Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng có quan hệ hữu nghị truyền thống gắn bó, quân và dân hai nước đã kề vai sát cánh trong công cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc, lật đổ chế độ diệt chủng, đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân mỗi nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng phát biểu nhấn mạnh: “Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi và có mối quan hệ truyền thống, gắn bó từ lâu đời. Mối quan hệ này đã được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp bằng công sức và xương máu của nhiều thế hệ người Việt Nam và Campuchia, là tài sản chung vô giá của hai dân tộc.”[1]
Cách đây 55 năm, vào ngày 24-6-1967, Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là sự kiện trọng đại, đã đi vào lịch sử hai nước, đánh dấu trang sử mới trong quan hệ hai nước, gắn bó vận mệnh của hai dân tộc láng giềng. Trong bức điện gửi Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanouk ngày 23-6-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Việc đặt quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta là biểu hiện rực rỡ của mối tình hữu nghị thân thiết và đoàn kết chiến đấu. Đó là một sự kiện lịch sử trong quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia, một nhân tố tích cực trong việc giữ gìn hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á”. Chỉ sau đó một ngày, ngày 24/6/1967, Việt Nam và Campuchia đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới trong lịch sử chung của hai dân tộc. Hay trong bức điện khác gửi Quốc trưởng Norodom Shihanouk (ngày 8/11/1968) nhân dịp chúc mừng Campuchia kỷ niệm 15 năm ngày độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nhấn mạnh: "Ngày nay cũng như ngày mai, hai nước chúng ta mãi mãi là người bạn thân thiết".[2]
Vượt qua nhiều thăng trầm của lịch sử và những biến cố của thời đại, mối quan hệ này ngày càng trở nên khăng khít, bền chặt, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, được tôi luyện trong thực tế bằng công sức, xương máu và sự hy sinh của biết bao anh hùng liệt sĩ cũng như sự phấn đấu của nhiều thế hệ người Việt Nam và Campuchia, đã trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc. Đến nay, kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia và Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam 2022, hai bên tiếp tục khẳng định quan hệ Việt Nam - Campuchia đang phát triển ngày càng sâu rộng, thiết thực và hiệu quả trên các lĩnh vực, trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc và là nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước và quyết tâm giữ gìn, không ngừng phát huy và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau tình đoàn kết hữu nghị truyền thống và sự hợp tác toàn diện Việt Nam – Campuchia. Ngoài thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, mối quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt nam còn biểu hiện ở sự phát triển quan hệ trên tất cả các lĩnh vực trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đáng chú ý như là:
Thứ nhất, quan hệ chính trị tiếp tục được duy trì, giữ vai trò nòng cốt, định hướng trong quan hệ hai nước
Trong thời gian qua, hai bên tăng cường trao đổi các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao và các cấp của hai Đảng, hai nước như: các chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đón Chủ tịch CPP, Thủ tướng Hun Sen; Chủ tịch Thượng viện; Chủ tịch Quốc hội Hêng Samrin và các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước... Qua các chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2017 và năm 2019 và các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao hai nước, hai bên đã ra Tuyên bố chung, trong đó khẳng định tiếp tục củng cố và tăng cường mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam - Campuchia; nhấn mạnh tiếp tục thực hiện đầy đủ các nguyên tắc đã được nêu trong Tuyên bố chung Việt Nam - Campuchia các năm 2 1999, năm 2005, năm 2009, năm 2011, năm 2014, tháng 6/2016 và tháng 12/2016; tái khẳng định tôn trọng và thực hiện đầy đủ các hiệp ước hoạch định biên giới và các hiệp định, thỏa thuận liên quan đến biên giới đã ký kết giữa hai nước.[3]
Điển hình như trong khuôn khổ "Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022"; chào mừng 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (24/6/1967), Chiều 9/8/2022, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Đại tướng Hun Manet, Phó Tổng tư lệnh kiêm Tư lệnh Lục quân Quân đội Hoàng gia Campuchia, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) đang ở thăm Việt Nam. Đại tướng Hun Manet bày tỏ sự biết ơn sâu sắc của nhân dân Campuchia đối với sự ủng hộ, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Việt Nam dành cho Campuchia trong công cuộc đấu tranh lật đổ chế độ diệt chủng trước đây cũng như trong xây dựng và phát triển đất nước ngày nay; cảm ơn Việt Nam đã tích cực ủng hộ Campuchia trong quá trình đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2022, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, hai nước càng phải đoàn kết, gắn bó bên nhau.[4]
Thứ hai, quan hệ hợp tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại tiếp tục được thúc đẩy, ngày càng chặt chẽ và có hiệu quả
Trong thời gian qua, hai bên đã phối hợp chặt chẽ giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở mỗi nước; Hai bên hợp tác xây dựng tuyến biên giới ổn định và phát triển bền vững; khẳng định nguyên tắc không cho phép bất cứ lực lượng nào dùng lãnh thổ của nước này để chống phá nước kia. Về biên giới, hai nước đã hoàn thành phân giới cắm mốc khoảng 84% biên giới trên đất liền (1.045 km) với 2.048 cột mốc biên giới được cắm tại 1.554 vị trí, đồng thời ký 02 văn kiện pháp lý ngày 5/10/2018 ghi nhận thành quả phân giới căm mốc đã đạt được[5] ghi nhận 84% thành quả phân giới, cắm mốc, do đó trên toàn tuyến chỉ còn khoảng 213km chưa phân giới. Hai bên quyết tâm sớm hoàn thành công tác này nhằm xây dựng biên giới hai nước thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững. Ngoài ra, lãnh đạo cấp cao hai nước cũng cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho kiều dân hai nước sinh sống trên lãnh thổ của nhau, phù hợp với luật pháp mỗi nước.
Hai bên tăng cường phối hợp trong các hoạt động đối ngoại quốc phòng, an ninh và ngoại giao tại các diễn đàn quốc tế và khu vực; thường xuyên thực hiện tham vấn chính trị, chia sẻ thông tin kịp thời và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là trong khuôn khổ hợp tác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên hợp quốc và các cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mê Công, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Thứ ba, quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục khoa học – kỹ thuật có bước phát triển tích cực
Có thể khẳng định: quan hệ thương mại Việt Nam và Campuchia đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hiện nay, Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ ba và đứng thứ hai trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào Campuchia. Cụ thể:
Về hợp tác đầu tư, hiện Việt Nam có 188 dự án đầu tư sang Campuchia còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,846 tỷ USD, đứng thứ 2 trong tổng số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài. Hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Campuchia đã có mặt ở 18/25 tỉnh/thành và hầu hết các lĩnh vực quan trọng. Bên cạnh đó, Campuchia cũng có 21 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 64 triệu USD, đứng thứ 54 trong 132 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Về thương mại, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Campuchia tiếp tục giữ được đà tăng trưởng tích cực, Campuchia vẫn giữ vững vị trí thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam trong khu vực ASEAN (sau Thái Lan).
Ngoài ra, Việt Nam và Campuchia còn có hợp tác trong các lĩnh vực khác như: hợp tác về năng lượng, hợp tác giao thông vận tải, về nông nghiệp, hợp tác trồng cây cao su tại Campuchia, hợp tác giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Thứ tư, Quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các ban, bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội, Mặt trận, các đoàn thể, địa phương được đẩy mạnh đi vào thực chất hơn
Các địa phương có chung đường biên giới, tiếp tục mở rộng xây dựng kết cấu hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn tại các khu vực biên giới hai nước. Hoạt động đối ngoại nhân dân được quan tâm thúc đẩy.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, hai nước cũng đã phối hợp chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của mỗi nước ở khu vực và trên thế giới.
Đặc biệt, trong hai năm 2020 và 2021, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hai bên đều phải căng mình đối phó và ngăn chặn đại dịch, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước, các bộ, ban, ngành, địa phương và các tổ chức nhân dân đã thường xuyên có các cuộc điện đàm thăm hỏi, chia sẻ và động viên lẫn nhau. Hai bên cùng thể hiện quyết tâm phối hợp chặt chẽ trong phòng, chống dịch bệnh, kịp thời giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tốt nhất cho nhau, ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau một cách kịp thời cả về tài chính, trang thiết bị, vật tư y tế và vaccine để phòng, chống dịch.
Tóm lại, năm mươi lăm năm không phải là một khoảng thời gian quá dài so với bề dày lịch sử quan hệ giữa hai dân tộc, nhưng là một giai đoạn có ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong quan hệ giữa hai nước. Đó là thời kỳ mà nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia anh em luôn kề vai sát cánh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và cùng xây dựng đất nước hòa bình, nhân dân hạnh phúc, ấm no. Quan hệ đoàn kết hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia cần tiếp tục được gìn giữ và vun đắp bởi nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ để quan hệ hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”./.
[1] Bài diễn văn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24-6-1967 _ 24-6-2017) đã diễn ra trọng thể tại Nhà hát lớn Hà Nội,
http://lienhiephuunghi.daklak.gov.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=418:gin-gi-tai-s-n-vo-gia-c-a-hai-dan-t-c-vi-t-nam-campuchia&catid=126:tin-bai-s-ki-n-qu-c-t&Itemid=619 (truy cập ngày 26/9/2022)
[2] Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam: https://quochoi.vn/tintuc/Pages/danh-sach-tin-tuc.aspx?ItemID=68290&CategoryId=0 (truy cập ngày 26/9/2022).
[3] Phụ lục: Tình hình và kết quả quan hệ Việt Nam – Campuchia (giai đoạn 2017 – 2022) ban hành kèm theo Hướng dẫn số 47-HD/BTGTU ngày 27/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương, tr.1, 2.
[4] Mạnh Hùng (2022), Quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam – Campuchia phát triển tích cực, Trang thông tin điện tử Báo Đảng Cộng sản Việt Nam: https://dangcongsan.vn/thoi-su/quan-he-hop-tac-toan-dien-viet-nam-campuchia-phat-trien-tich-cuc-617056.html (truy cập ngày 26/9/2022).
[5] Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2022 giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia.
Tác giả: Thùy Trang - Minh Đoàn
- Người phát ngôn Bộ Công an thông tin về việc xử lý các thông tin thất thiệt trên không gian mạng và triển khai ứng dụng VNEID (09.01.2025)
- Quản lý, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ (06.01.2025)
- Nghị định quy định về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang (05.01.2025)
- Người phát ngôn Bộ Công an thông tin một số kết quả phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực năm 2024 (01.01.2025)
- Mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm Quy tắc giao thông đường bộ (31.12.2024)
- Kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV (29.12.2024)
- Giải quyết một số trường hợp cụ thể trong khi làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ (27.12.2024)
- Tập huấn chuyên sâu về luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành cho lực lượng Cảnh sát giao thông (23.12.2024)
- Nhiệm vụ của Công an xã trong phối hợp với Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (23.12.2024)