Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 11.11.2019

          Người xem đoàn kết trong Đảng là tiền đề để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự đoàn kết trong Đảng càng được củng cố thì khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng được tăng cường. Đảng đoàn kết, dân tộc đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa cách mạng nước ta đi tới thắng lợi cuối cùng - “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
          Không chỉ khẳng định sức mạnh của đoàn kết, Người còn nêu rõ đoàn kết là yêu cầu, là đòi hỏi của Đảng cầm quyền: Muốn lãnh đạo cách mạng, Đảng phải thực sự đoàn kết, thống nhất. Người luôn luôn nhấn mạnh: “Là một Đảng lãnh đạo, Đảng ta cần phải mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu. Toàn Đảng phải tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí mới làm tròn nhiệm vụ của Đảng” (1). Khi nước ta vừa giành được độc lập, vận mệnh dân tộc đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Người đã chỉ rõ: “Dân tộc ta suy hay thịnh, mất hay còn, chính ở trong lúc này. Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn” (2).
          Trong bản Di chúc thiêng liêng, Người đã dành những lời tâm huyết nhất để căn dặn Đảng ta: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
          Theo Người, cơ sở để xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng chính là đường lối, quan điểm của Đảng và Điều lệ Đảng. Đây là cơ sở tạo nên sự thống nhất về tư tưởng và tổ chức, từ đó thống nhất về hành động nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng. Nếu xa rời nguyên tắc này sẽ dẫn đến đoàn kết hình thức, giả hiệu. Đoàn kết mà không thống nhất hoặc thống nhất mà không đoàn kết, sẽ dẫn đến những nguy cơ phá hoại đoàn kết thống nhất từ trong nội bộ.
          Để thực hiện đoàn kết trong Đảng, điều đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải thực hành dân chủ rộng rãi. Người thường nói: “Muốn thật sự đoàn kết thì phải có dân chủ thật sự trong Đảng” (3). Trong Di chúc, Người căn dặn Đảng ta phải thực hành dân chủ rộng rãi, đó là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết của Đảng.
          Theo Người, trong Đảng có thực hành dân chủ rộng rãi mới đi đến đoàn kết thực sự; có mở rộng dân chủ, cán bộ và đảng viên mới có thể tham gia bàn bạc đến nơi đến chốn những vấn đề hệ trọng, từ đó đi đến thống nhất tư tưởng và hành động, đoàn kết để lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng; có đề cao tinh thần dân chủ trong sinh hoạt và các hoạt động của tổ chức đảng mới đi đến đoàn kết thống nhất để làm việc hiệu quả; có dân chủ bàn bạc mới cùng thông suốt, nhất trí, từ đó cùng quyết tâm thực hiện, tránh được tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” để đoàn kết nội bộ chặt chẽ và bền vững hơn.
          Người cho rằng, muốn dân chủ, đoàn kết, cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy phải thực sự cầu thị, biết lắng nghe, chắt lọc và kết luận vấn đề một cách khách quan, khoa học, không để xảy ra tình trạng áp đặt ý kiến chủ quan của người chủ trì, dẫn đến chất lượng nghị quyết không cao, chủ trương đưa ra không phù hợp với thực tiễn. Người yêu cầu, cương vị lãnh đạo càng cao thì càng đòi hỏi phải thực hiện mở rộng dân chủ và dân chủ thật sự chứ không phải hình thức. Nhiều lần Người phê bình cách lãnh đạo không dân chủ, độc đoán, chuyên quyền của một số cấp ủy, để tình trạng “các đảng viên và các cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình”.
          Cách lãnh đạo thiếu dân chủ đó làm cho “cấp trên với cấp dưới cách biệt nhau”, từ đó sinh ra thói “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng”, “trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm”, “thậm thà thậm thụt” và những thói xấu khác. Người chỉ ra rằng, đó chính là mầm mống của mất đoàn kết nội bộ.
          Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thực hiện đoàn kết trong Đảng, ngoài yêu cầu phải thực hành dân chủ rộng rãi còn phải thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Người nói: “Đoàn kết của ta không phải là chín bỏ làm mười (đồng tương tế) mà là phê bình. Phê bình để đoàn kết, để tiến bộ” (4). Người thường xuyên nhấn mạnh, đoàn kết trong Đảng phải là đoàn kết thực sự, đoàn kết chặt chẽ.
          Đoàn kết thực sự, nghĩa là “mục đích phải nhất trí và lập trường cũng phải nhất trí”; nghĩa là “vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, học hỏi những cái tốt của nhau, phê bình những cái sai của nhau”. Người cho rằng, muốn đoàn kết thực sự “thì phải phê bình, tự phê bình tốt, nghĩa là xuất phát từ đoàn kết mà phê bình và tự phê bình, phê bình và tự phê bình để đi đến đoàn kết hơn nữa”. Muốn đoàn kết chặt chẽ, cán bộ, đảng viên cũng phải “thật thà phê bình, thành khẩn phê bình đồng chí và những người xung quanh, phê bình, tự phê bình để cùng nhau tiến bộ, để đi đến càng đoàn kết”.
          Theo Người, thực hiện tốt tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và tăng cường đoàn kết trong Đảng. Nhưng, “Phải biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự sửa chữa” (5). Phê bình “sáng suốt, khôn khéo”, nghĩa là “Phải dùng thái độ thân thiết, giúp họ tìm ra cái cớ vì sao mà sai lầm?”, chứ không phải là phê bình theo kiểu “chụp mũ” hay “quy kết”...
          Sáng suốt, khôn khéo trong phê bình còn là dùng cách giải thích, thuyết phục, cảm hóa, giáo dục để họ vươn lên tự khẳng định mình, chứ không phải dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc”. Phê bình thì phải “rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, thành thật”, chứ không phải là nể nang và che giấu”, “trước mặt thì nể, kể lể sau lưng”.
          Mục đích phê bình “là cốt sửa chữa, chứ không phải để công kích, cốt giúp nhau tiến bộ, chứ không phải làm cho đồng chí khó chịu, nản lòng; “phê bình trên công tác cách mạng, phê bình để tiến bộ, không phải để xoi mói”. Chỉ có thường xuyên tự phê bình và phê bình “như mỗi ngày phải rửa mặt” trên tinh thần đoàn kết, thẳng thắn, chân thành, thì “vũ khí thần diệu” ấy mới giúp các tổ chức đảng luôn luôn trong sạch, vững mạnh.  
          Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để đoàn kết thật sự, đoàn kết chặt chẽ không những đòi hỏi phải thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng mà rất cần tình thương yêu, sự đồng cảm và chia sẻ giữa cán bộ, đảng viên với nhau. Trong Di chúc, phần nói về thực hành dân chủ, tự phê bình và phê bình trong Đảng, Người căn dặn cán bộ, đảng viên: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
          Để có “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, trong sinh hoạt và công tác, giữa cán bộ, đảng viên cần có sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, mọi người phải đặt mục tiêu vì công việc, nhiệm vụ chung, không vì mục đích cá nhân. Mỗi người đều phải nêu cao tinh thần đoàn kết, thương yêu lẫn nhau, không cục bộ địa phương chủ nghĩa, nhất là không được “kéo bè kéo cánh”.
          Theo Người, “kéo bè kéo cánh” là một bệnh rất nguy hiểm, có thể dẫn đến chia rẽ nội bộ, làm hại đến sự thống nhất, gây ra những mối nghi ngờ, làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí với nhau. Thương yêu đồng chí là “phải luôn luôn chú ý đến công việc của họ, kiểm thảo họ, hễ thấy khuyết điểm thì giúp cho họ sửa chữa”, chứ không phải là lúc họ có sai lầm cũng cứ nể nang không thiết thực phê bình, thiết thực sửa đổi, sợ mất lòng.
          Thương yêu đồng chí không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc mà phải “giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm”. Chỉ có xuất phát từ “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, cán bộ, đảng viên mới chung sức chung lòng xây dựng đoàn kết nội bộ chặt chẽ, vững chắc.
          Đoàn kết là vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng, là đường lối chiến lược quyết định thành công của cách mạng Việt Nam. Nhờ đoàn kết chặt chẽ, suốt chặng đường 90 năm xây dựng và phát triển, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân vượt qua bao khó khăn, thách thức, giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
          Trong bối cảnh đất nước ta đang chuyển mình mạnh mẽ để đón nhận những cơ hội cùng thách thức lớn của quá trình hội nhập, đổi mới và phát triển, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết ngày càng trở nên sống động, mang tính thời sự sâu sắc và có ý nghĩa hết sức to lớn.

* 1, 2, 3, 4, 5 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, H.2011, t.7(tr.415), t.4(tr.55), t.14(tr.186), t.5(tr.370), t.5(tr.284).
PGS.TS Trần Quang Tám
Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN
  • Ngày: 73
  • Tuần: 462
  • Tháng: 1815
  • Tổng: 1100200