Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

10 điểm mới nổi bật tại Luật Cảnh sát cơ động 2022

Ngày đăng: 10.01.2023

Luật Cảnh sát cơ động được thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (Luật số 04/2022/QH15) chính thức có hiệu lực thi hành kể từ 01/01/2023. So với Pháp lệnh Cảnh sát cơ động 2013, Luật Cảnh sát cơ động 2022 có nhiều điểm mới.

 

1. Thêm hành vi bị nghiêm cấm đối với Cảnh sát cơ động

Điều 8 Luật Cảnh sát cơ động 2022 quy định bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm đối với cảnh sát cơ động như sau:

- Chống đối, cản trở hoạt động của Cảnh sát cơ động; trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát cơ động trong thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ. (Quy định mới bổ sung)

- Chiếm đoạt, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, tàng trữ, sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát cơ động.

- Mua chuộc, hối lộ hoặc có hành vi ép buộc cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động làm trái với nhiệm vụ, quyền hạn được giao. (Quy định mới bổ sung)

- Giả danh cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động; giả mạo phương tiện, làm giả, mua bán, sử dụng trái phép trang phục, phù hiệu, con dấu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt của Cảnh sát cơ động.

- Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có hành vi sách nhiễu, gây khó khăn đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân.

 

Ảnh minh họa

 

2. Điểm mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động

Pháp lệnh Cảnh sát cơ động 2013 quy định chung về cả nhiệm vụ và quyền hạn của Cảnh sát cơ động tại Điều 7 Pháp lệnhLuật Cảnh sát cơ động 2022 đã chia lại Cảnh sát cơ động có 9 nhiệm vụ và 7 quyền hạn riêng biệt. Trong đó, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn mới như:

- Về nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động:

+ Tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an về biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; xây dựng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

+ Sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu để chống hành vi bạo loạn, khủng bố.

+ Thực hiện nghi lễ trong Công an nhân dân và các sự kiện quan trọng theo quy định…

- Về quyền hạn của Cảnh sát cơ động:

+ Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định tại Điều 15 Luật Cảnh sát cơ động 2022 .

+ Được mang theo người vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên tàu bay dân sự để làm nhiệm vụ theo quy định của Luật Cảnh sát cơ động 2022 .

+ Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính…

3. Quy định về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ của Cảnh sát cơ động

Điều 15 Luật Cảnh sát cơ động 2022 quy định việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát cơ động như sau:

- Khi thực hiện nhiệm vụ độc lập, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và được nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ .

- Khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức, việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của Cảnh sát cơ động phải tuân theo mệnh lệnh của người chỉ huy trực tiếp. 

Người ra mệnh lệnh phải tuân thủ quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ , quy định của pháp luật có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về quyết định của mình.

- Việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ khi thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát cơ động trong huấn luyện, diễn tập thực hiện theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của Cảnh sát cơ động

- Khi thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 9 Luật Cảnh sát cơ động 2022, trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện, thiết bị đó. 

Trường hợp thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố, việc huy động người, phương tiện, thiết bị thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống khủng bố.

Trong trường hợp cấp bách theo quy định nêu trên, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ, giúp đỡ để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân được quy định như sau:

+ Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ thuộc Cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện, thiết bị khi thực hiện nhiệm vụ độc lập;

+ Người chỉ huy trực tiếp của Cảnh sát cơ động tại hiện trường quyết định huy động người, phương tiện, thiết bị khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức.

- Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động huy động người, phương tiện, thiết bị có trách nhiệm hoàn trả ngay sau khi trường hợp cấp bách chấm dứt. 

Trường hợp người, phương tiện, thiết bị được huy động làm nhiệm vụ mà bị thiệt hại thì được hưởng chế độ, chính sách, đền bù theo quy định tại khoản 4 Điều 32 Luật Cảnh sát cơ động 2022 ; đơn vị có cán bộ, chiến sĩ huy động có trách nhiệm giải quyết việc đền bù theo quy định của pháp luật có liên quan.

5. 04 đối tượng được phép điều động Cảnh sát cơ động

Theo Điều 20 Luật Cảnh sát cơ động 2022, 04 đối tượng sau đây được phép điều động Cảnh sát cơ động, bao gồm:

- Bộ trưởng Bộ Công an: điều động Cảnh sát cơ động trong phạm vi toàn quốc để thực hiện nhiệm vụ.

