Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững. Tại Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới đã được cụ thể hóa trong Luật Bình đẳng giới do Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2007. Khoản 3, Điều 5 Luật Bình đẳng giới năm 2006 xác định: “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.”[1] Theo đó, có thể hiểu bình đẳng giới là nam giới và nữ giới cùng có vị thế bình đẳng và được tôn trọng như nhau; cùng được tạo điều kiện, cơ hội để phát huy khả năng và thực hiện các mong muốn của mình; cùng có cơ hội để tham gia, đóng góp, thụ hưởng từ các nguồn lực và quá trình phát triển của xã hội.
Từ trước đến nay, vấn đề bình đẳng giới luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, được đánh giá là một trong những động lực, mục tiêu phát triển quốc gia. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình”.[2] Nhận rõ vai trò quan trọng của nữ giới, Bác cũng nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.[3] Theo Người “Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng “; “Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Hay trong bản di chúc viết tháng 5 năm 1968, Người căn dặn: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Đảng, Chính phủ cần có kế hoạch thiết thực bồi dưỡng, cất nhấc và giúp đỡ ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ” [4].
Trong thời đại phong kiến, người phụ nữ chỉ làm nhiệm vụ nội trợ, chăm sóc chồng con, phụng dưỡng bố mẹ chồng, không được tham gia các hoạt động xã hội, sống khép mình theo khuôn khổ “tam tòng, tứ đức”. Nhưng giờ đây, theo sự thay đổi chung của thời đại, người phụ nữ ngoài trách nhiệm truyền thống là làm con, làm dâu, làm mẹ, làm vợ… đã thực sự bước vào xã hội với nhiều vai trò khác nhau trên tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, lao động, văn hóa, thông tin, khoa học kỹ thuật và công nghệ… Ngoài ra, hiện nay tỷ lệ phụ nữ đã và đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, doanh nghiệp… ngày càng cao. Rất nhiều phụ nữ có kinh tế, địa vị xã hội nhưng vẫn không quên thiên chức làm vợ, làm mẹ, hội đủ các yếu tố “ công, dung, ngôn, hạnh”. Họ chính là hiện thân của phụ nữ trong thời đại mới.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: internet)
Có thể nói, bình đẳng giới là một yêu cầu khách quan của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Hiện nay, vấn đề bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình đã được Luật Bình đẳng giới quy định cụ thể tại Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị
- Nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội.
- Nam, nữ bình đẳng trong tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức.
- Nam, nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
- Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức.
- Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị bao gồm:
+ Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới;
+ Bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
Thứ hai, Bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế
- Nam, nữ bình đẳng trong việc thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, nguồn vốn, thị trường và nguồn lao động.
- Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế bao gồm:
+ Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế và tài chính theo quy định của pháp luật;
+ Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động
- Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác.
- Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức danh trong các ngành, nghề có tiêu chuẩn chức danh.
- Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động bao gồm:
+ Quy định tỷ lệ nam, nữ được tuyển dụng lao động;
+ Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lao động nữ;
+ Người sử dụng lao động tạo điều kiện vệ sinh an toàn lao động cho lao động nữ làm việc trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.
Thứ tư, Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo
- Nam, nữ bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo, bồi dưỡng.
- Nam, nữ bình đẳng trong việc lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo.
- Nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
- Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo bao gồm:
+ Quy định tỷ lệ nam, nữ tham gia học tập, đào tạo;
+ Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ dạy nghề theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, Bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ
- Nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận, ứng dụng khoa học và công nghệ.
- Nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận các khoá đào tạo về khoa học và công nghệ, phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát minh, sáng chế.
Thứ sáu, Bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao
- Nam, nữ bình đẳng trong tham gia các hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao.
- Nam, nữ bình đẳng trong hưởng thụ văn hoá, tiếp cận và sử dụng các nguồn thông tin.
Thứ bảy, Bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế
- Nam, nữ bình đẳng trong tham gia các hoạt động giáo dục, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khoẻ sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế.
- Nam, nữ bình đẳng trong lựa chọn, quyết định sử dụng biện pháp tránh thai, biện pháp an toàn tình dục, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Thứ tám, Bình đẳng giới trong gia đình
- Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.
- Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình.
- Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật.
- Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển.
- Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Hiện nay, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đang tiếp tục được triển khai và đạt được những thành tựu tốt đẹp. Vì vậy, việc thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa vô cùng quan trọng. Cùng với đó là việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bình đẳng giới để Luật Bình đẳng giới thực sự đi vào cuộc sống.
Hưởng ứng Tháng hành động vì Bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức từ ngày 15/11 đến 15/12 hàng năm trên phạm vi toàn quốc, toàn xã hội đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong đời sống xã hội và gia đình. Tại Trường Đại học CSND, cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới. Theo đó, Nhà trường đã tăng cường tuyên truyền, lan toả chủ đề, thông điệp, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới thông qua tin, bài đăng tải trên Trang thông tin điện tử, treo băng rôn, khẩu hiệu; phát huy vai trò của của lãnh đạo đơn vị, chủ nhiệm lớp, ban chỉ huy lớp học trong việc vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho cán bộ, giảng viên, công nhân viên và sinh viên; rà soát, lập danh sách các chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn để có hình thức động viên, chia sẻ kịp thời. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng chủ động đôn đốc, kiểm tra, khuyến khích mỗi cá nhân tích cực, sáng tạo trong hưởng ứng Tháng hành động đảm bảo phù hợp với đặc điểm, tình hình và điều kiện của đơn vị, để mỗi cán bộ, chiến sĩ, sinh viên Nhà trường thực sự là một tuyên truyền viên tích cực trong hoạt động tuyên truyền bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ cở giới…
-----------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật Bình đẳng giới năm 2006.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.
3. Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang, Tìm hiểu Quy dịnh pháp luật về bình đẳng giới, 2022.
[1] Khoản 3, Điều 5 Luật Bình đẳng giới năm 2006.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t.9, tr.593.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t.6, tr. 432.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2000, t.12, tr. 504
ThS. Ngô Thị Thùy Trang – Giảng viên Khoa Luật
Trịnh Hửu Luân – Học viên B1 QLHC D30S
- Củng cố vững chắc môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi NQ24 (24.10.2022)
- Pháp chế CAND đóng góp quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH* (20.10.2022)
- Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng CAND (14.10.2022)
- Việt Nam luôn xem trọng vấn đề nhân quyền (11.10.2022)
- Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực ngày 01/10/2022 (05.10.2022)
- Đồng chí Võ Văn Kiệt với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc (05.10.2022)
- Toàn văn phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 6 khoá XIII (04.10.2022)
- Tìm hiểu Tài khoản định danh điện tử có thể dùng thay Căn cước công dân (30.09.2022)
- Luật Cảnh sát cơ động có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 (30.09.2022)