Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão

Ngày đăng: 11.10.2023

         Thiên tai là những hiện tượng thiên nhiên cực đoan, là sự cố bất khả kháng và có những lúc nằm ngoài khả năng kiểm soát của con người. Điều đáng nói là các loại hình thiên tai ngày càng diễn biến trái quy luật, trước đây diễn ra theo mùa, còn giờ đây xuất hiện quanh năm, kể cả trong những tháng được xem là hiếm khi xuất hiện.

Trong những năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, bất thường. Hạn hán, mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, giông lốc, bão, mưa đá ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân...

Theo báo cáo của Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay đã chịu ảnh hưởng của 19/22 loại hình thiên tai trong đó đã xảy ra 1 Áp thấp nhiệt đới, 27 trận mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất; 148 trận dông lốc, sét, mưa đá; 211 vụ sạt lở bờ sông, 137 trận động đất và 2 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển…Riêng từ đợt nghỉ lễ từ 29/4 – 3/5/2023, đã xảy ra dông lốc, mưa đá tại 8 tỉnh miền núi phía Bắc gây thiệt hại lớn về kinh tế ước tính khoảng 35 tỷ đồng. Đặc biệt mùa hè năm nay đến sớm, gay gắt và khốc liệt hơn trung bình nhiều năm. Từ tháng 3 đến tháng 5, xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kỷ lục so với cùng kỳ những năm trước tại khu vực Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Tính đến ngày 5/7/2023, thiên tai đã làm 49 người chết, mất tích, 36 người bị thương, thiệt hại về kinh tế khoảng hơn 308 tỷ đồng (bằng 0,6 lần thiệt hại về người và 0,057 lần thiệt hại về kinh tế so với cùng kỳ năm 2022).

 

Ảnh minh hoạ (Nguồn: dangcongsan.vn)

 

Trước những diễn biến phức tạp về thời tiết, để tình hình trật tự an toàn giao thông được đảm bảo, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản... cần có sự tham gia phối hợp của tất cả các ngành, các cấp; trong đó lực lượng Cảnh sát giao thông là lực lượng trực tiếp và giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện công tác đảm bảo TTATGT khi xảy ra thiên tai.

Khi xảy ra những sự cố do thiên tai, lực lượng CSGT luôn là lực lượng xung kích, tuyến đầu trong công tác khắc phục hậu quả, hỗ trợ nhân dân, không màng đến sự nguy hiểm cho bản thân. Tại những nơi sạt lở, ngập lụt, lực lượng CSGT đã kịp thời bố trí lực lượng cùng tham gia tìm kiếm cứu nạn, phân luồng giao thông, ngăn chặn, cảnh báo người dân không lưu thông vào những khu vực nguy hiểm, kiên quyết không để người và phương tiện đi vào khu vực trên. Đồng thời chủ động phối hợp với các lực lượng tổ chức hướng dẫn giao thông, cứu nạn, cứu hộ; thông tin liên lạc kịp thời cho Phòng CSGT các đơn vị, địa phương giáp ranh, có liên quan để tổ chức phân luồng từ xa.

Một trong những vụ sạt lở nghiêm trọng gây tổn thất nặng nề về người và tài sản là vụ sạt lở đất xảy ra tại Trạm Cảnh sát giao thông Mađagui, nằm giữa đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng vào chiều 30/7/2023, làm 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông Lâm Đồng hy sinh và 1 người nguyên là chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân tử nạn.

Khoảng 14 giờ 30 phút ngày 30/7/2023, do mưa lớn liên tục đã gây sạt lở mái ta-luy dương trên quốc lộ 20, khu vực Trạm Cảnh sát giao thông Mađagui đoạn giữa đèo Bảo Lộc. Nhận được thông tin, cán bộ, chiến sĩ Trạm Cảnh sát giao thông Mađagui đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát đã trở về Trạm để di dời phương tiện, trang thiết bị. Bất ngờ một lượng lớn đất, đá đã đổ xuống và vùi lấp 3 cán bộ, chiến sĩ, gồm Thiếu tá Nguyễn Khắc Thường, Thượng úy Lê Ánh Sáng, Đại úy Lê Quang Thành và anh Phạm Ngọc Anh, nguyên chiến sĩ nghĩa vụ Công an tỉnh Lâm Đồng, đang làm việc gần đó đến hỗ trợ chuyển đồ đạc. Vụ sạt lở làm chia cắt hoàn toàn giao thông trên quốc lộ 20, đoạn qua đèo Bảo Lộc.

Một trong những nguyên nhân sạt lở ở đèo Bảo Lộc là do mưa quá lớn, lượng mưa 380mm trong bốn ngày liên tục, gấp bốn lần so với bình thường hằng năm. tỉnh Lâm Đồng đã có dự kiến di dời Trạm cảnh sát giao thông Madagui vì có khả năng không an toàn. Tuy nhiên, trong các điểm có nguy cơ sạt lở cần di dời thì có nhiều điểm khác cần di dời gấp hơn nên tỉnh đã và đang tập trung các điểm có nguy cơ cao. Đáng tiếc, điểm cũng phải di dời nhưng chưa xung yếu như khu vực Trạm cảnh sát giao thông Madagui thì lại xảy ra sạt lở trước. Điều này cho thấy mưa lũ, sạt lở đất do tác động của biến đổi khí hậu rất khó đoán định.

CSGT Công an các địa phương cần tăng cường công tác TTKS, nắm tình hình TTATGT trên các tuyến giao thông, các vị trí có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở... đặc biệt là các địa bàn các tỉnh miền Trung, miền núi, kịp thời tham mưu cho các cấp có biện pháp phòng ngừa, gia cố, hạn chế xảy ra sự cố do thiên tai. Chủ động xây dựng các phương án phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông; bố trí lực lượng, phương tiện, phối hợp ngành giao thông, quân đội, chính quyền địa phương liên quan phân luồng, hướng dẫn giao thông, cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố lũ lụt.

 

Ảnh minh hoạ (Nguồn: congan.hoabinh.gov.vn/)

 

Cục CSGT đã biểu dương kết quả của lực lượng CSGT các địa phương, đặc biệt là những địa phương xảy ra thiên tai đã chủ động ứng phó với lụt bão, có nhiều cách làm nhanh nhạy, sáng tạo với mục tiêu cao nhất cứu người, tài sản của nhân dân. Lực lượng CSGT cần chủ động phương án, huy động tối đa lực lượng, trang thiết bị để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn.

Với chức năng và nhiệm vụ được giao, nhằm phát huy hơn nữa vai trò xung kích, tuyến đầu trong công tác phòng, chống thiên tai, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Cảnh sát giao thông yêu cầu lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 8/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và công trình cơ sở hạ tầng, nhất là trong mùa mưa bão và các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trước và trong mùa mưa lũ. Lực lượng CSGT công an các tỉnh, thành cần tập trung làm tốt những mặt công tác sau:

Một là, Lực lượng CSGT tiếp tục rà soát những trụ sở CSGT trên các tuyến đường có nguy cơ sạt lở, mất an toàn để kiến nghị với các cấp có thẩm quyền tổ chức di dời hoặc có biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, nhất là trụ sở làm việc, kho tàng, hồ sơ, tài liệu, vũ khí, phương tiện, máy móc, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ..

Hai là, theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch để ứng phó kịp thời, hiệu quả. Trọng tâm là, chủ động bố trí lực lượng làm nhiệm vụ phân luồng, điều tiết giao thông, đặt biển báo “nguy hiểm”, rào chắn, barie... trước các điểm xảy ra ngập lụt, sạt lở để cảnh báo người dân; Xây dựng phương án phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông (tại chỗ và từ xa); kiên quyết “cấm đường” không để người và phương tiện đi vào khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở.

Ba là, Lực lượng CSGT tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, nắm chắc tình hình trật tự an toàn giao thông trên các tuyến giao thông, các vị trí có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở; chủ động lực lượng, phương tiện, sẵn sàng làm nhiệm vụ và tăng cường cho các địa phương khi có chỉ đạo của Bộ Công an.

Bốn là, hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân di dời, sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn trước khi bão, lũ xảy ra, hạn chế thấp nhất hậu quả thiệt hại về người và tài sản do bão, lũ gây ra.

Năm là, tổ chức nghiêm túc việc trực, ứng trực và trực ban, đảm bảo thông tin liên lạc; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo diễn biến, tình hình, hậu quả do bão, lũ gây ra./.

-------------------------

Tài liệu tham khảo: 

1. https://vov.vn/xa-hoi/49-nguoi-chet-va-mat-tich-do-thien-tai-trong-6-thang-dau-nam-2023-post1030922.vov

 

 

Tác giả: Trang Thu

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN
  • Ngày: 88
  • Tuần: 570
  • Tháng: 2599
  • Tổng: 1100200