng, chống tội phạm. Một bộ phận quần chúng nhân dân còn chưa biết cách phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm.
Trên cơ sở của nghiên cứu các vấn đề thực tiễn, để nâng cao hiệu quả công tác VĐQC tham gia xây dựng mô hình tự quản, tự phòng của Công an xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới, cần thực hiện tốt các nội dung sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong chỉ đạo công tác VĐQC tham gia xây dựng mô hình tự quản, tự phòng của Công an xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Công tác Công an nói chung, công tác VĐQC tham gia xây dựng mô hình tự quản, tự phòng của Công an xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cần phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của các cấp ủy Đảng, chính quyền về mọi mặt để tạo ra sự thống nhất, thu hút đông đảo người dân tham gia, mang lại kết quả cao trong quá trình thực hiện. Việc thiếu lãnh đạo, chỉ huy sát sao là một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong công tác VĐQC tham gia xây dựng mô hình tự quản, tự phòng. Do đó, thời gian tới, lãnh đạo Đảng ủy các cấp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cần quan tâm đến công tác VĐQC hơn nữa để có thể huy động sức mạnh tổng hợp hệ thống chính trị với vai trò nòng cốt của lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTQ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, chất lượng, hiệu quả của công tác. Cấp ủy Đảng, lãnh đạo công an các cấp cần nghiêm túc quán triệt và nhận thức sâu sác về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác vận động quần chúng, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, là cơ sở để xây dựng thế trận an ninh vững chắc. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác VĐQC còn thúc đẩy thực hiện rộng rãi và có hiệu quả các chủ trương chính sách về đại đoàn kết dân tộc, về công tác dân tộc, công tác tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài. Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân cho sự nghiệp đổi mới đất nước, tăng cường mối quan hệ máu thịt, gắn bó chặt chẽ giữa Đảng với nhân dân, giữa nhân dân với lực lượng CAND.
Hai là, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng Công an xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, bởi đây là chủ thể của công tác VĐQC tham gia xây dựng mô hình tự quản, tự phòng, là một trong các yếu tố then chốt quyết định đến hiệu quả của công tác VĐQC. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, dưới nhiều hình thức phong phú, bám sát vào nội dung nhằm bảo đảm phát triển lực lượng Công an xã, phường, thị trấn theo hướng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ, quyền hạn được giao, nhận thức được vai trò nòng cốt của lực lượng mình trong công tác tổ chức VĐQC tham gia xây dựng mô hình tự quản, tự phòng ở địa bàn cơ sở và phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; đảm bảo bố trí đủ về số lượng cán bộ, chiến sĩ ở từng địa bàn cơ sở và không ngừng nâng cao chất lượng về mọi mặt cho lực lượng CAND; chú trọng việc tuyển chọn và đào tạo lực lượng Công an phường, xã, thị trấn, sau khi tuyển chọn phải tạo điều kiện để lực lượng này được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nhằm trang bị những kiến thức NVCB đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ công tác Công an, trong đó có công tác vận động quần chúng tham gia xây dựng mô hình tự quản, tự phòng; bố trí lực lượng Công an xã, phường, thị trấn đủ về số lượng, trong điều kiện còn thiếu cán bộ thì ưu tiên các nơi có tình hình ANTT diễn biến phức tạp, dựa trên khả năng, điều kiện và trình độ chuyên môn, đảm bảo được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân trên địa bàn; thường xuyên nâng cao trình độ nghiệp vụ, pháp luật thông qua các hoạt động như tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức Quốc phòng - An ninh triển khai và hướng dẫn cụ thể các văn bản, quy định mới của pháp luật, tổ chức các cuộc thi với nội dung phù hợp vừa để giao lưu học hỏi kinh nghiệm, vừa mang tính chất bồi dưỡng kiến thức,…
Ba là, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang và bổ sung, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ có hiệu quả công tác VĐQC tham gia xây dựng mô hình tự quản, tự phòng của Công an xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp thẩm tra các thông tin phục vụ kịp thời công tác VĐQC tham gia xây dựng mô hình tự quản, tự phòng của Công an xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể: phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, ở cơ sở, địa phương giúp xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các cuộc vận động và phong trào ở cơ sở; phối hợp trong phòng, chống tội phạm; tiếp tục thực hiện các nghị quyết, chương trình liên tịch của Công an với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trên địa bàn Thành phố, đổi mới cơ chế phối hợp giữa các lực lượng Công an xã, phường, thị trấn và lực lượng CAND với Quân đội nhân dân, các ban ngành, đoàn thể khác trong công tác VĐQC, tranh thủ vai trò Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, phát huy truyền thống tốt đẹp trong việc vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, làm cầu nối giữa các cấp ủy Đảng chính quyền các cấp với nhân dân, tích cực hướng dẫn, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động. Bên cạnh đó, trang bị những điều kiện cơ sở vật chất, công cụ phương tiện, kỹ thuật cho lực lượng trực tiếp thực hiện công tác VĐQC cũng như chú ý đến điều kiện làm việc, chế độ chính sách hợp lý cho cán bộ, chiến sĩ và những người tích cực hợp tác khi thực hiện công tác VĐQC tham gia xây dựng mô hình tự quản, tự phòng của Công an xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Bốn là, lãnh, chỉ đạo công tác VĐQC phải từ lợi ích thiết thực của quần chúng nhân dân, thường xuyên đổi mới hình thức, quy trình, cách thức, phương pháp dân vận. Công tác dân vận đòi hỏi phải gần dân, sát dân, song gần dân, sát dân trong giai đoạn hiện nay bên cạnh việc cán bộ các cấp theo định kỳ đi xuống cơ sở nghe báo cáo tình hình địa phương, thăm hỏi nhân dân, trong các dịp tiếp xúc cử tri, những dịp họp Hội đồng nhân dân hay trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, làm việc với Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân,... cũng phải thường xuyên lắng nghe, phải lắng nghe được nhanh, kịp thời những ý kiến, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của nhân dân thông qua các kênh khác như việc mở ra các diễn đàn điện tử, giao lưu trực tuyến để thường xuyên “online” với dân để giải quyết các vấn đề thường nhật, điều đó có lợi cho cả hai phía: phía Đảng, Chính phủ thì sẽ có điều kiện nắm bắt thêm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó để hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật cũng như công tác điều hành. Còn người dân thì có dịp trình bày, kiến nghị những chính kiến của mình. Từ đó mới nghiên cứu, sáng kiến, tìm chọn những mô hình tự quản, tự phòng phù hợp.
Năm là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khắc phục những trở ngại tâm lý của quần chúng nhân dân. Thường xuyên giữ vững mối quan hệ với quần chúng. Lực lượng làm công tác VĐQC phải không ngừng cải tiến phương pháp công tác để ngày càng sát với dân, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của nhân dân, thực sự đứng về lợi ích của quần chúng nhân dân trong trấn áp tội phạm, thường xuyên thông tin, phổ biển những tình hình mới về đường lối, chính sách, nhiệm vụ bảo vệ ANTT, về hoạt động của tội phạm, về những kinh nghiệm trong đấu tranh; hướng dẫn quần chúng xây dựng, kiểm điểm việc thực hiện các nội quy quy ước về ANTT, chấp hành pháp luật ở từng cơ sở làm cho mỗi người dân tôn trọng, bảo vệ, hành động theo pháp luật, theo nội quy và biết sử dụng pháp luật, nội quy, quy ước làm công cụ để đấu tranh phòng ngừa tội phạm; thường xuyên chăm lo, bồi dưỡng, xây dựng lực lượng nòng cốt của phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ
Sáu là, thực hiện tốt chế độ định kỳ sơ kết, tổng kết mô hình, đánh giá, phân loại mô hình, phát hiện, tổng kết kinh nghiệm điển hình và nhân điển hình. Thường xuyên thực hiện tốt chế độ định kỳ sơ kết, tổng kết phong trào quần chúng tham gia xây dựng mô hình tự quản, tự phòng để rút ra bài học kinh nghiệm. Việc sơ kết, tổng kết phong trào phải được thực hiện một cách khách quan bằng nhiều hình thức, từ cơ sở theo chuyên đề hoặc sơ kết tổng kết điểm; lựa chọn những điển hình, mô hình có nhiều tiêu biểu, đạt hiệu quả cao, phù hợp cho phong trào chung, phục vụ cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên diện rộng; tổng kết kinh nghiệm điển hình và nhân điển hình trong việc nghiên cứu sự phát triển của phong trào để vận động, mở rộng, thúc đẩy phong trào tiếp tục phát triển.
Tóm lại, công tác VĐQC tham gia xây dựng mô hình tự quản, tự phòng của Công an xã, phường, thị trấn là một biện pháp nghiệp vụ có ý nghĩa rất quan trọng góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Công tác này mang tính đặc trưng riêng về đối tượng, nhiệm vụ, cho nên quá trình tiến hành công tác VĐQC tham gia xây dựng mô hình tự quản, tự phòng của Công an xã, phường, thị trấn phải được tiến hành kịp thời, khoa học, có hệ thống và đúng các nguyên tắc mới đạt được hiệu quả cao đáp ứng những yêu cầu của công tác phòng, chống tội phạm của lực lượng Công an xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh./.
* Đại uý Trần Thị Thanh Xuân
Đội CSGT -TT Công an huyện Nhà Bè Tp. Hồ Chí Minh
[1] Báo cáo tổng kết giai đoạn 2018 – 2022 của PV05 Công an Thành phố Hồ Chí Minh
[2] Quyết định số 982/QĐ-UBND ngày 22/3/2021 của Uỷ ban nhân dân Tp.Hồ Chí Minh Đề án Chiến lược phát triển ngành văn hoá Tp. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 – 2035.
- Xử lý vi phạm pháp luật về giao thông “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” (05.10.2024)
- 11 năm Ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (4-10-2013/ 4-10-2024): Suốt cuộc đời quán triệt tinh thần “Dĩ công vi thượng” (04.10.2024)
- Phát huy “thế trận lòng dân” trong công tác PCCC và CNCH góp phần giữ vững ANTT và an sinh xã hội (04.10.2024)
- Phản bác những hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc gây mất ổn định an ninh trật tự hiện nay (27.09.2024)
- Để không ai bị bỏ lại phía sau (24.09.2024)
- Một số nội dung đáng chú ý tại Luật sửa đổi luật Cảnh vệ năm 2024 (24.09.2024)
- Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát (24.09.2024)
- Hoàn thiện pháp luật về hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (23.09.2024)
- Tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho Công an các đơn vị, địa phương (21.09.2024)