Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Nâng cao bản lĩnh chính trị cho thanh niên CAND góp phần phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Ngày đăng: 17.02.2023

Từ Đại hội XI, Đảng ta đã chỉ ra những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tình trạng này đến nay vẫn tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp hơn. Trong lực lượng Công an nhân dân (CAND), thanh niên CAND được xem là một lực lượng nòng cốt, đi đầu trong mọi hoạt động của ngành công an. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, còn một bộ phận nhỏ thanh niên Công an có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và đây được xem là những yếu tố tiềm ẩn, có thể sẽ dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Vì vậy, việc nâng cao bản lĩnh chính trị cho thanh niên CAND góp phần đấu tranh phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay là yêu cầu cấp thiết.

 

Ảnh minh họa

 

1. Nhận thức về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ

Văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI đã đề cập tới thuật ngữ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”“Những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta”[1].

Tự diễn biến” là thuật ngữ dùng để chỉ quá trình tự vận động của sự vật, hiện tượng; là quá trình tự biến đổi bên trong của sự vật theo một chiều hướng nhất định. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các văn kiện của Đảng ta, “tự diễn biến” được hiểu là sự suy thoái, biến chất về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Tự chuyển hóa” là thuật ngữ dùng để chỉ quá trình tự biến đổi của sự vật, hiện tượng sang một cấu trúc, một dạng tồn tại, một chất mới. Trong các văn kiện của Đảng ta, “tự chuyển hóa” được sử dụng theo nghĩa là sự biến đổi về lập trường, quan điểm, tư tưởng, thái độ, hành vi, lối sống của cán bộ, đảng viên theo hướng đối lập với trạng thái ban đầu. Từ cách tiếp cận trên có thể hiểu “tự chuyển hóa” là hệ quả tất yếu, sự nối tiếp của quá trình “tự diễn biến”, là quá trình biến đổi về chất các quan điểm, tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một tổ chức và cá nhân.“Tự chuyển hóa” chính là quá trình thay đổi về chất trong quan điểm, tư tưởng, phẩm chất và hành động của chủ thể. Đây là cấp độ cao hơn của quá trình “tự diễn biến” biểu hiện sự thay đổi về chất của quan điểm chính trị, đạo đức, lối sống khiến cho mỗi cá nhân không còn là chính mình, chẳng những đánh mất vai trò tiên phong, gương mẫu mà có khi trở thành phản bội, chống lại Đảng và Nhà nước, thậm chí chuyển sang hàng ngũ kẻ thù.

Thuật ngữ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được đề cập trong các văn kiện, nghị quyết, chỉ thị của Đảng đánh dấu bước chuyển trong tư duy của Đảng về sự nhận diện một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ chính trị ở nước ta. Theo đó, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là quá trình thay đổi từ bên trong của mỗi chủ thể theo chiều hướng xấu, từ đúng sang sai, từ tốt sang xấu, từ tích cực sang tiêu cực, từ tiến bộ sang phản tiến bộ… nếu không ngăn chặn hiệu quả, khắc phục kịp thời sẽ dẫn đến tha hóa, biến chất. Đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên thì “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là một quá trình tự vận động, thay đổi từ nhận thức đến hành động của chủ thể, từ lựa chọn chế độ XHCN sang lựa chọn chế độ tư bản chủ nghĩa. Quá trình này chịu sự tác động, chi phối của nhiều nhân tố khách quan và chủ quan, trong đó nhân tố chủ quan là chủ yếu. Quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đều dẫn đến các kết quả như: phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam[2]

- Biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”[3]

(1) Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”.

(2) Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, phát triển “xã hội dân sự”. Phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.

(3) Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

(4) Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

(5) Phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang; đòi “phi chính trị hoá” quân đội và công an; xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; chia rẽ quân đội với công an; chia rẽ nhân dân với quân đội và công an.

(6) Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước.

(7) Đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; thông tin phiến diện, một chiều về tình hình quốc tế, gây bất lợi trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước.

(8) Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học-nghệ thuật. Tác động, lôi kéo, lái dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng; cổ suý cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan; thổi phồng mặt trái của xã hội. Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hoá, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng.

(9) Có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan. Lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ nội bộ, gây chia rẽ giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo, giữa dân tộc và tôn giáo, giữa các dân tộc, tôn giáo với Đảng và Nhà nước.

2. Nâng cao bản lĩnh chính trị góp phần đấu tranh phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong thanh niên CAND hiện nay

Bản lĩnh chính trị được hình thành và chịu tác động bởi nhiều yếu tố như: trình độ lý luận chính trị, quan điểm, lập trường, phẩm chất; năng lực, dũng khí, là tinh thần, ý chí quyết tâm phấn đấu, vượt qua mọi gian khổ, không dao động trước thử thách để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng thời kỳ mới. Với thanh niên CAND, bản lĩnh chính trị còn thể hiện ở sự kiên định, vững vàng trong lập trường chính trị; niềm tin vững chắc, khoa học và sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với cách mạng Việt Nam; là lòng trung thành với lý tưởng mà mình đã chọn. Nâng cao bản lĩnh chính trị góp phần quan trọng trong phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” nội bộ trong lực lượng thanh niên CAND, theo chúng tôi, cần thực hiện một số nội dung sau:

Một là, tăng cường công tác tổ chức cán bộ gắn kết với tăng cường giáo dục, rèn luyện lực lượng thanh niên CAND trong tình hình mới.

Trong công tác tuyển chọn, bồi dưỡng, sắp xếp cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong hệ thống chính trị, lực lượng thanh niên công an có thể coi là lực lượng chiến đấu nòng cốt, cũng là đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy kế cận các thế hệ cha anh, nếu không được thực hiện tốt, mắc phải nhiều sai lầm, khuyết điểm, thì sẽ tạo cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” từ bên trong, bên trên, thậm chí tạo dựng “ngọn cờ” trong đội ngũ thanh niên công an để chống phá, chia rẽ nội bộ, làm suy yếu sức mạnh của lực lượng CAND, lực lượng chuyên chính tuyệt đối trung thành với Đảng.

Trong công tác giáo dục, hệ thống các trường CAND đóng vai trò cực kì quan trọng. Nhà trường cần mở nhiều lớp bồi dưỡng chính trị, những cuộc thi tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển của Đảng để sinh viên hiểu rõ, nâng cao nhận thức về nền tảng tư tưởng của Đảng ta, về con đường cách mạng mà Đảng và nhân dân đã lựa chọn, góp phần củng cố niềm tin trong từng thanh niên CAND khi còn ở trên ghế Nhà trường. Ngoài ra, các trường CAND cần tăng cường công tác xây dựng đội ngũ giảng viên “vừa hồng, vừa chuyên”, bảo đảm chuẩn mực về phẩm chất đạo đức, trách nhiệm trong công việc, có lối sống trong sạch, có kiến thức, trình độ chuyên môn tốt, thành thạo kỹ năng giảng dạy và đặc biệt là có lòng yêu nghề.

 

Cùng với sự giáo dục của Nhà trường, đoàn thể, mỗi thanh niên CAND phải chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung, biện pháp tự học tập, tự giáo dục, rèn luyện một cách khoa học, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ đơn vị và nhiệm vụ của mỗi người .Qua đó, giúp cho đội ngũ thanh niên CAND nhìn nhận đúng mặt mạnh, mặt yếu, nhận thức rõ quan điểm, tư tưởng sai trái, lệch lạc.

 

Bên cạnh đó, cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị phải tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, lấy xây dựng bản lĩnh chính trị, lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân là mục tiêu giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ; tập trung giáo dục, nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và con đường đi lên CNXH của Việt Nam, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách phù hợp.

Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đoàn Thanh niên tại các đơn vị công an.

Trước hết, xây dựng Đoàn thanh niên thực sự vững mạnh. Trong hoạt động, Đoàn thanh niên cần đổi mới cả về nội dung cũng như cách thức hoạt động nhằm thu hút sự tham gia và hưởng ứng mạnh mẽ của tất cả đoàn viên, thanh niên CAND. Làm cho Đoàn thực sự là nơi thử thách, rèn luyện về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, từ đó tạo nguồn cán bộ trẻ, chất lượng, vừa có tài vừa có tâm cho lực lượng CAND trong công tác bảo vệ ANTT giai đoạn hiện nay; Thứ hai, tăng cường hoạt động tuyên truyền, quán triệt, triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết, Chỉ thị của ngành Công an; tổ chức nhiều buổi sinh hoạt chính trị nhằm giáo dục nâng cao phẩm chất đạo đức, phấn đấu trở thành thế hệ thanh niên CAND “vừa hồng, vừa chuyên” trong công tác bảo vệ ANTT. Công tác tuyên truyền, giáo dục của Đoàn thanh niên phải đa dạng hóa về nội dung và hình thức học tập, tuyên truyền, quán triệt nghị quyết của Đảng đối với đoàn viên, thanh niên CAND; phải cụ thể trong từng hành vi ứng xử có chuẩn mực. Thứ ba, tăng cường sự liên hệ với đoàn viên, luôn quan tâm tới nguyện vọng, nhu cầu của đoàn viên, thanh niên. Trong tổ chức các hoạt động thực tiễn cần đặc biệt chú ý phương pháp nêu gương người tốt, việc tốt, để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, song song đó, cần quan tâm hơn nữa đến đặc thù tâm lý lứa tuổi, tránh cách giáo dục nặng nề, khô cứng, nhưng cũng không được hời hợt, thiếu chiều sâu.

Ba là, nâng cao công tác phát triển đảng viên trong thanh niên CAND.

Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, phải được thực hiện thường xuyên bởi vừa tăng cường sức chiến đấu và bảo đảm tính kế thừa, phát triển của Đảng, nâng cao chất lượng tổ chức Đảng trong lực lượng CAND, vừa góp phần tạo điều kiện, môi trường tốt để củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị của lực lượng thanh niên CAND khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Do đó, Đảng uỷ công an các cấp cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát công tác kết nạp đảng viên mới của các tổ chức cơ sở Đảng trong lực lượng CAND. Khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác đào tạo nguồn, giáo dục và kết nạp đảng viên mới, bảo đảm thực hiện đúng Điều lệ Đảng và nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên mới.

Bốn là, tăng cuờng vai trò của người đứng đầu.

Về vai trò nêu gương. Người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng đơn vị cần phải gương mẫu trong rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, đi đầu trong đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tại đơn vị mình. Từ đó, sẽ tạo hiệu quả mạnh mẽ trong việc thúc đẩy sự tự giác, thái độ nghiêm túc của từng thanh niên CAND trong phấn đấu, rèn luyện và đấu tranh với các biểu hiện suy thoái, tiêu cực, mầm mống của “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.

Về hoạt động quản lý. Người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng đơn vị cần làm tốt hơn nữa công tác quản lý, giáo dục đối với cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị mình, đặc biệt là đối với đội ngũ thanh niên, duy trì đầy đủ các chế độ, nề nếp trong sinh hoạt, học tập, các chế độ quản lý theo điều lệnh nội vụ CAND, quy định của pháp luật. Đặc biệt chú ý đến công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, thực hiện tốt nguyên tắc phê bình và tự phê bình, giữ gìn, củng cố đoàn kết, thống nhất vững chắc trong đơn vị, chống những biểu hiện cục bộ, phe cánh, “lợi ích nhóm”;  xử lý kịp thời, nghiêm minh mọi biểu hiện vi phạm đạo đức, tư cách, vi phạm các chế độ quy định, vi phạm pháp luật, kỷ luật ngành, đặc biệt là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực, tệ nạn xã hội khác... của cán bộ, chiến sĩ, góp phần vào cuộc phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tại đơn vị.

Năm là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời, có tính định hướng đúng đắn nhằm cung cấp thông tin chính thống cho toàn lực lượng CAND nói chung, cho thanh niên công an nói riêng về những vấn đề kinh tế, chính trị, đối ngoại,… quan trọng của đất nước; bảo đảm cho việc tuyên truyền, giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách có cơ sở khoa học, thuyết phục; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận; quan tâm đầu tư những điều kiện đảm bảo cho cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng ngày càng hợp lý, có hiệu quả.

Tích cực biểu dương những nhân tố mới, gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt nhằm lan tỏa nhiều thông tin tích cực, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc; tuyên truyền về kết quả đấu tranh, xử lý kịp thời, nghiêm minh, khách quan những cá nhân vi phạm đồng thời tích cực biểu dương những người trung thực, có đức, có tài, có bản lĩnh chính trị, dám nghĩ, dám làm, dám đấu tranh... để làm gương cho đội ngũ thanh niên CAND, từ đó giúp mỗi người dũng cảm, tích cực đấu tranh với cái sai, bảo vệ lẽ phải, không ngừng bồi dưỡng tinh thần tiên phong cách mạng và tính chiến đấu cho từng thanh niên CAND./.

 


[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 29

[2] Nguyễn Tiến Đạo (2021), Tiếp tục đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, Tạp chí Tổ chức nhà nước số 8/2021

[3] Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30 tháng 10 năm 2016

Tác giả: Trung tá, ThS Nguyễn Tuấn Anh - K. LLCT & KHXHNV

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN
  • Ngày: 33
  • Tuần: 321
  • Tháng: 2350
  • Tổng: 1100200