- Tư lệnh Cảnh sát cơ động: điều động Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ trong các trường hợp sau đây:

+ Đơn vị Cảnh sát cơ động thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, phương án thuộc thẩm quyền phê duyệt;

+ Đơn vị Cảnh sát cơ động theo phương án đã được cấp trên phê duyệt, được ủy quyền phê duyệt hoặc khi được giao chủ trì chỉ huy giải quyết các tình huống cụ thể;

+  Đơn vị Cảnh sát cơ động thuộc quyền để thực hiện nhiệm vụ trong trường hợp cấp bách và đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an.

- Giám đốc Công an cấp tỉnh: điều động đơn vị Cảnh sát cơ động thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ trong các trường hợp sau đây:

+ Thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, phương án đã được cấp trên phê duyệt hoặc thuộc thẩm quyền phê duyệt;

+ Thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn quản lý trong trường hợp cấp bách và đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an.

- Chỉ huy đơn vị Cảnh sát cơ động: điều động, sử dụng đơn vị thuộc quyền để thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; điều động đơn vị thuộc quyền tham gia phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ và đồng thời báo cáo chỉ huy cấp trên trực tiếp.

6. Quy định về phối hợp thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động

Điều 21 Luật Cảnh sát cơ động 2022 bổ sung quy định về phối hợp thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động so với quy định hiện nay. Trong đó, quy định nguyên tắc phối hợp như sau:

- Việc phối hợp phải trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng theo quy định của pháp luật, quyết định của cấp có thẩm quyền và phù hợp với tình hình thực tế;

- Bảo đảm sự chủ trì, điều hành tập trung, thống nhất trong công tác chỉ đạo, chỉ huy thực hiện nhiệm vụ; giữ bí mật thông tin về quốc phòng, an ninh và biện pháp nghiệp vụ của cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng trong quá trình phối hợp;

- Bảo đảm chủ động, linh hoạt, cụ thể và hiệu quả, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì, phối hợp.

7. Đầu tư trang bị hiện đại, khoa học công nghệ cho lực lượng Cảnh sát cơ động

Hiện nay Cảnh sát cơ động được ưu tiên trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thủy, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và trang thiết bị đặc chủng chuyên dụng hiện đại.

Điều 23 Luật Cảnh sát cơ động 2022 đã bổ sung thêm Nhà nước ưu tiên đầu tư trang bị hiện đại, nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ cho các hoạt động của Cảnh sát cơ động.

8. Điều chỉnh quy định về cấp nhà ở công vụ cho Cảnh sát cơ động

Được cấp nhà ở công vụ là một trong những chế độ, chính sách mà Cảnh sát cơ động được hưởng. Luật Cảnh sát cơ động 2022 quy định tại khoản 3 Điều 25 rằng Sĩ quan Cảnh sát cơ động sẽ được bố trí nhà ở công vụ.

9. Ai được tuyển chọn vào Cảnh sát cơ động?

Điều 26 Luật Cảnh sát cơ động 2022 vừa bổ sung quy định về việc tuyển chọn công dân vào lực lượng Cảnh sát cơ động. Theo đó: 

- Công dân Việt Nam không phân biệt nam, nữ, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có sức khỏe, độ tuổi phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tự nguyện thì được tuyển chọn vào Cảnh sát cơ động.

- Cảnh sát cơ động được ưu tiên tuyển chọn công dân theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Cảnh sát cơ động 2022 có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ hoặc có năng khiếu, tài năng phù hợp để phục vụ lâu dài trong Cảnh sát cơ động.

10. Ưu tiên thực hiện chính sách về nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động

Đây là nội dung được đề cập tại Điều 30 Luật Cảnh sát cơ động 2022 quy định về trách nhiệm của HĐND, UBND cấp tỉnh. Cụ thể HĐND, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm:

- Phối hợp với Bộ Công an quy hoạch quỹ đất phù hợp để xây dựng trụ sở đóng quân, thao trường huấn luyện cho Cảnh sát cơ động.

- Hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động của Cảnh sát cơ động phù hợp với khả năng của địa phương và theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Cảnh sát cơ động.

- Ưu tiên thực hiện chính sách về nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động theo quy định của pháp luật.

 

Tác giả: Văn Hiển (Tổng hợp)

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN
  • Ngày: 22
  • Tuần: 411
  • Tháng: 1764
  • Tổng: 1100200