MỐI QUAN HỆ GIỮA VĂN HÓA VỚI KINH TẾ, CHÍNH TRỊ, XÃ HỘI
Sự phát triển hài hoà, đồng bộ của các lĩnh vực văn hoá, kinh tế, chính trị, xã hội sẽ tạo thế vững chắc, duy trì trật tự, sự ổn định và phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc. Nhìn từ góc độ triết học, nếu kinh tế, xã hội thuộc bình diện cơ sở hạ tầng (tồn tại xã hội) thì văn hoá, chính trị thuộc kiến trúc thượng tầng (ý thức xã hội), vì thế các lĩnh vực đều có mối quan hệ, tác động, chi phối lẫn nhau.
Sự phát triển của kinh tế - xã hội sẽ mang lại cuộc sống vật chất ngày càng đầy đủ, đảm bảo những điều kiện, nhu cầu thiết yếu về ăn, ở, mặc, đi lại, trên cơ sở đó con người tham gia tích cực, chủ động vào các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Nói như C.Mác: “Con người trước hết phải ăn, uống, ở và mặc đã, rồi mới có thể làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo”(1).
Chỉ khi nào những giá trị về công bằng, bình đẳng, tự do, dân chủ... được tôn trọng và đảm bảo, thì con người mới có điều kiện phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ. |
Nếu kinh tế đảm bảo chăm lo đời sống vật chất cho con người; xã hội duy trì và thiết lập các mối quan hệ bền chặt; chính trị kiến tạo niềm tin, vạch ra con đường, tương lai phía trước thì văn hoá thực hiện sứ mệnh chăm lo đời sống tinh thần, tạo động lực, niềm tin, sức mạnh, giúp con người vượt qua những khó khăn, thách thức. Văn hoá với hệ giá trị, truyền thống, chuẩn mực, bản sắc được trao truyền từ đời này sang đời khác sẽ góp phần điều chỉnh hành vi suy nghĩ, hướng con người đến những điều tốt đẹp của chân, thiện, mỹ.
Sinh thời, khi đề cập đến mối quan hệ, gắn bó hữu cơ giữa các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá, Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá”(2). Theo đó, người làm lãnh đạo, quản lý phải thấy được mối quan hệ biện chứng giữa các lĩnh vực; vị trí, vai trò của từng lĩnh vực trong đời sống xã hội. Phát triển phải đảm bảo sự đồng bộ, hài hoà, cân đối, tránh xem nhẹ, thậm chí coi thường, lãng quên bất cứ một lĩnh vực nào. Sự xem nhẹ một trong các lĩnh vực sẽ dẫn đến hậu quả là sự khủng hoảng, đứt gãy và mất cân đối nghiêm trọng trong quá trình phát triển, đe doạ đến vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh và phát triển toàn diện con người.
Đề cập đến vai trò của văn hoá, văn nghệ với công cuộc kháng chiến, kiến quốc, xây dựng cuộc sống mới, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Người cũng từng nhấn mạnh vai trò đặc biệt của văn hoá đối với hoạt động kinh tế, chính trị: “Văn hoá, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”(3).
“Văn hoá trong kinh tế và chính trị” là cách nói giản dị nhưng hàm chứa những triết lý sâu xa. Văn hoá không thể đứng ngoài mà phải thẩm thấu, hiện diện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, nhất là trong kinh tế và chính trị. Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Hồ Chí Minh cũng không quên căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(4).
Những biểu tượng kết tinh giá trị văn hóa, lịch sử, chính trị của mỗi quốc gia có ý nghĩa cao quý và thiêng liêng, là niềm tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi công dân_Ảnh: Tư liệu |
Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán quan điểm phát triển đồng bộ, hài hoà, có sự phối hợp của các thành tố, lĩnh vực, nhất là kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, tạo sức mạnh tổng lực để thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Trong Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng ta đã khẳng định: “Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện. Văn hóa là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực của phát triển kinh tế. Các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, kỷ cương…”(5).
Văn hóa là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực của phát triển kinh tế. Các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện. |
Đại hội IX của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa và giáo dục, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc,..”(6). Cùng với chỉ ra điều kiện tiên quyết bảo đảm cho sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước là dựa trên cơ sở phát triển đồng bộ cả ba lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, Hội nghị Trung ương 10 khóa IX (năm 2004) đã xác định: “Bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội; tạo nên sự phát triển đồng bộ của ba lĩnh vực trên chính là điều kiện quyết định bảo đảm cho sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước”(7).
Đại hội X của Đảng (tháng 4/2006) tiếp tục đặt ra yêu cầu: “phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa Việt Nam…, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế”(8); “Nâng cao tính văn hóa trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân… Đặc biệt coi trọng nâng cao văn hóa lãnh đạo và quản lý, văn hóa trong kinh doanh”(9).
Cụ thể hoá quan điểm, chủ trương của Đảng về gắn kết, phát triển đồng bộ các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, các cấp uỷ đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã xây dựng, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hành động hướng tới mục tiêu phát triển hài hoà, bền vững. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được thì ở một số nơi, tính chất “phát triển hài hòa” chưa thực sự hiệu quả, công tác phát triển văn hoá ở một số vùng miền còn chậm so với tốc độ phát triển của kinh tế, chính trị, xã hội. “So với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng”(10); “Văn hoá chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước”(11).
Để khắc phục những hạn chế, bất cập, Hội nghị Trung 9 khoá XI đã đề ra quan điểm: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Đại hội XIII của Đảng cũng đã nhất quán quan điểm: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”(12).
Trong mối tương quan với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, văn hóa giữ vai trò, vị trí nền tảng tinh thần vững chắc, củng cố và duy trì khối đại đoàn kết dân tộc; là nguồn lực nội sinh, sức mạnh mềm quan trọng, góp phần quyết định vào mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước. |
“Văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” không chỉ là sự khẳng định, đề cao của Đảng đối với lĩnh vực văn hoá trong xây dựng con người và phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là yêu cầu đối với cả hệ thống chính trị, trong đó có những nhiệm vụ lớn đặt ra đối với cấp uỷ, chính quyền các cấp trong việc chú trọng nguồn lực, tài chính; quan tâm đổi mới cơ chế, chính sách nhằm khơi thông những mạch nguồn văn hoá, để văn hoá phát triển tương xứng, hài hoà với các lĩnh vực trọng yếu khác.
ĐỂ VĂN HÓA THỰC SỰ ĐƯỢC COI TRỌNG TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
Thực tế cho thấy, ở không ít nơi, việc coi văn hóa là nền tảng, động lực và mục tiêu phát triển chưa thực sự được coi trọng; vẫn còn tư duy, nhận thức coi và hiểu văn hóa như là “phong trào bề nổi”, là những hoạt động “cờ đèn kèn trống” trong đời sống xã hội. Để thực hiện tốt quan điểm về phát triển văn hoá, nhất là “văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp cơ bản như:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân về vai trò, vị trí đặc biệt của văn hoá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay, sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, lĩnh vực văn hoá có nhiều đóng góp quan trọng vào thành công chung của đất nước, nhất là trong việc xây dựng, hình thành nhân cách, lối sống tốt đẹp cho con người - nguồn lực quan trong bậc nhất quyết định đến thành công của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên, ở một số nơi, trong tư duy của một số lãnh đạo, quản lý do quá đề cao phát triển kinh tế mà xem nhẹ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hoá; văn hoá bị coi là “đuôi”, là “cái bóng” chạy theo kinh tế, lệ thuộc vào sự phát triển của kinh tế; thậm chí cho rằng nhiệm vụ phát triển văn hoá chưa mang tính cấp thiết, không phát triển cũng “chẳng chết ai”; đầu tư cho văn hoá khó có lợi nhuận... Vì thế, văn hoá không được quan tâm đúng mức, đời sống văn hoá tinh thần của người dân rơi vào nghèo nàn, đơn điệu; khoảng cách về thụ hưởng văn hoá giữa các vùng miền, giai tầng có sự chệnh lệch; mâu thuẫn giữa tình trạng đời sống vật chất được cải thiện nâng cao nhưng chất lượng đời sống văn hoá tinh thần, tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức xã hội lại có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp…
Ở không ít nơi, nhận thức văn hóa là nền tảng, động lực và mục tiêu phát triển chưa thực sự được coi trọng; vẫn còn tư duy coi và hiểu văn hóa như là “phong trào bề nổi”, là những hoạt động “cờ đèn kèn trống” trong đời sống xã hội. |
Để khắc phục những bất cập, hạn chế đó, việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội, nhất là đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý về vai trò, tầm quan trọng của văn hoá với tính chất là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực của sự phát triển; là nguồn lực nội sinh, sức mạnh mềm quan trọng của quốc gia trong phát triển bền vững sẽ có ý nghĩa quan trọng. Việc nhận thức đúng, đủ về vai trò, vị trí của văn hoá sẽ tạo sự thống nhất trong tư duy, hành động để mọi người cùng trân trọng, bảo tồn cũng như khai thác một cách hợp lý, sáng tạo nguồn lực văn hoá.
Hòa tấu cồng chiêng - tiết mục văn hóa phi vật thể tiêu biểu của đồng bào dân tộc Mường, nằm trong chuỗi các hoạt động của Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2019_Ảnh: TTXVN |
Tiềm năng, trữ lượng dồi dào của văn hoá của Việt Nam là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ cũng như góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam ra thế giới (biểu hiện qua những đặc trưng về diện mạo, cảnh quan, di sản, thắng cảnh, kỳ quan; truyền thống, phong tục đa dạng vùng, miền và 54 dân tộc anh em…). Bên cạnh đó, với truyền thống lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, các thế hệ người Việt đã sáng tạo, tiếp biến, phát triển thành những hệ giá trị tinh thần độc đáo, bản sắc, cốt cách riêng có. Đây chính là sức mạnh tinh thần, là môi trường, không gian sống lành mạnh, nhân văn, giúp con người vượt qua những khó khăn, thử thách, không ngừng tự hoàn thiện mình để có nhiều đóng góp, cống hiến cho quê hương, đất nước.
Thứ hai, xử lý hài hoà mối quan hệ giữa phát triển văn hoá với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội.
Củng cố, phát huy các giá trị văn hoá trong phát triển kinh tế - xã hội không ngoài vì con người, lấy con người là trung tâm. Do đó, cùng với những giá trị tinh thần, cần phải quan tâm tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển văn hóa. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy ý thức và tinh thần dân tộc, động viên toàn dân, trước hết là các doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng và phát triển các thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.
Trong xây dựng văn hoá trong chính trị, cần chú trọng đến văn hóa Đảng, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Theo đó, cùng với những tiêu chí văn hóa của cơ quan, đoàn thể, phải quyết liệt hơn nữa trong củng cố, phát huy phẩm chất đạo đức, tinh thần tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân... của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên.
Khi các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội có “bệ đỡ” văn hóa thì những hành vi, suy nghĩ của con người sẽ luôn được nhận thức, hướng lái về những chuẩn mực tiến bộ, nhân văn, tích cực; các giá trị nhân bản, tinh thần khoan dung sẽ được nhân lên, góp phần khắc phục những bất cập, hạn chế trong cộng đồng, do những tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường.
Một nền tảng văn hóa vững chắc cũng sẽ tạo nên “sức mạnh mềm” khắc chế chủ nghĩa cá nhân, sự suy thoái về tư tưởng đạo đức, chính trị, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.
Thứ ba, tăng cường nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hoá.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước và các địa phương đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, dành sự quan tâm, đầu tư cho lĩnh vực văn hoá phát triển, nhất là đời sống văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức thụ hưởng văn hoá giữa các vùng miền; đảm bảo quyền tiếp cận các loại hình và dịch vụ văn hoá ngày càng đa dạng của nhân dân. Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, các chương trình, mục tiêu, đề án, chiến lược về phát triển văn hoá Việt Nam, như Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới… đã tạo được nguồn kinh phí lớn từ sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước và sự đóng góp của cộng đồng các doanh nghiệp, người dân để trùng tu, tôn tạo những di tích lịch sử, công trình văn hoá; xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa ngày càng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu sáng tạo, thực hành và thụ hưởng văn hóa của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên so với yêu cầu thực tế và những vấn đề đời sống văn hóa đang đặt ra thì mức đầu tư cho văn hóa, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều hạn chế. Một số mục tiêu về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có tiêu chí tăng mức đầu tư cho văn hóa chưa đạt. Một số địa phương thiếu nguồn lực trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng nhưng đang trong trình trạng xuống cấp; việc đầu tư, xây dựng các công trình, thiết chế văn hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt, giải trí, hoạt động thể dục thể thao của người dân ở nhiều nơi còn “nửa vời”. Thiếu kinh phí, kinh phí không được đầu tư tương xứng cùng khiến việc khôi phục, gìn giữ, phát huy và trao truyền các giá trị di sản văn hóa phi vật thể chưa đạt so với mục tiêu, kỳ vọng.
Bảo tồn nét đẹp văn hóa đồng bào dân tộc Khmer - Ảnh:Tư liệu |
Hiện nay, việc tăng cường đầu tư cho lĩnh vực văn hoá, trong đó đảm bảo mức chi đạt hoặc vượt ngưỡng 1,8% đến 2,0% tổng chi ngân sách thường xuyên sẽ là một trong những điều kiện quan trọng để văn hoá và các công trình văn hoá phát triển hiệu quả, tương xứng với các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội.
Thứ tư, tổ chức thường niên diễn đàn văn hoá quốc gia.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, việc khai thác, phát huy vai trò, giá trị của văn hoá trong các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội đã và đang được các quốc gia đẩy mạnh, tăng cường thông qua chiến lược ngoại giao văn hoá, đối thoại văn hoá; đại sứ văn hoá; phát huy sức mạnh mềm văn hoá trong phát triển kinh tế- xã hội, từ đó lan toả sức mạnh, sự cộng hưởng của quốc gia này so với quốc gia khác. Bối cảnh mở của khu vực và quốc tế đang tạo ra những điều kiện, vận hội để văn hoá Việt Nam ngày càng tham gia tích cực, chủ động vào quá trình hội nhập trên cơ sở nguồn tài nguyên văn hoá đa dạng, phong phú; sự hỗ trợ của Internet, mạng xã hội, truyền thông đại chúng.
Để huy động sự tham gia, đóng góp ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà hoạt động văn hoá, văn nghệ sĩ và những người quan tâm đến sự nghiệp phát triển văn hoá, con người Việt Nam, việc tổ chức diễn đàn văn hoá quốc gia thường niên chắc chắn sẽ mang lại những tiếng nói tâm huyết, trách nhiệm, những ý tưởng sáng tạo với tinh thần cống hiến để sự nghiệp phát triển văn hoá, con người Việt Nam ngày càng phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Phát triển dựa trên những giá trị nền tảng của truyền thống lịch sử - văn hoá là xu hướng đúng đắn, khoa học, nhân văn của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Việc khơi dậy và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam cũng như đưa văn hoá thấm sâu vào mọi hoạt động của đời sống xã hội là điều kiện, tiền đề, nền tảng vững chắc khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí quyết tâm, đoàn kết của cả dân tộc trong việc thực hiện mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa như Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra./.
TS. Nguyễn Huy Phòng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
_________________________
(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1994, t.19, tr.116.
(2) Hồ Chí Minh: Về văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh, H, 1997, tr.11.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.7, tr.246.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.622.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1998, tr.55.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, tr.88.
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VII, IX) về văn hóa, xã hội, khoa học- kỹ thuật, giáo dục, đào tạo, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2005, tr.283.
(8) (9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, tr.106, 213.
(10) https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xi/nghi-quyet-so-33-nqtw-ngay-962014-hoi-nghi-lan-thu-9-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xi-ve-xay-dung-va-phat-trien-590
(11) (12) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.I, tr.84, 110.
- Mối quan hệ giữa Mặt trận Việt Nam với nhân dân, các tổ chức trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội (14.10.2024)
- Lịch sử phát triển của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10.10.2024)
- Xử lý vi phạm pháp luật về giao thông “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” (05.10.2024)
- 11 năm Ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (4-10-2013/ 4-10-2024): Suốt cuộc đời quán triệt tinh thần “Dĩ công vi thượng” (04.10.2024)
- Phát huy “thế trận lòng dân” trong công tác PCCC và CNCH góp phần giữ vững ANTT và an sinh xã hội (04.10.2024)
- Phản bác những hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc gây mất ổn định an ninh trật tự hiện nay (27.09.2024)
- Để không ai bị bỏ lại phía sau (24.09.2024)
- Một số nội dung đáng chú ý tại Luật sửa đổi luật Cảnh vệ năm 2024 (24.09.2024)
- Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát (24.09.2024)