Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân – Kỳ II

Ngày đăng: 08.02.2023

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân (16/2/1953 – 16/2/2023), Trang Thông tin điện tử trân trọng giới thiệu bài viết dài kỳ nhằm tái hiện lại những chặng đường lịch sử, ôn lại truyền thống vẻ vang, tôn vinh những thành tích, chiến công của lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân (CAND).

 

3. Công tác cảnh vệ thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1976 - 1986)

Sau đại thắng Mùa Xuân 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn các đối tượng, mục tiêu cảnh vệ trên miền Bắc, lực lượng Cảnh vệ còn triển khai lực lượng và phương tiện bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ vào công tác ở các tỉnh, thành phố phía Nam sau ngày giải phóng. Công tác cảnh vệ thời gian này phải sử dụng nhiều biện pháp, hình thức bảo vệ khác nhau, kết hợp giữa bảo vệ vũ trang và hóa trang với tinh thần tích cực và chủ động phòng ngừa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đối tượng bảo vệ.

 

Bảo vệ Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội nước Việt Nam thống nhất, tổ chức tại Thủ đô Hà Nội (ngày 24/6/1976).

 

Thời gian này, ngoài bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não Trung ương, Chính phủ, lực lượng Cảnh vệ đã triển khai bảo vệ tuyệt đối an toàn nhiều cuộc bảo vệ lớn như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (1976), lần thứ V (1982), bảo vệ cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước (Quốc hội khoá VI) và bảo vệ hàng nghìn cuộc hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm và làm việc với các địa phương trong nước và đi công tác nước ngoài. Đáng chú ý là các cuộc bảo vệ đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm Trung Quốc (1977), Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng thăm các nước Tây Âu (1977), Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh đi dự Khoá họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York (Mỹ). Cũng trong năm 1977, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ đi thăm 14 nước Châu Phi; Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh thăm Liên Xô và Cu Ba (1982); bảo vệ tuyệt đối an toàn các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam như Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Tiệp Khắc Hu-sắc (1980), Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước nước Cộng hòa nhân dân Hung-ga-ri Lô-sôn-xi-ran (1984), Đoàn đại biểu Xô viết Tối cao Liên Xô Đôn Ghich (1984). 

Đặc biệt, lực lượng Cảnh vệ đã làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả, giúp lực lượng Cảnh vệ Lào và Cam-pu-chia thực hiện tốt nhiệm vụ trong bối cảnh vô cùng phức tạp của các nước bạn. Khi đất nước Cam-pu-chia mới được giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pôn-pốt. Ngày 15/2/1979, đơn vị Cảnh vệ giúp Cam-pu-chia (K71 sau đổi thành K179) được thành lập gồm 42 cán bộ, chiến sỹ (thời gian cao điểm lên đến trên 100 cán bộ và do 01 đồng chí Phó Cục trưởng phụ trách). Nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị là trực tiếp bảo vệ cán bộ cấp cao của Đảng, Chính phủ, các cuộc mít tinh, hội nghị, các đoàn khách quốc tế đến thăm Cam-pu-chia và đào tạo lực lượng Cảnh vệ cho bạn.

 

Bảo vệ Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng trong buổi tiễn Quốc trưởng Nô-rô-đôm Xi-ha-núc tại Sân bay Gia Lâm, tháng 2/1973

 

Thành tích nổi bật của lực lượng Cảnh vệ trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là mặc dù trong điều kiện đất nước vừa được giải phóng, kinh tế - xã hội rất khó khăn. Các nước đế quốc bao vây, cấm vận; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội rất phức tạp, các thế lực thù địch chống phá quyết liệt, không loại trừ mục đích ám hại các đồng chí lãnh đạo cấp cao, phá hoại các cơ quan trọng yếu của Đảng, Nhà nước ta. Song Đảng ủy, lãnh đạo Cục Cảnh vệ đã chủ động tham mưu với Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) các chủ trương, giải pháp trong công tác cảnh vệ; xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức triển khai tốt công tác bảo vệ, góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, đã phản ánh sự trưởng thành của lực lượng Cảnh vệ CAND có đủ khả năng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Ngành giao phó trong mọi tình hình.
 

 4. Công tác cảnh vệ trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước (từ 1986 đến nay)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) đã quyết định đưa sự nghiệp cách mạng nước ta bước vào giai đoạn thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đã tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Quan điểm đổi mới của Đảng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đã tác động không nhỏ tới công tác cảnh vệ. Xu hướng chung của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước là muốn công tác bảo vệ bí mật, kín đáo, không ồn ào, lộ liễu và không có sự cách biệt giữa lãnh đạo với quần chúng nhân dân.

Với quan điểm trên của Đảng, công tác cảnh vệ có những thuận lợi cơ bản. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến hết sức phức tạp, khó lường cũng gây ra cho công tác bảo vệ những khó khăn nhất định, đặc biệt kẻ địch và các phần tử xấu có nhiều âm mưu thủ đoạn chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Đó là những thử thách lớn đối với công tác cảnh vệ, đòi hỏi lực lượng Cảnh vệ phải có sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức tư tưởng, đổi mới phương thức và biện pháp công tác bảo vệ cho phù hợp với yêu cầu và tình hình, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Ngày 28/4/1987, Ban Bí thư ban hành Quy định số 04/QĐ-TW về chế độ bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và khách quốc tế đến Việt Nam. Quy định này nhằm bổ sung và thay thế Nghị quyết số 57/NQ-TW ngày 20/11/1958 của Ban Bí thư về chế độ bảo vệ. Tiếp đó, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 10/HĐBT ngày 01/02/1988 về chế độ bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và khách quốc tế đến Việt Nam.

 

Bảo vệ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác tại Mỹ

 

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 42, lực lượng Cảnh vệ đã từng bước đổi mới về quan điểm nhận thức, nội dung biện pháp công tác và đem lại hiệu quả. Trong đó, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tập trung vào công tác bảo vệ hoạt động của các đồng chí lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước ở Hà Nội và đi các địa phương; các sự kiện đặc biệt quan trọng; các đoàn khách quốc tế sang thăm Việt Nam. Một số cuộc bảo vệ, lực lượng Cảnh vệ đã phối hợp với nhiều lực lượng, nhiều ngành, nhiều địa phương như bảo vệ hoạt động của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm các tỉnh biên giới Quảng Ninh, Sơn La và Lai Châu, thăm các công trình thuỷ điện Hoà Bình và Trị An; bảo vệ các kỳ họp Quốc hội (khoá VIII); các hội nghị Trung ương (khoá VI); bảo vệ hai đoàn nguyên thủ quốc gia của Ăng-gô-la và Áp-ga-nit-xtan... Tuy mỗi cuộc bảo vệ có những đặc điểm, tình hình và yêu cầu khác nhau nhưng công tác xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo và kịp thời. Cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ bảo vệ tiếp cận, canh gác kiểm soát mục tiêu có nhiều nỗ lực, cố gắng, đảm bảo tuyệt đối an toàn, đáp ứng tốt yêu cầu chính trị của đơn vị.

Trong tình hình mới, yêu cầu đặt ra vấn đề cấp thiết phải có một văn bản pháp luật có tính pháp lý cao nhằm thể chế hóa những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tạo khung pháp lý hoàn chỉnh, góp phần thiết thực trong việc bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan trọng yếu, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và các đối tượng cảnh vệ khác trong mọi tình huống. Sau gần 09 năm xây dựng, ngày 02/4/2005, Pháp lệnh Cảnh vệ được ban hành.  

Sau gần 12 năm triển khai Pháp lệnh Cảnh vệ, công tác cảnh vệ cần có một văn bản pháp lý cao hơn để đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình đổi mới và hội nhập. Thực hiện Nghị quyết số 45/2013/QH13 ngày 18/6/2013 của Quốc hội về điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội - khóa XIII năm 2013, Bộ Công an được Chính phủ giao xây dựng dự án Luật Cảnh vệ. Trong đó, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ là đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan trong và ngoài Ngành đảm bảo chất lượng và tiến độ dự án Luật Cảnh vệ. Với tinh thần tích cực, khẩn trương, trách nhiệm, sau 04 năm xây dựng, ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XIV, Luật Cảnh vệ đã được thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/7/2018. Đây là văn bản pháp lý cao nhất quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương và quần chúng nhân dân trong công tác phối hợp với lực lượng Cảnh vệ trong đảm bảo an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ, góp phần quan trọng nâng cao vai trò, vị thế của lực lượng Cảnh vệ.

Trong công tác bảo vệ, tính từ năm 2010 đến năm 2022, lực lượng Cảnh vệ đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan bảo vệ tuyệt đối an toàn: 25.440 cuộc hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước (trong đó có 496 chuyến công tác nước ngoài, tại nhiều địa bàn phức tạp về an ninh chính trị và trong điều kiện phòng dịch bệnh Covid-19 nghiêm ngặt); 2.306 sự kiện đặc biệt quan trọng, như 03 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ  XI, XII, XIII, các Hội nghị Trung ương, các kỳ họp Quốc hội, Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010), Lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 2014), Lễ mít tinh diễu binh, diễu hành kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (năm 2015), các hội nghị quốc tế lớn tổ chức ở Việt Nam: Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17 (năm 2010), Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU -132) (năm 2015), Tuần lễ cấp cao APEC (năm 2017), Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai (năm 2019)...; 1.937 đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam, trong đó có nhiều nguyên thủ các cường quốc như: Tổng thống Mỹ Barack Obama (năm 2015), Donal Trump (năm 2017, 2019), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (năm 2017)…; tổ chức đón tiếp, hướng dẫn hơn 19 triệu lượt đồng bào và khách quốc tế vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh đảm bảo an toàn, chu đáo.

Nắm vững quan điểm của Đảng, Nhà nước về đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện chủ trương của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh vệ đã chủ động mở rộng, củng cố quan hệ hợp tác với các nước có mối quan hệ truyền thống như Liên bang Nga, Hàn Quốc, Cu Ba… phù hợp với yêu cầu đổi mới trong công tác cảnh vệ. Đồng thời, tăng cường mở rộng thiết lập mối quan hệ các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Trong đó, đặc biệt chú trọng mối quan hệ hợp tác có trọng tâm, trọng điểm trên tinh thần hợp tác hữu nghị, tin cậy lẫn nhau vì lợi ích mỗi bên cùng có lợi trong công tác cảnh vệ.

 

Trung đoàn Đặc nhiệm luyện tập xử lý tình huống nghiệp vụ

 

Thời gian qua (từ năm 2010 đến năm 2022), Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã cử 78 đoàn cán bộ đi trao đổi kinh nghiệm về tham mưu tác chiến, kỹ thuật bảo vệ, võ thuật, bắn súng với Cảnh vệ các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Cu Ba, Lào, Cam-pu-chia, Liên bang Nga, Xinh-ga-po và đón tiếp 38 đoàn An ninh, Cảnh vệ của một số nước khác đến nước ta. Thông qua công tác hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và cơ quan an ninh, cảnh vệ các nước có quan hệ truyền thống đã duy trì thường xuyên trao đổi thông tin liên quan, đặc biệt là tình hình khủng bố và biện pháp phòng, chống khủng bố. Trên cơ sở đó, lực lượng Cảnh vệ đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý về công tác nắm tình hình, trong triển khai bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kinh nghiệm trong việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, hoặc nâng cao trình độ về nghiệp vụ, võ thuật, bắn súng… Mối quan hệ giữa lực lượng Cảnh vệ Việt Nam với cơ quan an ninh, cảnh vệ các nước đã không ngừng được tăng cường và phát huy mạnh mẽ, qua đó xây dựng định hướng cho các chương trình hợp tác giữa hai Bên. Bộ Tư lệnh Cảnh vệ cũng tích cực củng cố, làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác tốt đẹp và hiệu quả giữa lực lượng Cảnh vệ Việt Nam với lực lượng an ninh Liên bang Nga, Hàn Quốc thông qua việc hai Bên đã ký kết “Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Cơ quan Cảnh vệ Liên bang Nga” và “Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Cơ quan An ninh Phủ Tổng thống Hàn Quốc” trong công tác cảnh vệ.

Đối với Cảnh vệ Lào và Cam-pu-chia, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ có mối quan hệ hợp tác truyền thống, gắn bó; các chương trình hợp tác giữa hai Bên được tổ chức thực hiện nghiêm túc, khoa học nên kết quả đạt được rất đáng khích lệ. Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã tổ chức hàng chục lớp đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ cho gần 400 cán bộ Cảnh vệ Lào và 570 cán bộ Cảnh vệ thuộc Bộ Nội vụ Vương quốc Cam-pu-chia. Bộ Tư lệnh Cảnh vệ cử các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm sang giúp Cảnh vệ Lào tập huấn về công tác kỹ thuật bảo vệ và giúp đỡ, hỗ trợ về phương tiện kỹ thuật. Ghi nhận những đóng góp quý báu, sự giúp đỡ hiệu quả của Bộ Công an Việt Nam về công tác cảnh vệ, Vương quốc Cam-pu-chia đã tặng Huân chương Hữu nghị cho các đồng chí lãnh đạo và cán bộ quản lý giảng dạy, huấn luyện của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ; Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng Huân chương Hữu nghị, Bộ An ninh Quốc gia Lào tặng nhiều Bằng khen cho cán bộ Cảnh vệ Việt Nam vì đã có thành tích giúp đỡ Cảnh vệ Lào. Đặc biệt, năm 2012, Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã trao tặng Bộ Tư lệnh Cảnh vệ Huân chương Tự do hạng Nhất. 

Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (1953 - 2023), lực lượng Cảnh vệ CAND luôn được Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ Công an quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, được đầu tư đảm bảo về cơ sở vật chất, nơi ăn ở, sinh hoạt và rèn luyện; đầu tư trang bị vũ khí, phương tiện, thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ tiên tiến, hiện đại. Bên cạnh đó, có sự phát triển và lớn mạnh không ngừng trong công tác xây dựng lực lượng, nhất là việc đi đầu trong việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao… Qua các cuộc vận động, phong trào thi đua đã tạo nên khí thế sôi nổi, phát hiện và nhân rộng nhiều gương điển hình tiên tiến, góp phần tích cực xây dựng lực lượng Cảnh vệ trong sạch, vững mạnh.

Hiện nay, lực lượng Cảnh vệ tiếp tục được củng cố kiện toàn về tổ chức và đội ngũ cán bộ, luôn luôn coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống và lý tưởng cách mạng của Đảng; nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, năng lực chuyên môn, cũng như được quan tâm trang bị vũ khí, phương tiện và các thiết bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại; tích cực mở rộng hợp tác quốc tế nhằm đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ chính trị và xây dựng lực lượng Cảnh vệ thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Đặc biệt là xây dựng lòng trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, coi trọng phẩm chất đạo đức, lối sống, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Cảnh vệ trong thời kỳ mới.

 

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an kiểm tra công tác đảm bảo an ninh khu vực Chính trị Ba Đình, ngày 14/10/2022

 

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, ngoài các thách thức an ninh truyền thống, cộng đồng quốc tế phải đương đầu với thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là: chủ nghĩa khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, dịch bệnh... Trong nước, các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị vẫn không từ bỏ âm mưu, thủ đoạn hòng làm suy yếu, phá hoại tiến tới lật đổ cách mạng Việt Nam. Vì vậy, bảo vệ tuyệt đối an toàn các đối tượng cảnh vệ càng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với lực lượng Cảnh vệ CAND. Yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra rất khó khăn, nặng nề, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ phải không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng, nắm chắc tình hình, mưu trí, dũng cảm, chủ động sáng tạo. Quán triệt và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) ngày 30/10/2016 về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Chỉ thị số 05/CT-BCT ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng lực lượng Cảnh vệ trong sạch, vững mạnh theo hướng chính quy, tinh nhuệ và hiện đại, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp “bảo vệ Đảng, bảo vệ lãnh tụ”. 

Thông qua những kết quả thiết thực hàng ngày, cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh vệ luôn đoàn kết một lòng, thường xuyên học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ Công an và nghiệp vụ Cảnh vệ, phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, để không ngừng tiến bộ và đạt hiệu quả cao trong mọi mặt công tác. Đồng thời, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng liên quan bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo cấp cao; các mục tiêu trọng yếu của Đảng, Nhà nước; các sự kiện đặc biệt quan trọng do Đảng, Nhà nước tổ chức và các đoàn khách quốc tế đến thăm Việt Nam trong mọi tình huống, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác cảnh vệ trong thời kỳ mới, xứng đáng là đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, là “thanh bảo kiếm” tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân... (còn tiếp) 

 

https://bocongan.gov.vn/tin-tuc-su-kien/

 

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN