Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

“Hành trình người lái đò”

Ngày đăng: 17.11.2023

          Nếu xem cuộc đời của mỗi người là một hành trình, thì trên hành trình đó có rất nhiều chặng đường đáng nhớ, có những nơi là một trạm dừng nghỉ, có những lúc là một khoảng tạm dừng chân. Nhưng kỳ thực, chẳng ai có thể biết khi nào trạm dừng nghỉ lại là bến dừng của chính mình trong một khía cạnh nào đó. Bạn bè, kết hôn, gia đình, công việc... tất cả được xác định bởi hai điều, một là tự mình quyết định, hai là định duyên.

 

Bản thân tôi cũng chẳng thể dự đoán trước hay hoàn toàn tự chọn cho mình về tương lai. Ngày ấy, khi là một cậu thanh niên vừa rời ngôi trường cấp 3 ở quê, một điều duy nhất tôi chắc chắn là mình sẽ trở thành một chiến sĩ Công an nhân dân. Ngôi trường Đại học Cảnh sát nhân dân xa lạ với tôi lúc ấy là một trạm dừng như bao trạm khác hay là một nơi bắt đầu và gắn bó lâu dài, tôi cũng không đoán định được. Khoảng thời gian học tập trôi qua, với nhiều người bạn cùng khóa, ngày tốt nghiệp là ngày ra trường, còn với tôi, đó chỉ là ngày mà tấm bằng đại học được trao đến tay, tôi không ra trường, tôi ở lại tiếp tục gắn bó với nơi này, trở thành một thầy giáo.

31 năm đã trôi qua, có lúc thấy thật dài, mọi thứ chậm rãi, có lúc lại thấy sao vụt qua quá nhanh, nhiều điều chưa kịp kết thành kỷ niệm lại vội hóa thành quá khứ. Có những cuộc gặp gỡ, hội ngộ thật tình cờ, bao lớp học viên đến rồi đi, có người ở lại và trở thành giáo viên như tôi. Cứ như vậy, từng năm tháng trôi qua nhẹ nhàng, đến khi nhìn lại đã hơn 3 thập kỷ, quãng thời gian tôi đã gắn bó với mái trường thân yêu này.

 

Ảnh minh hoạ (Nguồn: internet)

 

Một năm có nhiều ngày kỷ niệm, mỗi người lại có một ngày đặc biệt cho riêng mình, Lễ, Tết, ngày thành lập lực lượng, ngày chúng ta đến với một lương duyên nào đó... tất cả đều đáng mong đợi, đáng nhớ theo những cách khác nhau. Có một ngày đặc biệt mà tất cả đều nhớ đến và cùng chung một niềm trân quý, ngày để tỏ lòng biết ơn gửi đến những người chỉ lướt qua cuộc đời một khoảng ngắn, nhưng những giá trị cao quý chẳng bao giờ phai – Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày lễ của truyền thống thể hiện tinh thần “Tôn sư, trọng đạo”.

Mỗi năm đến ngày này, nhiều lời chúc của học viên, bạn bè và người thân được gửi đến, niềm hạnh phúc của người làm nghề giáo đôi khi chỉ đơn giản được gói gọi trong những lời chúc ấy. Không cần hoa mỹ, cầu kỳ, không nhất thiết phải là những phần quà giá trị về vật chất, tấm lòng – món quà tinh thần – chính là điều có giá trị cao nhất. Tôi không chỉ là một người thầy, trước khi làm thầy, tôi cũng là một học trò của những người thầy, người cô đi trước. Mỗi một dịp ngày Hiến chương nhà giáo đến cũng là lúc báo hiệu số tuổi đời, tuổi nghề được cộng dồn, nâng thêm. Bản thân cũng cảm thấy đã dần dần lớn tuổi, trí nhớ, sức khỏe không còn được nguyên vẹn như thời mới bắt đầu với cấp hàm học viên trên vai nữa. Chính lúc ấy cũng là khi tôi nghĩ về những thầy cô của mình ngày trước, tháng năm trôi qua làm tóc thầy thêm bạc, làm cho giọng nói của cô không còn thanh như trước. Những gì tốt đẹp nhất của thanh xuân, các thầy cô đã mang đến với giảng đường, lớp học, gửi tặng vào một phần kỷ niệm chung của các thế hệ học viên nhà trường.

 

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

 

31 năm là khoảng thời gian dài, có thể đưa một đứa trẻ sơ sinh trở nên trưởng thành, tạo ra thế hệ tiếp theo, thậm chí là bắt đầu có suy nghĩ của một người lớn tuổi. Bởi vậy cũng chẳng bất ngờ hay trách khứ gì thời gian khi nghĩ lại và nhớ về kỷ niệm ngày trước, ngày mà những người thầy, người cô đương độ xuân sắc trên bục giảng. Ngày kỷ niệm 30 năm của khóa học, có những giáo viên vắng mặt vì nhiều lý do khác nhau, tựu trung lại, chẳng ai có thể chiến thắng được thời gian. Chẳng thể nào gửi tặng thầy cô thanh xuân trở lại, nhưng hoàn toàn có thể làm cho thầy cô như được trở lại thanh xuân. Đó là sự biết ơn, lòng thành sâu sắc. Cảm ơn thầy cô vì tất cả, những người giáo viên mang trên mình bộ quân phục, mang trong mình một trái tim ấm áp, yêu thương và trách nhiệm, đã đào tạo ra biết bao thế hệ sĩ quan Cảnh sát nhân dân bảo vệ bình yên cho Tổ quốc.

Trong hôn nhân, 30 năm được gọi là “đám cưới ngọc trai”. Trong tình bạn, trên 20 năm được xem là kim cương. Còn đối với nghĩa thầy trò, dù trải qua dài hay ngắn, cả một thư viện hay vài nét chữ, ân nghĩa của thầy và hiếu trọng của học trò chẳng có một mức độ, vật phẩm nào có thể so sánh được. Nhân ngày Nhà giáo, trân trọng kính gửi đến tất cả thầy cô giáo nói chung, tại trường Đại học Cảnh sát nhân dân nói riêng những lời chúc tốt đẹp nhất, mãi mãi vững bước trên con đường làm nghề giáo, làm sáng mãi chữ cao quý của nghề nghiệp, rạng rỡ thêm truyền thống của nhà trường!

 

 

Tác giả: Thượng tá Trần Văn Quý – Cựu sinh viên Khoá DK2

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN