Đảm bảo mọi trẻ em đều được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế, dinh dưỡng, giáo dục mầm non và hỗ trợ có chất lượng cho trẻ em về phát triển tinh thần, quan hệ xã hội có thể làm giảm sự bất bình đẳng và mang lại cho mọi trẻ em cơ hội thành công một cách công bằng.
CUNG CẤP ĐẦY ĐỦ DỊCH VỤ CHĂM SÓC PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN CỦA TRẺ EM
Hiện nay, ở nước ta, đã có rất nhiều dịch vụ chăm sóc phát triển toàn diện của trẻ em. Ngay từ khi phụ nữ mang bầu, đã có các dịch vụ chăm sóc y tế để kịp thời xử lý những biến chứng khi mang thai, phát hiện sớm bệnh lý di truyền, dị tật. Dịch vụ chăm sóc sau sinh trong 7 ngày đạt trên 81% tạo cơ sở cho trẻ em ra đời an toàn, khỏe mạnh. Trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế. 99,7% trẻ em trên 6 tuổi tham gia bảo hiểm y tế học đường. Hiện nay, tuyến y tế cơ sở đã thực hiện được khoảng 50 - 60% các dịch vụ chăm sóc cho trẻ em. Đa số trẻ em từ 0 - 8 tuổi được tiếp cận dịch vụ y tế tại tuyến y tế cơ sở.
Công tác cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em từ 0 - 8 tuổi đã được quan tâm thực hiện một cách đồng bộ, hình thành mạng lưới chuyên trách dinh dưỡng. Các hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em được quan tâm tổ chức như phát động Ngày vi chất dinh dưỡng (1 - 2/6); Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ, Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển (16 - 23/10), Ngày phòng chống bướu cổ và các rối loạn do thiếu iot (2/11)... Việc truyền thông về các thời điểm và thức ăn bổ sung cho trẻ em được thực hiện đến cấp xã/phường. Tỷ lệ trẻ em được bú sữa mẹ hoàn toàn sau sinh 6 tháng đạt 70,1%. Trẻ em được ăn bổ sung đúng cách chiếm tỷ lệ trên 90,5%. Trẻ em được theo dõi cân nặng, chiều cao phù hợp với độ tuổi đạt trên 95%.
Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2020; hiện nay, tiếp tục duy trì và từng bước phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi. Nhà trẻ trong khu công nghiệp và vùng nông thôn được xây dựng và củng cố. Cả nước hiện có trên 6.000 cơ sở giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp; góp phần nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cho 296.289 trẻ em có cha, mẹ là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, chiếm tỉ lệ 6% so với tổng số trẻ em toàn quốc. Tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,78%; tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 99,7%; tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được học 2 buổi / ngày đạt 99,9%. Tỷ lệ huy động trẻ em tham gia giáo dục mầm non tăng lên hằng năm. Tỷ lệ trẻ 3-36 tháng đi nhà trẻ đạt 28,2%; tỷ lệ trẻ 3-6 tuổi ra lớp đạt 92,4%. Các cơ sở giáo dục mầm non đã xây dựng kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ phù hợp, linh hoạt đáp ứng yêu cầu và đảm bảo mục tiêu, quy định tại chương trình giáo dục mầm non. 100% trẻ em mầm non ra lớp được đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần.
Hệ thống thiết chế văn hoá thể thao cơ sở đã được quan tâm đầu tư các trang thiết bị, tổ chức nhiều hoạt động phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ em phù hợp lứa tuổi. Cả nước có 613/713 quận, huyện có nhà văn hóa hoặc trung tâm văn hóa - thể thao, đạt tỷ lệ khoảng 86%; 141 quận, huyện có trung tâm thể dục thể thao; 5.996/10.230 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa hoặc trung tâm văn hóa, thể thao, chiếm khoảng 58,6%; 66.513/109.727 (khoảng 60%) thôn, bản có nhà văn hóa, khu thể thao phục vụ người dân tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, trong đó, thời lượng dành cho trẻ em đạt từ 30%.
Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp xã hội ngày càng tăng, đạt tỷ lệ trên 95%. Công tác trợ giúp pháp lý cho trẻ em đã được quan tâm, ưu tiên. Tính đến nay, có hơn 15.000 lượt trẻ em được trợ giúp pháp lý, chiếm 10% tổng số người được trợ giúp pháp lý. Hiện có 224 xã triển khai thí điểm mô hình chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời và có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ, hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ trẻ em phát triển toàn diện.
