Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Công tác đào tạo chuyên ngành cảnh sát giao thông tại Trường Đại học Cảnh sát nhân dân – Định hướng

Ngày đăng: 22.06.2019

       Trường Đại học Cảnh sát nhân dân (CSND) - Một trong hai trung tâm đào tạo chuyên ngành Cảnh sát giao thông (CSGT) bậc đại học và là trung tâm duy nhất đào tạo chuyên ngành CSGT bậc đại học ở các tỉnh, thành phố phía Nam. Trong những năm qua, Trường Đại học CSND đã đào tạo và bổ sung hàng trăm sỹ quan chuyên ngành CSGT có trình độ đại học, góp phần quan trọng vào công tác quản lý trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) ở nước ta. Công tác đào tạo chuyên ngành CSGT hệ chính quy, bậc đại học ở Trường Đại học CSND được thực hiện kể từ năm 1997, bắt đầu là khoá D04S, đến nay nhà trường đã đào tạo được 19 khoá với tổng số hơn 800 sinh viên. Ngoài ra, Trường Đại học CSND cũng đã tổ chức giảng dạy, bổ sung kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành CSGT cho hàng ngàn sinh viên các lớp hệ liên thông, vừa làm vừa học góp phần bổ sung nguồn cán bộ có trình độ chuyên sâu về nghiệp vụ CSGT cho Công an các địa phương.
        Trong quá trình học tập, sinh viên chuyên ngành CSGT hệ chính quy luôn được đánh giá rất cao về kết quả học tập và rèn luyện trong số các chuyên ngành được đào tạo tại trường. Sau khi ra trường, sinh viên về công tác tại các đơn vị nghiệp vụ đều giữ được phẩm chất chính trị vững vàng, an tâm trong công tác, gương mẫu và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công, được lãnh đạo các đơn vị đánh giá cao về mọi mặt. Hiện nay, nhiều đồng chí đã được bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo trong lực lượng CSGT ở các địa phương.
        Để đạt được kết quả trên, trong những năm qua, công tác đào tạo chuyên ngành CSGT ở Trường Đại học CSND luôn được tiến hành theo đúng quy định của Nhà nước và ngành Công an, quá trình đào tạo đã từng bước cải tiến, đổi mới mục tiêu, yêu cầu, nội dung và phương pháp đào tạo, góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển lực lượng CSGT, từng bước đáp ứng được các yêu cầu, nhiệm vụ đảm bảo TTATGT của Nhà nước và Bộ Công an giao cho. Nhà trường đã chú trọng xây dựng, phát triển, hoàn thiện hệ thống lý luận nghiệp vụ chuyên ngành CSGT; xây dựng và hoàn thiện hệ thống giáo trình dùng giảng dạy nghiệp vụ chuyên ngành. Bên cạnh đó, đã bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên nói chung và giảng viên giảng dạy nghiệp vụ chuyên ngành CSGT nói riêng, cũng như đội ngũ những cán bộ khoa học nghiên cứu chuyên sâu về công tác nghiệp vụ CSGT.
        Mặt khác, nhà trường luôn xác định công tác đào tạo một chiến sĩ CSGT là quá trình lâu dài, trong đó, thời gian học tập nghiệp vụ chuyên ngành có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành nhân cách, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ CSGT. Đây là giai đoạn hết sức quan trọng đối với mỗi sinh viên bởi các em sẽ được tiếp nhận những kiến thức kĩ năng chuyên môn thiết yếu nhằm phục vụ công tác sau này tại đơn vị địa phương đồng thời hình thành và từng bước hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lý tưởng nghề nghiệp cho sinh viên. Muốn có một chiến sĩ CSGT tốt, đáp ứng các yêu cầu về bản lĩnh chính trị, phong cách làm việc khoa học, vì nhân dân phục vụ, rất cần những giải pháp cụ thể từ chính hoạt động giảng dạy của nhà trường. Vì vậy, ngay khi Lãnh đạo BCA triển khai cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung này gắn liền với quá trình đào tạo và hướng dẫn sinh viên từng chuyên ngành trong đó có sinh viên CSGT nhằm đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của tình hình mới. Cán bộ, giảng viên nhà trường cùng với sinh viên chuyên ngành đã thực hiện và bước đầu đạt được những kết quả tích cực.
        Trong quá trình giảng dạy, luôn chủ động lồng ghép các tình huống thực tế trong hoạt động của cán bộ CSGT các đơn vị địa phương vào nội dung giảng dạy và kiểm tra. Các tình huống thực tế, các trường hợp “có vấn đề” được cụ thể hóa thành nội dung nghiên cứu, thảo luận giúp sinh viên bước đầu làm quen và hình thành bản lĩnh, kĩ năng xử lý, kĩ năng giao tiếp và văn hóa ứng xử.
        Hiện nay, vấn đề đảm bảo TTATGT đã được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm. Đây là một trong những biện pháp quan trọng để đảm bảo sự phát triển nền kinh tế của đất nước, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Để thực hiện được mục tiêu đó, một mặt phải hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về TTATGT, mặt khác phải không ngừng tăng cường năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước, cũng như của cán bộ làm công tác quản lý TTATGT, đặc biệt là lực lượng CSGT. Thực trạng đội ngũ CSGT hiện nay ở các tỉnh, thành phố phía Nam còn rất thiếu về số lượng và chất lượng. Cán bộ được đào tạo qua đại học CSND, chuyên ngành CSGT rất ít, chưa đáp ứng được với yêu cầu công tác đảm bảo TTATGT trong tình hình mới. Đa số những trường hợp vi phạm quy trình, tiêu cực trong lực lượng CSGT xảy ra chủ yếu ở những cán bộ chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ CSGT. Nhu cầu thực tế về cán bộ CSGT có trình độ đại học ở các địa phương rất lớn. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, trong thời gian tới, công tác đào tạo sinh viên chuyên ngành CSGT tại Trường Đại học Cảnh sát nhân dân sẽ chú trọng thực hiện một số giải pháp sau đây:
        Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng; tác phong chính quy trong công tác, học tập và sinh hoạt; đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử; kỷ luật kỷ cương, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, sinh viên CSGT để mỗi cá nhân hiểu rõ tầm quan trọng của hoạt động xây dựng bản lĩnh và nhân cách người CAND cách mạng. Từ đó, tạo động lực góp phần đẩy mạnh hoạt động “Xây dựng hình ảnh người Cảnh sát giao thông bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” ngay trong nhà trường.
        Hai là, không ngừng bồi dưỡng, tăng cường chất lượng giảng viên chuyên ngành. Tập trung xây dựng những giảng viên có chuyên môn cao làm cơ sở đào tạo giảng viên trẻ theo tiêu chuẩn hội nhập với những kỹ năng thiết yếu trong đào tạo như: Kiến thức chuyên môn, kĩ năng giao tiếp, khả năng sử dụng công nghệ thông tin ứng dụng trong công tác giảng dạy, kĩ năng ngoại ngữ... Cần tăng cường đưa giảng viên đi thực tế tại Công an các địa phương nhằm nâng cao kiến thức nghiệp vụ, đồng thời cập nhật kịp thời những thay đổi trong công tác quản lý tại đơn vị địa phương. Từ đó, kịp thời điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy sinh viên chuyên ngành đảm bảo giải quyết những vấn đề thực tế.
        Ba là, tiếp tục đổi mới phương pháp đào tạo học viên chuyên ngành theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa giảng dạy lý thuyết với kĩ năng thực hành và văn hóa ứng xử cho sinh viên chuyên ngành. Kết hợp giữa giảng dạy lý thuyết ở trường với việc tổ chức cho sinh viên đi kiến tập ngắn ngày. Chương trình kiến tập cần được nghiên cứu, đổi mới theo hướng gắn kết chặt giữa các nội dung đã học với tình hình thực tế tại địa bàn công tác, trong đó, cần chú trọng khâu chuẩn bị, làm rõ những biện pháp tiến hành gắn với thực hiện cuộc vận động. Tăng cường nội dung giảng dạy về ngoại ngữ, tin học, đặc biệt là văn hóa ứng xử khi giao tiếp, xử lý công việc trước nhân dân và bản lĩnh chính trị cũng như các kỹ năng ứng xử linh hoạt khi gặp các tình huống phức tạp trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CSGT.
        Bốn là, xây dựng và kiện toàn mối quan hệ phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan trong công tác đào tạo, giáo dục sinh viên chuyên ngành CSGT. Tăng cường phối hợp với các đơn vị CSGT ở các địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giảng viên tham gia các hội nghị tập huấn nghiệp vụ CSGT, hội nghị tổng kết chuyên đề về lĩnh vực quản lý TTATGT ở các tỉnh để giúp giảng viên có điều kiện học hỏi, cập nhật thêm kiến thức nghiệp vụ và kiến thức thực tế từ đó liên hệ vào công tác giảng dạy nghiệp vụ chuyên ngành.
        Năm là, xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức hội thảo khoa, tọa đàm, trao đổi, nói chuyện chuyên đề về văn hóa ứng xử; tổ chức các cuộc tập huấn, thi tìm hiểu, bồi dưỡng kiến thức về văn hóa ứng xử và kỹ năng giao tiếp cho sinh viên chuyên ngành về những vấn đề có liên quan đến hoạt động chuyên môn của lực lượng CSGT. Nhà trường sẽ chủ động liên hệ với cán bộ ở các đơn vị địa phương có kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, thường xuyên tiếp xúc với quần chúng nhân dân và các chuyên gia giao tiếp, chuyên gia văn hóa để tổ chức lồng ghép trong chương trình giảng dạy. Tiếp tục đưa nội dung giáo dục về bản lĩnh, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử và kỹ năng giao tiếp vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường nhằm trang bị cho học viên, cán bộ chiến sĩ những kiến thức cơ bản về văn hóa ứng xử, kỹ năng giao tiếp trong khi thi hành nhiệm vụ và trong các mối quan hệ xã hội. Thường xuyên đưa giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử vào nội dung sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống, sinh hoạt của đơn vị và các nội dung giảng dạy của giảng viên.
        Trong những năm qua, Trường Đại học CSND đã có nhiều cố gắng trong công tác đào tạo chuyên ngành CSGT có trình độ đại học bổ sung lực lượng cho Công an các tỉnh, thành phố phía Nam góp phần đảm bảo TTATGT. Tuy nhiên,  công tác đào tạo vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót nhất định, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo chuyên ngành CSGT. Do vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành CSGT ở Trường Đại học CSND, ngoài việc tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp như nêu trên, thì sự lãnh đạo, giúp đỡ, phối hợp của Bộ Công an, Tổng cục III, X14, C67 và các đơn vị khác có liên quan sẽ là điều kiện rất quan trọng để nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo chuyên ngành CSGT trong thời gian tới./.
        -------------------------
        Tài liệu tham khảo:
        - Báo cáo Sơ kết 01 năm thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” của Khoa CSGTĐB,ĐS
        - Đề cương tuyên truyền cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”
        - Kế hoạch số 190/KH-X11-X12, ngày 09/01/2017 của Tổng cục Chính trị CAND;
        - Kế hoạch số 242/KH-T48 của Trường Đại học CSND về thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”;
        - Hướng dẫn số 15180/X11-X15 ngày 20/12/2016 của Tổng cục Chính trị CAND;
        - Thực hiện kế hoạch số 377/KH-BCA-X11, ngày 19/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an;
        - Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ tại Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, Bùi Thanh Trung, Tạp chí KHGD CSND số 89 (tháng 5/2017).
        - Thông tư số 27/2017/TT-BCA ngày 22/8/2017 của Bộ Công an Quy định về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân.
Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN
  • Ngày: 49
  • Tuần: 722
  • Tháng: 2656
  • Tổng: 1100200