Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Tình cảm của Bác Hồ dành cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày đăng: 22.12.2024

Lịch sử xây dựng và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, chiến công và những bài học kinh nghiệm của đội quân cách mạng này trong mỗi chặng đường lịch sử đều gắn liền với tình thương yêu, sự quan tâm giáo dục và cổ vũ thường xuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có rất nhiều câu chuyện giản dị mà vĩ đại, bền bỉ sâu lắng, vượt thời gian, trở thành huyền thoại về tình cảm của Bác dành cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là tình cảm đặc biệt, hiếm có giữa lãnh tụ với chiến sĩ, rất đỗi đời thường, rất đỗi con người, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, một lòng một dạ vì nước, vì dân.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bộ đội diễn tập năm 1957. Ảnh tư liệu 

 

Thời kỳ mới trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác ở tại Pác Bó, Cao Bằng. Ngoài các đồng chí Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, Đặng Văn Cáp… ở cùng với Bác trong hang Pác Bó có thêm các đồng chí Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm, Thụy Hùng, Đức Thanh, Hoàng Tô… và một số anh em cán bộ Hà Quảng, Cao Bằng. Mỗi lần có đồng chí rời hang đi công tác là Bác lại lo lắng mong sao anh em được bình yên trở về. Khi thấy anh em về, Bác vui hẳn lên. Câu đầu tiên Bác nói là hỏi han sức khỏe, sau đó tuyên bố cho anh em nghỉ ngơi, tắm giặt, rồi mới làm việc. Thỉnh thoảng đi công tác về, anh em lại được Bác chia cho kẹo, là quà của nhân dân Pác Bó đi chợ mua về biếu Bác nhưng Bác chỉ ăn một, hai chiếc, còn bao nhiêu Bác gói lại, cất vào ống tre, Bác bảo: Để dành cho các chú ấy đi công tác về ăn. 

Ở hang, nhưng hàng ngày Bác vẫn giữ đúng giờ giấc. Đến giờ, nếu ai ngủ chưa dậy thì Bác khẽ đánh thức. Song, đối với anh em mới đi công tác về, Bác bảo mọi người khác phải im lặng, giữ ý từng bước chân, để anh em được ngủ thêm một lúc. Đồng chí Hoàng Tô cảm nhận: Những tình cảm sâu sắc của Bác đối với chúng tôi hơn ruột thịt, đã động viên chúng tôi vượt qua mọi khó khăn gian khổ những năm tháng sống trong hang giữa rừng ([1]). 

Đầu năm 1955, thời điểm toàn Đảng, toàn dân ta vừa đi qua cuộc kháng chiến chín năm, phải khắc phục dần dần những hậu quả do cuộc chiến tranh để lại. Bộ đội ta vừa ra sức rèn luyện để tiến lên chính quy, song cũng phải tích cực tham gia vào công việc phục hồi kinh tế, Bác đã đến thăm Đại đoàn 312 đóng quân ở Bắc Ninh. Thời gian thăm đơn vị không nhiều nhưng Bác vẫn yêu cầu Đại đoàn trưởng Đàm Quang Trung đưa Bác đi xem xét tỉ mỉ nơi ăn ở của bộ đội. 

 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh: TTXVN 

 

Bác quan tâm hỏi các chiến sĩ mùa đông có đủ chăn ấm, áo ấm không và vui lòng khi thấy chiến sĩ ai cũng mạnh khỏe, giữ gìn kỷ luật nghiêm, ăn ở ngăn nắp, sạch sẽ. Những lời căn dặn chí tình của Bác ngày hôm đó khiến Đại đoàn trưởng Đàm Quang Trung nhớ mãi: “Ta tuy còn nghèo, nhưng cán bộ đừng ỉ vào cái nghèo mà lơ là việc chăm sóc bộ đội, phải tìm mọi cách khắc phục, bớt được khó khăn, vất vả cho chiến sĩ được phần nào tốt phần ấy. Có một miếng ngon cùng chia sẻ ngọt bùi thì tình cảm cán bộ, chiến sĩ càng thêm thương yêu, gắn bó. Có ít mà cán bộ hưởng cả, để chiến sĩ không có thì như thế là không biết thương yêu chiến sĩ. Không biết thương yêu chiến sĩ thì chiến sĩ cũng sẽ không thương yêu cán bộ, không thành sức mạnh to lớn được”([2]). 

Đầu năm 1959, Bác đi thăm và kiểm tra vùng biển, đảo Đông Bắc. Ở mỗi nơi đến thăm, Bác luôn quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội, thăm nơi ở, bếp ăn bởi "nuôi quân là quan trọng lắm, quân có khỏe thì mới học tập được". Khi thăm đơn vị bộ đội trên đảo, Bác hỏi: "Các cháu có đủ nước ngọt dùng không, có đủ báo đọc không? Một năm được xem văn công diễn mấy lần?...” Bác chỉ thị: “Ở đảo, sách báo hiếm vì vận chuyển khó khăn. Báo đến không được thì dùng đài nghe tin. Phải bảo đảm thường xuyên cho bộ đội được nghe tin tức, tình hình". Bác còn hứa gửi tặng đài để bộ đội nghe tin tức ([3]). 

