Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Một số điểm mới của luật Giám định tư pháp (Sửa đổi năm 2020)

Ngày đăng: 11.05.2021

Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020 được Quốc hội nước CHXHCNVN khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 10/6/2020 và bắt đầu có hiệu lực thi hành vào ngày 1/1/2021.

 Giám định tư pháp là một lĩnh vực quan trọng góp phần vào hoạt động tố tụng nói chung, đó là việc dùng các kiến thức chuyên môn về các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và những kinh nghiệm thực tiễn để nghiên cứu, xét nghiệm, so sánh và kết luận về một người, sự việc, hiện tượng… giúp cho cơ quan yêu cầu giám định có nhận thức khách quan, có cơ sở khoa học để giải quyết vấn đề đặt ra. So với luật Giám định tư pháp 2012 trước đây, luật Giám định tư pháp sửa đổi, bổ sung lần này có 46 điều với 28 vấn đề có sự thay đổi, trong đó có một số nội dung đáng chú ý sau đây:

Một là, về kỹ thuật lập pháp, Luật đã đưa ra khái niệm rõ ràng, cụ thể hơn quy định trước đây về các thuật ngữ  “Giám định tư pháp”; “Người trưng cầu giám định”; “Người yêu cầu giám định” tại các khoản 1,2,3 điều 2 của Luật.

Hai là, Luật đã mở rộng phạm vi và lĩnh vực hoạt động của giám định tư pháp: Phạm vi giám định tư pháp đã được mở rộng theo hướng giám định tư pháp được trưng cầu, thực hiện ngay từ giai đoạn khởi tố, thay vì từ giai đoạn điều tra vụ án hình sự như quy định hiện hành (khoản 1 Điều 2). Hoạt động giám định được thực hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau (giám định thương mại; giám định quyền tác giả, quyền liên quan; giám định sở hữu công nghiệp; giám định chất lượng công trình xây dựng; giám định cổ vật…). Hoạt động này chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống quy phạm pháp luật (Luật Thương mại, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Xây dựng…), do nhiều chủ thể tiến hành (các cơ quan, tổ chức, cá nhân có chức năng hoặc có khả năng giám định) và để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau.

Ba là, Luật bổ sung việc cấp, thu thẻ giám định viên tư pháp gắn với bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giám định viên tư pháp. Nhằm giúp giám định viên thuận lợi trong việc chứng minh tư cách giám định viên tư pháp, Luật mới đã bổ sung quy định về việc cấp thẻ giám định viên tư pháp (đưa thẻ thay cho quyết định bổ nhiệm). Người được bổ nhiệm chức danh giám định viên tư pháp thì được cấp thẻ giám định viên tư pháp. Người có thẩm quyền bổ nhiệm thì có thẩm quyền cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp. Mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp (Khoản 4 Điều 9).

Bốn là, về hệ thống cơ quan giám định tư pháp có bổ sung thêm phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND tối cao thực hiện giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử. (Khoản 8 Điều 1)

Theo quy định mới thì các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự sẽ bao gồm: Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an; Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh; Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng; và Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND tối cao.

Năm là, quy định lại điều kiện mở Văn phòng giám định tư pháp theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn so với Luật trước đây. Theo khoản 1 Điều 15 Luật Giám định tư pháp năm 2012, giám định viên tư pháp được thành lập Văn phòng giám định tư pháp khi có từ đủ 05 năm trở lên là giám định viên tư pháp trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng, ngoài ra đề án thành lập nêu rõ mục đích thành lập; dự kiến về tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở; điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định theo quy định của bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định và kế hoạch triển khai thực hiện; Tuy nhiên, theo Luật sửa đổi, bổ sung, giám định viên tư pháp chỉ cần có từ đủ 03 năm trở lên là giám định viên tư pháp và có hoạt động giám định trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng (Khoản 9 Điều 1).

Sáu là, Luật quy định thời hạn giám định tư pháp tối đa không quá 04 tháng. Thực tiễn 5 năm thực hiện Luật Giám định tư pháp 2012 cho thấy, vì không quy định cụ thể thời hạn tối đa để giám định nên công tác giám định thường bị chậm trễ, kéo dài, gây khó khăn, vướng mắc rất lớn trong thực tế. Đây là quy định hoàn toàn mới được bổ sung, theo đó, thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp không thuộc giám định bắt buộc về tố tụng hình sự tối đa là 03 tháng. Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì tối đa là 04 tháng (khoản 3 điều 26a)

Bảy là, Luật bổ sung thêm trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp so với quy định tại Điều 10 Luật giám định tư pháp 2012 như sau:

- Chuyển đổi vị trí công tác hoặc chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà không còn điều kiện phù hợp để tiếp tục thực hiện giám định tư pháp;

- Giám định viên tư pháp được bổ nhiệm để thành lập Văn phòng giám định tư pháp nhưng sau 01 năm, kể từ ngày bổ nhiệm không thành lập hoặc sau 01 năm, kể từ ngày có quyết định cho phép thành lập mà không đăng ký hoạt động.

- Theo đề nghị của giám định viên tư pháp; trường hợp giám định viên tư pháp là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, CAND, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thì phải nhận được chấp thuận của cấp trên trực tiếp.

Tám là, Điều 32 đã được sửa đổi, bổ sung quy định về kết luận giám định theo hướng cụ thể hơn để khắc phục một số hạn chế về kết luận giám định tư pháp trong thực tiễn hiện nay là:

-  Kết luận giám định phải rõ ràng, cụ thể về nội dung chuyên môn của đối tượng cần giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định;

- Bỏ quy định về chứng thực chữ ký của người giám định theo quy định của pháp luật về chứng thực khi trưng cầu, yêu cầu giám định đích danh cá nhân người giám định.

Ngoài ra, Luật lần này còn sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm cũng như sự phối hợp của các chủ thể khác nhau trong hoạt động giám định, đồng thời bổ sung quy định về việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia với tư cách là người giám định tư pháp vào hoạt động giám định khi được yêu cầu (điều 23, điều 24, điều 41… của Luật này)

Trên đây là một số nội dung mới được sửa đổi bổ sung trong luật Giám định tư pháp 2020. Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giám định đồng thời khắc phục bất cập và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về hoạt động giám định trong thời gian tới.

Tác giả: Phan Thị Bích Hiền (Tổng hợp)

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN
  • Ngày: 14
  • Tuần: 302
  • Tháng: 802
  • Tổng: 1100200