Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Lấp khoảng trống pháp luật về bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông

Ngày đăng: 18.08.2024

Luật Trật tự an toàn, giao thông đường bộ (TTATGT) vừa được Quốc hội khoá XV thông qua ngày 27/6/2024, đã hoàn thiện khung khổ pháp lý cụ thể, chặt chẽ để bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về nội dung này, Báo CAND đã phỏng vấn Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (TNGT), Cục CSGT.

 

Trung bình mỗi năm Việt Nam có hơn 1.900 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông. Chính vì vậy, việc bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ em được lãnh đạo Bộ Công an đặc biệt quan tâm, nỗ lực xây dựng các chế định để bảo vệ cho các em an toàn mỗi khi ra đường. Luật Trật tự an toàn, giao thông đường bộ (TTATGT) vừa được Quốc hội khoá XV thông qua ngày 27/6/2024, đã hoàn thiện khung khổ pháp lý cụ thể, chặt chẽ để bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về nội dung này, Báo CAND đã phỏng vấn Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (TNGT), Cục CSGT.

 

Đại tá Nguyễn Quang Nhật.

 

Phóng viên: Đề nghị đồng chí cho biết, những quy định trong Luật TTATGT đường bộ có nội dung bảo vệ trẻ em?

Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Trong Luật TTATGT đường bộ có rất nhiều điều, khoản quy định, nhằm bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 12 tuổi. Cụ thể, tại khoản 3 Điều 10, Luật TTATGT đường bộ quy định khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m trên xe ôtô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ôtô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em; khoản 7, Điều 5 quy định thành viên trong gia đình có trách nhiệm tuyên truyền, nhắc nhở thành viên khác chấp hành pháp luật về TTATGT đường bộ, sử dụng dây đai an toàn, ghế dành cho trẻ em hoặc có người lớn ngồi cùng trẻ em phía sau khi chở trẻ em dưới 6 tuổi bằng xe gắn máy, xe môtô; khoản 4 Điều 4 quy định bảo đảm công bằng, bình đẳng, an toàn đối với người tham gia giao thông đường bộ; tạo thuận lợi cho trẻ em, phụ nữ mang thai, người già yếu, người khuyết tật trong tham gia giao thông đường bộ; xây dựng văn hóa giao thông; giáo dục, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cho trẻ em, học sinh để hình thành, nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân và tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông đường bộ, Tại Điều 6 quy định giáo dục kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ cũng quy định giáo dục kiến thức cho trẻ em từ cấp mầm non trở lên. Tại điểm c, khoản 1 Điều 33 quy định được chở tối đa 2 người nếu có trẻ em dưới 12 tuổi. Đặc biệt, luật đã dành hẳn 1 điều là Điều 46 quy định về đảm bảo TTATGT đường bộ đối với xe ôtô chở trẻ em mầm non, học sinh, nhằm phòng ngừa tình trạng bỏ quên học sinh trên xe ô tô như thời gian vừa qua.

Phóng viên: Như đồng chí vừa nói, tại điểm c, khoản 1 Điều 33 quy định về chở trẻ em dưới 12 tuổi. Theo đó, trong luật quy định người lái xe môtô hai bánh được chở tối đa 2 người, trong đó có trẻ em dưới 12 tuổi. So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì độ tuổi này đã hạ xuống 2 tuổi. Đồng chí cho biết, vì sao, Luật TTATGT đường bộ lại quy định như vậy?

Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Những năm gần đây, Việt Nam luôn là tấm gương sáng, là điển hình tiêu biểu cho các quốc gia trên thế giới về thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Trẻ em được quan tâm và dành sự hỗ trợ về nhiều mặt, đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi và tốt nhất để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước sau này. Với lí do đó thể lực và chiều cao của trẻ em ngày càng phát triển, vì vậy, để bảo đảm an toàn cho trẻ em và người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông, Luật TTATGT đường bộ đã quy định hạ độ tuổi từ 14 xuống 12 tuổi đối với trường hợp người lái xe môtô hai bánh, xe gắn máy được chở tối đa 2 người.

 

Bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông.

 

Phóng viên: Về việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em khi ngồi trên xe ôtô (ghế trẻ em sơ sinh, ghế trẻ em nhỏ, đệm nâng), vì sao Bộ Công an lại đưa quy định này vào luật thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Khoản 3 Điều 10 quy định khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35mtrên xe ôtô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ôtô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em. Từ trước đến nay, vấn đề bảo đảm an toàn cho người lớn trên xe ôtô đã được pháp luật quy định nhưng với trẻ em là đối tượng yếu thế lại chưa được quy định cụ thể trong luật. Vì vậy, căn cứ vào đó, Bộ Công an đã đề xuất những quy định bảo đảm an toàn cho trẻ em, ưu tiên trợ giúp khi xảy ra TNGT đối với nhóm yếu thế tương thích với Công ước Viên mà Việt Nam là thành viên và dựa vào những nghiên cứu của các tổ chức xã hội, các cơ quan Y tế trong và ngoài nước đối với sự an toàn cho trẻ em trên xe ôtô và khi tham gia giao thông.

Luật TTATGT có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, nhưng riêng quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ôtô có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Để đưa quy định này vào thực tiễn, các cơ quan chức năng cần có thời gian chuẩn bị về phương án và các quy định đi kèm để việc thực thi luật tốt hơn. Đồng thời, cần thời gian để đưa ra các quy chuẩn chất lượng cho thiết bị; người dân cần chuẩn bị tiếp nhận, chuẩn bị và đáp ứng luật mới. Người dân cần hiểu về tầm quan trọng của việc sử dụng thiết bị đạt chuẩn và cách sử dụng đúng, cài đúng trên ôtô là rất quan trọng, cần chủ động thực hiện quy định này để bảo vệ trẻ em trên mỗi hành trình.

Theo nhóm nghiên cứu của PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Trường Đại học Y tế công cộng đã thực hiện đánh giá tác động của quy định này cho thấy, người dân phản ứng rất tích cực với đề xuất này và với chi phí cho một thiết bị an toàn dao động từ 1,5-2 triệu đồng/thiết bị, tương đương với 0,5% so với chi phí mua xe ôtô con tầm trung trên thị trường, đầu tư 1 lần dùng nhiều lần. Nếu quy định này được áp dụng hiệu quả, có thể kéo giảm vài trăm vụ TNGT mà trẻ em bị chấn thương đặc biệt nghiêm trọng hoặc thiệt mạng trên xe ôtô/năm.  

Phóng viên: Tôi từng tham gia rất nhiều cuộc họp của các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội, một vấn đề mà lãnh đạo Bộ Công an luôn quan tâm, nhấn mạnh đó là quy định về xe ôtô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh. Điều này, nhằm phòng ngừa các vụ tai nạn, đặc biệt là bỏ quên trẻ em trên xe ôtô như thời gian vừa qua. Đề nghị đồng chí nói rõ hơn về vấn đề này.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Như tôi đã nói ở trên, để bảo vệ trẻ em an toàn, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu, soạn thảo, dành hẳn 1 điều (Điều 46) quy định về đảm bảo TTATGT đường bộ đối với  xe ôtô chở trẻ em mầm non, học sinh. Theo đó, xe kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe; có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ. Xe ôtô chở trẻ em mầm non hoặc học sinh tiểu học phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định của pháp luật. Khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh tiểu học phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ôtô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trong suốt chuyến đi.

Trường hợp xe từ 29 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) mà chở từ 27 trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lên phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ôtô. Người quản lý, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe. Lái xe ôtô đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách. Xe đưa đón trẻ em mầm non, học sinh được ưu tiên trong tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng xe, đỗ xe tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón trẻ em mầm non, học sinh.

Việc quy định như vậy, nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ em, học sinh, tránh các sự việc đáng tiếc như thời gian vừa qua.

Phóng viên: Để thực hiện Luật TTATGT có hiệu quả nhất, đặc biệt là đối với các quy định về bảo vệ trẻ em, đề nghị đồng chí cho biết, Bộ Công an đã, đang chuẩn bị những điều kiện gì?

Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Để thực hiện Luật TTATGT, Bộ Công an đã xây dựng 4 nghị định 15 thông tư, trong đó có Nghị định hướng dẫn thi hành luật và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe… và các thông tư quy định về trung tâm chỉ huy; tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm; điều tra giải quyết TNGT...để tạo hành lang pháp lý giúp luật đi vào đời sống. Đối với các quy định về bảo vệ trẻ em cũng được hướng dẫn cụ thể trong các văn bản dưới luật, đảm bảo khi luật có hiệu lực, các quy định sẽ được thực hiện hiệu lực, hiệu quả.

 

Phương Thuỷ (thực hiện)

Theo cand.com.vn

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN
  • Ngày: 3734
  • Tuần: 66172
  • Tháng: 100000
  • Tổng: 100000