Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

6 nhiệm vụ Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Ngày đăng: 01.02.2024

Ngày 28/11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Luật số 30). Luật này quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

 

Về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật quy định có 7 nhiệm vụ (Từ Điều 7 đến Điều 11), cụ thể:

 

Hỗ trợ nắm tình hình về an ninh, trật tự (Điều 7)

1. Hỗ trợ Công an cấp xã nắm tình hình vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình trên địa bàn phụ trách thông qua nguồn tin của Nhân dân, phương tiện thông tin đại chúng theo hướng dẫn của Công an cấp xã.

2. Khi phát hiện, tiếp nhận thông tin vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình trên địa bàn phụ trách phải báo ngay cho Công an cấp xã; có mặt tại nơi xảy ra vụ việc để thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu, hướng dẫn của Công an cấp xã; kịp thời ngăn chặn hành vi xâm phạm, đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tài sản của cơ quan, tổ chức trong điều kiện, khả năng cho phép và theo quy định của pháp luật.

 

Hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Điều 8)

1. Hỗ trợ Công an cấp xã tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về an ninh, trật tự và xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

2. Vận động Nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự.

 

Hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (Điều 9)

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo yêu cầu, hướng dẫn, phân công của Công an cấp xã hỗ trợ lực lượng dân phòng trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn phụ trách hoặc địa bàn khác khi được điều động.

 

Hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội (Điều 10)

1. Hỗ trợ Công an cấp xã nắm thông tin về hoạt động của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách, trường hợp trực tiếp phát hiện hoặc tiếp nhận thông tin vi phạm pháp luật phải báo ngay cho Công an cấp xã trực tiếp quản lý.

2. Nắm thông tin nhân khẩu, hỗ trợ Công an cấp xã kiểm tra nhân khẩu, tạm trú, tạm vắng trên địa bàn phụ trách.

3. Tuyên truyền, vận động cơ quan, tổ chức và Nhân dân trên địa bàn phụ trách khai báo, giao nộp pháo, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định.

4. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này mà phát hiện hành vi vi phạm pháp luật phải báo ngay cho Công an cấp xã trực tiếp quản lý và hỗ trợ Công an cấp xã kịp thời ngăn chặn.

 

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở góp phần kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng, tinh gọn đầu mối với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở (Nguồn: chinhphu.vn/)

 

Hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở (Điều 11)

Hỗ trợ Công an cấp xã vận động, giáo dục những người sau đây đang sinh sống trên địa bàn phụ trách chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước:

1. Người đã chấp hành xong án phạt tù; người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; người đã chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; người được tha tù trước thời hạn có điều kiện;

2. Người bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; người được bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân, quản chế; người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách; người đã chấp hành xong bản án của Toà án chưa được xóa án tích;

3. Người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, quản lý tại gia đình; người phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành quyết định; người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng; người có hành vi bạo lực gia đình.

 

Hỗ trợ tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động (Điều 12)

1. Hỗ trợ Công an cấp xã tuần tra, phòng ngừa, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách.

2. Hỗ trợ Công an cấp xã hướng dẫn, phân luồng, giải quyết ùn tắc giao thông khi được huy động.

3. Khi thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà phát hiện vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hỗ trợ hoặc theo hướng dẫn của Công an cấp xã, lực lượng chức năng bảo vệ hiện trường, bảo vệ an ninh, trật tự.

4. Trường hợp xảy ra tình huống phức tạp về an ninh, trật tự ngoài địa bàn phụ trách, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có thể được cấp có thẩm quyền điều động để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Việc sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong trường hợp điều động được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

 

Ngoài ra, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cũng đã quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong thực hiện Luật, trong đó trách nhiệm của Bộ Công an được quy định cụ thể tại Điều 28 như sau:

Bộ Công an là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và có trách nhiệm sau đây:

1. Trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;

2. Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;

3. Hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng lực lượng, quản lý, huấn luyện, bồi dưỡng, diễn tập, hội thi và bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định;

4. Chủ trì, phối hợp kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sơ kết, tổng kết đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo thẩm quyền;

5. Hướng dẫn tổ chức phong trào thi đua, khen thưởng trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, thay thế cho Pháp lệnh Công an xã số 06/2008/PL-UBTVQH12.

 

Tác giả: V.L (Tổng hợp)

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN
  • Ngày: 62
  • Tuần: 544
  • Tháng: 2573
  • Tổng: 1100200