Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Chia sẻ kinh nghiệm đọc sách hiệu quả trong quá trình tự học của sinh viên chuyên ngành QLHC về TTXH

Ngày đăng: 13.03.2022

Việc đọc sách giúp sinh viên nắm được các kiến thức xã hội, pháp luật, nghiệp vụ, nắm được mục đích, giá trị lý luận và giá trị vận dụng của từng môn học, bài học.

                  

Sách được ví như kho tàng tri thức của nhân loại, đọc sách giúp mở mang kiến thức, tầm hiểu biết, giúp cải thiện khả năng ghi nhớ, làm tăng sự tập trung và chú ý, sách mang đến những phút giây giải trí, giúp con người có những khoảng lặng về tâm hồn sau nhưng giờ làm việc, học tập căng thẳng… Đối với sinh viên trường Đại học Cảnh sát nhân dân nói chung và sinh viên chuyên ngành Quản lý hành chính về trật tự xã hội nói riêng, đọc sách là việc làm thường xuyên, diễn ra trong suốt thời gian học tập tại trường, việc đọc sách giúp sinh viên nắm được các kiến thức xã hội, pháp luật, nghiệp vụ, nắm được mục đích, giá trị lý luận và giá trị vận dụng của từng môn học, bài học.

Để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, phát triển văn hóa đọc cho sinh viên, Nhà trường đã đầu tư xây dựng, phát triển môi trường đọc sách, thư viện là trung tâm, lưu trữ, trưng bày, cung cấp tất cả các đầu sách, tài liệu, công trình khoa học. Đồng thời, cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng được đầu tư hiện đại đảm bảo để sinh viên, giảng viên có thể đọc sách một cách hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, qua quan sát của chúng tôi trong giờ nghiên cứu tự học của sinh viên chuyên ngành QLHC về TTXH, số sinh viên đến thư viện đọc sách chưa nhiều. Điều này xuất phát từ nhiều lý do khác nhau như sinh viên tiếp cận, đọc một cuốn sách chưa đúng phương pháp, chưa có động lực, chưa xác định được mục tiêu để đọc sách dẫn đến không hứng thú, không duy trì thói quen đọc sách đều đặn tại thư viện, đặc biệt là khi đọc các cuốn sách, các tài liệu có liên quan đến kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành. Theo kết quả đánh giá của giảng viên khi giao đề tài cho sinh viên nghiên cứu tự học cho thấy, các nội dung trả lời của sinh viên chuyên ngành QLHC về TTXH chưa khái quát đúng, đủ các nội dung giảng viên yêu cầu, mặc dù giảng viên đã hướng dẫn nguồn sách, tài liệu để sinh viên nghiên cứu.

Từ thực trạng nêu trên, chúng tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm đọc sách hiệu quả dành cho sinh viên chuyên ngành QLHC về TTXH. Trong đó tập trung thực hiện các nội dung sau đây khi tiếp cận, đọc một cuốn sách:

Một là, xác định mục đích để đọc sách.

Khi đến thư việc của trường, sinh viên chuyên ngành QLHC về TTXH thường tìm đọc các cuốn sách mà bản thân thấy có liên quan đến nội dung chuyên ngành mà mình đang học, hoặc một số cuốn sách trên các lĩnh vực văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội có tựa đề thu hút, trang trí bìa bắt mắt. Việc đọc sách thường diễn ra một cách ngẫu nhiên, chưa có mục đích rõ ràng dẫn đến chỉ đọc thoáng qua, chưa tập trung, chưa có sự tư duy về vận dụng giá trị cuốn sách đó cho thực tiễn công tác. Để khắc phục điều này, sinh viên chuyên ngành QLHC về TTXH cần chú ý:

- Quá trình nghe giảng trên lớp, nếu chưa rõ, chưa hiểu vấn đề, hoặc cần nghiên cứu mở rộng vấn đề, thì chủ động trao đổi với giảng viên và đề nghị giảng viên giải đáp, giới thiệu các nguồn tài liệu có liên quan ở thư viện để tìm đọc;

- Ghi chú những nội dung giảng viên giao nghiên cứu, thảo luận, xêmina và các tài liệu tham khảo kèm theo kế hoạch dạy học mà giảng viên cung cấp để tìm đọc tại thư viện;

- Thường xuyên tư duy, đặt vấn đề và tìm sách, tài liệu có liên quan đến nội dung bài học để nghiên cứu, làm rõ nội dung đó.

Hai là, ghi nhớ những thông tin cơ bản của cuốn sách

Khi đọc sách, đừng vội đọc ngay nội dung, mà trước hết cần tìm hiểu các thông tin cơ bản của sách như: Tên sách, tên tác giả, năm xuất bản, nhà xuất bản… Những thông tin này có tác dụng bổ trợ, logic giữa tên sách, tác giả với nội dung được trình bày trong sách, giúp sinh viên nhớ lâu hơn, có nhiều ấn tượng hơn và phát triển tư duy tốt hơn. Mặt khác, việc nắm các thông tin của sách cũng góp phần chia sẻ, giới thiệu sách đã đọc với các sinh viên khác, điều đó góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.

Ba là, xem kỹ mục lục, lời giới thiệu, lời nói đầu, kết luận.

Đọc sách mà không đọc mục lục, lời giới thiệu, lời nói đầu, kết luận, cũng giống như đi đến một thành phố xa lạ mà chưa tìm hiểu bản đồ về thành phố đó, điều đó dễ dẫn đến chúng ta bị lạc đường, mất phương hướng, không xác định cấu trúc, phạm vi nội dung của sách. Do đó, cần đọc kỹ mục lục, lời giới thiệu, lời nói đầu, kết luận để nắm được cấu trúc, nội dung, mục đích, thậm chí là những lời khuyên, những chia sẻ kinh nghiệm của tác giả, từ đó sinh viên xác định được phương pháp tiếp cận, phương pháp đọc và ghi nhớ các nội dung của sách một cách hiệu quả.

Bốn là, Đọc nhanh một số đoạn của sách

Sau khi đã có được thông tin về nội dung và mục đích cuốn sách, sinh viên hãy đọc qua một số đoạn của sách, phát hiện những đoạn lí thú, có giá trị. Có thể bắt đầu từ những mục, đề mục có tựa đề thu hút, hoặc tựa đề phù hợp với vấn đề mà sinh viên đang cần nghiên cứu, tìm hiểu. Nhờ đọc qua một vài đoạn như vậy, những nhận định về nội dung cuốn sách sẽ dần được chính xác hoá, tạo điều kiện cho bước đọc sau.

Năm là, lựa chọn cách đọc phù hợp với sách

Trong quá trình đọc sách, sinh viên không nhất thiết phải đọc từng chữ, từng dòng, từng đoạn từ mở đầu cho đến cuối sách, vì các sách chuyên ngành QLHC về TTXH thường rất dài, cách đọc như vậy rất tốn thời gian và dễ gây mệt mỏi vì cường độ tập trung cao suốt thời gian dài. Tùy vào mỗi cuốn sách, nội dung được khái quát, mục đích mà sinh viên đang muốn nghiên cứu, tìm hiểu để lựa chọn một phương pháp đọc phù hợp. Có thể lựa chọn một số phương pháp đọc như:

- Đọc lướt qua: Nhằm khái quát những khái niệm ban đầu và nội dung của nó trong cuốn sách. Với những sinh viên có năng khiếu, chỉ bằng cách đọc lướt đã nắm được điều cốt yếu nhất như ý chính, sự việc chính… Khi đọc lướt, có thể bỏ qua một số trang, đoạn nào đó, hoặc dừng lại ở một số trang, đoạn nào đó. Cách đọc này sử dụng khi đọc để tìm hiểu một vấn đề nào đó đã được chuẩn bị, cần làm rõ thêm, khẳng định thêm; hoặc tìm những cách diễn đạt khác nhau cho một vấn đề nhất định.

- Đọc có trọng điểm: Là cách đọc từng đoạn, từng phần đã được lựa chọn từ trước nhằm tập trung sức lực và thời gian cho những nội dung cần thiết, cho một công việc đã được chuẩn bị.

- Đọc toàn bộ nhưng không nghiền ngẫm kĩ: Cách đọc này nhằm khái quát toàn bộ cuốn sách chứ không đi sâu vào những nội dung cụ thể. Khi đọc không bỏ qua trang nào cũng không dừng lại suy ngẫm ở nội dung nào mà chỉ nắm xem, điều đó đã được bàn tới, và bàn ở mức độ nào.

- Đọc nghiền ngẫm nội dung cuốn sách: Đây là cách đọc quan trọng nhất, cần thiết nhất trong tự học của sinh viên chuyên ngành QLHC về TTXH để lĩnh hội đầy đủ nội dung cuốn sách. Từng nội dung, từng vấn đề được xem xét tìm hiểu cặn kẽ, có đối chiếu với kiến thức, nội dung bài giảng của giảng viên, với các cuốn sách khác mà sinh viên đã từng đọc, so sánh với các công trình khoa học có liên quan đến lý luận QLHC về TTXH được trình bày trong sách.

Sáu là, Tập trung cao độ khi đọc sách và ghi chép những nội dung cần thiết

Tập trung cao độ cho việc đọc sách là nỗ lực, cố gắng định hướng toàn bộ tâm trí một cách liên tục vào việc đọc nhằm suy nghĩ thấu đáo, tư duy tích cực và ghi nhớ nhanh những điều rút ra khi đọc, tránh những yếu tố bên ngoài tác động làm mất đi sự tập trung và mạch tư duy logic khi đọc sách. Khi đọc đừng suy nghĩ tản mạn ra khỏi nội dung cuốn sách; đừng để ý tới những chi tiết vụn vặt như lối in ấn, câu chữ… Cố gắng không để những công việc khác, những tác động bên ngoài làm xao nhãng quá trình tư duy trong khi đọc. Khi gặp vấn đề khó hiểu thì đừng nản. Hãy cố gắng suy nghĩ hoặc ghi lại để tìm hiểu sau hoặc trao đổi nhờ giảng viên giúp đỡ.

Để đảm bảo việc tập trung, sinh viên cần chú ý chọn nơi đọc sách thích hợp để có thể tập trung tư tưởng cao và liên tục. Nên chọn thư viện làm nơi đọc sách, vừa tiện tra cứu, có sẵn nhiều tài liệu, phong phú, đa dạng. Nếu đọc tại phòng ở ký túc xá, sinh viên có thể bị làm phiền vì sự ồn ào hoặc sự xen ngang của những câu chuyện giữa sinh viên với nhau. Nếu phải đọc ở ký túc xá, không nên đọc sách trong tư thế nằm, dễ ảnh hưởng đến trí nhớ. Tốt nhất là đọc tại bàn viết, ngồi thoải mái, để sách vừa tầm mắt.

Khi đọc sách cần chuẩn bị bút, vở ghi chép và các dụng cụ cần thiết khác để bên cạnh, sao cho khi cần có thể lấy được ngay, nhằm kịp thời ghi lại các nội dung chính của sách, các nội dung sinh viên đang cần tìm hiểu, nghiên cứu, các nội dung có giá trị vận dụng cao vào thực tiễn công tác, các nội dung mang tính bảo mật của ngành Công an mà sinh viên không được cung cấp các văn bản có liên quan. Mặt khác, việc ghi chép sẽ giúp sinh viên tập trung hơn, giảm mệt mỏi; giúp ghi nhớ những kiến thức đã tiếp thu.

Trên đây là nội dung bài viết “chia sẻ kinh nghiệm đọc sách hiệu quả trong quá trình tự học của sinh viên chuyên ngành Quản lý hành chính về trật tự xã hội”. Chúng tôi hy vọng nội dung bài viết có thể giúp ích cho sinh viên trường Đại học CSND nói chung, sinh viên chuyên ngành Quản lý hành chính về trật tự xã hội nói riêng có thể vận dụng, nâng cao hiệu quả đọc sách trong quá trình tự học.

-------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kiều Thúy Nga, “Một số mô hình không gian thư viện sáng tạo, tăng cường văn hóa đọc tại các thư viện công cộng Việt Nam”, Tạp chí Thư Viện Việt
Nam, Số 2, Năm 2018. Trang 03 – 06;

2. Lâm Thị Hương Duyên, “Tìm hiểu văn hóa đọc của sinh viên ngành thông tin học Trường Đại học Cần Thơ”, Tạp chí Thông tin và Tư liệu, Số 1, Năm 2018, Trang 31-38;

3. Nguyễn Đình Lâm, “Kỹ năng đọc sách, một phương diện quan trọng của văn hóa đọc trong nhà trường đại học”, Tạp chí Nghiên cứu văn hóa, Số 21, Năm 2017. Trang 85 – 90;

4. Nguyễn Hải Sinh, “Phát triển văn hóa đọc cho sinh viên hiện nay”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Số 3, Năm 2018. Trang 120 – 123.

 

Tác giả: Nguyễn Thành Phương

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN
  • Ngày: 71
  • Tuần: 264
  • Tháng: 2293
  • Tổng: 1100200