Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Hãy luôn là những thầy, cô điển hình về tấm gương đạo đức tốt trong đào tạo sĩ quan Cảnh sát tại Trư

Ngày đăng: 02.03.2018

Hiện nay, Trường Đại học CSND có 546 cán bộ, trong đó 295 giảng viên, 104 cán bộ quản lý giáo dục, 147 cán bộ công nhân viên. Đội ngũ cán bộ giảng viên nhà trường luôn phát triển mạnh về chất lượng; về chức danh có 1 Giáo sư, 10 Phó Giáo sư, 103 giảng viên chính và huấn luyện viên cao cấp, 104 giảng viên và huấn luyên viên chính; về học vị có 68 tiến sĩ, 227 thạc sĩ đang thực hiện nhiệm vụ đào tạo, quản lý giáo dục đối với 13.884 học viên các hệ học. Đây chính là đội ngũ cán bộ làm nền tảng của hoạt động đào tạo sĩ quan cảnh sát có chất lượng cho lực lượng CSND khu vực các tỉnh, thành phố phía Nam. Thành tích hơn 41 năm qua của thầy, cô tại Trường Đại học CSND đã được Đảng, Nhà nước và ngành Công an ghi nhận. Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, trong giới hạn bài viết này, chúng tôi chỉ xin tiếp cận từ góc độ người dạy, trọng tâm là bàn về tấm gương đạo đức mẫu mực, điển hình tốt của đội ngũ thầy, cô với mong muốn tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của những người làm nghề “trồng người” ở lĩnh vực khá đặc thù đó là đào tạo sĩ quan cảnh sát để đem lại bình yên cuộc sống cho nhân dân. Trong tư cách là người tham gia công tác đào tạo sinh viên mỗi người thầy, cô của Trường Đại học CSND sẽ luôn trăn trở trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo, không chỉ trăn trở về chính chuyên môn nghiệp vụ của mình, không chỉ lo lắng về chất lượng học tập của sinh viên mà còn trăn trở về hình ảnh của chính mình có thực sự là tấm gương điển hình, mẫu mực trong lối sống, sinh hoạt, giao tiếp … với sinh viên hay chưa, có thực sự là người thầy, cô được sinh viên đánh giá, công nhận và mến yêu vì có phẩm chất đạo đức tốt. Trải qua hơn 20 năm công tác tại trường, biết bao thế hệ thầy cô đi trước không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ mà còn đọng lại trong tôi những tấm gương tốt đẹp về phẩm chất đạo đức. Ngày nay, những tấm gương đạo đức vừa nghiêm minh, vừa trong sáng, vừa nhân văn của thầy Hiệu trưởng, của các thầy trong Ban giám hiệu, của một số thầy cô là lãnh đạo Khoa, Bộ môn, Phòng, Trung tâm và của cả những thầy, cô tuy tuổi nghề, tuổi đời còn trẻ nhưng là người quan tâm đến giáo dục chuyên môn và giáo dục nhân cách cho sinh viên đã là những tấm gương tốt cho sinh viên học tập, noi theo. Tôi cũng tin chắc rằng tấm gương đạo đức, phẩm chất tốt đó đã, đang và sẽ được các thế hệ sinh viên nhà trường luôn dõi theo và học tập. Mỗi hành động, dù nhỏ của người thầy, người cô sẽ có tác dụng to lớn về tấm gương mẫu mực nếu đó là hành động tốt xuất phát từ những nhân cách lớn về đạo đức. Để thực sự điển hình về tấm gương đạo đức tốt, theo chúng tôi mỗi thầy, cô có nhiều cách khác nhau để rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu…nhưng cần có những điểm chung sau đây để ngày càng hoàn thiện mình. Một là, mỗi thầy, cô luôn xác định, luôn tâm niệm là lấy việc phục vụ sinh viên làm động lực phấn đấu. Người thầy, cô chỉ toàn tâm, toàn ý cho công việc khi xác định rõ mục tiêu đào tạo cho chính mình. Đó chính là phục vụ. Từ đó luôn quan tâm đến hình ảnh của mình đối với sinh viên, tác dụng của hành động trong suốt quá trình đào tạo sĩ quan cảnh sát tương lai không chỉ về chuyên môn mà còn là thái độ đối xử với sinh viên. Tấm gương đạo đức của người thầy, cô có trong sáng, tốt đẹp thì sẽ tạo uy tín tốt cho chính họ và sẽ lan toả làm cho cả môi trường đào tạo tốt đẹp và ngược lại. Kinh nghiệm cho thấy, rất nhiều thầy, cô trường ta được sinh viên kính trọng, mến yêu là vì trong quá trình dạy học, quản lý luôn thể hiện toàn tâm, toàn ý vì quyền lợi chính đáng của sinh viên. Phẩm chất đạo đức của thầy, cô không phải từ lời tự giới thiệu tốt đẹp về mình của chính người thầy, cô đó mà phải từ hành động vì công việc, vì tâm lý phục vụ đối tượng đào tạo là sinh viên. Sinh viên sẽ đáng giá một thầy, cô có đạo đức tốt phải thông qua chính cách hành xử trong quá trình đối xử với sinh viên chứ không phải chỉ là những lời nói bóng bẩy, sáo rỗng, thậm chí giữa lời nói và hành xử không đi đôi với nhau, có lúc trái ngược nhau. Bác Hồ đã từng nói về phẩm chất quan trọng nhất của nhà giáo là sự phục vụ. Bác nói “phục vụ Tổ quốc gắn liền với phục vụ nhân dân”. Phẩm chất đạo đức này được Bác Hồ đề cập trong nhiều bài viết, bài nói của mình. Bác từng căn dặn:“Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân- tức là phục tùng chân lý”. Hai là, mỗi thầy, cô luôn tự nhủ rằng hãy biến việc tham gia các cuộc vận động thực hiện rèn luyện phẩm chất từ góc độ trách nhiệm sang thành chủ động, tích cực mong muốn được tham gia và xem đó là tính tất yếu, là niềm tự hào luôn có trong mỗi người làm nghề dạy học. Thời gian qua Đảng, Nhà nước ta và ngành Công an có nhiều Nghị quyết và cuộc vận động tập trung vào xây dựng phẩm chất, đạo đức người cán bộ, cụ thể như “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá trong nội bộ”, “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”... Là thầy, cô giáo việc tham gia các hoạt động nêu trên theo chúng tôi không chỉ là trách nhiệm phải tham gia, nếu vậy sẽ mang tính hình thức nhiều hơn, mà tự thân mỗi thầy, cô phải thấy rằng nội dung các cuộc vận động, hay tư tưởng chỉ đạo của các Nghị quyết đó chính là giúp cho chúng ta trở thành tấm gương sáng hơn nữa về đạo đức nghề nghiệp. Chính vì vậy, chủ động, tích cực và tự hào khi tham gia các hoạt động nêu trên sẽ tạo cho chúng ta thói quen tốt về sự tu dưỡng rèn luyện, cứ thế sẽ dần dần trở thành nhu cầu thiết yếu trong công tác chuyên môn. Qua đó tự khắc bản thân mỗi người thầy, cô sẽ trở thành tấm gương đạo đức, điển hình tốt cho sinh viên noi theo. Cũng qua đó giúp cho chúng ta soi rọi lại mình để điều chỉnh, sửa chữa, khắc phục những việc làm chưa hay, chưa tốt. Các cuộc vận động trên bao trùm toàn bộ hoạt động trong cuộc sống của thầy, cô trong đó có hoạt động đào tạo sinh viên. Qua chủ động tham gia sẽ giúp tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cho thầy, cô trong mọi lĩnh vực của cuộc sống như đối với công việc, quan hệ đồng nghiệp, sinh viên, đoàn thể...Đây chính là bản chất của sự rèn luyện nghề nghiệp nói chung, của nghề dạy học nói riêng, như Bác Hồ từng chỉ dạy “Phải xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết chặt chẽ, giữa thầy với thầy, giữa thầy và trò… giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường với nhân dân”3. Rõ ràng chỉ có rèn luyện trong tư thế chủ động, tích cực với tâm thế tự hào thì mỗi thầy, cô mới có được những phẩm chất tốt đẹp và mới trở thành tấm gương sáng về đạo đức cho các thế hệ sinh viên noi theo. Ba là, mỗi thầy, cô luôn xác định “giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của giảng viên” là trách nhiệm của những người có tư cách thực hiện nghề nghiệp giáo dục đào tạo, nhất là đào tạo sĩ quan Cảnh sát nhân dân. Tôi là thế hệ đi sau, không được nhìn thấy những ngày đầu thành lập trường, chỉ được nghe kể qua thế hệ đi trước, nhưng tôi có thể cảm nhận được rằng phần nào nỗi khó khăn, cơ cực cũng như sự hết mình để vượt qua những ngày đầu khó khăn đó của thế hệ nhà giáo đi đầu của Trường Đại học CSND. Các thầy, cô ngày ấy đã vượt qua những ngày tháng thăng trầm đó để hôm nay chúng ta, thế hệ đi sau, thụ hưởng thành quả. Điều đọng lại của họ là sự tự tin, yêu nghề, trọng danh dự và trên hết là tầm gương đạo đức trong sáng. Không có lý gì thế hệ đi sau như tôi và giảng viên trẻ khác không thể giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của người thầy, cô của ngôi trường nhiều truyền thống này. Vì vậy, chúng tôi, chúng ta sẽ luôn xác định rõ trong điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay dù khó khăn vô vàn cũng sẽ tiếp nối truyền thống của thế hệ đi trước để luôn là những tấm gương sáng không chỉ về chuyên môn mà trước hết là tấm gương đạo đức, nhân văn. Trọng uy tín, danh dự thì sẽ làm tiền đề thể hiện tấm gương đạo đức tốt, sẽ được các thế hệ sinh viên kính trọng, noi theo. Bốn là, mỗi thầy, cô luôn thấm nhuần và thực hiện đúng Quy định về đạo đức nhà giáo của Bộ giáo dục và đào tạo; quy định về văn hoá ứng xử của Bộ Công an, của Trường Đại học CSND. Ngày 16/4/2008 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT quy định về đạo đức nhà giáo. Trong Quyết định này đã xác định rõ “Tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hoà nhã với người học, đồng nghiệp; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người học, đồng nghiệp và cộng đồng”4; Ngày 26/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an ra Chỉ thị số 07/CT-BCA-X11 về về “Tăng cường lãnh đạo nâng cao văn hóa ứng xử Công an nhân dân trong tình hình mới”; Ngày 22/8/2017 Bộ Trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư số 27/2017/TT-BCA “Quy định về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân”, cụ thể hoá Thông tư số 27, ngày 13/10/2017 Hiệu trưởng Trường Đại học CSND đã ban hành Quyết định số 1884/QĐ-T48 về “Quy định văn hoá ứng xử của cán bộ, giảng viên, công nhân viên và sinh viên Trường Đại học CSND”; Những quy định trong các văn bản nêu trên chính là kim chỉ nam cho hành động của từng cán bộ, giảng viên Trường Đại học CSND trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo sĩ quan Cảnh sát cho Công an các tỉnh, thành phố phía Nam. Nội dung các quy định nêu trên bao quát nhiều mảng công tác nhưng có điểm chung rất lớn, đó là luôn đặt quyền lợi của nhân dân, của tập thể, của ngành, của sinh viên lên hàng đầu, là cách xử lý theo kỷ cương và văn hoá. Quyết định số 1884 của trường đã nêu rõ ““cán bộ, giảng viên, công nhân viên và sinh viên Trường Đại học CSND trong quá trình công tác, học tập phải thực hiện đúng quy tắc ứng xử và quy tắc đạo đức nghề nghiệp”5. Chúng tôi suy nghĩ rằng, một khi từng thầy, cô đã thấm nhuần các tiêu chí ứng xử văn hoá thì sẽ trở thành điển hình, mẫu mực về tấm gương đạo đức tốt cho sinh viên và mọi người noi theo. Như đã trình bày, trở thành tấm gương đạo đức tốt trong nghề dạy học là mong muốn, là mục tiêu của mỗi thầy, cô có lòng tự trọng nghề nghiệp. Tại Trường Đại học CSND đã, đang có rất nhiều tấm gương đạo đức tốt được sinh viên công nhận và noi theo. Chúng tôi luôn mong muốn rằng ở mỗi nơi, mỗi lúc khi từng thầy, cô Trường Đại học CSND làm việc, tiếp xúc hay khi lắng nghe đều được sinh viên, được cán bộ Công an các đơn vị địa phương nhận xét, đánh giá và động viên rằng: “Hãy luôn là những tấm gương đạo đức tốt trong đào tạo sĩ quan cảnh sát tại Trường Đại học CSND các thầy, cô nhé !”. ------------------ Tài liệu tham khảo 1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2016), Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá trong nội bộ”. 2. Bộ Công an (2016), Kế hoạch số 337/KH-BCA-X11 ngày 19/12/2016 về tổ chức cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”. 3. Bộ Công an (2016), Chỉ thị số 07/CT-BCA-X11 ngày 26/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Tăng cường lãnh đạo nâng cao văn hóa ứng xử Công an nhân dân trong tình hình mới”. 4. Bộ Công an (2017), Thông tư số 27/2017/TT-BCA ngày 22/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an “Quy định về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân”. 5. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2008), Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16/4/2008 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành “Quy định về đạo đức nhà giáo”. 6. Trường Đại học CSND (2017), Quyết định số 1884QĐ-T48 ngày 13/10/2017 của Hiệu trưởng Trường Đại học CSND về “Quy định văn hoá ứng xử của cán bộ, giảng viên, công nhân viên và sinh viên Trường Đại học CSND”. 7. Trường Đại học CSND (2017), Báo cáo tổng kết công tác năm học 2016 - 2017 và nhiệm vụ trọng tâm năm học 2017 - 2018.

Tác giả: Nguyễn Văn Chánh

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN