Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc

Ngày đăng: 23.01.2016


        I. CHIẾN THẮNG CHIẾN TRANH, BẢO VỆ BIÊN GIỚI TÂY NAM CỦA TỔ QUỐC VÀ CÙNG QUÂN DÂN CAMPUCHIA ĐÁNH ĐỔ CHẾ ĐỘ DIỆT CHỦNG
        1. Bối cảnh và nguyên nhân của cuộc chiến tranh
        a.Tập đoàn Pôn Pốt đã phản bội lại sự nghiệp cách mạng của nhân dân Campuchia và phá hoại truyền thống đoàn kết, hữu nghị của nhân dân hai nước Việt Nam – Campuchia, thực hiện chính sách diệt chủng ở Campuchia và xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam
        - Từ lâu, nhân dân Việt Nam – Campuchia đã xây dựng tình hữu nghị, đoàn kết cùng chống kẻ thù chung, đặc biệt đã kề vai sát cánh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Tuy nhiên, do bị các thế lực phản động, thù địch nước ngoài kích động, lợi dụng, từ những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ (1970 -1975), quân Pôn Pốt đã tiến hành một số vụ tiến công, bắt cóc giết hại cán bộ, bộ đội Việt Nam hoạt động ở chiến trường Campuchia, đồng thời gây chia rẽ nội bộ những người cộng sản Campuchia. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 1973, quân Pôn Pốt gây ra 102 vụ, sát hại và làm bị thương 103 bộ đội Việt Nam, cướp hàng chục tấn lương thực và vũ khí.
        - Thực hiện âm mưu chiến lược phá hoại mối quan hệ liên minh đoàn kết chiến đấu giữa 3 nước Campuchia - Việt Nam - Lào nói chung và giữa hai nước Việt Nam - Campuchia nói riêng; tháng 4/1975, sau khi lên nắm quyền, tập đoàn Pôn Pốt đã phản bội lại sự nghiệp cách mạng của nhân dân Campuchia và phá hoại truyền thống đoàn kết, hữu nghị của nhân dân hai nước, thực hiện chính sách diệt chủng ở Campuchia và xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam, cụ thể:
        + Ở trong nước, chúng phạm sai lầm đặc biệt nghiêm trọng, thực thi chính sách diệt chủng tàn khốc, cưỡng bức lao động khổ sai, tra tấn hành hạ dã man người dân Campuchia; biến trường học, nhà chùa thành nhà tù, khắp mọi nơi đầy những hố chôn người tập thể,… Chỉ trong 3 năm 8 tháng và 20 ngày, (từ tháng 4 năm 1975 đến cuối năm 1978), chế độ Pôn Pốt đã giết hại gần 3 triệu người dân Campuchia vô tội, xóa bỏ mọi cơ sở xã hội, xóa bỏ thành thị, xóa bỏ sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp, xóa bỏ quan hệ tiền tệ, buôn bán và đẩy Campuchia đứng trước thảm họa diệt vong. Chế độ hà khắc ban hành đã trùm lên đất nước Campuchia đau thương: “Không tự do đi lại, không tự do hội họp, không tự do ngôn luận, không tự do tín ngưỡng, không tự do học hành, không tự do hôn nhân, không bệnh viện, không tiêu tiền, không buôn bán, không chùa chiền... và không có cả nước mắt để khóc trước cảnh đau thương của dân tộc. Chỉ còn căm thù và uất hận”[1].
        + Đối với Việt Nam, được các thế lực phản động nước ngoài hậu thuẫn, tập đoàn phản động Pôn Pốt chủ trương phá nát mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống lâu đời giữa Việt Nam và Campuchia; ra sức vu khống Việt Nam, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi; kích động xét lại quan hệ hai nước, đòi hoạch định lại biên giới Việt Nam - Campuchia, vô cớ coi Việt Nam là kẻ thù số 1 và tiến hành hàng loạt những cuộc xâm lấn biên giới, giết hại dân thường.
        Năm 1975, khi đất nước Việt Nam vừa thống nhất, Pôn Pốt đã cho quân xâm lược các đảo, biên giới đất liền Tây Nam nước ta. Ngày 03/5/1975, chúng đánh chiếm đảo Phú Quốc; ngày 10/5/1975, chúng lại tiếp tục đánh chiếm đảo Thổ Chu, bắt và giết hơn 500 dân thường. Trên đất liền, chúng khiêu khích bộ đội biên phòng ta, cho dân di dời cột mốc biên giới ở một số điểm thuộc các tỉnh Tây Ninh, Kon Tum, Đắk Lắk. Tháng 10/1975, chúng xâm nhập khu vực Pa Chàm (Lổ Cồ), xâm canh các khu vực Mộc Bài, Khuốc, Vạt Sa, Tà Nốt, Tà Bạt. Cuối năm 1975 đầu năm 1976, quân Pôn Pốt bất ngờ tiến hành một số vụ xâm nhập vào sâu lãnh thổ Việt Nam, có nơi trên 10km như ở vùng sông Sa Thầy (Gia Lai, Kon Tum), gây ra tội ác với nhân dân Việt Nam.
        Tháng 01/1976, Đại hội lần thứ IV của Đảng Cộng sản Campuchia (do Pôn Pốt làm Bí thư) xác định: “Tai họa nhất cần phải chú ý là Việt Nam…”[2]. Trong thời gian này, được sự giúp đỡ từ bên ngoài, Pôn Pốt càng đẩy mạnh các hoạt động quân sự phá hoại ta ở vùng biên giới Tây Nam. Cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm 1976, quân Pôn Pốt khiêu khích hai đồn biên phòng số 7 và số 8 ở Bu Prăng (Đắk Lắk). Cuối năm 1976, chúng tăng cường các hoạt động khiêu khích, lấn chiếm ở vùng biên giới Tây Nam nước ta. Trên địa bàn Quân khu 7, chúng gây ra 280 vụ khiêu khích, lấn chiếm 20 điểm trên biên giới. Ở địa bàn Quân khu 5 và Quân khu 9, các vụ xâm lấn ngày càng tăng với tính chất ngày càng nghiêm trọng hơn.
        Đi đôi với hành động xâm lược, tập đoàn Pôn Pốt ra sức tuyên truyền, bôi nhọ hình ảnh Việt Nam, kích động tâm lý chống Việt Nam, coi Việt Nam là “kẻ thù truyền kiếp”, “kẻ thù số 1”. Lấy cớ làm sạch nội bộ, chúng tiến hành phân loại dân, thực hiện nhiều cuộc thanh trừng đẫm máu, trong đó tập trung vào số cán bộ trước đây được đào tạo ở Việt Nam.
        Cùng với các hoạt động khiêu khích, xâm lược thô bạo đến biên giới Tây Nam của Việt Nam, trong 2 năm (từ 30/4/1975 đến 30/4/1977), Pôn Pốt đã ráo riết chuẩn bị chiến tranh. Chúng phân chia lại đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy chính quyền thôn, xã, huyện, tỉnh theo kiểu quân sự, thanh trừng những người chống đối, kích động tâm lý chống Việt Nam; xây dựng lực lượng, phát triển quân chủ lực từ 7 sư đoàn khi mới giải phóng lên 12 sư đoàn quân chính quy với đầy đủ thành phần binh chủng, hàng vạn quân địa phương, trong đó điều động 41% quân số và trang thiết bị áp sát biên giới Việt Nam. Trong hai tháng 3 và 4/1977, quân Pôn Pốt liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân diễn tập dọc biên giới với nước ta dưới danh nghĩa “phòng thủ khu vực”, “bảo đảm an ninh nội địa”, nhưng thực chất đó là các cuộc điều quân ra biên giới. Pôn Pốt tuyên bố: “Mâu thuẫn Việt Nam - Campuchia là mâu thuẫn chiến lược sống còn, không thể điều hòa được, cũng không thể giải quyết bằng thương lượng mà phải dùng biện pháp quân sự”[3]. Cuối tháng 4/1977, Pôn Pốt điều động 5 sư đoàn và hàng trăm khẩu pháo, xe tăng áp sát biên giới Việt Nam, thực hiện âm mưu xâm lược quy mô lớn vào lãnh thổ vùng biên giới Tây Nam của nước ta.
        Đêm ngày 30/4/1977, lợi dụng lúc quân và dân ta kỷ niệm hai năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tập đoàn Pôn Pốt đã mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới tỉnh An Giang, chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam.
        b. Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam buộc phải đứng lên thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình, đập tan hành động xâm lược của kẻ thù, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt  
        - Sau chiến thắng năm 1975, nhân dân Việt Nam tha thiết mong muốn hòa bình để khôi phục và phát triển đất nước. Chúng ta đã thực hiện chủ trương giảm quân thường trực kể cả các quân khu ở phía Nam để tập trung cho nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và xây dựng, phát triển đất nước.
        + Trước hành động khiêu khích, xâm phạm biên giới Tây Nam Việt Nam của quân Pôn Pốt, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm mong muốn Việt Nam và Campuchia đàm phán ký kết hiệp ước về biên giới giữa hai nước trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tiếp tục phát triển tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Chúng ta thực hiện nghiêm các thỏa thuận tại cuộc gặp mặt đại diện Việt Nam và Campuchia tại Phnôm Pênh diễn ra vào tháng 4/1976.
        + Kiên trì chủ trương xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị với Campuchia, Quân ủy Trung ương Đảng ta đã chỉ thị cho các quân khu, tỉnh có đường biên giới với Campuchia tăng cường đoàn kết với nhân dân Campuchia, tránh mọi sự khiêu khích. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, tháng 12/1976, Đảng, Nhà nước Việt Nam tiếp tục khẳng định lập trường của mình: “Ra sức bảo vệ và phát triển mối quan hệ đặc biệt giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Lào và Campuchia, tăng cường tình đoàn kết chiến đấu, lòng tin cậy, sự hợp tác lâu dài và sự giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt giữa nước ta với hai nước anh em trên nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; tôn trọng lợi ích của nhau, làm cho ba nước vốn gắn bó với nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc sẽ mãi mãi gắn bó với nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, vì độc lập và phồn vinh của mỗi nước”[4].
        - Bất chấp mọi nỗ lực ngoại giao hòa bình của Việt Nam, tập đoàn Pôn Pốt ra sức tuyên truyền xuyên tạc lịch sử, chủ động gây ra các vụ xung đột, lấn chiếm biên giới Tây Nam Việt Nam; huy động phần lớn sức mạnh quân sự, hàng chục sư đoàn chủ lực và nhiều trung đoàn địa phương tiến hành cuộc chiến tranh xâm chiếm biên giới Tây Nam Việt Nam. Đi đến đâu, chúng tàn phá làng mạc, giết hại dã man người dân, kể cả người già, phụ nữ, trẻ em Việt Nam.
        - Những hành động xâm lược và diệt chủng tàn bạo của tập đoàn Pôn Pốt là không thể dung tha. Đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, của nhân dân Campuchia, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng và thiêng liêng của mình để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân; đồng thời cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng, giúp đỡ những người cách mạng chân chính Campuchia làm lại cuộc cách mạng đã bị phản bội.
        2. Tóm tắt diễn biến cuộc chiến tranh
        Cuộc chiến tranh diễn ra theo 2 giai đoạn:
        a. Giai đoạn 1 (từ ngày 30/4/1977 đến ngày 05/01/1978): Quân Pôn Pốt mở các cuộc tiến công quy mô lớn sang lãnh thổ Việt Nam; cùng với việc tổ chức lực lượng vũ trang đánh lui quân địch, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình
        - Với dã tâm xâm lược, mở đầu cuộc chiến tranh, Pôn Pốt liên tiếp mở 3 cuộc tiến công quy mô lớn sang lãnh thổ Việt Nam:
        + Ngày 30/4/1977, chúng đánh vào 14/16 xã biên giới thuộc tỉnh An Giang, tàn phá các bản làng, trường học, cơ sở sản xuất của ta, bắn pháo vào những nơi đông dân cư ở sát biên giới và vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam. Các cuộc tiến công và pháo kích của quân Pôn Pốt vào An Giang tính đến ngày 19/5/1977 đã giết hại 222 người và làm 614 người dân Việt Nam bị thương, phá nhiều nhà cửa, tài sản của nhân dân,...
        Trước hành động xâm lược trắng trợn của quân Pôn Pốt, các lực lượng biên phòng và dân quân, du kích các xã Vĩnh Xương, Vĩnh Gia, Nhân Hưng… đã anh dũng chiến đấu, ngăn chặn địch. Quân đội ta đã sử dụng 1 trung đoàn (thuộc Sư đoàn 330), 1 trung đoàn tàu thuyền và 2 tiểu đoàn địa phương An Giang đánh trả, diệt 300 tên, buộc quân Pôn Pốt rút về bên kia biên giới. Ngày 23/5/1977, Quân ủy Trung ương ra chỉ thị cho lực lượng vũ trang ở phía Nam: “Kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của ta, không dung thứ bất cứ sự xâm lấn nào của lực lượng khiêu khích phản động Campuchia vào lãnh thổ ta; đồng thời tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Campuchia. Tìm mọi cách làm nhụt tinh thần của bọn khiêu khích. Tuyên truyền vận động nhân dân bạn và tranh thủ sự đồng tình của dư luận, tạo điều kiện ổn định một bước biên giới với Campuchia. Đập tan âm mưu chia rẽ các nước anh em trên bán đảo Đông Dương”[5].
        Thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương, các đơn vị Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4 tổ chức điều chỉnh lực lượng, phương tiện, xây dựng phương án, sẵn sàng chiến đấu. Tổng cục Hậu cần triển khai một số kho, bảo đảm yêu cầu chiến đấu; các binh chủng Công binh, Pháo binh triển khai một số đơn vị sẵn sàng đánh địch ở các hướng; mạng thông tin liên lạc từ quân khu tới các đồn, chốt biên phòng được tăng cường thêm lực lượng và phương tiện.
        + Từ ngày 25/9/1977, quân Pôn Pốt tập trung 9 sư đoàn chủ lực cùng lực lượng địa phương mở cuộc tiến công lớn thứ 2 đánh sang địa bàn các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp lên hướng Tây Ninh, gây nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam. Riêng ở 3 xã thuộc các huyện Tân Biên, Bến Cầu (Tây Ninh), quân Pôn Pốt đã tàn sát trên một  nghìn người dân.
        Trước diễn biến mới của cuộc chiến tranh, do ta chưa tổ chức được tuyến phòng thủ biên giới, Bộ Tổng Tham mưu quyết định sử dụng một bộ phận lực lượng chủ lực cơ động của Bộ đánh lui các cuộc tiến công của quân Pôn Pốt ở nhiều khu vực trên biên giới, giành lại những khu vực bị lấn chiếm, sau đó lui về củng cố lực lượng.
        + Phát hiện ta đã lui quân về phía sau, ngày 15/11/1977, quân Pôn Pốt lại mở cuộc tiến công mới nhằm đánh chiếm thị xã Tây Ninh.
        Trước tình hình đó, từ 5/12/1977 đến 5/01/1978, Quân đoàn 4, Quân đoàn 3 và Quân khu 7, Quân khu 9 tập trung 8 sư đoàn mở đợt phản công trên các hướng đường 7, đường 1, đường 2, truy kích quân Pôn Pốt sâu vào đất Campuchia 20-30km; đánh thiệt hại 5 sư đoàn, làm thất bại kế hoạch đánh chiếm thị xã Tây Ninh của địch.
        - Với âm mưu thủ đoạn nham hiểm “vừa ăn cướp, vừa la làng”, tập đoàn Pôn Pốt đưa chiến tranh biên giới ra trước dư luận thế giới: Ngày 31/12/1977, chúng ra tuyên bố vu khống Quân đội Việt Nam “tiến công xâm lược Campuchia dân chủ” nhằm cô lập Việt Nam trên trường quốc tế.
        - Cũng trong ngày 31/12/1977, Chính phủ ta ra tuyên bố về vấn đề biên giới Việt Nam - Campuchia, nêu rõ lập trường và nguyên tắc của ta là: Kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mình; luôn luôn tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia, làm hết sức mình để bảo vệ tình đoàn kết chiến đấu và hữu nghị Việt Nam - Campuchia; vạch trần âm mưu thủ đoạn và những tội ác man rợ của tập đoàn Pôn Pốt đối với đồng bào ta ở các tỉnh vùng biên giới Tây Nam.
        - Tinh thần xây dựng, lập trường chính nghĩa của Đảng, Nhà nước ta mong muốn giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước Việt Nam - Campuchia thông qua đàm phán hòa bình, tôn trọng lẫn nhau được dư luận thế giới đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, mọi nỗ lực ngoại giao nhằm thiết lập một vùng phi quân sự dọc biên giới của Chính phủ ta đều bị tập đoàn Pôn Pốt từ chối. Chúng tiếp tục phát động chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam nước ta.
        b. Giai đoạn 2 (từ ngày 06/01/1978 đến ngày 07/01/1979): Tập đoàn phản động Pôn Pốt tiến hành xâm lược trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, Quân tình nguyện Việt Nam mở cuộc tổng phản công và cùng quân dân Campuchia tiến công đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt
        - Bị thiệt hại nặng nhưng do được hỗ trợ về vũ khí, trang bị và cố vấn quân sự từ bên ngoài, quân Pôn Pốt lại tiếp tục chuẩn bị lực lượng, tập trung quân về biên giới Việt Nam. Tháng 01/1978, Pôn Pốt đưa thêm 2 sư đoàn ra biên giới, tiếp tục gây xung đột, liên tục tiến công lấn chiếm, bắn pháo vào những nơi đông dân cư, gây nhiều tội ác với đồng bào ta.
        - Trước tình hình đó, Bộ Tổng Tham mưu điều động Sư đoàn 341 (Quân đoàn 4) tăng cường cho Quân khu 9, sẵn sàng chiến đấu; đồng thời ra lệnh cho các đơn vị ta trên toàn tuyến biên giới Tây Nam nâng cao cảnh giác, thực hiện phòng ngự tích cực để hỗ trợ cho Đảng, Nhà nước ta thực hiện đấu tranh chính trị và ngoại giao.
        - Ngày 05/02/1978, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra tuyên bố ba điểm: (1) Chấm dứt mọi hoạt động quân sự, rút lực lượng vũ trang cách biên giới 5km; (2) Hội đàm tiến tới kí hiệp ước hữu nghị và không xâm lược, kí hiệp ước về biên giới; (3) Thoả thuận về một hình thức thích hợp bảo đảm thông lệ quốc tế và giám sát quốc tế.
        -  Phớt lờ thiện chí của ta, quân Pôn Pốt tiếp tục huy động lực lượng áp sát biên giới và cho quân tiến công, xâm nhập nhiều điểm trên địa phận nước ta; lực lượng của ta đã kiên quyết đánh trả, giành lại các khu vực bị lấn chiếm.
        - Từ ngày 26/3/1978, các đơn vị Quân đội ta chuyển sang tiến công, đẩy quân Pôn Pốt lùi xa dần biên giới và dồn đối phương vào thế bị động, đối phó. Đòn phản công quyết liệt của Việt Nam trên tất cả các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao đã đẩy quân Pôn Pốt vào tình thế khó khăn và tác động lớn đến tình hình chính trị nội bộ Campuchia; đồng thời hỗ trợ trực tiếp cho phong trào nổi dậy của lực lượng cách mạng Campuchia phát triển, đỉnh cao là cuộc nổi dậy từ ngày 26/5/1978 ở Quân khu Đông, làm suy yếu một bộ phận lực lượng quân Pôn Pốt. Lực lượng cách mạng Campuchia đã lập được những khu căn cứ du kích có điều kiện thuận lợi về nhiều mặt, nhất là những khu căn cứ gần Việt Nam, từng bước hình thành sự chỉ đạo thống nhất.
        - Ngày 15/6/1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp bàn về chống lại cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới Tây Nam và tình hình căng thẳng ở biên giới phía Bắc, trong đó quyết định phát động chiến tranh nhân dân, kiên quyết phản công và tiến công địch một cách chủ động, liên tục bằng mọi lực lượng, với các quy mô nhỏ, vừa và lớn, đánh địch cả trong và ngoài biên giới, tiêu diệt, tiêu hao và làm tan rã một bộ phận quan trọng sinh lực địch.
        - Sau cuộc nổi dậy của lực lượng cách mạng Campuchia ở Quân khu Đông ngày 26/5/1978, quân Pôn Pốt vừa ráo riết thanh trừng nội bộ, vừa phải đối phó với lực lượng cách mạng Campuchia vẫn đang tiếp tục hoạt động ở nhiều nơi. Để hỗ trợ cho lực lượng cách mạng Campuchia tồn tại và phát triển, tạo thế cho hoạt động của ta vào mùa khô 1979, từ ngày 14/6 đến 30/9/1978, ta sử dụng Quân đoàn 3, Quân đoàn 4 và 2 sư đoàn (thuộc Quân khu 7), 2 sư đoàn (thuộc Quân khu 5) mở tiếp đợt tiến công lớn trên các hướng đường 1, đường 7, vùng giáp biên giới Tây Ninh và đường 19 kéo dài nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, tiến tới làm suy yếu một bước lực lượng quân Pôn Pốt.
        - Do bị bất ngờ hoàn toàn về thời gian, quy mô và phương thức hoạt động của ta, quân Pôn Pốt rơi vào thế bị động, ngay ngày đầu đã bị ta đánh thiệt hại và tê liệt một số sư đoàn. Cuộc tiến công của ta đã hỗ trợ kịp thời cho lực lượng cách mạng Campuchia ở Quân khu Đông, buộc quân Pôn Pốt bị động đối phó trên cả 2 mặt trận biên giới và nội địa. Ở nhiều khu vực quan trọng, lực lượng nổi dậy đã lập được căn cứ, dựa vào dân để phát triển lực lượng. Phối hợp với lực lượng cách mạng Campuchia  trong đợt tiến công này, ta loại khỏi vòng chiến đấu 6 sư đoàn, làm suy yếu nghiêm trọng lực lượng chủ lực quân Pôn Pốt, đẩy lùi hầu hết quân Pôn Pốt ra khỏi đất Việt Nam.
        - Trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 11/1978, Việt Nam đã giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia phát triển được 15 tiểu đoàn, 5 khung tiểu đoàn, 24 đội công tác, xây dựng được các tổ chức đảng, chuẩn bị thành lập mặt trận và bộ máy lãnh đạo. Với sự giúp đỡ của Việt Nam, ngày 2/12/1978, tại vùng giải phóng thuộc xã Chơng Th’nu, huyện Snuol, tỉnh Kratié (Campuchia), Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ra mắt nhân dân Campuchia, công bố cương lĩnh cách mạng 11 điểm, trong đó nêu rõ quyết tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng yêu nước nổi dậy đánh đổ tập đoàn phản động Pôn Pốt, xóa bỏ chế độ diệt chủng tàn ác, thiết lập chế độ dân chủ nhân dân; khẳng định tăng cường tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới; kêu gọi chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế giúp đỡ mọi mặt cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Campuchia.
        - Phát hiện quân Pôn Pốt có ý định tập trung 5 sư đoàn và 4 trung đoàn tiến công đánh chiếm Tây Ninh, sau đó sẽ mở rộng địa bàn đánh chiếm lãnh thổ Việt Nam, ngày 06 và 07 tháng 12/1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua quyết tâm tổng phản công - tiến công chiến lược tiêu diệt quân địch, hoàn thành cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia nổi dậy đánh đổ tập đoàn Pôn Pốt diệt chủng, giành chính quyền về tay nhân dân.
        - Phát hiện sự chuẩn bị của ta, quân Pôn Pốt tập trung phần lớn lực lượng chủ lực bố trí dọc biên giới với Việt Nam, toàn bộ phía sau hầu như trống rỗng. Ngày 23/12/1978, quân Pôn Pốt huy động 10 trong số 19 sư đoàn đang bố trí ở biên giới mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam nước ta.
        - Trước hành động xâm lược của quân Pôn Pốt và đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, ngày 23/12/1978, Quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia mở cuộc tổng phản công - tiến công trên toàn tuyến biên giới.
        - Ngày 26/12/1978, toàn bộ hệ thống phòng thủ vòng ngoài của quân Pôn Pốt bị phá vỡ. Đến ngày 31/12/1978, quân và dân ta đã hoàn thành nhiệm vụ đánh đuổi quân Pôn Pốt, thu hồi toàn bộ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc bị kẻ thù lấn chiếm.
        - Ngày 02/01/1979, ba cụm quân chủ lực của Pôn Pốt, mỗi cụm 5 sư đoàn, án ngữ các trục đường tiến về Phnôm Pênh (đường 1, đường 7 và đường 2) cơ bản bị tiêu diệt và tan rã. Ngày 05 và 06 tháng 01/1979, trên tất cả các hướng, quân Pôn Pốt không cản được Quân tình nguyện Việt Nam truy kích và tiến sát Thủ đô Phnôm Pênh.
        - Ngày 06/01/1979, Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia bắt đầu tổng công kích vào Thủ đô Phnôm Pênh. Sau 2 ngày tổng công kích, ngày 07/01/1979, Thủ đô Phnôm Pênh hoàn toàn được giải phóng.
        - Ngày 08/01/1979, Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia được thành lập và ra tuyên bố: Xóa bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng của tập toàn Pôn Pốt, thành lập chế độ Cộng hòa nhân dân Campuchia. Việt Nam cùng nhiều nước đã công nhận nước Cộng hòa nhân dân Campuchia.
        - Ngày 17/01/1979, toàn bộ đất nước Campuchia được giải phóng; phần lớn lực lượng Pôn Pốt bị tiêu diệt và tan rã, số còn lại lẩn trốn vào rừng trên tuyến biên giới phía Tây, Tây Bắc Campuchia.
        - Từ ngày 23/12/1978 đến 17/01/1979, Quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đã tiêu diệt và làm tan rã 18 sư đoàn quân Pôn Pốt, diệt 12 nghìn tên, bắt 8.800 tên, gọi hàng 3.200 tên và làm tan rã tại chỗ 44 nghìn tên; giải phóng trên 4 triệu dân Campuchia, thu hồi toàn bộ cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật quân sự của quân Pôn Pốt; đập tan bộ máy thống trị của tập đoàn phản động Pôn Pốt từ trung ương đến cơ sở.
        - Trong thời gian gần hai năm chiến tranh, quân Pôn Pốt giết hại và bắt hơn 30 nghìn dân thường tại các xã biên giới của Việt Nam, 400 nghìn người dân mất nhà cửa, trên 3 nghìn nhà bị bỏ hoang; nhiều nhà thờ, trường học, chùa chiền bị chúng đốt phá...[6]
        3. Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng
        a. Đối với Việt Nam
        Thắng lợi trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc có ý nghĩa rất to lớn đối với Việt Nam: Một lần nữa khẳng định nhân dân Việt Nam với ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng, sẵn sàng đập tan bất kỳ âm mưu và hành động chống phá nào của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, mối quan hệ truyền thống gắn bó thủy chung, lâu đời, sự giúp đỡ trong sáng, chí nghĩa, chí tình của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Campuchia.
        b. Đối với Campuchia
        Chiến thắng ngày 7/01/1979 có ý nghĩa lịch sử đặc biệt to lớn đối với vận mệnh đất nước Campuchia: Đã xóa bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng của tập toàn Pôn Pốt, thành lập chế độ Cộng hòa nhân dân Campuchia; cứu nhân dân Campuchia ra khỏi thảm họa diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do thật sự, hồi sinh đất nước và dân tộc, xây dựng cuộc sống hòa bình, tươi đẹp.
        c. Đối với quốc tế
        - Thắng lợi vĩ đại ngày 7/01/1979 là thắng lợi chung của nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia, thể hiện sức mạnh của tinh thần đoàn kết quốc tế, sự thủy chung, trọn nghĩa vẹn tình giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia. Với thắng lợi ngày 7/01/1979, quan hệ hai nước Việt Nam - Campuchia chuyển sang thời kỳ mới - thời kỳ khôi phục, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước dựa trên nguyên tắc hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau vì sự phát triển và phồn vinh của mỗi nước.
        -  Chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt đã góp phần giữ vững hoà bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới; đấu tranh vạch trần bản chất của chế độ phân biệt chủng tộc, sắc tộc, chế độ độc tài và cảnh báo cho nhân loại cảnh giác trước nguy cơ của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và chủ nghĩa phát xít mới.
        II. PHÁT HUY TINH THẦN CHIẾN THẮNG, KHÔNG NGỪNG VUN ĐẮP MỐI QUAN HỆ “LÁNG GIỀNG TỐT ĐẸP, HỮU NGHỊ TRUYỀN THỐNG, HỢP TÁC TOÀN DIỆN, BỀN VỮNG LÂU DÀI” GIỮA VIỆT NAM VÀ CAMPUCHIA NGÀY CÀNG PHÁT TRIỂN
        1. Việt Nam giúp đỡ Campuchia ngăn chặn chế độ diệt chủng quay trở lại và hồi sinh đất nước
        - Sau thắng lợi vĩ đại ngày 7/01/1979, tuy bộ máy thống trị của tập đoàn Pôn Pốt từ trung ương đến cơ sở đã bị đánh đổ nhưng tàn quân Pôn Pốt còn khoảng 4 vạn tên do bọn đầu sỏ chỉ huy rút chạy ẩn náu ở các vùng biên giới phía Tây, Tây Bắc và một số nơi trong nội địa, dựa vào sự giúp đỡ của bên ngoài tiếp tục chống phá cách mạng Campuchia. Chúng đẩy mạnh các hoạt động chính trị, ngoại giao, hòng tạo sức ép đẩy Quân tình nguyện Việt Nam ra khỏi Campuchia trong khi lực lượng cách mạng của bạn còn yếu, hy vọng phản công chiếm lại Thủ đô Phnôm Pênh với ảo tưởng lập lại chính quyền Campuchia dân chủ diệt chủng.
        - Ngày 18/02/1979, tại Thủ đô Phnôm Pênh, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Heng Samrin thay mặt Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia ký Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Hai bên cam kết hết lòng ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt, bằng mọi hình thức cần thiết nhằm tăng cường khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và công cuộc lao động hòa bình của nhân dân mỗi nước.
        + Thực hiện những cam kết ghi trong Hiệp ước, sau ngày chiến thắng, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam lại tiếp tục sát cánh cùng các lực lượng yêu nước và nhân dân Campuchia ngăn chặn sự quay trở lại của chế độ diệt chủng,  mang lại sự hồi sinh cho đất nước Chùa Tháp, vì hòa bình, ổn định ở khu vực. Đây là việc làm phù hợp với luật pháp quốc tế, đáp ứng nguyện vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Campuchia, thể hiện sâu sắc tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, được nhân loại tiến bộ và những người có lương tri trên toàn thế giới hoan nghênh.
        + Hàng ngàn cán bộ, chuyên gia Việt Nam được cử sang, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam ở lại tiếp tục giúp cách mạng và nhân dân Campuchia.
        + Từ năm 1979-1982, cùng với việc giúp bạn xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân, Quân tình nguyện Việt Nam giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia vừa xây dựng lực lượng, vừa phối hợp chiến đấu truy quét tàn quân Pôn Pốt ở các vùng biên giới phía Tây, Tây Bắc và nội địa. Nhờ đó, lực lượng cách mạng Campuchia dần dần lớn mạnh, từng bước bảo vệ vững chắc công cuộc xây dựng, hồi sinh đất nước, tạo điều kiện để quân tình nguyện Việt Nam rút dần về nước.
        + Trên lĩnh vực kinh tế, Việt Nam, trực tiếp là Quân tình nguyện và đội ngũ chuyên gia về kinh tế đã giúp nhân dân Campuchia dần khắc phục được  hậu quả nặng nề về kinh tế mà tập đoàn Pôn Pốt để lại sau gần 4 năm thống trị. Đặc biệt trước nạn đói và bệnh tật đe dọa nghiêm trọng đến nhân dân Campuchia, mặc dù đất nước cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ Việt Nam đã mở chiến dịch nhanh chóng huy động lương thực và thóc giống cùng thuốc men, hàng tiêu dùng thiết yếu, nông cụ... chuyên chở sang cứu đói, chữa bệnh và phục vụ sản xuất nông nghiệp trước mắt ở Campuchia. Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia đã sử dụng mọi phương tiện vận chuyển, đưa hàng triệu người dân Campuchia đang chịu cảnh ly tán trở về quê cũ; giúp họ xây dựng lại nhà cửa, trường học, bệnh xá, phân phát dụng cụ gia đình, công cụ sản xuất, hạt giống, con giống để khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Cuối năm 1979, một số nơi ở Campuchia đã có lúa gặt, góp phần quan trọng đẩy lùi nạn đói.
        + Trên lĩnh y tế, các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam đã nhanh chóng cử đội ngũ quân y cùng chuyên gia y tế Việt Nam sang giúp Bạn từng bước khôi phục hệ thống chăm sóc sức khoẻ, tổ chức khám chữa bệnh cho nhân dân, phòng, chống dịch bệnh đang hoành hành khắp nơi.  
        + Trên lĩnh giáo dục, văn hóa, giao thông vận tải, tiền tệ, Việt Nam cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ Campuchia. Ngay từ tháng 3/1979, các chuyên gia Việt Nam cùng cán bộ Campuchia đã bắt tay ngay vào việc xây dựng bộ máy giáo dục, tập hợp đội ngũ trí thức, giáo viên, triển khai việc khôi phục lại ngành giáo dục. Đến tháng 6/1979, Campuchia đã có trên 32 vạn học sinh và trên 7.000 giáo viên tiểu học.
        + Cùng với việc giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã giúp Campuchia xây dựng hệ thống chính quyền cách mạng, các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp.
        + 10 năm (1979-1989) làm nhiệm vụ quốc tế cao cả ở Campuchia, cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã thể hiện rõ ý chí kiên cường, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng của nhân dân Campuchia, vượt qua những thử thách hết sức gay go, quyết liệt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ; hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã anh dũng hy sinh trên đất bạn vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.
        + Ngày 26/9/1989, trước sự chứng kiến của giới truyền thông quốc tế, các đơn vị cuối cùng của Quân tình nguyện Việt Nam rút quân về nước trong sự lưu luyến của nhân dân Campuchia.
        - Đánh giá sự giúp đỡ to lớn, trong sáng, chí nghĩa, chí tình, kịp thời và có hiệu quả của Việt Nam đối với Campuchia, Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ Vương quốc Campuchia khẳng định: “Trong khi nhân dân Campuchia đang phải hứng chịu bao đau khổ thì có nhiều nước trên thế giới tự cho mình là người bảo vệ công lý, tôn trọng nhân quyền và quyền tự do bày tỏ chính kiến nhưng họ đã không đoái hoài, không đến giúp giải phóng nhân dân Campuchia chúng tôi thoát khỏi chế độ dã man này. Chỉ có đất nước Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tự nguyện đưa con cháu và những người thân yêu của mình đến giúp giải phóng và cứu tính mạng của người dân Campuchia trong lúc vô cùng nguy nan và khẩn cầu các nước đến cứu giúp”[7]; “Nếu không có ngày 07/01/1979, nhân dân Campuchia chúng tôi cũng không thể có được những gì trong ngày hôm nay. Đây là chân lý lịch sử không một thế lực phản động nào có thể phủ nhận”[8]; “Không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Campuchia không có ngày nay, dứt khoát là thế”[9] ...
        2. Mối quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam – Campuchia tiếp tục được củng cố và ngày càng phát triển
- 40 năm qua kể từ sau Chiến thắng ngày 07/01/1979, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam – Campuchia được các thế hệ Lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp đang không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp, mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước.
        - Việt Nam và Campuchia duy trì thường xuyên các chuyến thăm lẫn nhau của Lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và giao lưu nhân dân  hai nước. Nhờ đó, đã góp phần vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Campuchia ngày càng phát triển đi vào chiều sâu và có hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực.
        - Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch giữa hai nước Việt Nam - Campuchia phát triển nhanh. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trung bình khoảng 30-40%/năm, đã đạt 3,8 tỷ USD vào năm 2017. Trong 7 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 2,7 tỷ USD, tăng 18,7 % so với cùng kỳ năm 2017. Hiện nay, Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ ba và đứng thứ năm trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào Campuchia. Việt Nam có trên 190 dự án đầu tư sang Campuchia được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài.
        - Hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, giáo dục - đào tạo, du lịch… giữa hai nước tiếp tục phát triển. Campuchia đã tích cực hỗ trợ và giúp đỡ Việt Nam trong công tác tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sỹ Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất Campuchia qua các thời kỳ chiến tranh.
        - Trong thời gian tới, dù bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, hai nước, hai dân tộc Việt Nam và Campuchia sẽ cùng nhau cảnh giác, đấu tranh với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi bị kích động và thứ văn hóa bôi nhọ, vu khống, kích động, gây chia rẽ để không ngừng tăng cường hơn nữa quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện, vun đắp hơn nữa cho mối quan hệ này phát triển tốt đẹp, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, vì lợi ích của nhân dân Việt Nam và Campuchia, vì hòa bình và phát triển trong khu vực và trên toàn thế giới.

        [1] Diễn văn của ông Rua Xa-may, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia tại cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội chào mừng thắng lợi của cách mạng Campuchia, ngày 11/1/1979.
        [2] Tài liệu thu được của địch, hồ sơ số KC559, tài liệu lưu tại Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
        [3] Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 13, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.99.
        [4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb.Sự thật, Hà Nội 1977, tr.81.
        [5] Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 13, Sđd tr.104.
[6] Số liệu được trích trong Bách khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, quyển 1, Nxb.QĐND, Hà Nội, 2015, tr.361.
        [7] Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Heng Samrin tại Lễ kỷ niệm 35 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979 - 7/1/2014) được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.
        [8] Chiến thắng biên giới Tây Nam Việt Nam và dấu ấn Quân tình nguyện Việt Nam đối với cách mạng Campuchia, Sđd, tr.170.
        [9] Phát biểu của Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong buổi gặp mặt chiều ngày 21/6/2017 tại tỉnh Bình Dương nhân kỷ niệm 40 năm ngày Thủ tướng Hun Sen và đồng đội bắt đầu con đường cách mạng cứu đất nước Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt..

Tác giả: Đại úy, ThS Ngô Văn Thảo

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN