Quy định về chuẩn chương trình đào tạo đại học theo Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 07/8/2021 và áp dụng đối với các khóa tuyển sinh sau ngày 01/01/2022.
Theo khoản 2 Điều 2 Thông tư 17, chuẩn chương trình đào tạo của một trình độ giáo dục đại học là những yêu cầu chung, tối thiểu đối với tất cả chương trình đào tạo của các ngành (các nhóm ngành, lĩnh vực) ở trình độ đó; bao gồm yêu cầu về mục tiêu, chuẩn đầu ra (hay yêu cầu đầu ra), chuẩn đầu vào (hay yêu cầu đầu vào, khối lượng học tập tối thiểu, cấu trúc và nội dung, phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập, các điều kiện thực hiện chương trình để bảo đảm chất lượng đào tạo.
Trong đó, căn cứ các quy định tại Chương II Thông tư 17, nội dung, yêu cầu tối thiểu đối với chương trình đào tạo đại học bao gồm:
• Chuẩn đầu vào
Người học phải tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc trình độ tương đương.
• Khối lượng học tập
Khối lượng học tập của chương trình đào tạo, của mỗi thành phần hoặc của mỗi học phần trong chương trình đào tạo được xác định bằng số tín chỉ. Trong đó:
- Khối lượng học tập tối thiểu của chương trình đào tạo đại học là 120 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh theo quy định hiện hành.
- Khối lượng học tập tối thiểu của chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7: 150 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh theo quy định hiện hành; hoặc 30 tín chỉ đối với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành.
- Một tín chỉ được tính tương đương 50 giờ học tập định mức của người học, bao gồm cả thời gian dự giờ giảng, giờ học có hướng dẫn, tự học, nghiên cứu, trải nghiệm và dự kiểm tra, đánh giá.
- Đối với hoạt động dạy học trên lớp, một tín chỉ yêu cầu thực hiện tối thiểu 15 giờ giảng hoặc 30 giờ thực hành, thí nghiệm, thảo luận trong đó một giờ trên lớp được tính bằng 50 phút.
• Cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo
- Phải thể hiện rõ vai trò của từng thành phần, học phần, sự liên kết logic và bổ trợ lẫn nhau giữa các thành phần, học phần đảm bảo thực hiện mục tiêu, yêu cầu tổng thể của chương trình đào tạo.
- Phải thể hiện rõ đặc điểm và yêu cầu chung về chuyên môn, nghề nghiệp trong lĩnh vực, nhóm ngành ở trình độ đào tạo, tạo điều kiện thực hiện liên thông giữa các ngành và trình độ đào tạo; đồng thời thể hiện những đặc điểm và yêu cầu riêng của ngành đào tạo.
- Phải quy định rõ những thành phần chính yếu, bắt buộc đối với tất cả người học; đồng thời đưa ra các thành phần bổ trợ, tự chọn để người học lựa chọn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp của bản thân.
- Phải định hướng được cho người học đồng thời đảm bảo tính mềm dẻo, tạo điều kiện cho người học xây dựng kế hoạch học tập cá nhân theo tiến độ và trình tự phù hợp với năng lực, điều kiện của bản thân.
- Mỗi thành phần, học phần của chương trình đào tạo phải quy định mục tiêu, yêu cầu đầu vào và đầu ra, số tín chỉ và nội dung, đặc điểm chuyên môn; đóng góp rõ nét trong thực hiện mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
- Yêu cầu đối với chương trình đào tạo đại học và chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7:
+ Giáo dục đại cương bắt buộc bao gồm các môn lý luận chính trị, pháp luật, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh theo quy định hiện hành;
+ Đối với các chương trình đào tạo song ngành, ngành chính - ngành phụ, chương trình đào tạo cần được cấu trúc để thể hiện rõ những thành phần chung và những phần riêng theo từng ngành;
+ Đối với chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7, yêu cầu khối lượng thực tập tối thiểu 8 tín chỉ.
• Phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập
- Phương pháp giảng dạy phải được thiết kế theo cách tiếp cận lấy người học làm trung tâm và chủ thể của quá trình đào tạo, thúc đẩy người học phát huy chủ động và nỗ lực tham gia các hoạt động học tập; định hướng hiệu quả để người học đạt được chuẩn đầu ra của mỗi học phần, mỗi thành phần và của cả chương trình đào tạo.
- Đánh giá kết quả học tập của người học phải dựa trên chuẩn đầu ra, phải làm rõ mức độ đạt được của người học theo các cấp độ tư duy quy định trong chuẩn đầu ra của mỗi học phần, mỗi thành phần và chương trình đào tạo.
- Đánh giá kết quả học tập của người học phải dựa trên đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết; làm cơ sở để kịp thời điều chỉnh hoạt động giảng dạy và học tập, thúc đẩy nỗ lực và hỗ trợ tiến bộ của người học, cải tiến chương trình đào tạo và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.
• Đội ngũ giảng viên và nhân lực hỗ trợ
Yêu cầu đối với đội ngũ giảng viên giảng dạy chương trình đại học, giảng dạy chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7:
- Giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên, trợ giảng có trình độ đại học trở lên;
- Có ít nhất 01 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu để chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo;
- Có ít nhất 05 tiến sĩ có chuyên môn phù hợp là giảng viên cơ hữu để chủ trì giảng dạy chương trình, trong đó mỗi thành phần của chương trình phải có giảng viên với chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy;
- Có đủ số lượng giảng viên để đảm bảo tỉ lệ sinh viên trên giảng viên không vượt quá mức quy định cho từng lĩnh vực, nhóm ngành hoặc ngành đào tạo.
Theo các quy định trên, chuẩn chương trình đào tạo đại học là những yêu cầu tối thiểu, cốt lõi mà tất cả chương trình đào tạo đại học cần phải đáp ứng. Các cơ sở giáo dục đại học có thể tự chủ và linh hoạt trong quá trình xây dựng, phát triển các chương trình đào tạo riêng sao cho phù hợp.
Cao Hà
- “Dự báo diễn biến tình hình chính trị Việt Nam trong thời gian tới” - một sự suy diễn xuyên tạc và t (31.05.2019)
- Phái nữ và võ thuật (11.05.2019)
- Hệ thống điều khiển thông tin khẩn cấp của lực lượng Cảnh sát Nhật Bản (10.05.2019)
- Phụ nữ CAND trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc (10.05.2019)
- Gặp mặt đầu xuân Mậu Tuất (06.05.2019)
- 70 năm Công an nhân dân làm theo lời Bác (19.04.2019)
- Lực lượng CAND thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy và Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (18.04.2019)
- Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước sự chống phá của các thế lực thù địch (17.04.2019)
- Nâng cao hiệu quả tổ chức phong trào dạy giỏi tại Trường Đại học Cảnh sát nhân dân (23.03.2019)