Tỷ lệ cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em được tư vấn, hỗ trợ kiến thức, kỹ năng chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em đến 8 tuổi ngày càng tăng; cụ thể, năm 2019 là 25%; năm 2020 là 60% và năm 2022 là 62%. Chú trọng xây dựng chương trình, tổ chức các buổi tư vấn, nói chuyện chuyên đề, hướng dẫn, giáo dục làm cha mẹ về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời cho cha mẹ và người chăm sóc trẻ phù hợp với độ tuổi, sự phát triển của trẻ em. Tỷ lệ hộ gia đình tiếp cận nước máy là khoảng 52%, sử dụng nguồn nước giếng khoan là 22,8% và 11,4% hộ sử dụng giếng đào được bảo vệ.
Tuy nhiên, việc tiếp cận dịch vụ hỗ trợ phát triển toàn diện của trẻ em còn có những hạn chế nhất định như:
Một là, hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển toàn diện của trẻ em còn bất cập, như: dịch vụ chưa đồng bộ, còn thiếu các loại hình dịch vụ, diện bao phủ dịch vụ thấp, chất lượng dịch vụ chưa tốt; thiếu sự kết nối, liên kết giữa các dịch vụ, việc chuyển tuyến dịch vụ còn khó khăn, …. Từ đó, chưa tạo điều kiện thuận lợi nhất cho trẻ em và gia đình tiếp cận đầy đủ các dịch vụ.
Hai là, việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ của trẻ em và gia đình ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, bất cập do mức độ sẵn có, khả năng cung cấp dịch vụ của hệ thống còn hạn chế.
Ba là, chương trình tư vấn, hướng dẫn, giáo dục cha mẹ/người chăm sóc về phát triển toàn diện của trẻ em ở các địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu của các gia đình có trẻ em từ 0-8 tuổi. Vẫn còn số lượng lớn cha mẹ /người chăm sóc chưa được tư vấn, hướng dẫn về phát triển toàn diện của trẻ em.
Bốn là, nội dung tư vấn, hướng dẫn chưa bao phủ hết các nội dung về phát triển toàn diện của trẻ em, đặc biệt là còn thiếu nội dung về tiếp cận các dịch vụ phát triển toàn diện của trẻ em.
BẢO ĐẢM CUNG CẤP DỊCH VỤ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN CỦA TRẺ EM TỪ SỚM, LIÊN TỤC VÀ TOÀN DIỆN
Từ thực tiễn chăm sóc phát triển toàn diện của trẻ em thời gian qua, có thể nhận thấy những thách thức đối với công tác này trong thời gian tới là:
Thứ nhất, chăm sóc dinh dưỡng trẻ em đối mặt với 3 “gánh nặng” về dinh dưỡng trẻ em: (1) Tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng cấp tính nặng và suy dinh dưỡng thể thấp còi ở miền núi, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. (2) Gia tăng tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở các thành phố lớn. (3) Trẻ em thiếu vi chất dinh dưỡng.
Thứ hai, tỷ lệ trẻ em ở độ tuổi nhà trẻ được tiếp cận giáo dục mầm non còn thấp, có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền. Cơ hội tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng chưa bao phủ tới một số nhóm trẻ em, như trẻ em dân tộc thiểu số, khu công nghiệp, khu chế xuất,… ảnh hưởng đến sự bền vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Thứ ba, xâm hại, bạo lực, lạm dụng, tai nạn thương tích trẻ em diễn biến phức tạp và chưa có xu hướng giảm. Xu hướng sử dụng internet, mạng xã hội tăng mạnh; trên môi trường internet có nhiều nội dung độc hại, kích động bạo lực, tình dục tiềm ẩn nguy cơ xâm hại trẻ em. Tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước, giao thông chưa được khắc phục.
Để bảo đảm cung cấp dịch vụ phát triển toàn diện của trẻ em từ sớm, liên tục và toàn diện theo tinh thần Chỉ thị số 20 - CT/TW, ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, cần tập trung vào những nhiệm vụ và giải pháp sau:
Một là, hoàn thiện pháp luật, chính sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em, chú trọng chính sách chăm sóc phát triển toàn diện của trẻ em đến 8 tuổi, đặc biệt 36 tháng tuổi; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em trong các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em di cư và trong các gia đình công nhân tại các khu công nghiệp, trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, thảm họa. Xây dựng và thực hiện định mức kinh tế kỹ thuật cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; tiêu chuẩn, quy chuẩn cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Ảnh minh họa.
Tiếp tục triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em; chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi; phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; các văn bản hướng dẫn về phòng, chống xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em, nhất chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em sống trong các gia đình nghèo, gia đình có vấn đề về xã hội. Xây dựng và ban hành các quy chế phối hợp liên ngành thực hiện Đề án Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 - 2025 tại địa phương.
Hai là, chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc các địa phương quan tâm bố trí kinh phí, phân bổ nguồn lực để triển khai thực hiện các nội dung bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em thuộc các dự án, tiểu dự án thành phần của các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; tập trung triển khai thực hiện đồng bộ 8 chương trình đề án về trẻ em giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tăng cường công tác huy động nguồn lực xã hội, khai thác các nguồn lực, thu hút đầu tư trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Tăng cường việc chỉ đạo, theo dõi việc rà soát, kiểm tra, thanh tra, giám sát bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, tập trung chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em. Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu về trẻ em.
Ba là, phát triển hệ thống dịch vụ đáp ứng thực hiện quyền trẻ em, có sự lồng ghép và phối hợp giữa các dịch vụ y tế, giáo dục, tư pháp và các dịch vụ an sinh xã hội, tư pháp thân thiện với trẻ em và người chưa thành niên. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp, kiêm nhiệm và đội ngũ cung cấp dịch vụ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em. Phát triển các mô hình bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, chú trọng mô hình chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em, phòng chống xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em. Duy trì dịch vụ công tác xã hội tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội để tăng cường cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, quản lý trường hợp đối với trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Tổ chức triển khai đánh giá nhu cầu trẻ em 0 - 8 tuổi làm căn cứ xây dựng danh mục dịch vụ phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời.Bốn là, tăng cường công tác phối hợp liên ngành, đặc biệt phát huy vai trò chủ đạo của các ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo và Văn hóa, Thể thao và Du lịch để triển khai nhiệm vụ tư vấn, hướng dẫn, giáo dục cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em kiến thức, kỹ năng chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em. Xác định và phát huy vai trò quan trọng của các đoàn thể tại địa phương, đặc biệt của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong triển khai hoạt động tư vấn, giáo dục làm cha mẹ trong chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em. Rà soát, cập nhật thông tin và đánh giá hiệu quả của mô hình hành trình đầu đời; mô hình chăm sóc, giáo dục lấy trẻ làm trung tâm,… để hoàn thiện và nhân rộng các mô hình có hiệu quả trong cả nước.
Năm là, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân và toàn xã hội, ưu tiên đối tượng cha mẹ, gia đình, cộng đồng về xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ em. Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục chủ trương, chính sách, pháp luật về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời. Chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng nhằm bảo đảm cung cấp các dịch vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em đến từng lớp học, gia đình, cộng đồng dân cư.
Tiếp tục triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em; chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi; phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; các văn bản hướng dẫn về phòng, chống xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em, nhất chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em sống trong các gia đình nghèo, gia đình có vấn đề về xã hội.
Xây dựng và ban hành các quy chế phối hợp liên ngành thực hiện Đề án Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 - 2025 tại địa phương.
TS. Phạm Gia Cường
Ban Tuyên giáo Trung ương
https://tuyengiao.vn/
- Hội thảo khoa học về tăng cường quan hệ phối hợp giữa Trường Đại học CSND với C10 - Bộ Công an và cá (18.12.2020)
- Chung kết Hội thi “Tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng hình ảnh CAND bản (29.11.2020)
- Trường ĐH.CSND đạt giải Ba toàn đoàn Giải vô địch Judo Đại học Nguyễn Tất Thành mở rộng năm 2018 (19.04.2020)
- Hội thi lái xe giỏi, an toàn lần thứ III (04.03.2020)
- Hội thảo khoa học “Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 – Những vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo, bồi (24.02.2020)
- Công bố phương án thi THPT quốc gia năm 2019 (31.12.2019)
- Mối nguy hiểm từ chợ vũ khí online (12.12.2019)
- 20 năm tham gia APEC: Từ tầm nhìn chiến lược đến những dấu ấn Việt Nam (09.12.2019)
- Siết chặt quy định về đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe (28.11.2019)