“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, trẻ em chính là tương lai của đất nước, việc chăm sóc và bảo vệ tẻ em luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu quan trọng của Việt Nam. Để xây dựng môi trường sống an toàn, đảm bảo cho trẻ em, Đảng và Nhà nước ta cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật trực tiếp và liên quan như Hiến pháp năm 2013, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007... Những văn bản này đã tạo ra những chuyển biến nhận thức trong việc bảo vệ quyền trẻ em nói chung và lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình ở nước ta nói riêng. Tuy nhiên, có thể nói hiện nay tình trạng bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực đối với trẻ em diễn ra phức tạp, có xu hướng gia tăng, không ít vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội. Điều này không chỉ là vấn đề của từng gia đình mà còn trở thành vẫn nạn của toàn xã hội.
1. Thực trạng bạo lực gia đình với trẻ em ở nước ta hiện nay
Theo thống kê từ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng đài đã tiếp nhận 171.019 cuộc gọi đến, trong đó có 706 ca phải hỗ trợ, can thiệp (tăng 299 ca so với cùng kỳ năm trước). Trong các ca hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em, có 362 ca bạo lực trẻ em, chiếm 51,27% (cao hơn cùng kỳ năm 2020 là 167 ca, tương đương 3,36%); 122 ca xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 17,28% (tăng hơn cùng kỳ năm trước 13 ca). Trong đó, tỷ lệ trẻ em bị bạo lực trong gia đình tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020, đây là điều đáng báo động về phương pháp giáo dục của cha mẹ/người chăm sóc đối với trẻ em. Đối với các ca bị xâm hại tình dục, có 71 ca hiếp dâm trẻ em, chiếm 58,2% (tăng 16 ca so với cùng kỳ 2020), 51 ca dâm ô trẻ em, chiếm 25,4% (tăng 21 ca so với cùng kỳ năm 2020). Tỷ lệ trẻ em bị xâm hại tình dục bởi bạn bè, người quen chiếm 31,1%; bởi người thân trong gia đình vẫn tương đối cao, chiếm 23,8% (tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020).
Thời gian gần đây cũng không ít những vụ bạo lực gia đình đối với trẻ em có tính chất đặc biệt nghiêm trọng dẫn đến nạn nhân chết, gây bức xúc trong dư luận xã hội đã xảy ra, thậm chí trong những gia đình được coi là có học thức và điều kiện kinh tế. Sự thờ ơ, e ngại của những người xung quanh cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ việc bạo lực gia đình, đặc biệt là với trẻ em không bị phát hiện hoặc phát hiện muộn, tạo nên hậu quả to lớn. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho gia đình, Nhà trường và toàn xã hội có sự nhìn nhận và vào cuộc kịp thời, chung tay đấu tranh phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ quyền trẻ em trên cơ sở quy định của pháp luật.
2. Pháp luật bảo vệ quyền trẻ em góp phần phòng, chống bạo lực gia đình
Theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình định nghĩa bạo lực gia đình là “hành vi cố ý của các thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình” (Điều 1). Bạo lực gia đình để lại những ký ức không dễ dàng xóa bỏ, đặc biệt là đối với trẻ em. Bạo lực gia đình dẫn đến quyền trẻ em bị xâm hại nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển một cách toàn diện về tâm sinh lý, tình cảm, nhân cách, gây cho các em sự mặc cảm, thù hằn với xã hội, nguy hại nhất là ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Đây cũng là một trong số những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến lớp trẻ dễ bị dụ dỗ, sa ngã và con đường tệ nạn xã hội hoặc phạm tội khi không tìm được điểm tựa từ gia đình. Chính vì vậy, việc bảo vệ quyền trẻ em theo pháp luật Việt Nam là nội dung không thể thiếu nhằm góp phần phòng chống bạo lực gia đình một cách hiệu quả. Tại Điều 1, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2014 quy định: “Trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi”. Ngoài ra, Luật cũng đã cụ thể hóa các quyền của trẻ em trên cơ sở Công ước về quyền trẻ em năm 1989 như sau:
- Quyền được khai sinh và có quốc tịch
- Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng
- Quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự
- Quyền được chăm sóc sức khỏe
- Quyền được học tập
- Quyền vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch
- Quyền được phát triển năng khiếu
- Quyền có tài sản
- Quyền được tiếp cận thông tin, bày tỉ ý kiến và tham gia hoạt động xã hội
Như vậy, quyền trẻ em chính là quyền con người được thể hiện phù hợp với nhu cầu, đặc trưng phát triển và tính chất cuộc sống của trẻ em. Đó là những đặc quyền tự nhiên của trẻ em được quy định trong pháp luật, là những quyền trẻ em được hưởng, được làm, được tôn trọng và thực hiện nhằm bảo đảm sự sống còn, sự tham gia và phát triển toàn diện. Quyền trẻ em chính là biện pháp nhằm bảo đảm cho trẻ em không những được hưởng các quyền mà còn trở thành chủ thể của chính các quyền đó. Trên cơ sở quy định của pháp luật, việc bảo vệ quyền trẻ em phải là sự tôn trọng, đảm bảo cho các quyền trẻ em được thực hiện trong thực tế một cách đầy đủ, toàn diện. Bảo vệ quyền trẻ em có thể được thực hiện bằng nhiều biện pháp, trong đó biện pháp bảo vệ bằng pháp luật là biện pháp có hiệu quả nhất. Chính vì vậy, xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, toàn diện tạo cơ sở pháp lý cho việc can thiệp kịp thời của các cá nhân, cơ quan, tổ chức để ngăn chặn hành vi bạo lực, góp phần xóa bỏ quan niệm bạo lực gia đình là chuyện nội bộ của mỗi nhà. Những quy định của pháp luật cũng góp phần không nhỏ trong công tác giáo dục, nâng cao nhận thức của cá nhân, gia đình và xã hội về trách nhiệm phòng, chống bạo lực gia đình nói chung và bạo lực gia đình đối với trẻ em nói riêng.
3. Một số kiến nghị, đề xuất
Một là, kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo vệ quyền trẻ em, phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hòa giải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Bảo vệ quyền trẻ em góp phần phòng, chống bạo lực gia đình với trẻ em phải lấy phòng ngừa làm chủ đạo. Pháp luật luôn hướng tới việc ngăn chặn các hành vi phạm tội trước khi tội phạm xảy ra để giữ gìn trật tự, tránh những tổn thất cho cộng đồng và xã hội. Hành vi bạo lực một khi đã xảy ra ít nhiều đều gây ra những tổn thương nhất định, đặc biệt là đối với trẻ em, làm xấu đi mối quan hệ gia đình, khó lòng có thể gắn kết. Vì vậy, cần phải lấy phòng ngừa là chính, chú trọng vào công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình gắn với truyền thống văn hóa và phong tục tốt đẹp của nước ta, tư vấn, hòa giải, định hướng hành vi phù hợp và nhận thức được tính chất, hậu quả của hành vi bạo lực để tự kiềm chế tốt hơn.
Hai là, hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em cần được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
Đây là một trong những nguyên tắc chung của pháp luật. Riêng đối với lĩnh vực bạo lực gia đình với trẻ em thì việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, nếu không thì có thể trở thành “thói quen”, “sự bình thường hóa” trong gia đình vô cùng nguy hiểm. Thực tế cho thấy hành vi bạo lực gia đình càng kéo dài và lặp đi lặp lại thì càng gây ra nhiều tổn thương sâu sắc hơn đối với nạn nhân.
Ba là, trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình cần được bảo vệ, giúp đỡ kịp thời phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của các em và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.
Giúp đỡ trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình cần nhanh chóng, kịp thời nhằm giảm thiểu tối đa hậu quả xảy ra. Hơn nữa, ở nước ta hiện nay, những vấn đề về gia đình, trong đó có bạo lực gia đình đối với trẻ em chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, nhiều người vẫn có suy nghĩ coi đây là chuyện riêng, chuyện nội bộ của mỗi nhà. Do đó, bảo vệ, giúp đỡ kịp thời nghĩa là thực hiện các biện pháp thực tế để ngăn chặn, không để cho hành vi bạo lực đối với trẻ em tiếp tục diễn ra hay lặp đi lặp lại. Đồng thời khắc phục những hậu quả xảy ra đối cớ trẻ em do bị bạo lực như
Bốn là, phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng chống bạo lực gia đình đối với trẻ em.
Bạo lực gia đình đối với trẻ em từ lâu đã không còn là vấn đề của mỗi gia đình mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định xã hội, do đó việc phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm chung của cộng đồng chứ không chỉ là của Nhà nước và những người có liên quan. Những hành vi bạo lực trong gia đình thường được các thành viên trong gia đình biết và phát hiện trước tiên, nhưng nếu có sự bao che và không vấp phải sự phản đối của những thành viên trong gia đình thì hành vi bạo lực với trẻ em có nguy cơ ngày càng trở nên nghiêm trọng, nặng nề hơn. Chính vì vậy, sự cần thiết của việc phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình với trẻ em – những chủ nhân tương lai của đất nước là vô cùng cần thiết.
Năm là, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo vệ quyền trẻ em, góp phần phòng, chống bạo lực gia đình
Quy định của pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em, góp phần phòng, chống bạo lực gia đình chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi các quy định hợp lý và có tính khả thi nếu không sẽ chỉ mang tính hình thức và nạn bạo lực gia đình vẫn tiếp tục tiếp diễn, những đứa trẻ trong gia đình vẫn sẽ là những đối tượng gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Vì vậy. các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần thường xuyên rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như các hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em; nghiên cứu ban hành quy chế phối hợp trong chỉ đạo, điều hành, tạo điều kiện đẻ mọi trẻ em được thực hiện đầy đủ các quyền cơ bản của mình và bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành trung ương cũng như chính quyền địa phương trong lĩnh vực này./.
Tài liệu tham khảo
- Bộ công an (2021), Báo cáo về tình hình xâm hại trẻ em.
- Quốc hội nước CHXHCNVN (2014), Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
- Quốc hội nước CHXHCNVN (2007), Luật phòng, chống bạo lực gia đình.
- Quốc hội nước CHXHCNVN (2016), Luật trẻ em.
Tác giả: Đại úy, ThS. Vũ Thị Hồng Phương – Khoa Luật
- Đại thắng mùa Xuân 1975 - Bài học về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng (29.04.2021)
- Những dấu hiệu cho thấy nhiễm COVID-19 chủng mới (27.04.2021)
- Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 (18.04.2021)
- Đổi mới sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ mới (12.04.2021)
- Giờ Trái đất 2021: Lên tiếng vì thiên nhiên (12.04.2021)
- Tòa án nhân dân tối cao công bố 4 án lệ mới (12.04.2021)
- Học tập và làm theo phương pháp luận Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước (11.04.2021)
- Tìm hiểu biện pháp Tư pháp trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại trong Luật Hình sự hi (29.01.2021)
- Hội thảo khoa học về tăng cường quan hệ phối hợp giữa Trường Đại học CSND với C10 - Bộ Công an và cá (18.12.2020)