Bản lĩnh trên bàn đàm phán
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đất nước ta lại bước vào cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc và Chính quyền Cách mạng non trẻ. Với tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" và ý chí cách mạng mạnh mẽ, quân và dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, mà đỉnh cao là chiến dịch Ðiện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Thắng lợi quan trọng trên chiến trường, và sự phát triển của phong trào công nhân thế giới đã mở ra cục diện thuận lợi cho Cách mạng nước ta. Ngày 8-5-1954, chỉ một ngày sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Hội nghị Giơ-ne-vơ về Ðông Dương đã khai mạc. Trải qua 75 ngày đêm đàm phán với 31 phiên họp cùng nhiều cuộc tiếp xúc song phương và đa phương, Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã được ký kết.
Hội nghị Giơ-ne-vơ là một cột mốc lịch sử đối với sự nghiệp Cách mạng của dân tộc ta. Chúng ta đã kiên trì, kiên quyết đấu tranh cho một giải pháp toàn diện về chính trị và quân sự; đạt được mục tiêu cơ bản, cốt lõi, giành được thắng lợi từng bước, tạo tiền đề đưa sự nghiệp cách mạng đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước đi đến thắng lợi trọn vẹn, vẻ vang sau này. Ðánh giá về Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "…Hội nghị Giơ-ne-vơ đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng to"(1); Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong Lễ kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam nhận xét, việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ là một thắng lợi to lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Hội nghị Giơ-ne-vơ và các văn kiện liên quan tạo tiền đề quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất Tổ quốc của dân tộc ta. Lần đầu tiên, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam được các nước lớn công nhận tại một hội nghị đa phương. Pháp và các nước tham gia Hội nghị đã "cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ", "tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội trị" của Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia. Pháp buộc phải đình chỉ chiến sự và rút hoàn toàn quân đội khỏi lãnh thổ ba nước Ðông Dương. Gần 20 năm sau, Hiệp định Pa-ri năm 1973 đã khẳng định lại những cơ sở pháp lý quan trọng này: Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về Việt Nam đã công nhận. Bên cạnh ý nghĩa pháp lý, Hội nghị Giơ-ne-vơ cũng tạo điều kiện để chuẩn bị cho cuộc trường kỳ kháng chiến của nhân dân ta. Với kết quả Hội nghị, chúng ta đã có thời gian quý báu để khôi phục lại sau chiến tranh và bắt tay vào xây dựng CNXH ở miền Bắc - trở thành hậu phương lớn cho phong trào cách mạng miền Nam tiếp tục công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đi đến thắng lợi cuối cùng năm 1975.
Những thành quả của Hội nghị Giơ-ne-vơ thể hiện bản lĩnh của nền ngoại giao Cách mạng Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn dắt ngay từ những ngày đầu lập nước. Ðây là lần đầu tiên nền ngoại giao Cách mạng Việt Nam tham gia một hội nghị đa phương trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các nước lớn tham gia Hội nghị đều có mục tiêu và lợi ích riêng. Ðoàn đàm phán của chúng ta đã phát huy chiến thắng trên chiến trường, sức mạnh chính nghĩa của dân tộc, kiên định về nguyên tắc nhưng mềm dẻo về sách lược để giành được những kết quả quan trọng. Sau Hội nghị, vị thế của Việt Nam được củng cố và nâng cao đáng kể. Trong giai đoạn từ sau Hội nghị Giơ-ne-vơ đến năm 1973, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã lập quan hệ ngoại giao với 36 quốc gia, trong khi trước đó mới có quan hệ ngoại giao với chín nước XHCN.
Thành quả của Hội nghị Giơ-ne-vơ có ý nghĩa quốc tế to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa, phụ thuộc. Dân tộc Việt Nam nhỏ bé đã kiên cường đấu tranh, giành được những thắng lợi vang dội cả trên chiến trường và trên bàn đàm phán, buộc các nước lớn công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình. Việt Nam trở thành tấm gương, nguồn động lực cổ vũ các dân tộc thuộc địa đứng lên tiếp tục cuộc đấu tranh giành độc lập. Thắng lợi của Việt Nam mở màn cho sự sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, với hàng loạt các nước thuộc địa Á - Phi giành được độc lập trong những năm cuối 1950 - đầu 1960.
Những bài học kinh nghiệm quý báu
65 năm trôi qua, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi, nhưng Hội nghị Giơ-ne-vơ vẫn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. Trong đó, năm bài học tiêu biểu gồm:
Một là, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, coi đây là mục tiêu và nguyên tắc cao nhất trong đối ngoại. Tình hình quốc tế càng phức tạp, các nước lớn càng chi phối quan hệ quốc tế, ta lại càng cần nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, đồng thời "dĩ bất biến, ứng vạn biến", kiên định trong nguyên tắc, linh hoạt, mềm dẻo trong sách lược.
Hai là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại. Trong đó, tăng cường tiềm lực, nâng cao sức mạnh nội sinh của đất nước đi đôi với linh hoạt, chủ động tạo thế trong đối ngoại để bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.
Ba là, hiệp đồng trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, qua đó tạo sức mạnh tổng hợp để đi đến thắng lợi cuối cùng. Các mặt trận này được xác định là những mặt trận quan trọng, có tác động qua lại, không tách rời nhau.
Bốn là, nghệ thuật biết thắng từng bước để đi đến chiến thắng hoàn toàn trong bối cảnh chênh lệch tương quan lực lượng. Từ những lợi thế nhỏ, từng phần tạo nên thực lực mới, vị thế mới vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.
Năm là, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh ngoại giao với đấu tranh dư luận, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, các lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Vững bước tiến về phía trước
Tiếp nối thành quả của Hội nghị Giơ-ne-vơ và các sự kiện lịch sử sau đó, từ năm 1986, chúng ta đã tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đạt nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Tính chung hơn 30 năm qua, GDP Việt Nam tăng 30 lần, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 7%. Ðất nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển, đời sống nhân dân được từng bước cải thiện. Ổn định chính trị - xã hội được giữ vững. Về đối ngoại, chúng ta triển khai hội nhập quốc tế sâu rộng, xây dựng mạng lưới 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, quan hệ với các nước ngày càng đi vào chiều sâu. Uy tín và vị thế của đất nước được nâng cao, thể hiện qua việc các nước tin tưởng, ủng hộ ta đảm nhận những trọng trách quốc tế. Vừa qua, ta đã trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu kỷ lục (192/193). Chúng ta cũng tổ chức tốt Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội và hiện tích cực chuẩn bị đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020. Trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 89 năm thành lập Ðảng ngày 3-2-2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.
Bên cạnh đó, đất nước ta cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế phát triển chưa thật sự vững chắc; mô hình tăng trưởng vẫn chậm đổi mới; sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp. Các vấn đề an ninh phi truyền thống nổi lên gay gắt. Tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp với những thay đổi bước ngoặt. Cạnh tranh, cọ xát chiến lược giữa các nước lớn trong khu vực và trên thế giới ngày càng phức tạp. Vấn đề Biển Ðông có những diễn biến mới phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và lợi ích an ninh và phát triển của ta.
Tình hình đó đòi hỏi chúng ta tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, đoàn kết, năng động, hiệu quả và vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm lịch sử quý báu để thực hiện thắng lợi đường lối của Ðảng và Nhà nước nói chung, chủ trương, chính sách trong lĩnh vực đối ngoại nói riêng. Với thế và lực ngày càng được nâng cao và sự tin tưởng, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, cùng những kinh nghiệm quý báu từ Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, chúng ta tin tưởng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN sẽ đi đến thắng lợi hoàn toàn.
-------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.7, tr.321-323.
Phạm Bình Minh
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao
Tác giả: Tin: Minh Trang; Hình: Đức Hoàng
Tin liên quan
- Một số Quy định mới về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm (17.07.2022)
- Củng cố, kiện toàn các tổ chức Đảng trong Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh (08.07.2022)
- Hưởng ứng tháng hành động vì trẻ em năm 2022 (31.05.2022)
- Nhiều công trình, phần việc do Phụ nữ Công an đảm nhận đi vào thực tiễn (15.12.2021)
- Quy định mới về việc miễn nhiệm, từ nhiệm đối với cán bộ (09.11.2021)
- Những điểm mới nổi bật của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng (02.11.2021)
- Ban hành quy định mới về 19 điều Đảng viên không được làm (29.10.2021)
- Kiên quyết đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong toàn Đảng (22.10.2021)
- Nhận diện tiêu cực trong cán bộ, đảng viên (12.10.2021)