(TCTG) - Hồ Chí Minh là một người làm báo mẫu mực, một nhà báo chân chính với ý nghĩa đầy đủ nhất của từ này. Từ mục đích rõ ràng “làm báo để làm cách mạng”, với quyết tâm không mệt mỏi, sự thông minh, sáng tạo của bản thân, cộng với sự giúp đỡ, chỉ bảo của những người bạn Pháp tiến bộ, Bác đã không ngừng rèn luyện để trở thành một nhà báo dày dạn kinh nghiệm, một nhà tổ chức, lãnh đạo báo chí xuất sắc. Những kinh nghiệm làm báo của Người, đặc biệt về cách viết: “Viết cho ai”, “Viết để làm gì”, “Viết như thế nào”... là bài học quý giá với các thế hệ nhà báo sau này.
ĐỐI TƯỢNG CỦA BÁO CHÍ LÀ QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN
Với Hồ Chí Minh, câu hỏi “viết cho ai” được đặt ra như nội dung đầu tiên là tư tưởng về sáng tạo báo chí. Từ “viết cho ai” mới xác định “viết để làm gì”, “viết như thế nào”. Tất nhiên, đây chỉ xét trong tư duy lô-gic của một nhà báo khi đối diện với trang viết của mình trên những đề tài cụ thể. Còn xét trên bình diện bao quát của cả nền báo chí cách mạng, chắc chắn vấn đề mục đích (viết để làm gì) phải được đặt lên hàng đầu.
Tư duy Hồ Chí Minh luôn đi từ cái cụ thể đến cái bao quát. Cho nên, Người nhấn mạnh việc xác định đối tượng của tờ báo như một nội dung trọng yếu, một tiêu chí sống còn để có bài báo tốt. Trong Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng năm 1949, Người khẳng định: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng, một tờ báo không được đại đa số ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo”[1]. Người nhấn mạnh thước đo hiệu quả của báo chí chính là nhận thức của công chúng. “Nếu các bạn viết báo mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay, thế các bạn tiến bộ. Trái lại - là các bạn chưa thành công”[2].
Trong lý luận cách mạng Hồ Chí Minh, vấn đề “quần chúng nhân dân vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng” đã trở thành một nguyên lý xuyên suốt. “Cách mạng là sự nghiệp toàn dân”. Báo chí phục vụ cách mạng chính là ở chỗ tuyên truyền, giác ngộ, phản ánh đời sống mọi mặt của nhân dân. Quần chúng nhân dân là đối tượng tác động, đối tượng phục vụ chủ yếu của báo chí. Đó là sự xác định dứt khoát, thể hiện tính chất tiến bộ, mới mẻ của nền báo chí cách mạng, nền báo chí nhân dân. Tư tưởng của Bác hoàn toàn thống nhất với quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về một nền báo chí của nhân dân. C.Mác viết: “Báo chí chẳng qua chỉ là và phải là “biểu hiện vang dội” của những tư tưởng, tình cảm hàng ngày của nhân dân, đang suy nghĩ thật sự theo cách của nhân dân... Báo chí sống trong nhân dân, trung thực chia sẻ với nhân dân niềm hi vọng và sự lo lắng của họ, tình yêu và lòng căm thù của họ, niềm vui và nỗi buồn của họ”.
Viết cho quần chúng và viết về quần chúng là hai nội dung thống nhất chặt chẽ với nhau, đòi hỏi người làm báo phải không ngừng rèn luyện, “đi sâu vào thực tiễn, gắn bó với cuộc sống đang biến chuyển mạnh mẽ”. Nhưng quần chúng không phải là đối tượng chung chung. Bạn đọc của mỗi tờ báo lại có đặc thù riêng, nhu cầu, trình độ và sở thích riêng. Muốn làm tốt nhiệm vụ của mình, nhà báo phải xác định được đối tượng chính tờ báo hướng tới phục vụ. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Mục đích chung của chúng ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, giữ gìn hoà bình của thế giới. Nhưng một tờ báo của nhân dân, báo của công nhân, báo của thanh niên, báo của phụ nữ... nên có đặc điểm của nó, về hình thức thì không rập khuôn, rập khuôn thì báo nào cũng thành khô khan, làm cho người xem dễ chán”[3]
Sự đa dạng trong chỉnh thể thống nhất, đó là yêu cầu Bác đặt ra cho báo chí cách mạng chúng ta. Bản chất của báo chí cách mạng là gắn bó với nhân dân, phản ánh đầy đủ sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Nhưng bản chất của báo chí cách mạng còn là sáng tạo trong thể hiện, đổi mới trong phong cách. Cơ sở đầu tiên để đạt đến điều đó là sự đa dạng về đối tượng phục vụ. “Báo của nông dân”, “báo của thanh niên”, “báo của phụ nữ”..., mỗi tờ báo một tiêu chí, một bản sắc. Bản sắc của mỗi tờ báo sẽ là chất gắn kết, tạo dựng mối quan hệ mật thiết giữa báo chí và những công chúng chủ yếu của mình. Hồ Chí Minh ý thức rất rõ về cái riêng trong cái chung, cái cụ thể trong tổng thể. Người xác định đối tượng của tờ Le Paria (Người cùng khổ) là người dân bị áp bức ở các xứ thuộc địa, đặc biệt là những công nhân lao động thuộc địa đang sống trên đất Pháp. Với tờ Thanh Niên ra đời năm 1925 ở Quảng Châu, Bác xác định đối tượng chính là những thanh niên yêu nước, giàu nhiệt huyết cả ở trong và ngoài nước. Còn năm 1941, khi Bác ra tờ Việt Nam độc lập - “một tờ báo có tính chất địa phương” như Tiến sĩ Thuỵ Điển Sờ‑tôn Tô-nét-sơn nhận xét, thì đối tượng tác động chủ yếu mà Người hướng tới chính là đồng bào các dân tộc vùng núi phía Bắc. Người muốn dùng tờ báo nhen lên ngọn lửa cách mạng, góp phần từng bước xây dựng khu căn cứ địa vững chắc, tiến tới khởi nghĩa!
Tư duy Hồ Chí Minh là lối tư duy năng động. Khẳng định “đối tượng của báo chí là quần chúng nhân dân”, Người không đóng khung nó trong những nội hàm chung chung, trừu tượng, mà luôn khuyến khích tư duy sáng tạo, đặt vào những hoàn cảnh cụ thể, những nhiệm vụ cụ thể. Trong Thư gửi Báo Vệ quốc quân tháng 7/1948, Người xác định đối tượng của tờ báo trong mối quan hệ hai chiều: “Báo Vệ quốc quân phải là người bạn thân thiết của mỗi một chiến sĩ Vệ quốc quân. Vì vậy, cần phải đi sát với sự sinh hoạt và sự phát triển của “vệ quốc quân”. Mỗi một chiến sĩ vệ quốc quân phải là một người bạn thân thiết của báo Vệ quốc quân. Vì vậy phải giúp cho báo Vệ quốc quân phát triển”[4].
Như vậy, nói đối tượng phục vụ của báo chí là quần chúng nhân dân, Bác đồng thời nhấn mạnh vai trò tham gia, tác động ngược trở lại của quần chúng với báo chí. Quần chúng không tiếp nhận báo chí một cách thụ động. Trái lại, tư cách của những người sáng tạo ra lịch sử, họ tham gia trực tiếp và gián tiếp vào việc sáng tạo báo chí. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nhân dân, với tư cách là “đối tượng” phản ánh của báo chí, vừa “tự do bày tỏ ý kiến” của mình, “tự do phê bình” trên báo chí, đó chính là nguồn tư liệu, là “hòn ngọc quý” của văn học nghệ thuật, và là lực lượng tham gia xây dựng, ủng hộ, phát hành báo chí”[5].
Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí thể hiện rõ nét “tính nhân dân”, “tính quần chúng”của báo chí cách mạng. Từ thực tiễn sinh động của sự nghiệp cách mạng do nhân dân làm chủ, báo chí tìm thấy chất liệu, tư liệu để phản ánh, và nhân dân cũng có thể tham gia trực tiếp vào quá trình sáng tạo, “tự do bày tỏ ý kiến của mình, tự do phê bình trên báo chí”. Báo chí phục vụ nhân dân ở mức cao nhất khi nó trở thành một diễn đàn đầy đủ, thuận lợi để nhân dân thể hiện tâm tư, trí tuệ và tình cảm của mình. Đó là biểu hiện của tính dân chủ trong đời sống, khẳng định vai trò làm chủ của nhân dân lao động trên mọi mặt xã hội. Nhân dân có vai trò to lớn trong sự nghiệp báo chí cách mạng. Ngoài việc cung cấp thông tin, quần chúng nhân dân còn “là lực lượng tham gia xây dựng, ủng hộ, phát hành báo chí”.
Hồ Chí Minh kể về kinh nghiệm làm báo ở Pháp: “Ở Pa-ri có chỗ bán báo lấy hoa hồng. Vì là đồng chí với nhau cả, các anh chị ấy bán hộ cho mình mà không lấy hoa hồng, và họ bán được khá nhiều”[6]. “… Trong những cuộc mít-tinh, mình đưa báo ra phát, rồi nói: “Báo này nói cho các đồng chí biết bọn thực dân áp bức chúng tôi như thế nào. Báo này để biếu thôi, nhưng đồng chí nào có lòng giúp cho báo thì chúng tôi cảm ơn”. Kết quả là: nếu đem bán thì 100 tờ báo được 5 phờ-răng, nhưng “biếu không” thì có khi được tới 10, 15 phờ-răng. Vì anh em công nhân có 1, 2 xu hoặc 1, 2 phờ-răng cũng cho cả”[7].
BÁO CHÍ CÁCH MẠNG PHẢI DỰA VÀO NHÂN DÂN
Phục vụ quần chúng và dựa vào quần chúng đã thành mối quan hệ hữu cơ không thể tách rời giữa những người làm báo cách mạng và quần chúng nhân dân, một biểu hiện sinh động của tình cảm quốc tế vô sản chân chính. Trong điều kiện hết sức khó khăn, những tờ báo cách mạng do Người và những đồng chí của Người sáng lập, tổ chức vẫn tạo được sức hấp dẫn và hiệu quả tuyên truyền chính là vì luôn dựa vào dân, ý thức sâu sắc vai trò của quần chúng nhân dân với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Hồ Chí Minh rút ra nguyên tắc hoạt động của nhà báo: “Đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”[8]), “gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực”[9].
Quan điểm về một nền báo chí mang tính nhân dân của Hồ Chí Minh là sự kế thừa tư tưởng báo chí vô sản của chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời là sự đúc kết sáng tạo trong hoàn cảnh cụ thể báo chí cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, Người đã truyền tải những nguyên lý cơ bản đó thành khẩu hiệu hành động cụ thể thiết thực. Xác định rõ đối tượng phục vụ là quần chúng nhân dân, mỗi nhà báo phải tự tìm cho mình con đường phấn đấu, làm việc cho hiệu quả, mà trước hết là “gắn bó với nhân dân”, “học lời ăn, tiếng nói của nhân dân”, phản ánh thực tiễn lịch sử do nhân dân làm ra một cách kịp thời, chính xác... Báo chí cách mạng phải dựa vào nhân dân, vì quần chúng nhân dân vừa là người cung cấp thông tin, vừa là người thẩm định giá trị và hiệu quả đích thực của tác phẩm. Quần chúng nhân dân cũng tham gia trực tiếp vào quá trình sáng tạo báo chí, thể hiện tâm tư, trí tuệ của mình, làm nên sự đa dạng của báo chí cách mạng Việt Nam. Đó là tầm cao nhân văn của báo chí vô sản, “vì quyền lợi của đại chúng”, hoàn toàn trái ngược với báo chí tư sản “ru ngủ nhân dân, chia rẽ nhân dân, làm cho nhân dân mặt chí khí phấn đấu, mất tinh thần đoàn kết giai cấp”, “những tờ báo “giật gân”, báo nói về ái tình, báo chuyên về lôi chuyện bí mật của những người có tiền để tống tiền... Tất cả những báo ấy đều phục vụ lợi ích của giai cấp bóc lột”[10].
Có một điều cần lưu ý trong quan điểm của Hồ Chí Minh là đối tượng tác động của báo chí không chỉ bó hẹp trong quần chúng nhân dân, mặc dù quần chúng nhân dân là đối tượng phục vụ chủ yếu của báo chí. Xuất phát từ quyền lợi quần chúng nhân dân, quyền lợi của dân tộc, báo chí còn có nhiệm vụ đối ngoại, tác động vào dư luận thế giới, góp phần tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Mặt khác, trong bối cảnh tồn tại nhiều mâu thuẫn quốc tế đan xen nhau, mỗi nhà báo phải thận trọng, giữ bí mật, tránh để kẻ thù lợi dụng. Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở: “Trong lúc viết thì phải giữ bí mật. Các báo chí của ta rất kém giữ bí mật”[11].
Người phân tích: “Người thường ai cũng có cái ví đựng tiền. Nhà nào cũng có cửa, có buồng, có hòm, có khóa để phòng ngừa kẻ gian giảo, để giữ gìn của cải do mình khó nhọc làm ra. Giữ nhà phải cẩn thận như vậy. Giữ nước càng phải cẩn thận hơn. Những văn kiện bí mật của nhà nước quan hệ trực tiếp đến vận mạng của toàn dân, đến sự mất còn của dân tộc. Cho nên giữ bí mật là nhiệm vụ của toàn dân, đặc biệt là nhiệm vụ của các cán bộ các cơ quan, các đoàn thể”[12].
Báo chí là phương tiện thông tin đại chúng có vai trò to lớn trong việc tác động vào đời sống, hình thành dư luận xã hội. Nhưng báo chí cũng là một “kênh” để những lực lượng đối địch thu thập thông tin nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng. “Giữ bí mật” là một yêu cầu sống còn, thể hiện trách nhiệm và bản lĩnh của người làm báo. Thông tin hay, chính xác, kịp thời, nhưng không được để kẻ địch lợi dụng chống phá ta. Mặt khác, báo chí phải góp phần tạo dựng hình ảnh tốt đẹp về sự nghiệp cách mạng, về dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ của bè bạn tiến bộ trên thế giới. Tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Báo của ta có một địa vị quan trọng trong dư luận thế giới. Địch rất chú ý, bạn rất quan tâm đến báo chí nước ta. Cho nên, làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết”[13].
Không phải ngẫu nhiên Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi nhà báo cũng phải là một nhà chính chị, “chính trị phải làm chủ; chính trị đúng thì mọi việc mới đúng”. Xác định đúng đối tượng tác động của báo chí, bên cạnh kinh nghiệm nghề nghiệp còn phải cần đến tư duy chính trị sâu sắc “hiểu người, biết ta”. Đối tượng phục vụ chủ yếu của báo chí là quần chúng nhân dân, nhưng báo chí cũng cần làm tốt hoạt động đối ngoại, vì đó là xuất phát từ quyền lợi chính đáng của nhân dân, của sự nghiệp cách mạng... Bài học “vì ai mà viết”, “viết cho ai xem” mà Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở là hành trang quý giá của mỗi nhà báo khi bước vào nghề. Đó chính là nguyên tắc “gần dân”, “vì dân” của người cán bộ cách mạng chân chính.
PGS.TS. ĐỖ CHÍ NGHĨA
Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội
____________________________________________________________
(1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) (9) (10) (11) (12) (13) Hồ Chí Minh: Về vấn đề báo chí, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 1995, tr. 138, 141, 25, 134, 225, 173, 174, 192, 139, 169, 153,160, 191.
- Nêu gương đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nâng cao tính thuyết phục trong công tác tư tưởng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới (02.06.2024)
- Những bài học trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức từ chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh (20.05.2024)
- Học Bác, làm việc tốt mỗi ngày (19.05.2024)
- Thông qua tuyên bố chung Hội nghị thường niên Bộ trưởng Công an, Nội vụ 03 nước Campuchia - Lào - Việt Nam (29.03.2024)
- Bộ Công an Việt Nam - Bộ Nội vụ Campuchia đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật số (11.01.2024)
- Toàn văn phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đảng uỷ Công an Trung ương (21.12.2023)
- Đối ngoại trong giai đoạn chuyển mình (20.12.2023)
- Tiếp tục nâng hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới (12.10.2023)
- Giới thiệu ấn phẩm đầu tiên của ngành kiểm tra đảng trong lực lượng CAND (10.09.2023)