Cũng với tác phong sâu sát, tỉ mỉ, khi đến thăm bộ đội cao xạ, Bác đội thử chiếc mũ sắt của chiến sĩ, ngồi thử chiếc ghế của anh em pháo lùi. Trời nắng to, Bác nhắc tìm cách giúp cho bộ đội cao xạ đỡ nóng, chẳng hạn như bện rơm rạ, lấy lá tươi che thêm trên mũ, lấy giẻ lót thêm ở ghế ngồi để bảo đảm sức khỏe chiến đấu lâu dài. Tháng 7-1967, sau khi nghe đồng chí Vũ Kỳ báo cáo tình hình về “các chú bộ đội trực phòng không trên nóc Hội trường Ba Đình” phải trực rất vất vả giữa tiết trời nắng nóng, nước không đủ uống, Bác đã quyết định rút sổ tiết kiệm “tặng cho các chú bộ đội phòng không Hà Nội để có thêm nước giải khát… trong những ngày nắng nôi”. Sau khi đi thăm và động viên các pháo đài, trận địa. Bác thấy rõ mức độ hy sinh và chịu đựng của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Vì thế, khi đến thăm nơi cứu chữa thương binh, Bác đã rơm rớm nước mắt xem xét từng vết thương của anh em rồi xúc động căn dặn các y, bác sĩ: Trong cuộc chiến đấu chống Mỹ, các đồng chí pháo binh, không quân ở miền Bắc là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận. Các chú là thầy thuốc, phải đặc biệt quan tâm cứu chữa cho anh chị em. Họ đã lập công đầu xuất sắc thì các chú cũng phải lập công đầu cho xứng đáng. 

Bác đặc biệt quan tâm đến đời sống của bộ đội, thanh niên xung phong hỏa tuyến. Năm 1965, do nhu cầu của các chiến trường, đường Trường Sơn sẽ được mở rộng cho xe chạy, sẽ khai thông nhiều tuyến, nhiều nhánh mới nên số nam nữ thanh niên xung phong cũng tăng cao. Hai đồng chí Phan Trọng Tuệ và Nguyễn Tường Lân trước khi vào Trường Sơn nhận chức Tư lệnh kiêm Chính ủy và Phó tư lệnh Đoàn 559 đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng chí Nguyễn Tường Lân kể: “Buổi sáng hôm đó - tôi còn nhớ rất rõ, trông Bác nghiêm trang và hơi buồn hơn những lần khác mà tôi được gặp. Bác Hồ hỏi anh Tuệ và tôi, trong số 5.000 thanh niên xung phong có bao nhiêu cháu gái, cháu tuổi cao nhất và cháu tuổi nhỏ nhất là bao nhiêu. Rồi Bác nói với chúng tôi, phải đưa các cháu gái vào nơi gian khổ, bom đạn là một việc Bác không muốn, nhưng con trai ra trận hết, không có cách nào khác. Bác nói các cháu thanh niên xung phong ở gia đình có bố mẹ, anh chị em là nơi nương tựa, chăm sóc, chúng tôi phải thay cha mẹ các cháu yêu thương, chăm sóc các cháu, hạn chế đến cùng mọi khó khăn, gian khổ do chiến tranh gây ra cho các cháu, đặc biệt là các cháu gái. Bác dặn phải mua sách báo, nhạc cụ cho các cháu trai và phải lo đủ kim chỉ cho các cháu gái may vá, lo đủ bồ kết cho các cháu gái gội đầu...”([4]). Thực hiện lời căn dặn của Bác, các vật phẩm thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày của các chiến sĩ thanh niên xung phong, nhất là kim, chỉ, lược và đồ dùng vệ sinh cho các chiến sĩ gái, đã được tăng cường đưa vào Trường Sơn. 

Nhờ sự quan tâm dìu dắt và tình cảm thương yêu lớn lao của Bác, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng, cán bộ chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã trưởng thành vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, nhân dân và của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

VŨ THỊ KIM YẾN (Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)


[1] Bác Hồ sống mãi với chúng ta, tập 1, Nxb CTQG, H.2005, tr.596

[2] Bác Hồ sống mãi với chúng ta, tập 1, Nxb CTQG, H.2005, tr.440-441

[3] Báo Nhân dân cuối tuần 20-4-2008

[4] Báo Lao động, số ra ngày 19-5-1994

 

Nguồn: qdnd.vn

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN