Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

“Trồng cây” và “trồng người” như lời Bác dặn

Ngày đăng: 23.12.2019

 
        “Mùa xuân là Tết trồng cây
        Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”
        Từ nhận thức sâu sắc rằng: “Muốn ăn quả thì phải trồng cây”(1), với bút danh Trần Lực, ngày 30-5-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài: “Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà ở”, đăng trên báo Nhân Dân, số 1901; trong đó nhấn mạnh tinh thần “phải ra sức trồng cây. Chúng ta chuẩn bị từ rày, Dăm năm sau, sẽ bắt tay dựng nhà”(2). Sau đó, ngày 28-11-1959, trong bài “Tết trồng cây”, đăng trên báo Nhân Dân, số 2082, Người “đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây”, vì theo Người: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều… Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”(3).
        Không chỉ phát động Tết trồng cây, Người thường xuyên chỉ đạo cán bộ các cấp cần xây dựng kế hoạch trồng cây sớm, “phải chuẩn bị đầy đủ cho “Tết trồng cây”, ví dụ: Bộ Nông lâm, các Ty Nông lâm và các đoàn thể cần phải ươm đủ giống cây; Uỷ ban hành chính các địa phương phải có kế hoạch trồng cây gì, trồng ở đâu, v.v..”(4); đồng thời, nhấn mạnh yêu cầu: Phải trồng cây hiệu quả, “cán bộ cần phải có kế hoạch chu đáo, hướng dẫn chặt chẽ. Trồng cây nào chắc cây ấy” và trồng cây rồi thì phải chăm sóc cây để cây sống và tươi tốt, vì “trồng nhiều mà không chịu khó chăm sóc, để cây chết thì tốn công, vô ích”.
        Để trồng cây đạt kết quả và phong trào “Tết trồng cây” phát triển thắng lợi, Người nhấn mạnh: 1) “Tết trồng cây cũng như mọi việc khác, các cấp uỷ Đảng phải lãnh đạo cụ thể và chặt chẽ thì sẽ thành công”, vì thế, phải “có kế hoạch làm cho mọi người tham gia trồng cây. Làm sao cho người trồng cây cũng có lợi. Như vậy mọi người sẽ phấn khởi trồng cây. Thanh niên nên chuẩn bị một kế hoạch trồng cây: Trồng ở đâu? Trồng bao nhiêu? Trồng cây gì, v.v., bàn bạc với các địa phương để thực hiện kế hoạch cho tốt”(5). 2) Phải liên hệ chặt chẽ “Tết trồng cây” với kế hoạch trồng cây gây rừng và coi “Tết trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục”. 3) “Phải nắm đúng nguyên tắc xem trọng chất lượng, nghĩa là trồng cây nào chắc cây ấy, không nên tham trồng quá nhiều, mà không ra sức bảo vệ và chăm nom cây; đồng thời, “thực hiện “Tết trồng cây” một cách liên tục, bền bỉ và vững chắc”. 4) Phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng; trong đó, thanh niên là lực lượng nòng cốt phụ trách việc trồng cây; “đồng thời, phải kết hợp với lực lượng các cụ phụ lão và các cháu thiếu nhi”. 5) Cấp ủy, chính quyền, ban, ngành phải đôn đốc, thường xuyên nhắc nhở, rút kinh nghiệm và cần nhân rộng những gương điển hình tiên tiến trong phong trào “Tết trồng cây” như hợp tác xã Lạc Trung (Vĩnh Phúc), hợp tác xã Yên Trường (Thanh Hóa); kinh nghiệm tốt của cá nhân các cụ phụ lão như cụ Chuẩn  (84 tuổi, xã Yên Hòa, tỉnh Quảng Bình), chị em phụ nữ như bà Nhàn (xã Chi Lăng, Phú Thọ), của thanh niên như anh Trần Văn Ngõ (cụt một tay, xã Thái Đô, Hà Nội), v.v..
Thông qua “Tết trồng cây”, hình thành nét đẹp văn hóa, giáo dục đạo đức lao động tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, lối sống hòa đồng giữa con người với thiên nhiên của người Việt. Vì thế, hằng năm, cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, Người thường viết báo nhắc nhở việc thực hiện “Tết trồng cây”; đồng thời, dành thời gian đi thăm và tham gia trồng cây cùng nhân dân ở các địa phương, để kịp thời động viên và biểu dương những địa phương, tập thể, cá nhân trồng cây tốt, nhắc nhở những nơi chưa làm tốt việc tổ chức trồng cây.
 
        Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trồng cây và phát động “Tết trồng cây” không chỉ là nhằm để phát triển kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị to lớn, đó là bởi: “Trong lúc bọn Mỹ - Diệm dã man bỏ thuốc độc phá hoại cây cối núi rừng ở miền Nam, thì ở miền Bắc nhân dân ta thi đua trồng cây gây rừng. Chỉ một việc đó cũng đủ làm cho người ta so sánh giữa hai chế độ ta và địch, và nhận rõ sự tốt đẹp của chế độ ta”(6).
        Cùng với thời gian, “Tết trồng cây đã trở nên một phong trào quần chúng mạnh mẽ, là vì mọi người đều thấy lợi ích thiết thực và lâu dài của nó… do Tết trồng cây, mà đất nước ta càng thêm xinh tươi, nhân dân ta càng thêm giàu có”(7). Vì thế, không phải ngẫu nhiên, trước khi đi xa, trong Di chúc, ở phần về việc riêng, Người lại căn dặn “nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”.
        Thống nhất giữa nói và làm, gương mẫu làm trước, cứ mỗi dịp xuân về, dù bộn bề việc nước và sức khỏe thế nào, Người cũng nêu gương trong trồng và chăm sóc cây. Sáng ngày 11-1-1960, trong không khí “Tết trồng cây” đầu tiên mừng Đảng, mừng Xuân, Người đã cùng đồng bào Thủ đô đã trồng cây ở Công viên Hồ Bảy Mẫu (nay là công viên Thống Nhất). Người tự tay cầm xẻng, xúc đất vun cho một cây đa nhỏ; sau đó, Người nói chuyện thân mật với mọi người về lợi ích của việc trồng cây. Năm 1961, Người cùng các đại biểu thanh niên Thủ đô đến trồng cây trên công trình lao động làm đẹp Thủ đô tại vườn hoa Thanh Niên. Ngày 3- 2-1963, Người về thăm và tham gia trồng cây trong Hội trồng cây thống nhất cùng đồng bào huyện Đông Anh. Sáng mùng 1 Tết Kỷ Dậu 1969, tuy sức khỏe yếu đi nhiều, nhưng Người vẫn đến trồng cây lưu niệm tại đồi Vật Lại, Ba Vì.  

 

Đoàn viên thanh niên là một trong những lực lượng tích cực hưởng ứng phong trào Tết trồng cây
 
        “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, 
        Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”(8)
        Từ khi chuẩn bị những điều kiện về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam cho đến khi trở thành lãnh tụ của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều dành sự chăm lo đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Một trong những ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ là “tổ chức ra Cộng sản Thanh niên Đoàn là một nhiệm vụ thâu phục một bộ phận quan trọng của vô sản giai cấp là một vấn đề cần kíp mà Đảng phải giải quyết”(10) và giáo dục toàn diện về đức, trí, thể, mỹ cho thế hệ trẻ. Cụ thể, Người yêu cầu thế hệ trẻ, nhất là thanh niên dù đang học tập tại hệ thống các nhà trường, đang chiến đấu ở tiền tuyến hay lao động sản xuất tại hậu phương cũng đều phải được học tập và nỗ lực học tập, tu dưỡng để “làm việc, làm người, làm cán bộ, để phụng sự Đảng, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”.
        Trong đó, các cấp ủy, các ban, ngành cần phải: 1) Bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chú trọng đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm cho thế hệ trẻ trở thành những người công dân có ích, những người chiến sĩ tốt, những người cách mạng chân chính, người chủ tương lai xứng đáng của đất nước. 2) Nâng cao bản lĩnh, chí khí cách mạng cho tuổi trẻ để tuổi trẻ thấy “thắng không kiêu, bại không nản”, kiên trì vượt mọi khó khăn, thử thách, chủ động và phòng và chống được những cám dỗ vật chất đời thường. 3) Đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật cho thế hệ trẻ; trong đó, gắn lý luận với thực tiễn, kế thừa và bổ sung lý luận và khoa học tiên tiến kết hợp với thực tiễn của đất nước để tuổi trẻ nước nhà trở thành người cách mạng chân chính vừa hồng vừa chuyên, góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 4) Giáo dục và bồi dưỡng lối sống văn hóa, thể chất cho tuổi trẻ, góp phần đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nhân cách, con người Việt Nam vừa có lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, hết lòng vì sự nghiệp chung; có lối sống cao đẹp, trọng nghĩa tình, có năng lực trí tuệ và kỹ năng lao động, đáp ứng yêu cầu và tình hình nhiệm vụ cách mạng. 5) Đào tạo và bồi dưỡng năng lực làm chủ bản thân, gia đình và công việc mình đảm nhiệm, để thế hệ trẻ tùy điều kiện của mình tham gia làm chủ nhà nước và xã hội.
        Cùng với việc nhấn mạnh yêu cầu cấp ủy, các ban, ngành quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện để thế hệ trẻ nói chung, thanh niên nói riêng được học tập, phấn đấu, Người cũng yêu cầu bản thân mỗi thanh niên phải tự giác rèn luyện, tự trau dồi tri thức, gương mẫu xung phong trong mọi công việc. Trong mọi mặt công tác, thanh niên phải chủ động” 1) Phòng và chống tâm lý ham sung sướng, tránh việc khó nhọc, thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay hoặc chỉ lo học, thi cử để làm cán bộ... 2) Phòng và chống tư tưởng lười biếng, xa xỉ, kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang; đồng thời, khắc phục tâm lý tự tư, tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng của mình, để xứng đáng “là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai”. 3) Phòng và chống bệnh chủ quan, không lắng nghe, học tập kinh nghiệm của thế hệ cha anh, của mọi người xung quanh; đồng thời, khắc phục tính nóng vội, háo thắng…
        Tâm huyết với chiến lược “trồng người” và coi đó là một việc rất quan trọng và rất cần thiết đối với Đảng cầm quyền, Người căn dặn trong Di chúc: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”.
        Tiếp tục thực hiện chiến lược “trồng cây” và “trồng người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, Đảng, Chính phủ và các ban, ngành ở Trung ương và địa phương đã chú trọng chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, tạo dựng đội ngũ cán bộ kế cận xứng đáng là lực lượng hậu bị của Đảng. Cùng với việc đổi mới toàn diện về giáo dục đào tạo tại hệ thống các nhà trường, việc từng bước đổi mới nội dung và phương thức giáo dục, nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống lịch sử, lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội cho thế hệ trẻ đã nâng cao nhận thức của tuổi trẻ cả nước về tính đúng đắn, khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giá trị trường tồn của lịch sử dựng nước, giữ nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Đồng thời, không quản ngại khó khăn, thử thách, tuổi trẻ cả nước đã không chỉ nỗ lực phấn đấu về mọi mặt mà còn tích cực đẩy mạnh học tập và làm theo Bác, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, xung kích, tình nguyện bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”(9), nên luôn dành sự quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ (thanh niên, thiếu niên, nhi đồng). Vì thế, cùng với việc chăm lo, phát triển phong trào “trồng cây”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm chiến lược “trồng người”; đồng thời, xác định cả 2 nhiệm vụ trọng yếu đó đều rất quan trọng, có ý nghĩa đối với sự nghiệp cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
 
        Các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, truyền thống và tổ chức hoạt động về nguồn làm cho thế hệ trẻ hiểu rõ được truyền thống vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam, về truyền thống của các thế hệ thanh niên để học tập và noi theo, bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy tinh thần “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Học vì ngày mai lập nghiệp”...; các vận động, các phong trào thi đua của tuổi trẻ cả nước, nhất là phong trào “Tết trồng cây” mỗi dịp Xuân về, phong trào trồng cây, trồng rừng phù hợp với điều kiện từng nơi gắn với việc nâng cao ý thức bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái pháp luật; phong trào “Giờ Trái đất” do Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên tổ chức hằng năm; trồng cây xanh phủ kín đồi trọc, nhặt rác trên bờ biển, lòng hồ, khu trung tâm công cộng, tham gia bảo vệ môi trường sinh thái… đã cho thấy tinh thần: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên” của tuổi trẻ nước nhà.
        “Trồng cây” và “trồng người” theo lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ truyền thống văn hóa Việt Nam được giữ gìn và bồi đắp suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Mục tiêu lớn lao của “trồng cây” và “trồng người” chính là để đất nước phát triển mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững. Người đã đi xa, nhưng chiến lược “trồng cây” và “trồng người” tiếp tục được thực hiện, để không chỉ phát triển kinh tế bền vững đi đôi với nhân thảm thực vật xanh, bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu - yêu cầu sống còn với mỗi quốc gia mà còn góp phần bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ trẻ Việt Nam - lực lượng kế cận rường cột của nước nhà ngày một phát triển và trưởng thành, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. 
        ------------------------------
        (1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.3, tr.251
        (2), (3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.227, 336-337, 337.
        (5), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.472, 22-23.
        (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.20-21.
        (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.528.
        (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.194.
        (10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1999, t.2, tr.91
 
Nguyễn Văn Công
Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN
  • Ngày: 13215
  • Tuần: 13216
  • Tháng: 100000
  • Tổng: 1100200